Mùa cau bay

.

Ít có loại cây nào cho quả bốn mùa như cây cau. Bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, khi hương xuân còn vương vấn đâu đó trước hiên nhà thì hàng cau quanh vườn đã âm thầm nở hoa trắng bẹ. Hương cau cứ thế mà bay vào giấc mơ của các cô gái trẻ. Mỗi bẹ cau rụng xuống là một buồng cau ra đời...

Anh Nguyễn Đình Tuân (trái) nhập cau từ những người đi “cau bay” . Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Đình Tuân (trái) nhập cau từ những người đi “cau bay” . Ảnh: N.H

Ít có loại cây nào cho quả bốn mùa như cây cau. Bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, khi hương xuân còn vương vấn đâu đó trước hiên nhà thì hàng cau quanh vườn đã âm thầm nở hoa trắng bẹ. Hương cau cứ thế mà bay vào giấc mơ của các cô gái trẻ. Mỗi bẹ cau rụng xuống là một buồng cau ra đời...

Ăn trầu cau vốn là phong tục đẹp của người Việt. Cuộc sống đổi thay, giờ chẳng mấy ai còn nhai trầu bỏm bẻm. Quả cau, miếng trầu giờ chỉ còn có mặt trong lễ cưới hỏi như một biểu tượng cho tình yêu son sắt. Thị trường tiêu thụ thu hẹp nên đã có những lúc cau già chín vàng rụng kín sân vườn không ai buồn nhặt.

Xanh lại mùa cau

Thế rồi, quả cau bỗng nhiên trở thành mặt hàng “hot”, khi thị trường xuất khẩu cau sấy khô sang Trung Quốc trở nên sôi động. Chị Phan Thị Phúc ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, người đã làm nên sự nghiệp sau hơn hai mươi năm buôn cau cho biết, nghề buôn cau khô xuất khẩu sang Trung Quốc mới rộ lên ở Đà Nẵng từ gần mười năm nay. Trong khi ở Quảng Nam và một số địa phương ở hai đầu đất nước đã nhộn nhịp rất lâu rồi.

Một trong những lý do khiến Đà Nẵng “chậm chân” ở lĩnh vực này là diện tích cau của thành phố vốn đã ít ỏi so với vùng đất anh em Quảng Nam, giờ càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. “Cây cau không đòi ăn, đòi bú chi. Nó chỉ khiêm tốn đứng ngoài bìa vườn hay ngoài ngõ. Nhưng đất vườn thì càng ngày càng thu hẹp, lấy chỗ mô cho cây cau…”, chị Phúc vừa chỉnh sửa mấy buồng cau mới nhập về, vừa phân trần.

Chị Phan Thị Phúc lăn lộn với nghề buôn cau từ cau chợ đến cau xuất khẩu.
Chị Phan Thị Phúc lăn lộn với nghề buôn cau từ cau chợ đến cau xuất khẩu.

Vợ chồng chị Phúc xây một lò sấy cau trong khuôn viên vườn nhà. Theo tiết lộ của chị, hầu hết các lò sấy cau ở Đà Nẵng và Quảng Nam đều do các đầu nậu ở Hải Phòng vào làm chủ. Như anh Nhân chồng chị, tiếng là chủ lò nhưng thực ra anh chỉ là người cho thuê đất và làm đại lý thu mua cau tươi để ăn “hoa hồng”. Hiện mỗi ký cau tươi vợ chồng chị kiếm chừng 2.000 đồng, nhưng mỗi lần vô lò sấy hàng tấn cau thì số tiền thu về không phải nhỏ.

Mấy năm trước người ta sấy cau bằng than đá. Cau tươi mua về thường là cau non còn ngậm nước được đem luộc nguyên trái trong chừng ba giờ. Sau đó vớt bỏ vô lò sấy. Mỗi lò thường có khoảng 70 cửa, có thể sấy một lúc từ 5 đến 7 tấn cau tươi.

