Đà Nẵng vừa đủng đỉnh vào đông. Cũng là lúc những chuyến xe đạp chở theo những chậu hoa, cây cảnh tấp nập hơn trên phố, báo hiệu một mùa xuân nữa sắp về. Chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Lê Ngân Hằng: “Người quê hái hoa từ những cánh đồng quê/ Đã đi vào thành phố/ Họ chở mùa sang trong những chiếc rổ/ Đơm đầy các loài hoa mang lời thiên sứ/ Trên chiếc xe đạp cà tàng có hai bánh/ lọc cọc... thời gian”...
Nụ cười tươi như hoa của anh Thành trên mỗi chuyến hoa sớm mai. |
1. Chậu hoa, cây cảnh bán rong từ nhiều năm nay không xa lạ với người Đà Nẵng. Tuy nhiên, những ngày cuối năm này, có cảm giác những chuyến xe chở những nụ, mầm xuân rộn ràng, xôm tụ hơn. Trên những chuyến xe ấy, có lẽ, loài hoa được bán nhiều nhất là hoa hồng. Những bụi hồng đủ sắc bắt đầu nở những nụ hoa nhỏ xíu như những chiếc khuy áo, theo từng vòng xe rung rinh trong gió.
Đời sống thay đổi, những năm gần đây, cách thưởng hoa của người Đà Nẵng cũng dần đổi thay. Họ không chỉ thích mua những bông hoa được cắt sẵn cắm vào bình, nhiều người, đặc biệt là những phụ nữ trẻ có xu hướng thích mua những cây, chậu hoa con về tự tay vun trồng, chăm sóc, bởi, cách thưởng hoa này cho họ những trải nghiệm rất khác. Và theo những người có kinh nghiệm, thời điểm này mua cây hoa con về trồng là thích hợp nhất. Lúc này, hoa vẫn là những búp, những nụ e ấp. Chỉ cần được bàn tay con người nâng niu, chăm bón tầm 20, 30 ngày thôi là sẽ nở bung tươi thắm. Chị Hà Thương (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ, chị vừa mua 5 gốc hồng cổ Sapa của người bán rong trên phố. Chưa có kinh nghiệm trồng hồng nhưng nghe người ta nói, hồng là loài hoa kiêu kỳ nhưng rất dễ chăm. Chỉ cần 2 ngày tưới nước một lần.
Dặm thêm vào gốc một ít xơ dừa, vỏ trấu, vun đất ngang miệng chậu là xong. Nhiều người có thói quen mua hoa trên những chiếc xe rong trên phố này bởi vừa rẻ, hoa lại đẹp nguyên sơ. Chủ nhân những chiếc xe chở đầy hoa tươi kia đa phần cũng là nông dân chính gốc. Họ am hiểu về giống, cây trồng nên sẽ tư vấn cho người mua cách chăm bón làm sao để cây phát triển và hoa nở lâu bền nhất. “Tôi cực kỳ thích ngắm những chiếc xe đạp chở hoa tươi trên đường phố. Cảm giác lãng mạn và thanh bình vô cùng”, chị Thương nói.
2. Những người bán hoa dạo thường là người dân ở các tỉnh lẻ hay chính là những người trồng hoa đến từ những làng hoa nổi tiểng ở phía Bắc như Ngọc Hà, Nhật Tân, Mê Linh (Hà Nội), Xuân Quang (Hưng Yên), Phù Long (Nam Định)… Anh Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1976, người gốc Hưng Yên) kể, anh vào Đà Nẵng mưu sinh gần một năm nay. Anh bán rong đủ thức quà từ bưởi Diễn, cam Vinh, khoai lang, hạt dẻ… Đến đầu tháng 12 dương lịch thì chuyển hẳn sang bán các loại hoa, cây cảnh chưng Tết. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, anh chạy xe lên bến xe chở hoa vào thành phố.
Sau một hồi rong ruổi, anh dừng chân tại chợ Cây Me (đường Trần Bình Trọng). Cuộc bán mua kéo dài đến trưa. Và chiều lại tiếp tục với món hàng khác đến tận tối mịt mới về nhà. “Cả làng tôi đều sống bằng nghề trồng hoa. Từ nhỏ, tôi đã yêu cây cối, hoa lá trong vườn nhà. Có điều ở quê đất nông nghiệp ít ỏi, thu nhập èo uột không đủ trang trải cuộc sống, nhất là khi con cái đã lớn và nhu cầu chi tiêu trong gia đình ngày càng tăng, thế nên, tôi quyết định rời quê vào Đà Nẵng bán hàng rong. Hầu hết các loại hoa tôi bán đều được bà con hàng xóm ở Hưng Yên gửi vào”, anh Thành nói.
Người bán hoa rong thường đi theo nhóm. Sau khi chở cây về thành phố, họ sẽ chia ra các khu vực để bán, rồi cuối ngày tập hợp vào chỗ hẹn để cùng về. Những tưởng cái nghề “buôn thúng bán mẹt” này chỉ phù hợp với chị em nhưng hóa ra, ngày càng nhiều những thanh niên, trung niên ngoài Bắc vào Đà Nẵng mưu sinh. Anh Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1981, người gốc Mê Linh, Hà Nội) nói rằng, cái nghề hoa này rất vất vả, thức khuya dậy sớm, không ai nói trước được ngày đó sẽ bán được bao nhiêu chậu hoa nhưng trót yêu nghề rồi là không bỏ được.
