"Cõng" vốn về cho dân

.

Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) ở các khu dân cư được ví như “cánh tay nối dài” mang nguồn vốn tín dụng chính sách về tận tay người dân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và đúng nhu cầu. Họ đã góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo - một trong những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng sau 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương.

Bà Trương Thị Thu Năm (bìa trái), Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn số 2 thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) bên đàn bò mà bà Trần Thị Nhiên mua từ vốn vay tín dụng chính sách. 		Ảnh: KHÁNH HÒA
Bà Trương Thị Thu Năm (bìa trái), Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn số 2 thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) bên đàn bò mà bà Trần Thị Nhiên mua từ vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: KHÁNH HÒA

Có người làm tổ trưởng TTK&VV suốt 15 năm, có người mới nhận nhiệm vụ. Để làm được công việc này, ngoài sự tận tâm, tận tụy, nhiệt tình và trách nhiệm thì tính trung thực là yếu tố tiên quyết.

“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Bà Trần Thị Ba, Tổ trưởng TTK&VV tổ 5, 7 và 8 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) 15 năm qua vẫn luôn gìn giữ những tấm giấy khen mà bà được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng trao tặng vì thành tích tiêu biểu trong thực hiện tín dụng chính sách. Có thời gian dài gắn bó với công tác tín dụng chính sách, bà Ba thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chương trình này đến người dân. “Ngày trước, bà con ở đây còn nghèo lắm, chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, thu nhập ba cọc ba đồng, hộ nghèo chiếm đa số. Thời đó, nguồn vốn cho vay chưa nhiều, cao nhất chỉ khoảng 7 triệu đồng/hộ. Có người sử dụng hiệu quả, chỉ vài năm sau đã trả được cả gốc lẫn lãi, rồi vay tiếp để làm ăn; cũng có người vay vốn nhưng làm ăn không hiệu quả hoặc mua sắm lãng phí; có người chỉ vay 4-5 triệu đồng nhưng qua nhiều năm mới trả hết. Thời đó, đi thu tiền lãi cực lắm, có nhà chỉ thu mấy chục ngàn đồng/tháng nhưng đi 5 lần 7 lượt không thu được, có nhà do đi vắng nhưng cũng có người không có tiền để trả lãi. Mấy năm gần đây, việc thu lãi thuận lợi hơn vì phần lớn người dân đều ăn nên làm ra; cứ đến ngày 17 hằng tháng, họ tự mang lãi và gốc đến nhà gửi cho tôi”.

Suốt 15 năm làm Tổ trưởng TTK&VV, bằng sự tận tâm, tận tụy và trung thực, bà Ba chưa để xảy ra thâm hụt tiền của ngân hàng. Những hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong tổ đều được thụ hưởng nguồn vốn đúng đối tượng. Chị Hà Thị Hợi (47 tuổi, tổ 4, phường Mân Thái) rơm rớm nước mắt khi chia sẻ: “10 năm trước, gia đình tôi là hộ đặc biệt nghèo của phường, mỗi khi túng thiếu thì đi vay nóng, cứ 1 triệu đồng phải trả lãi 70.000 đồng/tháng, có khi họ thấy mình nghèo quá cũng không cho vay. Lần đầu tiên tôi nhận 7 triệu đồng vay vốn tín dụng chính sách, cô Ba nói vay vốn về là gánh thêm “cục nợ” nên phải tính toán việc sử dụng hiệu quả vốn vay. Trong vòng 10 năm, tôi vay 4 lần tiền, làm theo lời cô Ba nên đến nay đã có vốn dắt lưng”.

Ông Nguyễn Duy Thảo, Tổ trưởng Tổ tín dụng thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Sơn Trà cho biết, bà Ba là Tổ trưởng TTK&VV tiêu biểu trên địa bàn quận, hiện quản lý 49 hộ vay vốn tín dụng chính sách; luôn dẫn đầu về các tiêu chí: quản lý dư nợ trên 1 tỷ đồng, không có nợ đọng và 100% tổ viên có tiền gửi tiết kiệm với số dư trên 30 triệu đồng. “Làm nghề này, tính trung thực rất quan trọng vì chỉ cần nảy chút lòng tham sẽ dễ dẫn tới xâm tiêu, gây mất uy tín trong nhân dân. Cô Ba được dân tin yêu nên làm Tổ trưởng TTK&VV hơn 15 năm qua”, ông Thảo nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huề (55 tuổi, ở Khánh Sơn 1, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), quân nhân xuất ngũ, làm Tổ trưởng TTK&VV thuộc Hội Nông dân phường từ năm 2006, quản lý 52 hộ vay với tổng dư nợ 1,9 tỷ đồng. Trung bình một hội viên trong tổ vay từ 20-50 triệu đồng, chủ yếu để kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Suốt hơn 10 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Huề luôn phát huy sự nhiệt tâm, tận tụy trong công tác cho vay, thu nợ lãi và gốc, trung thực trong quản lý nguồn vốn cũng như đề xuất chính xác các đối tượng đề nghị được vay. Vì vậy, nhiều năm liền tổ vay vốn của ông Huề luôn dẫn đầu về số dư nợ, không có nợ đọng, 100% hội viên trong tổ thực hiện gửi tiết kiệm. “Trên địa bàn, ngày trước có nhiều người dân sống nhờ vào bãi rác Khánh Sơn, nay giải tỏa, nhiều người cần vốn để giải quyết việc làm. Các hộ trong tổ đều vay vốn để mở tiệm buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập không cao nhung cũng đủ để trang trải qua ngày”, ông Huề chia sẻ.

