BÀI THAM GIA CUỘC THI "PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI"

Thức tỉnh cộng đồng

.

“Vợ về trễ bị chồng khóa cửa cho ở ngoài, có những lời nói coi thường, xúc phạm vợ thì cũng bị xem là bạo lực à? Tôi cứ nghĩ chỉ đánh đấm mới là bạo lực chứ!” là một trong vô số điều “vỡ òa” trong các buổi sinh hoạt tại các CLB Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em gái (BLPN&TEG).

Các thành viên chủ chốt của các CLB Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là những người nhiệt tình, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư và là nhân tố quyết định sức lan tỏa của phong trào. Trong ảnh: Những buổi tập huấn của các thành viên chủ chốt.
Các thành viên chủ chốt của các CLB Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là những người nhiệt tình, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư và là nhân tố quyết định sức lan tỏa của phong trào. Trong ảnh: Những buổi tập huấn của các thành viên chủ chốt.

“Khoe” với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Châu Thủy, thành viên CLB Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG và CLB Cha mẹ học sinh trong phòng ngừa BLPN&TEG (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, qua gần 2 năm hoạt động, CLB đang đi vào giai đoạn “lôi kéo” cộng đồng, cũng là giai đoạn khó khăn nhất.

 Tuy nhiên, những buổi sinh hoạt gần đây đã nhận được tín hiệu tích cực. Ban đầu, nhiều thành viên đến sinh hoạt với tâm thế “cho có”, nhưng rồi họ đã bị cuốn hút vào những câu chuyện, tình huống được hướng dẫn viên đưa ra. Với phương châm “không điện thoại”, chỉ có chú ý, chủ động tham gia, chia sẻ câu trả lời, buổi sinh hoạt trở thành nơi giải tỏa tâm lý, khúc mắc lẫn thức tỉnh mỗi thành viên tham gia.

Ở buổi sinh hoạt đó, không có những mệnh lệnh, giáo điều sách vở mà chỉ có sự khơi gợi qua những câu chuyện đời thường như: Khi gây bạo lực với vợ con, anh có bị tổn thương, có thấy vui hay không?

Nam giới chịu các áp lực do chuẩn mực về giới trong xã hội tạo ra như phải kiếm tiền nuôi vợ con, làm chủ kinh tế gia đình, nhưng anh/chị nghĩ gì nếu thực tế phá vỡ chuẩn mực đó khi nam giới chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái với vợ, phụ nữ chia sẻ trách nhiệm làm kinh tế với chồng. Ai giỏi việc gì hơn thì làm theo năng lực.

Ai có cơ hội hơn thì được tạo điều kiện để phấn đấu? Hoặc tình huống khi bị bạo hành, anh/chị tìm đến ai để chia sẻ? Anh/chị có khi nào trao đổi cởi mở với vợ/chồng về tình dục đồng thuận hay chưa?...

“Không chỉ tình huống, các thành viên còn tham gia đóng kịch, bày tỏ quan điểm. Những thành viên nòng cốt của CLB sẽ “châm ngòi” cho các cuộc thảo luận và sau đó giúp những người tham gia tìm ra câu trả lời. Từ buổi sinh hoạt trở về, tôi biết rằng mỗi người đã “vỡ” ra điều gì đó trong ứng xử với vợ, chồng và con cái về những điều gây tổn thương cho nhau mà cứ ngỡ là bình thường, đặc biệt là bạo lực tình dục, câu chuyện hiếm ai chia sẻ.

Lâu dần, tôi tin họ sẽ biết học cách lắng nghe, thông cảm và thấu hiểu, học cách phán xét một ai đó, việc gì đó. Bản thân tôi tham gia từ những ngày chuẩn bị ra đời CLB vào năm 2014 đến nay đã trải qua tất cả cung bậc cảm xúc, tâm lý và quá trình thay đổi nhận thức về giới, về BLPN&TEG như thế”, chị Thủy chia sẻ.

Cùng với phường Hòa Cường Bắc, dự án “Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tài trợ còn thực hiện thí điểm ở xã Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) giai đoạn 2015-2016.

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, sau khi tham gia, nhiều thành viên trong CLB đã áp dụng hành vi mang tính tôn trọng và bình đẳng khi tiếp xúc với phụ nữ, đặc biệt là với vợ. Hơn thế nữa, họ biết quan tâm hơn đến quan điểm và suy nghĩ của vợ, chia sẻ việc nhà và có thái độ bình đẳng hơn với phụ nữ nói chung.

Anh Nguyễn Nhỏ, Trưởng thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), thành viên CLB “Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG” thuộc Hội Nông dân xã chia sẻ, nhiều nam giới, kể cả những người có trình độ cao cũng phản đối gay gắt việc đàn ông làm việc nhà như đi chợ, nấu nướng và giặt giũ.

