Dị tật mắt bẩm sinh đã đánh mất những ánh nhìn hồn nhiên, ngây thơ của nhiều em nhỏ. Khi cha mẹ vẫn loay hoay với nỗi dằn vặt lương tâm và lo toan cơm áo gạo tiền thì những bàn tay nhân ái đã kịp chìa ra đón nhận các em.
Chương trình phẫu thuật nhãn nhi miễn phí tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã mang lại nguồn ánh sáng cho đời, kịp thời chữa lành những tổn thương vừa le lói trong tâm hồn con trẻ.
Nhiều trẻ hồi phục thị lực sau khi phẫu thuật miễn phí những dị tật ở mắt. Trong ảnh: Bác sĩ Hồ Thị Ngọc khám và tập điều chỉnh hướng nhìn cho một bệnh nhi vừa được phẫu thuật. |
Với đơn vị chủ quản là UBND thành phố, chương trình phẫu thuật nhãn nhi do Quỹ Fred Hollows (Úc) tài trợ được triển khai thực hiện từ năm 2012 đến nay. Là đơn vị tiếp nhận và thực hiện dự án, nhiều năm qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công hàng trăm bệnh nhi mắc bệnh về mắt.
Trút bỏ gánh nặng
Buổi chiều, ở Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, cậu bé Trần Gia H. (5 tuổi, quê xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) ôm quả bong bóng bay chạy khắp sân. Phía sau, anh Trần Xuân Trình, bố cháu, tay cầm chai nước, khăn vắt lên vai cố bám theo những bước chạy của con.
Anh Trình cho biết, H. là đứa trẻ hiếu động nên chẳng mấy khi chịu ngồi yên. Anh phải theo sát sau lưng, đề phòng con té ngã vì vết thương vẫn chưa lành, đôi mắt vẫn chưa hoàn toàn bình phục. H. bị sụp mi trên từ lúc lọt lòng. Con mắt bên phải bị mi mắt phía trên che khuất mất một nửa.
Để nhìn rõ được mọi vật, cháu phải ngước mặt lên trời. Bản tính vốn hiếu động nên cháu liên tục bị té ngã ngay từ khi mới chập chững những bước đầu đời.
“Vợ chồng đều lao động phổ thông, hằng ngày kiếm đủ cái ăn lo cho con đã là điều khó khăn. Biết con bị bệnh nhưng cũng ráng thêm thời gian nữa, dư dả chút mới dám đưa con đi điều trị. May sao lúc này có chương trình phẫu thuật miễn phí nên tôi quyết định xin nghỉ việc không lương để tập trung lo chữa trị cho con”, anh Trình chia sẻ.
Theo các bác sĩ, bệnh sụp mi mắt bẩm sinh rất nguy hiểm. Sự chủ quan của cha mẹ, hoặc vì khó khăn về tài chính mà lưỡng lự trong việc điều trị sẽ khiến mắt của trẻ có nguy cơ bị nhược thị, thậm chí có thể bị mù. Ở thời điểm dưới 6 tuổi, khi thị giác đang trong giai đoạn hình thành cần phải được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật “kéo” mi trên của H., mở rộng ánh nhìn con ngươi vốn lâu nay bị che khuất một phần. Ngày con trai bước ra khỏi phòng mổ, anh Trình như không tin vào mắt mình.
Khi ánh nhìn các bé được hồi phục cũng là lúc tâm lý của những người cha, người mẹ như trút bỏ được gánh nặng. 2 tháng nay, cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Lệ Quyên (trú thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) nhiều tiếng cười vui hơn khi cô con gái Nguyễn Thị Diễm H. (10 tuổi) tự tin cười đùa khi đến lớp.
Diễm H. bị chứng lác trong cả 2 mắt từ lúc lọt lòng. Lớn lên đi học, em luôn là tâm điểm chọc ghẹo khi bị bạn bè đặt biệt danh “nhìn gà hóa cuốc”. Khi chớm nhận thức được những giá trị của bản thân, Diễm H. đã khóc rất nhiều sau những buổi từ lớp học trở về.
Nhìn con như vậy, chị Quyên chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Vốn là thợ đá ở làng đá chẻ Hòa Sơn, công việc nặng nhọc, thu nhập không ổn định nhưng mình chị phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học và người chồng bị bệnh tim bẩm sinh không thể làm được việc nặng.
Nhìn con mặc cảm, tự ti, lòng chị đau như cắt nhưng nhìn quanh căn nhà không có nhiều vật dụng đáng giá, việc chữa trị cho con là điều ngoài khả năng. May mắn đã đến với chị trong một lần đưa con đi khám, sàng lọc các bệnh về mắt do Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tổ chức tại huyện Hòa Vang. Một ngày đầu tháng 6-2018, Diễm H. được chỉ định mổ điều trị chứng lác trong, chỉnh hướng nhìn.
“Vui lắm, cảm giác như mình trút bỏ được gánh nặng trong lòng và không còn cảm thấy áy náy, có lỗi vì đã không giúp con thoát khỏi cảm giác xấu hổ nữa”, chị Quyên tâm sự.
Đậm tính nhân văn
Là bệnh viện chuyên khoa về mắt lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hằng năm, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhi mắc các dị tật về mắt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200 trẻ trong số đó được phẫu thuật khi gia đình có đủ điều kiện chi trả cùng với bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán một phần.
Số còn lại do hoàn cảnh gia đình nên những dị tật của trẻ vẫn chưa được can thiệp kịp thời. Hàng chục năm làm việc tại Bệnh viện Mắt, bác sĩ Hồ Thị Ngọc, Trưởng khoa Nhãn nhi, cho biết điều đau lòng nhất là chẩn đoán được bệnh và có phương pháp điều trị nhưng lại hoàn toàn bất lực do hoàn cảnh gia đình bệnh nhi quá khó khăn.
Chi phí điều trị các bệnh về mắt rất đa dạng và dao động cao nhất ở mức khoảng 20 triệu đồng/ca. Số tiền đó không hề nhỏ đối với nhiều gia đình vốn đang phải đối mặt hằng ngày với cơm áo gạo tiền. Chính vì thế, khi chương trình hỗ trợ của Quỹ Fred Hollows được triển khai, bác sĩ Ngọc cùng các ê-kip khác tại Bệnh viện Mắt đã mạnh dạn hưởng ứng vì sự nhân văn đằng sau sự hỗ trợ này.
“Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn. Nếu ánh nhìn không hoàn thiện, thị lực bị giảm sút thì ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Đặc biệt, đối với trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời, giai đoạn lớn lên sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tâm lý”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Hiện nay, nhiều trẻ từ lúc sinh ra đã mắc các chứng về mắt như: lác, dò lệ quản bẩm sinh, sụp mi, đục thủy tinh thể, nhược thị… Chi phí phẫu thuật cho mỗi trường hợp này hiện nay không hề nhỏ và chỉ được BHYT chi trả một phần.
Xuất phát từ thực tế này, hằng năm, Quỹ Fred Hollows đã hỗ trợ chi trả phẫu thuật phần nằm ngoài danh mục BHYT cho khoảng 50-60 trẻ tại miền Trung-Tây Nguyên.
“Đây là một quá trình kéo dài bởi sau khi phẫu thuật xong là giai đoạn theo dõi và thực hiện một số bài tập về thị giác. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên bỏ giữa chừng việc điều trị và tập luyện cho trẻ sau khi phẫu thuật. Điều này hết sức nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, bác sĩ Ngọc cho biết thêm.
Trong nhiều năm tiếp nhận và phẫu thuật hàng trăm trẻ dị tật về mắt thông qua chương trình này, các bác sĩ tại Khoa Nhãn nhi, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vẫn không quên câu chuyện của em Lê Long Đ. (9 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi).
Bố bỏ đi, mẹ bệnh nặng, cháu bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt. Một mình mò mẫm giữa chập chờn sáng tối, tương lai Đ. dường như không có một lối ra. Khi chương trình khám, sàng lọc được tổ chức ở Quảng Ngãi, em được phát hiện và đưa ra Đà Nẵng phẫu thuật. Mắt sáng, Đ. được đến lớp, dù học muộn hơn 2 năm nhưng niềm vui khi nô đùa cùng các bạn là cảm giác không hề muộn với em chút nào. “Rời khỏi bệnh viện không có nghĩa là các em đã nói lời chia tay với chương trình này.
Chúng tôi vẫn luôn theo dõi sát sao bằng những buổi khám sàng lọc, các bài tập sau phẫu thuật, thậm chí một số vật liệu phụ trợ đặt bên trong mắt sẽ được theo dõi đến cả lúc trưởng thành. Song song với quá trình ấy, không chỉ là việc thực hiện chuyên môn mà còn hỗ trợ, tư vấn tâm lý như một cách đồng hành cùng các em vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi”, bác sĩ Ngọc cho biết thêm.
Quỹ Fred Hollows là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động nhân đạo phi lợi nhuận, được thành lập tại Sydney, Úc ngày 3-9-1992, mang tên cố giáo sư nhãn khoa người Úc – Giáo sư Fred Hollows. Tôn chỉ của Quỹ Fred Hollows là giúp đỡ thực hiện chương trình phòng ngừa mù lòa tại các nước đang phát triển, và giúp đỡ người thổ dân Úc được hưởng sự chăm sóc y tế như những người Úc khác. Cụ thể, Quỹ Fred Hollows thực hiện các chương trình y tế cộng đồng ở các miền xa xôi cho cộng đồng người thổ dân Úc, và chương trình phòng chống mù lòa ở các quốc gia đang phát triển khác. Trên bình diện quốc tế, Quỹ Fred Hollows là một tổ chức phi chính phủ (NGO) về chăm sóc mắt chuyên nghiệp. (Trích từ http://hollows.org.vn) |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG