Phóng sự - ký sự

Đà Nẵng nhớ bạn

08:46, 03/10/2020 (GMT+7)

Những ngày này, các con đường của Đà Nẵng đã đông đúc hơn. Các bãi biển cũng rộn rã hơn bởi tiếng cười nói của người dân địa phương. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường nhưng dường như vẫn thiêu thiếu chút gì đó... Nói như nhiều người đó là không khí buôn bán tấp nập, đi lại nhộn nhịp của du khách từ khắp nơi đổ về. Sau một thời gian xa cách vì dịch bệnh, liệu du khách có nhớ Đà Nẵng? Còn Đà Nẵng đang nhớ bạn.

Bãi biển đã đông khách trở lại. (Ảnh chụp ngày 26-9)
Bãi biển đã đông khách trở lại. (Ảnh chụp ngày 26-9) Ảnh: THU HÀ

Mong được “bận rộn” trở lại

Chiếc xích lô đậu dưới gốc cây trên đường Bạch Đằng cũng khá lâu, bác tài xế tên Hùng (thuộc đội Xích lô của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng) ngồi trên xe bình thản ngắm phố phường, đợi khách. Trong câu chuyện với chúng tôi, bác kể những năm trước, ngày nào cũng chở khách, không chở khách quốc tế thì khách nội địa. Một ngày cũng được vài ba chuyến, có đồng ra đồng vào. Sau mấy tháng nghỉ Tết kéo dài vì dịch bệnh, anh em trong đội xích lô đang có chút khấp khởi mừng thầm vì chương trình kích cầu du lịch của Đà Nẵng (hồi tháng 6, tháng 7) có hiệu quả.

Khách nội địa đến Đà Nẵng khá đông, anh em trong đội bắt đầu có khách trở lại. Nhưng rồi dịch bệnh lại ập đến, không có khách du lịch đồng nghĩa với không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Bây giờ, các hoạt động của thành phố đã trở lại bình thường, khách du lịch chưa có nhiều nhưng mỗi ngày, cũng bắt đầu có khoảng chục tài xế mang xe chạy trở lại. Các bác tài cho biết, mang xe ra chạy vòng vòng vừa để bảo dưỡng xe, vừa hy vọng sẽ có vị khách nào đó có “hứng thú” đi dạo phố bằng phương tiện vốn rất được ưa chuộng này.

Ghé vào chợ Hàn khi trời đã về chiều. Bình thường, thời điểm này, chợ Hàn luôn tấp nập khách, tiếng mời chào, trao đổi buôn bán rôm rả đủ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung…, nhưng nay thì khác, một số gian hàng đã mở cửa trở lại, song, lượng khách ghé đến chưa nhiều, chủ yếu là người dân địa phương đi chợ mua thực phẩm hằng ngày. Chị chủ quầy Yến Nhỏ đon đả mời tôi mua đặc sản làm quà, chị kể: “Bữa giờ bận rộn bán hàng cho khách từ sáng tới chiều riết quen, giờ nghỉ dịch xong mở cửa trở lại ngồi chờ khách, mỗi ngày chỉ bán chút chút, lặt vặt cũng buồn. Chỉ mong khách du lịch sớm quay lại để những người làm dịch vụ được bận rộn trở lại như trước đây”...

Chúng tôi gặp Minh Toàn, hướng dẫn viên tiếng Anh tại buổi trao quà hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch gặp khó khăn do tác động của Covid-19. Toàn tâm sự, thời điểm đông khách, tháng nào cũng có tour, có thu nhập nhưng từ đầu năm đến nay, hướng dẫn viên quốc tế như Toàn gần như thất nghiệp. Trừ một số ít nhanh chóng chuyển sang nghề khác như giao hàng, bán hàng qua mạng hoặc về quê tránh dịch…, số anh em còn lại phần lớn khá khó khăn.