Nhưng bây giờ, nam giới đã biết việc lau nhà, nấu cơm chỉ có thể làm cho không khí trong gia đình vui vẻ hơn và từ đó họ có chút “vốn liếng” để đi làm “ông hòa giải”. “Bản thân tôi khi tham gia CLB, xác định phải tiên phong, thay đổi ở chính gia đình mình nên tôi cố kiểm soát và hạn chế sự tức giận ở bản thân, mối quan hệ của tôi với vợ đã được cải thiện. Tôi đã có thể đi nói với người thân, bạn bè rồi đến hàng xóm hãy có cách nhìn khác về giới, về bạo lực”, anh Nhỏ tâm sự.

Năm 2017, dự án “Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG” tiếp tục được triển khai ở các phường Thạch Thang, Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), và các xã Hòa Châu, Hòa Bắc của huyện Hòa Vang. Tham gia CLB trong thời gian gần đây, anh Phan Văn Thu, Phó trưởng thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) cũng bước đầu có những thay đổi về nhận thức.

“Ở đồng bào tôi, phụ nữ rất vất vả, thậm chí phụ nữ làm nhiều hơn nam giới. Tuy chưa có vụ bạo lực nào trầm trọng nhưng mấy ông chồng đi nhậu về chửi, lớn tiếng với vợ thì có. Được tham dự CLB Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG của xã Hòa Bắc, tôi tiếp cận và hiểu biết hơn về sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Hy vọng những gì tôi nắm bắt được có thể chia sẻ với người dân trong thôn để đối xử tôn trọng nhau hơn”, anh Thu nói.

Các thành viên chủ chốt của các CLB Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là những người nhiệt tình, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư và là nhân tố quyết định sức lan tỏa của phong trào. Trong ảnh: Những buổi tập huấn của các thành viên chủ chốt.
Các thành viên chủ chốt của các CLB Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là những người nhiệt tình, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư và là nhân tố quyết định sức lan tỏa của phong trào. Trong ảnh: Những buổi tập huấn của các thành viên chủ chốt.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, UN Women chọn Đà Nẵng chứ không phải địa phương khác để triển khai dự án “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa BLPN&TEG” bởi 10 năm qua, tổ chức này đã theo dõi và nhận thấy Đà Nẵng có nhiều mô hình phòng, chống BLPN&TEG hoạt động hiệu quả.

UN Women cũng nhận ra rằng, một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất để xóa bỏ BLPN&TEG tại Việt Nam hiện nay là hệ thống những quan điểm và định kiến văn hóa-xã hội liên quan đến các khuôn mẫu về nam tính và nữ tính, “tam tòng, tứ đức”, về “công, dung, ngôn, hạnh”.

Do đó, vấn đề là hãy lên tiếng và hành động để thay đổi các quan niệm về nam tính và nữ tính đã “bám rễ” trong gia đình, cộng đồng và xã hội, bởi đó là nguyên nhân gốc rễ và các yếu tố rủi ro gây ra BLPN&TEG.

Cũng theo bà Hương, mặc dù ngày càng có nhiều sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu của nạn nhân BLPN&TEG ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng vẫn chưa có nhiều chương trình phòng, chống bạo lực nhấn mạnh đến cách thức làm việc với nam giới và trẻ em trai nhằm thay đổi các chuẩn mực xã hội và giải quyết các hành vi nam tính mang tính bạo lực, tiêu cực và có hại.

Dự án thí điểm CLB Nam giới tiên phong phòng ngừa BLPN&TEG được thực hiện nhằm khảo nghiệm giá trị gia tăng với sự tham gia của nam giới làm mô hình tích cực trong phòng ngừa BLPN&TEG tại cộng đồng.

Hội LHPN thành phố cũng đã phối hợp để khi áp dụng tại địa phương, dự án phải phù hợp, tính khả thi và mức độ hiệu quả tiềm năng. Từ những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2018, UBND thành phố thống nhất giao Hội LHPN thành phố nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố về giải pháp xây dựng thành phố không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

“Phòng, chống BLPN&TEG đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của 9 sở, ngành, đoàn thể liên quan. Những gì Đà Nẵng làm được thời gian qua trong công tác phòng, chống BLPN&TEG có thể chưa định hình rõ nét, nhưng thật sự hiệu quả của nó đang dần len lỏi vào cộng đồng; cùng với mặt bằng dân trí ngày càng nâng cao thì vấn đề BLPN&TEG có thể được giải quyết từ gốc rễ”, bà Hương kỳ vọng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.