SOS - ngôi làng hiếu học

.

Từng có mái ấm gia đình nhưng tai ương ập đến khiến các em trở thành những đứa trẻ côi cút, rồi gặp nhau trong ngôi làng mang tên SOS Đà Nẵng. Gia đình thứ hai tràn đầy yêu thương này đã hun đúc cho các em ý chí vươn lên bằng con đường học hành để làm hành trang bước vào đời.

Nguyễn Hồng Quang (áo ca rô trắng đen, hàng sau) cùng mẹ và anh chị em trong gia đình số 12 Làng SOS  Đà Nẵng.
Nguyễn Hồng Quang (áo ca rô trắng đen, hàng sau) cùng mẹ và anh chị em trong gia đình số 12 Làng SOS Đà Nẵng.

Tuổi thơ bơ vơ

“... Tôi sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, không biết mặt cha, mẹ cũng bỏ tôi về thế giới bên kia khi tôi mới tròn 1 tuổi. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những ngày ở nhờ các cô, dì trong xóm núi, sáng thức giấc dắt trâu ra bãi cỏ, chiều về nhóm lửa thổi cơm...”.

Đó là nội dung bức thư của nhà báo Nguyễn Xuân Dự, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, hiện công tác tại Thông tấn xã Việt Nam - một cựu “công dân” của Làng SOS Đà Nẵng gửi thầy, cô và các mẹ của làng. Trong trí nhớ của thầy, cô ở Làng, ngày đó, Dự là chú bé nhút nhát, gầy gò và dễ tủi thân. Cứ mỗi chiều, Dự lại ra góc sân bóng ngồi khóc một mình…

Cùng quê với Dự, ngày ấy hai anh em ruột Võ Như Tiến (6 tuổi) và Võ Thị Thương (4 tuổi) cũng mất cả cha lẫn mẹ cách nhau 3 tháng và được mái ấm SOS Đà Nẵng cưu mang. Mỗi chiều, anh em Tiến ngồi ôm nhau khóc khiến thầy cô đứt ruột.

Lúc mới về Làng, Tiến còn để lại kỷ niệm “nhớ đời” cho ngôi nhà nhỏ nơi đây, khi bỗng nhiên em… mất tích. Ngay buổi học lớp 1 đầu tiên, vì quá nhớ nhà, Tiến tìm đường về quê nhưng lại đi lạc và được một người đi đường đưa trở về Làng. Trong khi đó, cả Làng nháo nhào chia nhau đi tìm tưởng Tiến bị bắt cóc.

Tròn 23 năm ở gia đình số 12 - nhà Phong Lan, Làng SOS Đà Nẵng và nuôi dạy đến 22 “đứa con”, trong cảm nhận của mẹ Võ Thị Lộc, tất cả các con đều có hoàn cảnh rất đáng thương khi không còn ba, mẹ trên đời do bệnh tật, tai nạn hoặc bỏ đi, các em trở thành những đứa trẻ bơ vơ và còn quá nhỏ để thấu hiểu điều gì đang xảy ra với cuộc đời mình.

Đặc biệt là trường hợp hai anh em Nguyễn Hồng Quang và Bùi Xuân Đông (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Ba mất sau tai nạn cưa bom phế liệu, mẹ mất sau đó không lâu vì bệnh ung thư, hai em nương tựa nhà cậu ruột nhưng số phận thật nghiệt ngã khi một năm sau, cậu cũng mất vì căn bệnh quái ác.

Bỗng chốc mất hết nơi nương tựa, từ chỗ hai đứa trẻ suốt ngày vui đùa, các em trầm tính hẳn và cứ nhắc về gia đình là lại khóc. Mỗi tối, hai đứa nhỏ lại thủ thỉ với mẹ Lộc: “Mẹ ơi, tại sao ba mẹ con lại mất sớm vậy?”. Nghe con hỏi, mẹ Lộc chỉ biết ôm các con cùng khóc…

Tháng 3-1992, Làng SOS Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động và đón những đứa trẻ mồ côi ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng về nuôi dưỡng. 26 năm qua, 16 gia đình trong Làng đã nuôi dạy trong yêu thương 426 em. Hiện có 240 em vẫn sống trong Làng, số còn lại đã trưởng thành và có gia đình riêng. Đặc biệt, rất nhiều em đã và đang học tập ở các trường đại học trong và ngoài nước.

Nhà báo Xuân Dự, cựu “công dân” Làng SOS Đà Nẵng.
Nhà báo Xuân Dự, cựu “công dân” Làng SOS Đà Nẵng.

