Mưu sinh giữa dòng...

.

Con sông Hàn hiền hòa, lung linh ánh đèn về đêm đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay và phát triển của thành phố. Trái ngược với phố xá phồn hoa, nhộn nhịp hai bên bờ, ở giữa dòng, con sông chở nặng ân tình này luôn ôm ấp, chở che những mảnh đời bé mọn. Đó là những ngư phủ có thâm niên hàng chục năm đánh cá mưu sinh, cũng là chừng ấy thời gian họ lênh đênh sóng nước, cùng thức và ngủ với tiếng sóng dập dìu ngày đêm…

Lão ngư ông Nguyễn Tấn Trung, người hơn 20 năm sống và mưu sinh trên sông Hàn.
Lão ngư ông Nguyễn Tấn Trung, người hơn 20 năm sống và mưu sinh trên sông Hàn.

Dịch chuyển theo những cây cầu

Vừa trở về từ phiên chợ sớm, ông Nguyễn Tấn Trung (60 tuổi, quê thôn Cây Mọc, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) men theo chiếc cầu khỉ bước lên chiếc thuyền nan đang neo sát bờ sông Hàn, đoạn phía dưới chân cầu Tiên Sơn. Chân ông rón rén, bước nhẹ, cố để không làm chiếc thuyền dập dìu theo sóng, phá vỡ giấc ngủ của vợ. “Sáng nay bả dậy lúc 3 giờ để phụ thả lưới. Được mớ cá gỡ lưới lúc 5 giờ tui mang ra chợ bán, giờ để bả ngủ bù tí cho lại sức, lát còn dậy lo bữa trưa và thả lưới buổi chiều”, ông Trung nói. Đó cũng là “lịch làm việc” trong suốt hơn 20 năm nay của vợ chồng ông Trung dọc theo con sông Hàn này.

Vốn sinh ra ở vùng đất cát trắng Thăng Bình, thổ nhưỡng, thiên nhiên không chiều lòng người nên ông Trung cùng nhiều gia đình khác tứ tán khắp các con sông tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (xưa) để mưu sinh trên những chiếc thuyền nan. “Hồi đó đi khắp sông Thu Bồn, Trường Giang, hễ chỗ mô nhiều cá là tìm đến đánh bắt bằng các phương tiện truyền thống. Cuộc sống cứ nay đây mai đó không cố định chỗ nào. Dần dần chúng tôi xuôi ra sông Hàn, do cuối nguồn nối cửa biển nên các loài thủy sản phát triển, đa dạng. Cứ thế anh em tới lui hoài, vậy mà cũng hơn 20 năm rồi”, ông Trung kể.

Điểm định cư trên mặt nước đầu tiên của những ngư dân là khu vực cầu cảng Sông Hàn, đối diện với xóm nhà chồ thuộc địa phận quận Ba năm xưa. Năm 1998, khi công cuộc chỉnh trang đô thị Đà Nẵng được bắt đầu bằng việc khởi công xây dựng cầu Sông Hàn nối hai bờ vui, ông Trung cùng nhóm bạn chài lại xuôi về phía trên, trú ngụ ở khu vực phía chân cầu Rồng ngày nay. Xóm chài trên sông Hàn có khoảng 15-20 hộ, ngày ngày quăng chài đánh cá ở khu vực con sông kéo dài khoảng 2km tính từ cửa biển. “Rồi cầu Rồng cũng được xây dựng, cầu Trần Thị Lý được làm lại khang trang hơn, anh em tui lại chuyển dần lên phía trên này để tìm chỗ neo thuyền. Hằng ngày vẫn ngược xuôi để bắt tôm cá trên khúc sông này như bao năm trước”, ông Trung cho biết thêm.

Dành trọn phần lớn cuộc đời để gắn bó với sông Hàn, những ngư dân lênh đênh nay đây mai đó luôn đặt cho mình những nguyên tắc để dựa vào con nước. Đang cố vá lại tấm lưới bị rách do vướng phải bụi cây ở thượng nguồn chảy về, lão ngư Huỳnh Bá Lai (62 tuổi, trú xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Ở đây anh em đều có những nguyên tắc nhất định, đó là không dùng lưới có mắt quá nhỏ, dùng kích điện để đánh bắt. Cái này pháp luật cấm và bản thân chúng tôi cũng không làm vì như vậy là tận diệt, bắt hết cá nhỏ. Nếu chỉ nghĩ cho hôm nay mà không biết đến ngày mai thì sao có thể dựa vào dòng sông mà sống hàng chục năm qua được”.

Cứ vào tháng 10 hằng năm, khi nước thượng nguồn xuôi về phía biển mang theo bao nhiêu phù sa, các loài thủy sinh lại sinh sôi, phát triển, cũng là mùa vui của các ngư dân. Họ len lỏi khắp các chợ Bắc Mỹ An, Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn), chợ Mới (Hải Châu), chợ An Hải Bắc (Sơn Trà) để mang bán chút ân tình sông nước trao tặng. “Một ngày may mắn cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn, có khi bốn trăm ngàn, đủ sống qua ngày, rồi chi tiêu tiết kiệm để dành cho những ngày nghỉ, đau ốm”, ông Lai cho biết thêm.