Sinh ra và lớn lên ở làng hoa nổi tiếng của huyện Mê Linh, từ nhỏ, anh đã “chết mê chết mệt” với hoa. Anh đặc biệt thích lai tạo những giống hoa mới, không chỉ đẹp mà còn độc, tỏa hương thơm. “Từ đầu năm, người ở quê chúng tôi cần mẫn gieo trồng, vun xới đến khoảng đầu tháng 12 dương lịch là “kéo” nhau vào Đà Nẵng bán. Như mùa này thì chủ yếu bán hồng cổ Sapa. Vài ngày nữa sẽ có các loại mẫu đơn, cúc, bonsai, lộc vừng. Chúng tôi sẽ “tạm trú” ở Đà Nẵng cho đến sát Tết Nguyên đán. Làm nghề này nếu chịu khó thì cũng sống được”, anh Huy bộc bạch.
Anh Huy thường đứng bán tại khu vực chợ Mới. |
3. Nếu như anh Thành, anh Huy chỉ mưu sinh bằng những chuyến xe hoa theo thời vụ thì bà Liên (người gốc Nam Định, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) quanh năm rong ruổi trên chiếc xe đạp lọc cọc khắp phố phường. Bà Liên bảo, tính năm nay nữa là tròn 32 năm vợ chồng bà theo nghề hoa, cây cảnh. Cái nghề mà đôi bàn tay lúc nào cũng nhám sạm, khô sần vì đất cát. 32 năm rời quê, sống ở đất Đà Nẵng nhưng ở người phụ nữ này vẫn lưu giữ vẹn nguyên nét mộc mạc, chân chất.
Đặc biệt là giọng nói rặt Bắc không lẫn đi đâu được. Nhìn chiếc xe chở hoa, cây cảnh của vợ chồng bà Liên, ai nấy đều gật gù công nhận, vợ chồng bà hẳn là những người nông dân giỏi nghề. Những chậu trà my, trạng nguyên, tiểu quỳnh, kim ngân lượng xanh ngắt, toàn búp là búp. Đặc biệt, năm nay, bà chở theo 2 cây hoa giấy nở bung rực rỡ, uốn lượn 5 tán hình chữ “phúc” khiến ai nấy đi ngang đều suýt xoa, trầm trồ. “Cây bông giấy này tôi trồng tròn 14 năm mới được “thế” đẹp như vậy đấy. Tính ra giờ bán 1 triệu đồng/cây thì tiền công mỗi ngày chỉ có mấy trăm bạc, chưa đủ mua… que kem đấy. Nhưng làm nông chỉ tính công làm lời thôi. Ai thích quá thì cũng bớt cho họ chút đỉnh gọi là”, bà Liên thiệt thà nói. Với những người bán hoa rong quanh năm suốt tháng như bà Liên, điều quan trọng nhất là giữ chữ tín.
Không ít trường hợp những chậu hoa treo trên xe người bán hàng rong thì đẹp ngất ngây nhưng khi được mua về trồng thì cây èo uột, thậm chí không ra hoa. Cảm giác “bị lừa” khiến không ít người ác cảm với những chiếc xe rong. Bà Liên bảo rằng, bà là nông dân “chính hiệu”. Tuy bán hàng rong nhưng bà cũng có điểm đứng cố định. Nếu bán buôn gian dối, hẳn không thể theo nghề đến bây giờ. Mỗi khi bán cho khách một chậu hoa, bà đều dặn dò kỹ lưỡng. Mỗi loài hoa có một biểu đồ phát triển riêng.
Có loài ưa nước, loài ưa khô. Có loài ưa phân bón hữu cơ, cũng có loài không cần phân bón vẫn phát triển. Người mua hoa hẳn là yêu hoa nhưng đa số không có sự am hiểu. Nhiều khi chăm bón không đúng cách nên hoa không lên, vậy là người bán bị… bắt đền. “Tôi bán rong trong buổi sáng, còn chiều thì đầu tắt mặt tối chăm cây. Nhà có sẵn vườn nên thỏa sức thử nghiệm nhiều giống hoa, cây cảnh khác nhau. Bán cây cảnh quanh năm nhưng tôi thích nhất là bán vào dịp Tết. Đó là thời điểm người mua nhộn nhịp nhất, hoa nở đẹp nhất, lòng người cũng rộng rãi nhất”, bà Liên nói.
Rời quê đến nơi xa lạ lập nghiệp vốn dĩ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng đối với những người xa quê, ở đó có khát vọng, có tương lai nên không một ai muốn lùi bước. Còn với người Đà Nẵng, những chuyến xe hoa, cây cảnh trĩu nặng mồ hôi của những người bán rong đã góp chút xuân, mang Tết đến sớm với mọi nhà.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang