Phóng sự - ký sự

Mậu Thân – Mậu Tuất, 50 năm nhớ và nghĩ

13:32, 03/02/2018 (GMT+7)

Soạn giấy bút, tính viết một cái gì đó chào năm 2018, Xuân Mậu Tuất, thế là những ký ức Mậu Thân ùa về tươi nguyên hình ảnh, đủ đầy sắc màu âm thanh. Có lẽ không riêng tôi mà ở Quảng Đà này, ở đất nước này, ai có can dự ít nhiều đến sự kiện Mậu Thân đều như vậy.

Người dân Đà Nẵng đón chào đoàn xe chở quan khách dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân Đà Nẵng đón chào đoàn xe chở quan khách dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nửa thế kỷ đã đi qua, đâu có phải ngày một ngày hai, vậy mà nhớ lại tôi vẫn quá đỗi ngạc nhiên không hiểu sao ngày ấy quyết định chiến lược 2T (tổng khởi nghĩa, tổng công kích - chúng tôi vẫn gọi vậy) lại được tuyên truyền phổ biến nhanh rộng và nhiệm màu đến thế. Mỹ đã đổ mấy chục vạn quân vào Đà Nẵng và cả miền Nam, chúng sử dụng một khối lượng khổng lồ bom đạn, chất độc hóa học, binh khí kỹ thuật hiện đại, chiến tranh ác liệt diễn ra ở mọi nơi. Còn chúng ta vẫn chủ yếu là cây AK và bom mìn tự tạo, cái võng và ruột nghé gạo. Phương tiện truyền thông của chúng tôi chỉ là quét và giữ, một khung gỗ căng một miếng vải, một cái rulo để in roneo, và hiện đại nhất là chiếc loa pin.

Chúng tôi được giải thích và lại giải thích cho bà con: Lần này mình sẽ dốc toàn lực đánh vào cơ quan đầu não, hang ổ cuối cùng của Mỹ, thành phố, không chỉ có đánh mà còn nỗi dậy khởi nghĩa rầm rộ như 76 ngày mùa Xuân 1966, dứt điểm ở thành phố là toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Chỉ biết như vậy là ai đấy đều hồ hởi thấy trúng bụng mình và thành phố - trong trận đánh cuối cùng này là nói phải đi tới, mục tiêu phải chiếm lĩnh.

Trong những ngày ấy, chúng tôi đi mà chân không bén đất. Chu Cẩm Phong nói là “đi như sóng như gió”.

Ở Gò Nổi chạng vạng chiều, đâu đó loan đi một tin: “Đường cái ngang (Kiểm lâm An Hòa) trống rồi, không có địch phục”. Mọi người hè nhau gùi gạo lên căn cứ. Mọi người mang chiếc gùi bằng vải của mình đến một điểm kho tự vào gùi, khi nào cũng cố gùi hơn sức mang của mình, rồi như rồng rắn kéo nhau đi. Ở bến đò Mỹ Lược có một điểm trút gạo quay về đến nhà gà đã gáy sáng. Cũng ở Mỹ Lược có những nhóm khác lại gùi chuyển tiếp lên ranh. Cây cốc An Bằng cũng vui như trẩy hội.

Có một đêm, cối từ Kiểm lâm rơi trúng đội hình, một em nhỏ bị thương, em nhỏ lắm không thuộc diện đi dân công nhưng em nhất định đòi đi, gùi gạo của em chỉ chừng hơn 30 lon. Một người được phân công đưa em đến trạm xá, mọi việc vẫn bình thường. Ai đó nói như ra lệnh không phải chỉ là khuyên nhủ “giãn đội hình ra, lỡ có trúng cũng ít thương vong”.

Tôi nhớ một tối ở bến đò Mỹ Lược, trời đầy sao, không rõ mặt người, nghe tiếng biết là người quen ồ lên chào nhau. Họ lấy làm lạ, tại sao lúc này lại có người lên căn cứ. Người đi lên nói lớn “Có việc đi lên ít bữa xuống liền chừ”. Tất cả mọi người đi về một hướng, một nơi phải đến, một mục tiêu phải chiếm lĩnh.

Trên trái đất này, có dân tộc nào lại cùng nhau đi vào trận đánh hồ hởi, tự giác và đồng lòng đến thế. Những con người vào trận ấy thật vô cùng bình dị bỗng nhiên có phép màu hóa thành một người khác, một thực thể khác. Như thơ của Nguyễn Đình Thi ca ngợi họ “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, “Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng”.

Chị Hồng, Hội trưởng Phụ nữ Điện Bàn cầm cờ dẫn đầu một đội quân mẹ chị cả mấy trăm người nhập thị trấn Vĩnh Điện từ ngả Bình Long. Chị và những hội viên của mình từng mặt giáp mặt với Mỹ những ngày Mỹ đi càn đầu tiên. Họ chặn đầu xe Mỹ, bẻ một cành dương chỉ hướng cho xe chạy. Dù ngôn ngữ bất đồng, chúng vẫn phục tùng cành dương này, công sự của anh em ta không bị ủi sập, hoa màu của đồng bào không bị chà nát. Chị cũng đã nhiều lần dẫn đầu đội quân tóc dài nhập đồn đòi chúng không được nã pháo vào làng, không được tàn sát dân lành.

Nhưng đây là cuộc đấu tranh “đuổi Mỹ lật ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, chị phải xông tới. Có tiếng súng nổ, chị vẫn giơ cao cờ Mặt trận và thúc giục chị em tiến lên.

Cô gái ấy rất trẻ. Mùa xuân 1968 có lẽ cô mới đôi mươi. Cô lớn lên ở một làng quê Đại Lộc, cô mới ra Đà Nẵng một vài lần, chỉ biết chợ Cồn và một vài con đường lớn. Trong tổng tấn công, tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân, cô được giao một nhiệm vụ đặc biệt đem thư của Mặt trận Dân tộc giải phóng trao tận tay tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Vùng 1 Chiến thuật. Cô chẳng biết tư dinh của tướng Lãm ở đâu và không rõ bằng cách nào cô vào được chốn hang hùm. Tướng Lãm chưa hết choáng vì sự xuất hiện đột ngột của cô gái và bức thư. Tống giam một Việt cộng là hoàn toàn có thể. Y cũng có thể hạ gục cô gái ngay ở phòng khách này, lại cũng có thể đưa cô gái đến một địa điểm nào khuất vắng bí mật thủ tiêu. Nhưng có lẽ vẻ uy nghi, hiên ngang như thiên thần của cô gái đã khiến y cho thuộc hạ đưa cô ra xe, cho xe chạy lòng vòng đánh lạc hướng rồi thả cô xuống một khúc đường không một bóng người, không ánh đèn.

Vào thời khắc quyết định, phút giao thừa Xuân Mậu Thân ở chùa Tỉnh Hội, bà con Phật tử đi lễ chùa đông dần dần, từng nhóm một ánh đèn rực rỡ, mùi hương trầm thơm ngát. Phan Duy Nhân trong bộ đồ lớn mới cứng, ủi thẳng nếp. Gương mặt sáng láng với cặp kính rất trí thức.

Anh nhận ra trong những người đi lễ chùa ấy có đông đủ gương mặt thân quen Trần Quang Tuấn, Lê Nguyên Hồng, 2 chiến sĩ trẻ nhất, Minh Hà và Cẩm Nhung, Hoàng Nam và Huỳnh Liên, cả chị Thành và hình như có cả chị Năm Vụ, chị Sáu Đừng và cả những cơ sở từ lâu giấu mình hoạt động ở Thạc Gián, Hòa Cường, Nại Hiên và cả những người chung lưng đấu cật với anh 76 ngày nổi dậy làm chủ Đà Nẵng của năm trước, anh nhìn họ tất cả đều thân thiết, tin cậy.

Anh thoáng thấy anh Hồ Nghinh (Bí thư Đặc khu ủy), người cha, người thầy vô cùng thương quý đã dìu dắt anh đi theo con đường này, anh cảm thấy ấm lòng. Nhưng rồi anh lo lắng những giờ phút kịch tính nhất sắp tới làm thế nào để anh Nghinh thoát hiểm. Bao nhiêu người, bao nhiêu công việc đang chờ anh, đang cần anh, Phan Duy Nhân cầu mong mọi sự an lành.

Từ sân chùa này, Phan Duy Nhân phải là một ngòi pháo. Anh dẫn đầu đoàn tuần hành, đoàn người đi ngày càng đông, đi về phía chợ Cồn rồi đi xuống Tòa Thị chính, lộ trình này sẽ làm động địa kinh thiên. Phan Duy Nhân bấm micro, bắt đầu thực hiện kịch bản, anh là một thầy giáo với những bài giảng khúc chiết sôi nổi; anh là một nhà thơ với những vần thơ nồng cháy thiết tha tình tự dân tộc, bây giờ anh là một chiến sĩ khởi nghĩa kêu gọi mọi người thấy rõ những vết thương khổ đau tan nát của đất nước của dân ta do chiến tranh xâm lược của Mỹ và vùng dậy đuổi Mỹ lật ngụy.

