Huyền sử Nam Ô

.

Làng Nam Ô, nằm dưới đèo Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là vùng đất của những câu chuyện nhuốm màu huyền sử, chứa đựng đời sống văn hóa tâm linh đặc sắc.

Miếu Âm linh nằm trơ trọi giữa ngổn ngang gạch đá. Ảnh: NGỌC HÀ
Miếu Âm linh nằm trơ trọi giữa ngổn ngang gạch đá. Ảnh: NGỌC HÀ

Kỳ bí phế tích miếu Bà

Nam Ô một ngày đầu tháng tư, sau lễ cầu ngư tại lăng Ông Nam Ô (16 tháng 2 âm lịch), người dân trong làng lại chuẩn bị sửa soạn mâm lễ cúng tại miếu bà Liễu Hạnh vào ngày 20-2 âm lịch. Bà Lê Thị Thu (54 tuổi, người dân trong làng) cho biết, đã trở thành tục lệ, mấy trăm năm nay, cứ đến ngày của Bà (bà Liễu Hạnh - PV) là người dân thành kính cúng bái.

Thời ông nội bà Thu, vốn là người lo chuyện lễ lộc của làng, ông không chỉ cúng bái trong miếu này mà còn mang lễ vật ra tận ngoài khơi nước (hòn Chảo nằm giữa vùng biển Đà Nẵng và Huế - PV) khấn vái, bởi dân làng tâm niệm Bà hiển hiện ở xung quanh vùng đất Nam Ô phù trợ cho người dân.

“Trong tâm thức người dân Nam Ô, Bà linh thiêng lắm. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn làm chi cũng tới khấn vái Bà”, bà Thu nói.

Cũng theo dân làng, miếu bà Liễu Hạnh hiện tại đã được xây dựng lại, còn miếu cũ mà người dân quen gọi là miễu lại nằm ở mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô. Để “mục sở thị” ngôi miễu này, chúng tôi theo chân lão ngư Huỳnh Văn Thắng (73 tuổi) men theo con đường nhỏ dẫn vào khu rừng rậm rạp, quanh co nhiều lối rẽ trên mỏm Hạc.

Không khó để lão ngư Huỳnh Văn Thắng tìm thấy phế tích miếu Bà năm xưa, hiện chỉ còn dấu tích bờ tường và bức bình phong hướng ra biển. Giữa tiếng sóng vỗ, tiếng rít của cây rừng, câu chuyện của lão Thắng càng huyền bí.

Từ khi lớn lên, ông đã nghe người trong làng truyền lại rằng miếu Bà trên mỏm Hạc có rất lâu đời, đến năm 1915, một cơn bão lớn càn quét qua làng khiến miếu Bà bị đánh sập. “10 năm sau, người dân lại xây miếu Bà, chính là phế tích này đây”, ông Thắng kể.

Vì xem Bà là nữ thần hộ mệnh cho làng nên dân làng Nam Ô khi xưa ra biển đều hướng đến miếu Bà cầu khẩn, bởi vậy mới lưu truyền bài thơ “Vọng miếu” mà các cụ trong làng hay ngâm nga trong các đêm tế lễ: Khơi lộng vào ra chốn hải tần/Vọng cầu linh miểu độ bình an/Khơi xang vũ lạo cầu Trai Tĩnh/Lộng xáp phong ba niệm Nữ Thần/Chẳng tiếc cành vàng dâng hiến nước/Thì gieo lá ngọc hộ trì dân/Trăm năm dân Ổ còn hương khói/Biến vực ngư giao hóa thủy hàn.

Lão ngư Huỳnh Văn Thắng bên cạnh phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc.
Lão ngư Huỳnh Văn Thắng bên cạnh phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc.

Theo ông Đặng Dùng – người được mệnh danh là “nhà sử học Nam Ô”, ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, ông ngờ rằng phế tích trên mỏm Hạc cũng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa.

Hơn 700 năm trước, công chúa nhà Trần đã gạt lệ xuống thuyền làm dâu Chiêm quốc, đổi lấy hai châu Ô, Rý mở mang bờ cõi Đại Việt. Huyền Trân Công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành hơn một năm thì vua chết.

Lo sợ Huyền Trân Công chúa phải hỏa thiêu theo chồng bởi tập tục của người Chiêm Thành, vua Trần Anh Tông mới sai Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng quân lính vào kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (vùng Bình Định ngày nay) cứu công chúa Huyền Trân.

Tương truyền, trên đường bôn tẩu thì khu rừng cấm Nam Ô chính là nơi dừng chân, trú ngụ cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trước khi lên thuyền về lại Đại Việt.

“Nhưng đến nay, việc công chúa Huyền Trân có ghé lại vùng đất này hay không vẫn không thấy ghi trong chính sử. Song điều này lưu truyền trong dân gian và người dân Nam Ô dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi”, ông Dùng phân tích.

Cũng theo ông Dùng, năm 1999, khi dân làng Nam Ô khởi công tôn tạo miếu bà Liễu Hạnh trên nền miếu đã hư hỏng tọa lạc tại phía tây núi gành Nam Ô thì tình cờ đào được một bộ ba bài vị bằng gỗ ròng sơn huyết còn khá nguyên vẹn, dưới nền móng một tàn tích miếu cổ cũng gọi là mếu Bà ở phía đông của núi này trên đầu mỏm Hạc, một tàn tích đã bị cơn bão khốc liệt năm Ất Mão (1915) tàn phá mà trong một bài vè địa phương có câu mô tả “xóm ngoài trôi mắm, xóm trong trôi đường”.

Khá ngạc nhiên là ba bài vị đã bị vùi trong cát đá vôi vữa nằm dưới tàn cây rậm rạp đã 84 năm (1915 - 1999) mà không hề sơ suyển, nét khắc trên các bài vị các thần hiệu vẫn rành rạnh sắc sảo gồm Chúa Tiên Thần Nữ Chi Vị, Hà Bá Thủy Quan Chi Vị, Táo Phủ Thần Quân Chi Vị. Các bài vị đã được dân làng cung thỉnh về miếu bà Liễu Hạnh.

“Sự kỳ bí của phế tích miếu Bà vẫn còn là câu hỏi. Nhưng ăn sâu vào tâm thức người dân Nam Ô, có một vị chúa tiên thần nữ là vị thần hộ mệnh cho dân làng. Vì thế dấu tích, phế tích miếu Bà trên mỏm Hạc hay miếu bà Liễu Hạnh ở vị trí hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh”, ông Dùng nói.

Vị tiền hiền “mở cõi” và miếu âm linh... thờ tử sĩ

Cũng theo ông Dùng, điều huyền bí nữa ở Nam Ô mà không thấy ghi trong chính sử, đó là người dân lưu truyền rằng để bảo vệ Huyền Trân Công chúa lên thuyền an toàn về cố quốc, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm Thành và nằm lại mãi mãi ở mảnh đất này.

Mộ của vị tùy tướng này hiện nằm sát bờ biển (nay ở gần Đồn Biên phòng Nam Ô) và thần vị được thờ tại đình làng. Các thế hệ người dân Nam Ô tôn ông là “tiền hiền triệu cơ”, nghĩa là “tiền hiền mở cõi”. Ở miền Trung, danh xưng “tiền hiền” dùng để chỉ những người có công khai khẩn, quy tụ dân chúng để lập làng, lập ấp; chứ chưa ai dùng để chỉ người “mở cõi”.

Như vậy, vị tướng này tuy không có công khai khẩn, nhưng tài đức của ông được nhớ đến và lập đền thờ, hằng năm cúng giỗ vào ngày 24-6 âm lịch. Suốt 700 năm qua, dân Nam Ô vẫn theo tục thờ cúng đó, không bỏ sót năm nào.

“Khó mà biết câu chuyện trên hư thực thế nào. Câu chuyện về Huyền Trân Công chúa hay vị tiền hiền triệu cơ vẫn là huyền sử nhưng hiển hiện trong tâm thức người dân Nam Ô là những người có công trong hành trình Nam tiến của người Việt.

Chỉ riêng chuyện Huyền Trân Công chúa chấp nhận về vương quốc Chăm để đổi lấy hai châu Ô, Rý cũng nói lên công trạng lớn lao của bà”, ông Dùng nói thêm.

Tương tự, tại Nam Ô có một miếu âm linh thờ tử sĩ rất linh thiêng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu hết các làng quê Nam Trung bộ, đặc biệt là các vùng ven biển đều có dinh, miếu, sở có tên gọi là âm linh tự, thờ âm linh (hay còn gọi là âm hồn) những người đã chết nói chung, nhất là chết mất xác ngoài biển khơi.

Do đó, việc dinh Cô Hồn còn được gọi miếu Âm Linh làng Nam Ô - nơi thờ tự các tử sĩ là một sự khác biệt, nói cách khác điều này minh chứng cho dấu ấn lịch sử của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Miếu Âm linh – nơi thờ tự những tử sĩ trận vong trong ngày đầu kháng Pháp.
Miếu Âm linh – nơi thờ tự những tử sĩ trận vong trong ngày đầu kháng Pháp.

Ngôn truyền qua các thế hệ bô lão, trong các trận chiến chống quân Pháp tại cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của hai đồn Nam Ô và Trấn biển Cu Đê cùng dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo.

Tại miếu Âm Linh có khá nhiều dòng chữ bi hùng như: Sa trường điếu cổ (Thương xót người xưa chết trên sa trường), Thiên thu hiển hách, Giai di tứ hải anh hùng, Trung quân hề ái quốc... được ghi từ thời Tự Đức và Thành Thái. Về sau, miếu Âm linh được mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng.

“Bước vào miếu Âm Linh nhiều người nói với tôi rằng cảm thấy lành lạnh, nhưng tôi cho rằng đó là sự choáng ngợp trước những dòng chữ đầy bi hùng và tình cảm linh thiêng trước những người ngã xuống vì quê hương”, ông Đặng Dùng bày tỏ.

Nghề biển xuyên suốt từ thời Chăm sang Việt

Những dấu tích còn lại tại làng Nam Ô minh chứng nghề biển xuyên suốt từ nền văn hóa Chăm sang Việt. Các bô lão trong làng cho biết, không rõ làng Nam Ô có từ khi nào, nhưng có thể khẳng định chủ nhân xưa của làng là những người Chăm sống bằng nghề đi biển.

Cách đây hơn 7 thế kỷ, vùng đất này vẫn thuộc châu Ô của Vương quốc Chămpa. Minh chứng rõ nhất tại đây là những giếng nước theo kiến trúc thành vuông của người Chăm và đến nay người dân vẫn dùng nước ở giếng này sinh hoạt.

Các giếng nước này vẫn còn dấu tích tháp Chăm Xuân Dương. Sau này, người Việt đến đây sinh sống và hành nghề đi biển với tập tục thờ cá Ông. Cha ông của làng truyền lại, lăng Ông Nam Ô được xây dựng ngay trên nền đền thờ Hải thần của người Chăm từ thời Vua Gia Long yên định cơ đồ (1802) và lưu lại nhiều dấu tích từ xa xưa phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển này.

Trong đó, phải kể đến đòn tay ở chánh điện có hàng chữ lưu ký ghi Tự Đức nguyên niên, nơi hậu tẩm còn thờ một bài vị cổ ghi danh hiệu “Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần”, biển sắc “Long ngự chính trung” (tạm dịch Vua biển ở đây) trước tiền đình (khoảng năm 1934) và bức hoành Trạch Tuyết Linh (loài linh thiêng nhất trên vùng biển) vào khoảng năm 1851.

Hiếm có nơi nào người dân trong làng có thể kể rành rọt từ miếu Bà, miếu âm linh, lăng thờ thần Nam Hải… đến dấu tích Chămpa như ở Nam Ô. Mỗi câu chuyện chất chứa nhiều kỳ bí và đậm chất bi hùng. Bản thân ông Đặng Dùng liên tục khảo cứu, sưu tầm, viết lại thật nhiều những câu chuyện dân gian, những di tích và càng tìm hiểu ông càng nhận ra “huyền sử cứ nối dài”.

Huyền sử ấy phải chăng được dệt bằng chất liệu là những lăng, đền, miếu mạo có bề dày trầm tích văn hóa một thời Nam tiến của người Việt, bằng mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ người dân làng Nam Ô bảo vệ, giữ gìn. Vì thế, điều dân làng lo sợ nhất là mất đi những giá trị văn hóa, mất đi ký ức làng chài.

Nói như lão ngư Huỳnh Văn Thắng: “Cha ông bao đời chắt chiu gầy dựng mà bây giờ không gìn giữ được là có lỗi với tiền nhân. Nếu mất đi đền thờ, miếu mạo thì chẳng khác nào bán bổ thần linh, bán bổ tiền nhân. Ai gánh nổi tội này đây”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.