Cho vay đúng đối tượng, đúng nhu cầu

Nói về hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, không thể không nhắc đến huyện Hòa Vang, nơi nguồn vốn tín dụng chính sách có tác động mạnh mẽ không chỉ đối với việc nâng cao đời sống của người dân mà còn góp phần thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ tổ trưởng tổ vay vốn tại huyện Hòa Vang trong nhiều năm luôn được chính quyền địa phương, lãnh đạo Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá cao về năng lực quản lý cũng như sự nhiệt tâm, nhiệt tình và uy tín. Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang quản lý 352 tổ trưởng TTK&VV, quản lý hộ vay của 12 chương trình cho vay nguồn vốn Trung ương và 6 chương trình tín dụng vốn địa phương của 4 tổ chức: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.

Cùng với bà Trương Thị Thu Năm (55 tuổi), Tổ trưởng TTK&VV số 2 ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Nhiên (58 tuổi), hộ gia đình tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ vào đàn bò 4 con đang ăn cỏ ngoài vườn, bà Nhiên cho biết, năm 2015, lần đầu tiên vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo do bà Năm làm tổ trưởng, bà Nhiên mua được 3 con bò cái. Sau 2 năm, số bò tăng lên 6 con, trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 con với giá trị 7 triệu đồng/con. Nhờ có đàn bò này, vợ chồng bà Nhiên có thu nhập hằng tháng và hỗ trợ 4 người con ăn học, lập gia đình.

Làm Tổ trưởng TTK&VV từ năm 2003, nhiều năm liền bà Năm được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang và Chi nhánh Đà Nẵng tặng giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng xã hội. Bà Năm bày tỏ, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, người tổ trưởng TTK&VV phải sâu sát từng hộ dân, gần gũi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất những đối tượng thật sự cần vay vốn, nên vay ít hay nhiều và có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả.
Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn trên địa bàn huyện Hòa Vang không chỉ làm tốt nhiệm vụ “cõng” vốn về cho dân mà còn mạnh dạn vay vốn và sử dụng nguồn vốn hiệu quả để phát triển kinh tế hộ gia đình, làm gương cho các hộ khác, nhất là đồng bào dân tộc Cơ tu. Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Văn Lớ, Phó Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Năm 2007, khi làm Tổ trưởng TTK&VV của Hội Cựu chiến binh thôn Phú Túc, qua 2 lần vay vốn tổng cộng 14 triệu đồng, ông Lớ đầu tư mua bò. Sau gần 4 năm, đàn bò của nhà ông tăng lên gần chục con, ông có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học và sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp. Thấy ông Lớ ăn nên làm ra, nhiều bà con trong thôn Phú Túc mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) nhìn nhận, nguồn vốn tín dụng chính sách từ các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm… đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Trong đó, người tổ trưởng TTK&VV đóng vai trò cầu nối hết sức quan trọng. Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang ví von gọi những người tổ trưởng TTK&VV là những “cánh tay nối dài” giúp nguồn vốn ủy thác từ Trung ương cũng như của địa phương phát huy tác dụng, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, chương trình “Thành phố 4 an”, cùng việc triển khai đến từng người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố.

Với những tổ trưởng TTK&VV như bà Ba, bà Năm hay ông Huề, ông Lớ…, phần thưởng lớn nhất trong suốt hàng chục năm gắn bó với công tác tín dụng chính sách là tạo được uy tín và lòng tin trong nhân dân, đồng hành và tận mắt chứng kiến hội viên vay, sử dụng hiệu quả vốn vay để vươn lên ổn định cuộc sống. 

Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 11-2017, toàn thành phố có 1.835 tổ trưởng tổ kiết kiệm và vay vốn, bình quân mỗi tổ quản lý dư nợ 871 triệu đồng với 35 khách hàng vay. 15 năm qua, những “cánh tay nối dài” này đã góp phần đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương về tận tay người dân. Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng góp phần giúp hơn 88.900 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần hoàn thành sớm Đề án giảm nghèo các giai đoạn; tạo việc làm mới cho hơn 60.600 lao động; gần 63.500 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 12.953 công trình nước sạch và 14.600 công trình vệ sinh môi trường mới được xây dựng, cải tạo, nâng cấp, giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở huyện Hòa Vang...

"Để nguồn vốn tín dụng xã hội đến tận tay người dân nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng, đúng nhu cầu, người tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò cầu nối hết sức quan trọng. Chúng tôi ví họ như những “cánh tay nối dài” giúp nguồn vốn ủy thác từ Trung ương cũng như của địa phương phát huy tác dụng”.

Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân  hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.