Trong đợt dịch trước, nhiều người làm trong lĩnh vực du lịch còn thong thả sử dụng tiền tích lũy, dành thời gian rảnh rỗi để rèn luyện thêm kiến thức, học thêm tiếng Anh. Nhưng tới đợt dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng vừa qua, thật khó để giữ tâm thế bình thản bởi nỗi lo “lụt” nghề, thậm chí, có người không đủ tự tin để quay lại với nghề. Bản thân các doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc giữ chân lao động là quan trọng và cần thiết, song ở thời điểm này, không có nguồn thu nên nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận chấm dứt hợp đồng với lao động để họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số doanh nghiệp du lịch thực hiện cắt giảm nhân lực, cho nhân viên đi làm luân phiên để duy trì hoạt động.

Hy vọng vào chương trình kích cầu lần 2

Dịch bệnh được khống chế, các hoạt động đang bắt đầu trở lại bình thường, các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch đã mở cửa đón khách nhưng lượng khách còn cầm chừng. Tuy nhiên, không phải tất cả đều mở cửa. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch thổ lộ họ chưa dám mở cửa trở lại trong thời điểm này vì khi mở cửa là vận hành cả một hệ thống từ cơ sở vật chất, điện nước, nhân viên… Nếu không có khách, hoặc ít khách thì khi đó thu không đủ... bù chi. Khi doanh nghiệp “gồng” không nổi thì việc đóng cửa để tránh bị lỗ thêm được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Các doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ du khách. Trong ảnh: Lễ tân khách sạn Golden Bay đang chờ đón khách. Ảnh: THU HÀ
Các doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ du khách. Trong ảnh: Lễ tân khách sạn Golden Bay đang chờ đón khách. Ảnh: THU HÀ

Vì vậy, theo những người hoạt động du lịch lâu năm, động thái tạm đóng cửa, tiếp tục chờ đợi là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, muốn du khách nhanh chóng quay trở lại, thành phố phải tạo được các hoạt động, sự hấp dẫn, cho du khách thấy được thành phố đã trở lại với cuộc sống bình thường. Tức là, các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú nên mở cửa để đón khách, để khách thấy, hiểu được rằng chúng tôi đã sẵn sàng chào đón bạn quay trở lại trong điều kiện an toàn.

Số liệu của Sở Du lịch thành phố cho thấy, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố hàng năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Khi ngành bị ảnh hưởng có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân. Ý thức rõ được điều này, chính quyền thành phố, ngành du lịch cũng từng bước “vận động” để làm du lịch một cách bền vững hơn. Không phải đơn giản mà sau đợt dịch bệnh hồi đầu năm, ngành du lịch thành phố tạo được cú hích lớn từ chương trình kích cầu “Đà Nẵng thanks you 2020”.

Đó là cả một quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến, sản phẩm điểm đến Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Lần này, dù xác định rõ việc kích cầu trở lại sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều do mùa cao điểm khách du lịch nội địa đã qua đi, tâm lý e dè vì Đà Nẵng là tâm dịch lần hai… nhưng những người làm du lịch vẫn đang nỗ lực để từng bước mang đến những sản phẩm mới cho du khách. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, trước mắt, cần có các chương trình kích cầu thu hút người dân Quảng Nam -  Đà Nẵng đi du lịch, khi tạo được sự an tâm cho du khách về điểm đến sẽ tính đến các địa phương xa hơn từ hai đầu đất nước.

Và xa hơn nữa sẽ là đón khách quốc tế trở lại, tất nhiên phải trong điều kiện bảo đảm các tiêu chí an toàn. Ngành du lịch thành phố cũng đang tổ chức các chiến dịch truyền thông truyển tải các thông điệp #Danangmissyou (tạm dịch: Đà Nẵng nhớ bạn), #Danangisback (tạm dịch: Trở lại Đà Nẵng), #SeeyouinDanang (tạm dịch: Hẹn gặp tại Đà Nẵng)… Đồng thời, lên kế hoạch, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp để công bố chương trình kích cầu lần 2.