Cảnh sát dã chiến ùa tới, chúng nã đạn vào Phan Duy Nhân, chân của anh trúng đạn, máu chảy xối xả, chúng nhào túm lấy anh lôi lên xe, Minh Hà nhảy lên giữ lại, anh tiếp tục kêu gọi mọi người.

Đại sự bất thành, bị thương nặng, sa vào tay giặc, tinh thần khởi nghĩa vẫn sôi sục trong anh. Một tốp thầy thuốc Hoa Kỳ đứng quanh anh thăm khám. Bằng cái chân lành còn lại, anh hất tung cái khay i-nốc sáng loáng đầy y cụ rồi hét lên, “hãy đưa tôi lên các bác sĩ Việt Nam”. Sau này anh nói với tôi, đến với các bác sĩ Việt Nam anh có điều kiện thoát khỏi giam cầm trở về với đội ngũ. Ý chí tiến công, niềm tin quyết thắng đi cùng với anh suốt 8 năm tù ngục nghẹt thở cho đến khi anh được trở về, tôi lại nói với anh, nó còn theo anh mãi cho đến khi anh nghỉ hưu, cả những ngày anh sống ở chùa “mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặn đã ưa nâu sòng”.

Với nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng, những người 2T hành động như những thiên thần, họ đã làm nên bao huyền tích Mậu Thân.

Những ngày sau Mậu Thân, chúng tôi được lệnh lui về bảo tồn lực lượng, lòng trĩu nặng tức tưởi đau đớn, phần vì các đồng chí đồng đội hy sinh chưa khi nào nhiều như vậy. Mà đâu chỉ có thế, ngày nào cũng có những tin dữ. Rồng xanh Mãnh hổ Đại Hàn tàn sát bà con mình ở Điện Dương, Duy Nghĩa, Mỹ giết hại cả trăm người ở La Thọ, Thủy Bồ. Chúng tôi như còn một món nợ với dân chưa trả được và nhất định phải trả. Người xưa lâm vào cảnh chúng tôi bây giờ đã “ngày quên ăn đêm quên ngủ ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa”. Còn chúng tôi, chúng tôi đọc mãi những câu thơ của Thu Bồn “Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/ Như người yêu gọi người yêu xa cách” - những câu thơ nhắc nhở chúng tôi về món nợ ấy.

Chắc chắn rằng không cần một cuộc bình chọn bài bản, đúng quy trình, mọi người Đà Nẵng (và Việt Nam) đều đồng ý Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là sự kiện ngoại giao-kinh tế (và cả các lĩnh vực khác) nổi bật nhất của thành phố Đà Nẵng trong năm 2017.

Trong thế giới đương đại, việc một nước đăng ký tổ chức Thế vận hội Olympic là chỉ dấu nước đó đã trở thành một nước phát triển. Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước nghèo và chậm phát triển. Với Việt Nam đăng cai Thế vận hội Olympic là việc của một tương lai không gần.

Dù vậy thì việc Việt Nam, Đà Nẵng tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là một sự kiện ghi dấu một bước phát triển đáng phấn khởi nhiều ý nghĩa.

Tất nhiên công đầu thuộc về những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã thiết kế và điều hành hàng trăm hoạt động đa phương với sự tham gia của nhà lãnh đạo các nền kinh tế, các quan chức cấp cao, các doanh nghiệp hàng đầu, các nhà báo và đại diện các cơ quan truyền thông. Trong đó có 3 nhà lãnh đạo của 3/5 siêu cường, có quyền phủ quyết các nghị quyết của Liên Hợp Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, 3 nhà lãnh đạo 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Donald Trump, Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Việc họ xuất hiện cùng một lúc ở Đà Nẵng với các nhà lãnh đạo khác, gương mặt tươi vui, bước đi phấn chấn đem niềm tin an lành từ diễn đàn này đến với một thế giới nhiều bất đồng và bất định.

Không phải là suy diễn quá đà, nhưng chắc chắn rằng một bầu khí quyển, một môi trường sinh thái yên bình trong trẻo của đông đảo cư dân thành phố thân thiện và văn minh đã góp phần quan trọng làm nên tâm thế ấy.

