Những người ở xa lâu ngày về Đà Nẵng đã không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay nhanh chóng của thành phố quê hương. Và họ càng ngạc nhiên hơn nữa trước một làng chài nghèo chỉ có gió và cát như An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) đã “lột xác” ngoạn mục với các dãy phố khang trang đầy ắp khách du lịch, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày.
Du khách Tây thưởng thức cà-phê trên tuyến phố du lịch An Thượng. |
Mấy hôm nay, có một sự kiện khiến cả gia đình tôi xôn xao: Bà dì, em ruột mẹ tôi, lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh ngót 20 năm, nay trở về làm giấy tờ bán lô đất đã được bán từ… năm 2000.
Kéo tay tôi vô bếp, dì thì thầm chất giọng miền Nam ngọt lừ: “Dì về làm giấy tờ nhà cho người ta. Con nhớ căn nhà ngoài rẫy cát An Thượng của dì ngày xưa không? Căn nhà mà dì đã bán gấp vì không chịu nổi cảnh buồn tẻ, hiu quạnh ấy. Ôi má ơi, vậy mà hổm rồi người ta điện cho dì nhờ ra Đà Nẵng chơi một chuyến, nhân tiện ký tên một số giấy tờ cần thiết để họ bán nhà. Con biết bao nhiêu không? 5 tỷ đồng con ạ! Ngày dì bán nó là 120 triệu!”.
Căn nhà đó sao mà tôi không nhớ. Ngày còn nhỏ, tôi đã từng tự mình líu ríu vượt dòng xe cộ ngược xuôi trên tuyến đường Nguyễn Văn Thoại - con đường sầm uất nhất quận Ba ngày ấy để vào thăm dì. Chỉ bên kia với bên này tuyến đường Nguyễn Văn Thoại thôi mà đã khác xa đến cách biệt. Những năm 1999, 2000 khu vực ấy còn chưa có điện đường.
Cả một vùng rộng lớn bao la là cát. “Đặc sản” nhận diện vùng đất ấy là hàng phi lao già cỗi, mỗi mùa thay lá, hàng trăm trái phi lao già rụng xuống ẩn mình trong những triền cát. Chúng tôi thường chỉ lón nhón chân trên cát chứ không dám đặt hẳn bàn chân lên, phần sợ cát nóng, phần sợ gai của quả phi lao đâm vào chân…
“Chẳng thể ngờ được con ạ. Hồi đó mang tiếng mua nhà gần biển, cách biển chỉ chừng 500, 600m vậy mà mấy khi ra tới biển đâu. Muốn ra biển phải đi bộ qua nỗng cát nóng cháy da. Còn phải đi đường vòng để tránh những hồ rau muống người dân tự tạo... Hồi dì mua đất ngoài An Thượng, nhiều người trong xóm đã cảnh báo: “Mua chi đất ngoài nớ. Đất nớ là đất nghĩa địa. Ra ở với ma ngoài nớ hà!”. Vậy mà dì vẫn mua, vì rẻ. Vậy mà bây giờ... Đà Nẵng thay đổi nhiều quá”, giọng nói của dì vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
2. Đa số dân cư của An Thượng là dân tái định cư trong diện giải tỏa của nhà máy cao su cũ và dân giải tỏa bên đường Phan Đăng Lưu (thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Những ngày đầu khu dân cư mới hình thành, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Nạn trộm cắp vặt diễn ra cả ngày lẫn đêm. Người dân khóa nhà bằng 2-3 ổ khóa mà vẫn mất cắp.
Lợi dụng khu vực hoang sơ, vắng vẻ, những kẻ nghiện ma túy cũng tìm đến. Bức xúc trước thực trạng ấy, một số đàn ông, thanh niên của khu dân cư đứng ra thành lập đội dân phòng, do ông Hồ Sỹ Hoàng làm đội trưởng. Đội có trách nhiệm đi tuần thường xuyên, bảo vệ tài sản của người dân. Phải đến năm 2003, 2004, dân các nơi mới bắt đầu đến An Thượng lập nghiệp.
Theo địa giới hành chính, khu vực An Thượng thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Phía Đông giáp đường Võ Nguyên Giáp và biển Mỹ Khê. Phía Bắc giáp đường Nguyễn Văn Thoại - là con đường sầm uất với những nhà hàng hải sản lớn và các khách sạn nổi tiếng cùng những dịch vụ du lịch.
Hướng Tây giáp đường Ngũ Hành Sơn - con đường giao thông nối liền trung tâm thành phố về Hội An. Nhìn về phía Nam là đường Hồ Xuân Hương nối liền cầu Tiên Sơn. Đất An Thượng là khu đất gần biển Mỹ Khê - một trong 6 bãi biển được công nhận quyến rũ nhất hành tinh. Đây đúng hơn là khu đất vàng tiềm năng với những ưu điểm vượt trội của một vùng đất ven biển sầm uất và phát triển.
Vì nằm ở khu vực sầm uất của thành phố nên ngay từ giai đoạn đầu quy hoạch, khu vực này đã được đầu tư rất bài bản về cơ sở hạ tầng, đường sá rộng rãi. Từ An Thượng đi bộ ra biển Mỹ Khê chỉ mất khoảng 500m, kết nối thuận tiện tới trung tâm thành phố, các khu nghỉ dưỡng, các bãi biển lân cận như khu bãi biển Sơn Thủy, biển Phạm Văn Đồng, chỉ qua cầu Trần Thị Lý một đoạn là đến sân bay.
Những nhà đầu tư có lẽ đã nhìn ra được tiềm năng của khu du lịch An Thượng nên trong khoảng những năm 2005, 2006, lác đác một vài nhà nghỉ, khách sạn mọc lên. Du khách Tây cũng bắt đầu tìm đến và tỏ ra cực kỳ thích thú với khu vực này. Ông Hồ Sỹ Hoàng cho rằng, tình trạng “dân đi, doanh nghiệp tới” là một xu thế phát triển tất yếu của địa phương chọn du lịch làm mũi nhọn phát triển. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, hàng chục khách sạn từ bình dân đến cao cấp mọc lên ở khu phố này. Có thể kể đến như Risemount Resort Danang, Holiday Beach, Adamo Hotel Danang,...
Theo khảo sát của UBND phường Mỹ An, khách lưu trú khu An Thượng chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc. Vào mùa cao điểm, số lượng khách lưu trú trung bình 1.488 khách/ngày, thấp điểm là 651 khách/ngày. Tỷ lệ khách đến An Thượng tăng 30%/năm, tỷ lệ quay lại của khách là 80-90%.
Ngày 31-12-2018, UBND thành phố có Quyết định số 489/QĐ-UBND phê duyệt đề án Khu phố du lịch An Thượng nhằm biến khu phố này thành điểm vui chơi giải trí, mua sắm cả ngày lẫn đêm cho du khách, tạo sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trên thực địa, khu phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng được giới hạn bởi 4 đoạn đường: Võ Nguyên Giáp (dài 170m), Hoàng Kế Viêm (dài 850m), Châu Thị Vĩnh Tế (dài 170m) và Ngô Thì Sĩ (dài 850m) với tổng diện tích kể cả bãi biển 0,15km2.
Hiện tại, khu vực này có 141 cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch, trong đó, có 64 cơ sở dịch vụ lưu trú, 43 cơ sở dịch vụ ăn uống, 12 cơ sở cung cấp dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở dịch vụ làm đẹp, 6 cơ sở dịch vụ thể thao/sức khỏe...
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho hay, tuyến phố du lịch An Thượng ra đời trên cơ sở nghiên cứu mô hình các khu phố đêm phục vụ khách du lịch ở trong và ngoài nước như: phố Tạ Hiện (Hà Nội), phố Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), phố Khaosan (Bangkok, Thái Lan)… Đây là dự án được xây dựng chặt chẽ, chi tiết, được kỳ vọng sẽ tạo nên khu phố du lịch bài bản ở phường Mỹ An, vốn từ lâu đã hình thành khu “phố Tây” với hoạt động du lịch đa dạng, phục vụ khách ngoại quốc. Nhờ “sinh sau đẻ muộn”, khu du lịch An Thượng tiếp thu được những cái tốt và khắc phục được những điểm yếu của các tuyến phố du lịch đi trước ở Việt Nam. Trong đó, vấn đề về quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông được chú trọng, ưu tiên bảo tồn và mở rộng không gian mở, tạo tiền đề là nơi đăng cai tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội du lịch gắn với biển...
Sự đi lên của tuyến phố du lịch An Thượng hẳn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cư dân địa phương. Có gia đình mở tiệm tạp hóa nhỏ, bán dăm ly cà-phê, vài gói thuốc buổi sáng, có nhà bán hàng ăn hoặc mở tiệm giặt là, cho thuê xe máy... Tất cả đều hướng đến phục vụ du lịch. Một điều dễ nhận thấy là, đời sống của người dân An Thượng đã khởi sắc.
Cách đây vài năm, khu vực An Thượng là khu tái định cư nên tập trung nhiều hộ nghèo. Có thời điểm, cả khu dân cư có đến 42 hộ nghèo. Hiện tại hộ nghèo đã được xóa hết. Trong năm nay, theo tiêu chí về hộ nghèo mới thì chỉ còn 1 hộ. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng của một làng cát ven biển xưa kia.
Bài và ảnh: QUỲNH TRANG