Các phương tiện giao thông đã được nối lại, hệ thống ngành dịch vụ cũng đã sẵn sàng để đón khách, ngày 4-10 đoàn khách du lịch gần 60 người từ Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ là một minh chứng cho thấy Đà Nẵng đã an toàn và luôn sẵn sàng đón khách đến. Đây là đoàn khách đặt phòng từ đợt tháng 6 để đến Đà Nẵng trong tháng 8 nhưng dịch bệnh xảy ra, kế hoạch bị hoãn hủy. Để đáp lại tình cảm của đoàn khách, phía đơn vị lữ hành đã nâng cấp phòng khách sạn từ hạng 3 sao lên 4 sao, miễn phí MC, sân khấu, âm thanh, ánh sáng cho đoàn trong tiệc Gala… Sở Du lịch thành phố sẽ tặng quà chào đón sự quay trở lại của du khách với thành phố như một lời cảm ơn vì đã quay trở lại!

Ngang qua các tuyến phố, nơi có nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... đã thấy có sự hồi sinh của một thành phố du lịch bởi dập dìu khách vào ra. Người ngồi nhâm nhi ly cà phê đọc báo buổi sớm, người tranh thủ câu chuyện với bạn bè... Dọc bờ sông Hàn, mỗi buổi chiều lại thấy các bàn cờ bệt của những người yêu cờ. Một khung cảnh bình yên như thể dịch bệnh chưa hề ngang qua đây.

Nhìn một cách lạc quan, nhiều người cho rằng, dịch bệnh cũng là cơ hội giúp những người làm du lịch nhìn ra được những điểm yếu, soi vào đó mà sửa chữa, khắc phục. Nhiều doanh nghiệp cũng đã lượng được sức mình đến đâu để có chiến lược kinh doanh mới. Những giải pháp ngắn hạn, trước mắt chỉ là tạm thời để giải quyết các khó khăn do tác động của dịch bệnh xảy ra. Về lâu dài cần có những chiến lược đột phá, bền vững. Có như vậy, du khách mới luôn chọn Đà Nẵng là nơi trở lại.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) mới đây đã đưa ra đánh giá về tác động của Covid-19 đến ngành du lịch, lượng khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm 60-80% trong năm 2020 thay vì tăng trưởng 3-4% như dự báo trước khi xuất hiện Covid-19. Thông tin từ Sở Du lịch cho biết, dự kiến trong năm 2020, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đón khoảng 9,95 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 4,15 triệu lượt, khách nội địa 5,8 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch khoảng 39.718 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tổng thiệt hại trực tiếp tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại các doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng. Trong thời gian dịch bệnh xảy ra có khoảng 31.874 /50.963 lao động tạm ngừng, nghỉ việc, chiếm 62,5% tổng số lao động trong ngành dịch vụ du lịch.
Tại buổi phổ biến thực hiện hướng dẫn phòng, chống Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố mới đây, đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ thực hiện 3 giai đoạn truyền thông điểm đến cùng cam kết du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới. Trong đó,  với thông điệp “Danang miss you” (Đà Nẵng nhớ bạn), ngay trong tháng 10 này, thành phố sẽ tổ chức đón những gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, KOLs, các facebooker, Vlogger, Blogger đến trải nghiệm. Bên cạnh đó, sẽ có các chương trình hấp dẫn, các cuộc thi, thử thách dành cho người dân, du khách như “Đà Nẵng - Chỉ đơn giản là nhớ”, cover bài hát “Danang miss you” của nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, “Cùng Danang Fantasticity nhắn gửi lời yêu thương”... Các bộ ảnh, video mới thực hiện về du lịch Đà Nẵng sống chung an toàn với Covid-19 cũng sẽ được thực hiện để đưa đến du khách hình ảnh một thành phố đang nhớ và tự tin đón những người bạn trở lại.

THU HÀ

.