Học để đổi đời

Nói về trường hợp em Võ Như Tiến, cô giáo Sử Thị Thanh Thảo cứ xuýt xoa: “Nếu lỡ ngày đó con đi lạc mà không tìm được thì bây giờ Làng sẽ mất đi một nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ tiến sĩ ở Mỹ”. Cũng theo cô Thảo, Tiến sinh ra là để “chinh phục khó khăn”.

Tiến học hết lớp 10 tại Trường THPT Hermann Gmeiner cũng là lúc Trường tú tài Quốc tế tại Na Uy tuyển sinh và cấp học bổng cho học sinh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trường dành riêng cho các Trường Hermann Gmeiner 1 suất và Võ Như Tiến là người duy nhất giành được học bổng toàn phần quý báu này.

Sau 2 năm hoàn thành xuất sắc chương trình trung học tại đây, cùng lúc Tiến nhận được 3 học bổng của các trường đại học ở Mỹ. Sau chương trình đại học tại Trường Luther College, Tiến tiếp tục giành được học bổng thạc sĩ, rồi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Thống kê tại Trường Đại học Minnessota.

Xa Làng đã lâu và rất bận rộn cho việc hoàn thành luận án tiến sĩ, cũng như còn phải đi làm thêm trang trải cuộc sống, nhưng tháng nào Tiến cũng tranh thủ gọi về Làng hỏi thăm thầy cô, mẹ và động viên các em cố gắng học hành.

Với mẹ Võ Thị Lộc, ngày Nguyễn Ngọc Quang báo tin vừa nhận học bổng học thạc sĩ tại Trường Nichu Gogaky Senmon Gakuin (Nhật Bản) quả là không thể quên trong đời.

Chị tâm sự: “Tôi nuôi Quang từ lúc 4 tuổi, nên hiểu con lắm. Con luôn có trách nhiệm trong mọi việc và thương yêu các em, đặc biệt rất ham học. Khi học tại Khoa Mỏ địa chất thuộc Trường Đại học Khoa học Huế, năm nào con cũng giành học bổng và đến tháng 7-2017 tốt nghiệp đại học cũng là lúc nhận học bổng thạc sĩ tại Nhật.

Ngày đi, con chỉ tiết lộ và hứa riêng với tôi: “Mẹ ở nhà giữ sức khỏe, con cố học xong thạc sĩ kiếm học bổng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ giống anh Tiến vậy”. Chị Lộc kể thêm: “Tôi mừng và tin con sẽ làm được, vì chính con đã giúp đỡ rất nhiều em trong gia đình số 12 học giỏi.

Ví dụ, trường hợp Trần Thị Thu Hà vừa học xong năm thứ 2 Khoa Sinh, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Từ năm lớp 9, Hà đã giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thành phố, em từng có thời gian dài được Quang kèm cặp nên học rất tiến bộ”.

Nhà báo Nguyễn Xuân Dự liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi từ tiểu học đến lớp 12 và là học trò của 2 trường chuyên nổi tiếng của Đà Nẵng là Trường THCS Nguyễn Khuyến và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Xuân Dự đang được sống và làm nghề anh yêu thích từ nhỏ đó là nhà báo. Và hạnh phúc lớn hơn với anh là nhìn thấy các em trong Làng đạt nhiều thành tựu trong học tập.

Thành phố đang trong đợt nắng nóng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 7, nhưng điều này dường như không ảnh hưởng đến không khí học tập trong Làng SOS Đà Nẵng.

Bước vào Làng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em đang say sưa học trong phòng, ngoài ban công và cả dưới những tán cây râm mát.

Thùy Dung, Xuân Hạ và Kim Hằng, nhóm 3 em vừa học xong lớp 11 tại Trường Hermann Gmeiner với kết quả học sinh giỏi đều các môn cùng chung suy nghĩ: “Tụi con phải cố gắng học giỏi để đáp đền công ơn thầy, cô và các mẹ trong Làng. Và chỉ có vậy tụi con mới có được tương lai tốt hơn”.

Giám đốc Làng SOS Đà Nẵng Nguyễn Quang Thái bộc bạch: “Ở Làng, các con chưa thể đầy đủ điều kiện như các em sống với gia đình, nhưng chúng tôi tự tin nơi đây các con có sự nung nấu, nỗ lực trong học tập để thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn.

Thực tế ở Làng đã có nhiều tấm gương như vậy, ngoài Tiến, Dự, Quang... Đến nay, trong số hơn 200 em đã ra trường đi làm, có 205 em tự lập hoàn toàn. 100% các con trong độ tuổi đã tốt nghiệp THPT được học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Đó chính là niềm vui chung lớn nhất của Làng chúng tôi trong suốt những năm qua”.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.
.