Những ngày đầu tháng 11-2017, Đà Nẵng mưa dầm dề, hoàn lưu bão, sóng dữ, gió mạnh, những băng-rôn, áp-phích, cờ màu, cổng chào, đèn lồng rực rỡ của thành phố sẵn sàng chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC tơi tả. Hàng núi rác tấp vào bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Không ai trách Ban tổ chức, cũng không ai trách người Đà Nẵng, nhưng là chủ nhân của thành phố mến khách này, họ không thể không cùng các công nhân vệ sinh môi trường, chiến sĩ bộ đội, công an, lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia dọn rác. Họ biết rằng, tất cả lực lượng chuyên nghiệp và phương tiện hiện có dẫu có dốc hết sức cũng không thể làm đẹp cho gương mặt Đà Nẵng kịp giờ đón khách và họ phải ra tay.

Nói đi cũng xin nói lại, thời tiết đỏng đảnh, chợt mưa chợt nắng, nhiều lúc lại như dành cho những khoảnh khắc tạnh ráo trong xanh khi có những hoạt động ngoài trời quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC. Và kỳ lạ thay, ngày 10-11, ngày hoạt động đỉnh cao, quan trọng nhất của APEC, trời nắng đẹp đến nao lòng, anh bạn tôi, ông Huỳnh Văn Chính 29-3 tức cảnh thốt lên lời thơ:

“Đang mưa dầm bỗng dưng trời nắng đẹp
Phải chăng trời mong APEC thành công
Trời phải thế và lòng người phải thế
Đà Nẵng ơi rạng rỡ đến vô cùng”

Người Đà Nẵng dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT, họ sẽ bị chậm ít hay nhiều phút hay đi đường khác dài hơn, họ không một chút khó chịu bực mình. Họ vẫn cười, nụ cười Đà Nẵng và biết đây là góp phần làm cho đại sự thành công. Họ đứng bên đường, trên mình lòa xòa tấm áo mưa, gương mặt tươi rói chờ các đoàn xe APEC đi qua. Còn hơn thế, họ muốn gương mặt của mình sẽ thể hiện những tình cảm với các cung bậc khác nhau và đó không phải là giả là diễn.

Những người được làm những việc trực tiếp phục vụ cho APEC thì tuân thủ nghiêm ngặt mọi yêu cầu. Ông chủ quán mì Quảng chăm chút từng trái ớt, sợi hoa chuối, bởi ông biết đây là cơ hội ngàn năm có một để quảng bá món đặc sản quê hương, một nét đẹp văn hóa ẩm thực. Một thực khách APEC hấp dẫn mùi vị lạ đã phá lệ đến xin cho anh được ăn cú đúp, có thế mới đã.

Không có một sơ suất nào dù nhỏ, không có một điều gì đáng trách, tất cả đều trên cả tuyệt vời, những lời khen ngợi này dành cho họ, cho những người Đà Nẵng không tên tuổi nhưng nếu không có họ, không có ý thức trách nhiệm cao của mỗi công dân thành phố, không có nhận thức đúng về chỗ đứng và phận sự của mình thì chúng ta cũng không thể nào có một APEC hoàn mỹ trong lòng bè bạn và trong chính mình.

Nói về những sự kiện của Đà Nẵng năm 2017, không thể không đề cập Văn bản kết luận số 292 ngày 21-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Có một anh bạn biết tôi dự định viết ít hàng về chuyện ấy đã mượn câu Kiều nói với tôi “Ngày vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi”.

Tôi thì nghĩ, mọi sức mạnh đều trước hết phải ở sự thật.

Trong lịch sử Đảng bộ Đà Nẵng (nhiều thời đoạn là Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng) suốt 88 năm chiến đấu và xây dựng chưa khi nào có chuyện người đứng đầu Đảng bộ và tập thể lãnh đạo chủ chốt (Ban Thường vụ Thành ủy) bị thi hành kỷ luật với một văn bản của Trung ương xác định rõ ràng, giấy trắng mực đen.

Chúng ta nhớ rằng, Đảng bộ Đà Nẵng (Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng) chính thức thành lập ngày 28-3-1930, chỉ 53 ngày sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Là một Đảng bộ ở một địa bàn đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, dày dạn kinh nghiệm, từng vượt qua bao thử thách khó khăn, một Đảng bộ có nhiều thành tích vẻ vang với Đảng bộ Đà Nẵng trước nay ta chỉ nghe, chỉ đọc những lời tôn vinh ca ngợi, đặc biệt là trong vai trò đi đầu trong cuộc chiến đấu chống xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngay năm 1994, khi tình hình Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều vấn đề nảy sinh, cùng một lúc Trung ương phải cử 2 Ủy viên Trung ương vào giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, cũng không có một văn bản nào tương tự như Kết luận 292.