Nghĩa tình nơi bến nước

Xóm ngư dân bên sông Hàn hiện có 11 gia đình, sống quây quần ngay khu vực chân cầu Tiên Sơn. Điều đặc biệt ở chỗ, họ đều là những cặp vợ chồng, có tuổi trên dưới 50, lênh đênh sóng nước gần suốt cuộc đời. Vốn quê ở các vùng Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, gặp nhau trên mặt nước cùng cảnh mưu sinh, trải qua hàng chục năm gắn bó với sông nước, họ dựa vào nhau để sống.

Mấy hôm nay, ông Huỳnh Bá Thu (61 tuổi, trú xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) phải neo thuyền vào bờ để đi Lạng Sơn dự đám cưới người cháu. Bà con trong xóm lại thay nhau trông coi thuyền, phân chia nhau việc bơm nước ra khỏi thuyền. “Chuyện thường ấy mà, anh em ai có việc cứ lo, phần việc ở đây mọi người đều xúm vào chia sẻ. Tình làng nghĩa xóm hơn nhau ở lúc khó khăn”, ông Trung cho biết thêm.

Ân tình với sông Hàn nên nhiều người vẫn không quen với việc rời bỏ nơi này để hồi hương.
Ân tình với sông Hàn nên nhiều người vẫn không quen với việc rời bỏ nơi này để hồi hương.

Chiều ở xóm ngư dân, khi ánh mặt trời buông xuống phía bên kia thành phố, những ngư dân cùng ngồi lại với nhau, lọt thỏm giữa dòng nước. Họ cùng nhìn về phía những cây cầu, nơi dòng người đang tấp nập qua lại và nghĩ về quê hương và những người thân. Điều may mắn và hạnh phúc, với họ, đó là con cái đề huề, được học hành đến nơi đến chốn và yên bề gia thất. Nhẩm tính trên đầu ngón tay, ông Trung khoe hiện mình có 9 cháu nội ngoại, 5 đứa con đều có công ăn việc làm, trong đó 3 người con được học hành tử tế từ chính những đồng tiền bao nhiêu năm tháng ông kiếm được từ con sông Hàn.

Thỉnh thoảng nhớ cháu, mong con, vợ chồng ông lại lục đục lên bờ, đón xe buýt về quê. “Người ta hỏi sao già rồi mà không chịu về với con cháu nhưng tụi tui sống quen thế này rồi. Sống gắn bó với sông Hàn đã bao năm, giờ lên bờ có khi lại khó sống”, ông Trung bày tỏ.

Chút ân tình sông nước dường như đã in sâu trong tâm trí của những ngư dân nơi đây. Điều đó đối với ông Huỳnh Tấn Sáu (60 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng rất khác biệt. Dù hơn 30 năm chài lưới trên sông, hơn 10 năm dựa vào sông Hàn tìm hơi thở cuộc sống, ông Sáu vẫn không khỏi lặng người khi nhìn thấy những đau thương, bi kịch ập vào trước mắt, phía trên mặt nước. Đó là những xác người chết do tai nạn, nhảy cầu, mất tích! Ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác người trên khúc sông này.

Lần gần nhất, trong trí nhớ chập chờn của mình, đó là thời điểm tháng 4-2018, sau khi buông lưới giữa trưa, vứt vội chén cơm đang ăn dở ngay giữa dòng, ông hô hoán mọi người và gọi ngay cho lực lượng chức năng. “Dân sông nước người ta vẫn rất kiêng kỵ chuyện vớt xác bởi theo quan niệm là sẽ xui vì cướp cơm của hà bá. Nhưng mà mình đành lòng sao được khi nhìn thấy cảnh đó. Khi họ nằm lạnh lẽo ở đây thì người thân đang khóc lóc, đau khổ ở trên bờ. Lương tâm mình không cho phép quay lưng”, ông Sáu chia sẻ.

Theo Trung tá Hoàng Đức Hải, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố, những ngư dân này đã mưu sinh trên sông Hàn hàng chục năm qua, thậm chí có người gần 30 năm, khi Quảng Nam-Đà Nẵng chưa chia tách. Theo đánh giá chung, những ngư dân này chấp hành rất tốt các quy định của pháp luật về công tác tạm trú tạm vắng, kê khai nhân khẩu và đánh bắt thủy sản. Hằng năm, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đều tổ chức họp, gặp mặt với các ngư dân, đồng thời thực hiện cam kết không đánh bắt thủy sản tận diệt, dùng kích điện.

Trong kế hoạch tuần tra hằng tháng, đơn vị này cũng phối hợp với Thanh tra thủy sản (Chi cục Thủy sản) tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hoạt động đánh bắt, khai thác bảo đảm đúng quy định pháp luật. “Đặc biệt, họ phối hợp rất nhiệt tình, hiệu quả với lực lượng chức năng trong việc tìm kiếm, phát hiện những trường hợp nhảy cầu tự vẫn, tìm kiếm cứu nạn. Nhiều trường hợp đã được cứu kịp thời thông qua những ngư dân chân chất này”, Trung tá Hải cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.