Than đá đốt liên tục trên dưới mười ngày thì cau “chín”. Giờ thì đa số các lò chuyển sang sấy bằng điện, tiện lợi, đỡ mất công thức khuya thêm than thêm củi và nhất là không gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều người thắc mắc Trung Quốc nhập cau khô làm gì khi người dân nước họ đâu có ăn trầu như ông bà mình? Câu hỏi được chị Phúc giải đáp tường tận rằng họ nhập về bổ quả cau làm hai, tẩm thêm các loại gia vị. Thế là loại kẹo làm bằng cau khô organic (thực phẩm hữu cơ) ra đời và được xuất bán sang thị trường châu Âu, nơi người xứ lạnh cần món kẹo ấm, nồng để chống lại cái lạnh của băng giá.

“Tui đã nếm qua loại kẹo cau đặc biệt ni rồi. Vị nó đặc biệt lắm. Vừa cay, vừa ngọt, vừa nồng, bốn người ăn một viên kẹo mà say quay mòng mòng”, chị cười bẽn lẽn như cô gái lần đầu ăn trầu say thuốc ngày xưa…

Bỗng dưng có được “đầu ra”, cây cau quay lại thời hoàng kim. Gia đình chị Phúc, ngoài mấy hàng cau cao tít ven hàng rào, còn trồng thêm cau non kín khắp đất trống quanh vườn. Anh Vương Đình Bình, quê Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào Đà Nẵng làm nghề mua cau chuyên nghiệp tại địa bàn Hòa Vang bấy lâu nay, cũng nói ba mẹ ngoài quê phát quang mấy thửa đất hoang để trồng cau lấy trái.

Anh háo hức làm bài tính nhẩm đầy lạc quan: “Nhà nào có chừng 100 cây cau trổ buồng thì mỗi năm kiếm ít nhất 15 đến 20 triệu đồng. So với lúa thì cây cau quả là tín hiệu vui cho nông dân. Cây cau “lên đời”, nghề buôn cau cũng nhộn nhịp trở lại và cho thu nhập đáng kể”.

Leo cây hái ra... tiền

Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm nhộn nhịp nhất của mùa cau. Ở vùng nông thôn Hòa Vang giáp ranh thị xã Điện Bàn, đội quân mua cau cưỡi xe máy lùng sục khắp xóm làng. Nói không ngoa, nhà nào có vườn cau đang trĩu quả thì mỗi ngày chí ít cũng phải đón tiếp hơn mươi người hỏi mua cau.

Trong giới buôn cau, những người đi mua dạo như thế gọi là “cau bay”. Có nghĩa là đi dạo quanh các vườn, cân tại chỗ, giá mua theo thời giá thị trường.

Đi “cau bay” gặp chăng hay chớ - theo kinh nghiệm của anh Bình. Có ngày mua những vài tạ, chở cong cả vành xe. Có lúc lèo tèo chỉ vài chục ký, lỗ công cả ngày chạy long tóc gáy khắp làng trên xóm dưới. Cũng có lúc lấn sân sang Điện Bàn, vô Đông Giang hoặc tuốt lên Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Với những vườn cau đã được đặt mua từ lúc mới ra hoa như kiểu con gái mới lớn đã được người dạm ngõ thì dân cau bay không đụng tới. Thường những chủ vườn cau hay bán cho người quen biết nên dân buôn cau muốn “lọt vào mắt xanh” gia chủ đòi hỏi phải biết nghệ thuật làm mềm lòng người.

Tâm lý người bán cau vườn thường muốn cầm tiền cả cục để tiện bề chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Nhưng ngộ nhỡ bán xong mà năm ấy giá cau lên vùn vụt thì nóng mặt vì tiếc. Gặp trường hợp như thế, dân buôn cau chuyên nghiệp thường biếu cho chủ vườn một món tiền nho nhỏ gọi là… để mùa sau còn có cơ hội mua tiếp.

Mỗi ngày đi “cau bay”, những tay buôn như Bình có thể kiếm tiền triệu. Và nghề cau ở nông thôn đang là nghề hái ra tiền bởi vốn liếng đã có đầu nậu cấp. Hằng ngày chịu khó đi săn lùng, uốn tấc lưỡi dẻo quẹo để thuyết phục chủ vườn và vận dụng ngón nghề leo cau thần thánh thì dư sức nuôi vợ, nuôi con, làm nhà. Giá cau bán cho đại lý hiện nay là 28.000 đồng/kg. Nếu gặp cau vườn giá rẻ thì mua 4 tạ có thể kiếm 2 triệu đồng như chơi, trong đó có cả công leo, công hái, công vận chuyển.

Ở gần chợ Miếu Bông có điểm thu mua cau của anh Nguyễn Đình Tuân, nằm gần đầu đường Miếu Bông đi Lệ Trạch. Tên khai sinh là thế, nhưng trong giới buôn cau không ai biết Tuân, chỉ biết mỗi Bờm là tên gọi ở nhà của chàng thanh niên thế hệ 8X này.

Gần 20 người làm nghề “leo cây hái ra tiền” chuyên nhập cau về cho Tuân, trong đó chỉ vài người ở Đà Nẵng, còn lại đến từ các xã của Điện Bàn giáp ranh với Hòa Vang. “Năm ni làm ăn kém quá. Chỉ mới năm ngoái đây thôi, mỗi ngày thu vô tầm 3-4 tấn, chừ chưa được một nửa. Anh em ai cũng nản”, Tuân than thở.

Lý giải cho cái sự ‘tuột dốc” này, Tuân bảo, là do tiêu chuẩn đầu ra giờ khắt khe quá. Mấy năm giá cau bình thường nên tiêu chuẩn có “nương tay” đôi chút. Chừ giá cao nhưng bên “ăn” cau đòi hỏi phải là cau loại quả dài, mỗi ký không quá 50 quả. Tốt nhất là loại cau tầm 40-45 quả/kg. Đó là loại cau VIP, bán ở đâu cũng được.

Hiểm nguy rình rập

Nghề leo cây hái ra tiền ngó vậy mà không dễ, đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống. Hôm đó, Bình và vợ mua cau một nhà ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu. Sau khi mướt mồ hôi leo hết cả vườn cau xanh, anh trải lòng:

“Ai mới nhìn cũng thấy nhẹ nhàng, nhưng đâu dễ trèo cau. Phải biết hít hơi, đẩy người đưa toàn thân lên cao. Rồi một tay bám cây, một tay xé cau tuột xuống mà người không bị trầy xước và buồng cau vẫn không rụng một trái. Khó kinh...”.

Chỉ cần một dây nài bằng vải bố hình số 8 tròng vào hai chân, một con dao díp bỏ túi và những ngón nghề hít, trườn, tuột... là có thể kiếm ra tiền. Đặc biệt, nhiều tay leo cau thượng thừa còn có màn “bay” từ cây này sang cây khác như làm xiếc. Đó là khi gặp hai cây cau gần nhau, hái xong cây này là “bay” sang cây kia để đỡ công trèo lên tuột xuống.

Anh Nguyễn Đình Tuân (phải) nhập cau từ những người đi “cau bay” và xuất cau cho một bạn hàng ở Tam Kỳ.
Anh Nguyễn Đình Tuân (phải) nhập cau từ những người đi “cau bay” và xuất cau cho một bạn hàng ở Tam Kỳ.

Dân leo cau có thể chết vì cái sự khoe tài khoe sức, như cảnh báo của một “lão làng” nghề leo cau ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Người đàn ông không muốn nêu tên này kể rằng, trước đây Hòa Vang là “lãnh địa” của ông. Nhà ai có cau tới mùa thu hoạch là ông “nắm lịch” hết. Chừ ở đây có lò sấy cau nên dân địa phương đổ xô theo nghề buôn cau, ông chỉ còn một ít bạn hàng thân thiết.

