Trong "căn nhà vé số"

.

Với những người bán vé số dạo trên địa bàn quận Sơn Trà, căn nhà 67 Lê Hữu Trác bao lâu nay trở thành ngôi nhà thứ hai của họ. Ở đây, họ được miễn phí tiền trọ, điện nước, sống nương tựa và đầy tình yêu thương…

Từ những người xa lạ, các bà, các cô sống cùng nhau trong “căn nhà vé số”, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. 	     Ảnh: Q.Tr
Từ những người xa lạ, các bà, các cô sống cùng nhau trong “căn nhà vé số”, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Ảnh: Q.Tr

Một ngày lang thang

5 giờ 30 sáng, căn phòng nhỏ cuối dãy nhà trọ rộn rã hẳn lên. Một ngày làm việc của những người bán vé số bắt đầu.

Bà Lâm Thị Ái (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng  Ngãi) luôn là người dậy sớm nhất. 68 tuổi, chân cẳng yếu, đau luôn, dẫu thèm chút giấc ngủ buổi sáng nhưng bà sợ chỉ cần nằm ráng một chút thôi là đôi chân đau này sẽ bị chậm hơn người khác, đồng nghĩa sẽ bán được ít vé số hơn. Thời tiết Đà Nẵng dạo này mưa nắng thất thường. Tại chỗ nằm của bà giăng đầy những quần áo chưa kịp khô.

Bà Ái cúi xuống gầm giường lôi ra cái va li nhỏ đã sờn cũ để tìm chiếc áo nỉ dài tay. Mặc áo vội vàng, với tay lấy cái nón lá rồi chân nọ đá chân kia, bà lật đật rời khỏi phòng. Ở giường bên cạnh, bà Đinh Thị Qua (54 tuổi, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nhăn mặt, lầm bầm: “Sáng mô “chỉ” (bà Ái) cũng tất ta tất tưởi. Khổ thân!”. Lời “cằn nhằn” của bà Qua đã mở đầu cho những câu chuyện không đầu không cuối, vội vã buổi sớm mai căn phòng này. “Ông trời mưa chi mà mưa miết! Mưa gió ri chắc phải lấy thêm chục “vé số cào”, “vé số bóc” để bán…”, bà Trần Thị Ngọt (65 tuổi, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) than thở. Miệng nói vậy nhưng mưa gió không ngăn được họ nhanh chóng sửa soạn rời khỏi nhà kịp phục vụ các “thượng đế” uống cà-phê sớm.

Bán mỗi tờ vé số các bà, các cô lời được 1.000 đồng. Ngày nào bán hết vé, mỗi người cũng kiếm được từ 70.000 đến 100.000 đồng. Họ ăn sáng, ăn trưa, có khi mua thêm chai nước uống hết khoảng 30.000 đồng, còn lại được 40.000 – 50.000 đồng. Để kiếm chừng đó, đôi chân họ phải “cày nát” hàng chục con đường. Hỏi các bà, các cô sao buổi trưa không về ngả lưng một chút để chiều đi tiếp, ai nấy trả lời: Buổi trưa là thời điểm dân lao động, công nhân, thợ nề… nghỉ làm việc nên phải tranh thủ bán. Đến khoảng 6 giờ 15, cả khu nhà chìm trong yên lặng. Khu nhà trọ này có khoảng 3 phòng. Mỗi phòng ở 4 người. Số lượng không cố định vì những người bán vé số thường xuất thân từ nhà nông, chỉ ra bán mỗi lúc nông nhàn.

Đông đủ nhất là dịp hè và Tết. Hầu hết là các bà, các cô đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khu nhà trọ chỉ thực sự có sức sống, có tiếng động khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Đó là khoảng thời gian từ 3-5 giờ chiều. Khi đó, đội quân bán vé số trả vé, về nhà cơm nước, tắm giặt và sẽ lại tiếp tục đi bán đến 9, 10 giờ đêm.

15 giờ, về nhà sớm nhất, còn đeo chiếc túi đựng vé số trên vai, bà Ngọt vội vã cắm nồi cơm điện nấu nước nóng tắm. Sau bà Ngọt, các bà, các cô khác cũng lục đục về. Họ tranh thủ nấu cơm, tắm giặt. Tiếng chuyện trò làm ấm cả khu nhà.

17 giờ là có giấy dò số. Bà con trong khu trọ lại lũ lượt ra khỏi nhà. Họ phải nhanh chân, vì người mua vé số cần xem giấy dò để so kết quả rồi mới tính đến việc mua tiếp hay không. Nếu họ đã mua của những người đến trước thì cơ hội cho người bán sau không còn. Chỉ thoáng chốc, vài chục người đi hết. Có những người chưa kịp ăn bữa cơm chiều. Ngôi nhà lại trở nên vắng lặng.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời riêng

Ngồi trên giường, vuốt phẳng phiu những tờ vé số mới nhận, bà Ngọt kể chuyện đời mình. Bà cũng từng có chồng, có con nhưng những ngày hạnh phúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau khi chia tay chồng, bà trở thành người không nhà cửa, không người thân (ba mẹ bà mất sớm, anh chị em không còn ai).

Bao năm nay, mỗi năm, bà chỉ về quê một lần duy nhất dịp đầu năm để nhận thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo. Vậy mà đầu năm nay, bà về nhận thì không được nữa. Chính quyền xã bảo bà đi khỏi địa phương 5 tháng trở lên sẽ bị cắt chế độ. Nói rồi, bà buồn buồn: “Tui chừ như người không quê quán, không có miếng đất cắm dùi. Con cái cả năm không gọi điện cho mẹ hỏi thăm một câu. Ngày thường bươn chải thì không nhớ, chớ Tết nhứt là buồn đứt ruột. Họ về quê ăn Tết với người thân. Chỉ mình tui thui thủi. Mấy năm ni đón Tết duy nhất với… mì tôm thôi”.

Bà Ngọt không biết chữ. Mấy lần, có những người tốt bụng thấy bà ăn hộp cơm khô rốc bên vỉa hè, họ chỉ bà đến các quán cơm từ thiện. Họ nói tên quán, tên đường, nhưng vì không đọc được, thành ra bà không biết để đến.

Bà Ái lớn hơn bà Ngọt vài tuổi. Bà cũng một thân một mình; tuy nhiên, “may mắn” hơn bà Ngọt, bà Ái còn căn nhà nhỏ ở quê. Vài ba tháng một lần, chân đau nhức quá không đi bộ nổi nữa thì bà về quê, dăm bữa nửa tháng lại ra. Bà dậy sớm nhất, về muộn nhất phòng nhưng bà đi chỉ bằng nửa người ta. Nhiều người ở khu trọ khuyên bà đi bán ban ngày thôi, đêm nghỉ nhưng bà không chịu.

Với bà, nghỉ một đêm nghĩa là sẽ phải làm nhiều hơn vào ban ngày để bù lại. Hỏi bà đi bán “hy vọng” cho người ta thì có bao giờ giữ lại 1, 2 tờ để nuôi hy vọng cho mình không, bà cười: “Tui chỉ giữ vé mà khách cho thôi. Chớ tui không dám tự giữ vé. Giữ rủi không trúng là mất chục ngàn bạc”.

Trong căn phòng này, bà Qua là người trẻ nhất, và cũng có sức khỏe nhất. Bà có xe đạp nên đi thiệt xa, vào tận xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) để bán. Bà Qua có hai đứa con và mấy sào ruộng ở quê. Theo những người đồng hương, bà ra Đà Nẵng bán vé số gần 3 năm nay. Bà Qua còn có mẹ già đã 90 tuổi, mù lòa ở quê.

Mấy ngày trước, nghe tin quê nhà bão lũ, lòng bà như có kiến bò. Gọi điện mãi về quê hỏi thăm hàng xóm không được. Đêm nằm, nước mắt bà chảy ướt gối. Chỉ đến khi hàng xóm gọi lại báo tin, chính quyền xã đã sơ tán mẹ bà đến nơi an toàn, bà mới nhẹ nhõm. Bà Qua nói, bà dành dụm tiền để dưỡng già một phần, còn lại phụ giúp cho con gái nuôi đứa cháu nhỏ.

Tại “ngôi nhà chung” này, mỗi người mỗi số phận, quay quắt với cuộc sống riêng mình. Ai cũng khó khăn, chẳng ai giúp ai được về vật chất, nhưng khi trong phòng có người đau ốm, người đi bán về sớm sẽ nấu giùm miếng cháo, mua giùm liều thuốc; đôi khi, họ chia sẻ với nhau chai nước, hộp cơm nếu gặp nhau trên đường đi bán, chừng đó đủ ấm lòng.

Chúng tôi tìm gặp chủ khu nhà trọ, vợ chồng ông Sơn-bà Tuyết, cũng ở gần đó. Dẫu ông Sơn luôn nói ông chưa làm được gì, ông không muốn nói về mình… thì cũng không ngăn được những người bán vé số ở khu nhà trọ bộc lộ nhiều tình cảm dành cho ông. Họ nói rằng, nếu không có ông thì không có họ. Ông không chỉ trao cho họ “cần câu cơm” mà còn tạo cho họ nơi ăn chốn ở đàng hoàng, sạch sẽ nơi đất khách và lại không lấy một đồng nào. Cảm động nhất là những ngày họ ốm. Vợ chồng ông Sơn không chỉ thăm nuôi trong bệnh viện mà còn cắt cử người chăm sóc. Tình người là đây chứ đâu…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.