Khi văn bản ấy mới ban hành, nhiều cán bộ, đảng viên thông thì có thông nhưng cũng còn có ý cho rằng có lẽ hơi nặng nề (?!).

Bây giờ sau khi phát lộ vụ “Vũ nhôm”, chúng ta mới thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề như câu hỏi của tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: “Một chính quyền như thế này mà lại có thể để như thế. Làm sao chấp nhận được. Có phải là sự sỉ nhục đối với chúng ta hay không” trong buổi gặp gỡ các tướng lĩnh, cán bộ quân đội cao cấp nghỉ hưu.

Nhân sự kiện này cũng có ý kiến nêu vấn đề cộng đồng dân chúng có vai trò như thế nào, có chịu hệ lụy gì.

Nói cộng đồng dân chúng Đà Nẵng vô can với Kết luận 292 thì không được rồi, nhưng nói nếu họ gánh chịu mọi hệ lụy tiêu cực của sự việc này thì cũng không thỏa đáng. Giữa họ và người đứng đầu (và tập thể lãnh đạo chủ chốt) đương nhiên là có liên quan rồi. Nhưng còn có một mặt khác do sự độc lập tương đối giữa hai thực thể này. Nói theo ngôn ngữ dân gian “Cơm dân dân ăn, việc dân dân làm” chính với thực tiễn này mà cuộc sống ở Đà Nẵng vẫn cứ thế phát triển đổi mới. Những người dân Đà Nẵng yêu thành phố có trách nhiệm cao với thành phố, trọng đạo lý, biết tuân thủ pháp luật đã làm cho các chỉ số phát triển của Đà Nẵng và các thứ bậc xếp hạng vẫn luôn luôn nằm ở vị trí đứng đầu và đã thực hiện xuất sắc vai trò chủ nhân thành phố đón chào sự kiện APEC 2017.

Từ Kết luận 292, nói lan man nhiều chuyện, song chốt lại vẫn là nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Cụ Hồ nói điều đó cách đây 70 năm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc mà như nói với chúng ta, với Đảng bộ Đà Nẵng.

Cuốn phim Mậu Thân-Mậu Tuất 50 năm trôi đi chầm chậm.

Bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu con người song ấn tượng hơn hết với tôi vẫn là những bà mẹ Đà Nẵng xin kể thêm một đôi điều.

Bà mẹ ấy nghe con cháu nói với nhau loáng thoáng về 2T, về đại quân sẽ vào Đà Nẵng. Theo cách của mình, bà chuẩn bị: mua dần 10 bao gạo, thứ bao sọc xanh, 50kg đầy đặn và 1 ghè đầy dưa gang muối. Sau Mậu Thân, con gái bà đi ở tù, bà không than trách, gặp mấy anh chị, bà nói vui “bay báo hại tao, ăn cho đến khi mô mới hết ghè dưa muối”, 8 năm sau, giờ đây đã phải ngoáy trầu nhưng bà vẫn nhanh nhẹn tinh tường. Ngày 29-3-1975, bà xáp vào đám lính ở gần đồn Đông Giang khuyên bảo họ “chiến tranh sắp chấm dứt, mấy chú cởi bỏ bộ đồ lính đi, vứt súng xuống, về với gia đình với đồng bào”. Họ nghe theo bà, không chạy ra biển. Ngô Quang Trưởng chạy thoát thân chứ họ lúc hỗn quân hỗn quan này chắc chết trên biển. Hôm sau bà lại tất tả cùng các mẹ chị ra ven quốc lộ vẫy chào các chiến sĩ giải phóng quân trẻ măng ngồi trên những chiếc xe rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn. Bà không đưa cho họ dưa muối và gạo, bà trao cho họ xôi ngọt, bánh khô mè và nhiều bánh trái quê nhà. Tôi biết rõ, bà không thể có mặt ngày hôm nay trên thành phố đáng sống này, đứng bên đường cười móm mém mà rất tươi chào đón những vị khách quý APEC.

Những con người ấy yêu mến và gắn bó với thành phố này, có ý thức trách nhiệm cao với thành phố, biết rõ chỗ đứng và phận sự của mình. 50 năm qua hay 100 năm nữa, tôi vẫn thấy các mẹ đẹp mãi, và đáng yêu mãi, những con người ấy.

NGUYỄN ĐÌNH AN

.