Ông đã đi qua “thời oanh liệt”, thanh niên thời nay lắm người ỷ sức thường nhún mình “bay” từ ngọn cau này sang ngọn khác để hái cho nhanh. Cứ như người dơi trong phim truyện chiếu trên ti-vi. Nguy hiểm ở chỗ khi ước lượng không chính xác khoảng cách giữa hai cây cau là có thể dễ dàng “rơi tự do” đến bệnh viện như chơi.

Người kinh nghiệm chỉ “bay” khi khoảng cách tối đa giữa hai ngọn cau không quá 1,2 mét. Còn hơn nữa thì chịu khó tuột xuống vậy. Ông ước lượng mỗi mùa cau ở miền Trung đi qua, bên cạnh những con số biết nói về thu nhập tương đối đẹp có cả nỗi đau thương vong cho hàng chục người...

Nghề nào cũng có những hiểm nguy rình rập, chỉ cần bất cẩn là có thể bỏ mạng như chơi. Tai nạn của nghề trèo cau, ngoài khoe tài “bay” còn do cau gãy. Cây cau nổi tiếng là loại dẻo dai nhất, những cơn bão ở miền Trung vốn dữ dằn nhưng cũng chẳng làm cau gục ngã.

Nhưng chỉ cần một vết xước lâu ngày nước thấm vào trong là thân cau mục ruỗng. Vì vậy, người leo cau phải biết lắng nghe âm thanh từ cây cau. Nếu thấy cây kêu răng rắc thì tuột xuống ngay lập tức kẻo mang họa vào thân. Té cau thường bị thương rất nặng, nhẹ gãy xương sườn, nặng thì vong mạng. Bởi cây cao, thẳng đứng, không cành lá đỡ người khi rơi.

Nguy hiểm thứ hai là rắn lục. Cây cau cao chót vót nên chim thích về làm tổ. Mà rắn lục là chúa thích ăn trứng và chim non. Thế là sau khi bò lên ngọn cau chén phình bụng, rắn lục ngại bò xuống. Chúng “tạm trú” luôn trên ngọn cây để xơi cả chim mẹ lẫn chim con.

Chính vì vậy, dân buôn cau khi leo đến ngọn cau phải quan sát thật kỹ. Rắn lục có màu xanh lá rất dễ lẫn vào màu lá cau non. Mà có lỡ bị rắn lục đớp thì phải nhanh tuột xuống, sơ cứu và chạy thật nhanh đến trạm xá gần nhất.

Để có những kinh nghiệm thuộc loại “sống còn” đó, chàng trai trẻ Vương Đình Bình phải cơm gạo lên tận Tiên Phước để vừa học nghề vừa theo sư phụ thực hành “trèo lên tuột xuống” tại các vườn cau ngút ngàn trên đó.

Không chỉ học kỹ thuật leo cây mà còn luyện đôi mắt để biết cau già, cau non mà hái. Thường thì mỗi cây cau trổ từ 4 đến 5 buồng theo thứ tự: buồng anh, buồng em, buồng út. Mỗi buồng sau khi vặt cành, cân nặng từ 2 đến 5 ký. Người có “mắt nghề” chỉ cần nhìn thoáng qua là quyết định chính xác gần mười mươi ngay.

***

Những mùa cau đi qua, trò chơi con ngựa tàu cau giờ chỉ còn trong cổ tích, chỉ có hương cau vẫn vương vấn quanh vườn nhà, quả cau cùng miếng trầu vẫn là biểu tượng cho tình yêu son sắt trong các lễ cưới xin. Ngày lại ngày, những người làm nghề cau vẫn cần mẫn rảo quanh các vùng quê, góp thêm nét thơ cho bức tranh quê hữu tình và đưa quả cau quê nhà “bay” sang tận trời Âu...

NHƯ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.
.