Phóng sự - ký sự

Ánh sáng Hòa Bắc

14:26, 25/09/2021 (GMT+7)

Sau 40 năm hình thành và phát triển, đến nay xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã vươn mình, trở thành một địa chỉ hấp dẫn, thu hút người dân và du khách ghé thăm...

Xã Hòa Bắc nhìn từ trên cao, đẹp như một bức tranh thủy mặc.  						             Ảnh: Xã Hòa Bắc cung cấp
Xã Hòa Bắc nhìn từ trên cao, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ảnh: Xã Hòa Bắc cung cấp

1. Gần mười năm về trước, dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan (đường Hồ Chí Minh) khởi công, đường ĐT601 thành đường công vụ, cho xe tải trọng lớn phục vụ công trình chạy suốt ngày đêm.

ĐT601 là con đường độc đạo dẫn mọi ngả đường đến với Hòa Bắc, cho đến khoảng gần chục năm trở lại đây, mới có thêm đường ADB5 Quan Nam  - Thủy Tú, rồi đường cao tốc chạy ngang sườn xã. “Mong rằng mai này, công trình làm đường mới hoàn thành, trả lại đường ĐT601 bình yên”, ông Phạm Tạo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc từ năm 1987 cho đến năm 2007, bày tỏ tâm tư.

Là pho sử sống, gắn bó trong suốt 40 năm hình thành và phát triển xã Hòa Bắc, từ chuyện con đường, ông Tạo dẫn tôi ngược dòng thời gian về những ngày đầu thành lập xã, những tháng ngày gian nan nơi chốn sơn cùng, thủy tận này. Xã Hòa Bắc được thành lập ngày 23-9-1981 từ việc chia tách địa giới hành chính của xã Hòa Liên thành hai xã Hòa Bắc và Hòa Liên như ngày nay.

Thời điểm chia tách, Hòa Bắc chỉ có hai thôn Phò Nam và Nam Yên. Các thôn Tà Lang, Giàn Bí tuy phân vùng về xã từ năm 1982, nhưng vẫn chưa được sáp nhập. Các thôn Nam Mỹ (sau tách ra thành Nam Mỹ và Lộc Mỹ), thôn An Định là các khu kinh tế mới, do thành phố Đà Nẵng, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) quản lý. Đến năm 1986, các thôn kể trên mới được sáp nhập, hoàn thành địa giới 7 thôn thuộc xã Hòa Bắc như ngày nay.

Trong ký ức ông Tạo, những ngày đầu mới thành lập, đời sống người dân khá nghèo nàn, lạc hậu. “Để xuống thôn gặp dân, có khi phải đi bộ mất cả ngày trời, và phải đi sớm trước một ngày. Thời đó, vùng đất Hòa Bắc heo hút, thâm u, vẫn còn beo, cọp trong những cánh rừng già, thi thoảng xuống theo các con đường mòn dẫn về các thôn của xã. Và cũng không ít lần cán bộ xã phải ôm cây chuối bơi qua sông mùa nước lũ để về với bà con vùng Lộc Mỹ, An Định. Đường đi ngày đó, chủ yếu đường rừng và đường thủy, đường bộ rất hạn chế, cán bộ xã đi làm, đi về thôn họp đều cuốc bộ”, ông Tạo kể.

Ngay cả khu nhà làm việc, mãi đến khi ông Tạo lên làm bí thư mới dần hình thành, từ khu lán làm việc chung cho đến khi thành khu nhà rộng rãi, nhiều phòng làm việc và khang trang như bây giờ.

Cầu Phò Nam (cầu treo) đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân xã Hòa Bắc trong thời gian qua. 							         Ảnh: TRỌNG HUY
Cầu Phò Nam (cầu treo) đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân xã Hòa Bắc trong thời gian qua. Ảnh: TRỌNG HUY

2. Năm 1997, thành phố Đà Nẵng chia tách với tỉnh Quảng Nam thành thành phố trực thuộc Trung ương. Lúc đó, ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy là Chủ tịch UBND thành phố. Ông Thanh là vị lãnh đạo đầu tiên về thăm Hòa Bắc. Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Tạo trình bày, ông Thanh khoát tay, bảo: “Những khó khăn của xã, tôi biết cả rồi. Cho xã 6 điều ước, nói đi”.

“Tôi sướng quá, được thể cứ nói. Nhưng 4 điều ước ban đầu thì khỏe re, vì sẵn có trong đầu. Còn 2 điều ước tiếp theo không nghĩ sẽ được ưu ái đến thế”, ông Tạo nói.

Thế là ông “xin” ngay lãnh đạo thành phố đầu tư cho Hòa Bắc 4 điều, gồm: điện, đường, trường, trạm. Về 2 điều ước sau cùng, sau chút lưỡng lự, ông Tạo đề xuất làm cầu treo và cho con em đồng bào dân tộc Cơ tu đi học được hỗ trợ tiền ăn, ở (bán trú). Tất cả đều được chấp thuận. Đấy là bản lề mở ra cánh cửa phát triển của Hòa Bắc như hôm nay. Việc hiện thực hóa 6 điều ước đó đã mở ra ánh sáng đúng cả nghĩa đen cho người dân Hòa Bắc: Có điện chiếu sáng, người dân được đến trường, được chăm lo sức khỏe, giao thông thuận lợi, thông thương toàn xã...

Có điều, hành trình để 6 điều ước được hiện thực hóa là cả chặng đường gian nan với lãnh đạo và người dân xã Hòa Bắc. Ông Tạo nhớ hồi đó, cứ mỗi tuần, khi dự án điện chiếu sáng về xã “bất động” trên công trường, là ông lại xách túi quà quê từ xã lỉnh kỉnh xuống phố, đến tận nơi có trách nhiệm để hỏi cho bằng được, khi nào dự án được tiếp tục, ông mới chịu ngồi yên.

Hành trình mang cái chữ về xã còn gian nan hơn. “Hồi trước, sau khi trường học mở, giáo viên các nơi khác về chỉ đủ 3 năm là họ chuyển. Hòa Bắc như cái nơi thực nghiệm, tích lũy kinh nghiệm và số năm công tác “miền núi” cho những giáo viên trẻ. Mỗi giáo viên khi đó phải “ôm” một lúc 3-4 lớp, trong khi học trò miền núi thì trình độ, mức độ nhận thức hạn chế nên rất cực”, ông Tạo nhớ lại.

Thời điểm đó, để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng, ông Tạo đã đưa ra ý tưởng tập hợp những người có trình độ lớp 7, lớp 8 cho đi đào tạo ngắn hạn trung cấp sư phạm ở Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), sau đó về làm giáo viên cấp 1, cấp 2 tùy mức độ đào tạo. Tuy nhiên, vì một số lý do, về sau ý tưởng của ông Tạo và những người cùng chí hướng không thành.

“Nhắc lại những khó khăn như thế không phải than thở mà để trân trọng hơn những thành quả của hiện tại”, ông Tạo thanh minh, rồi nói tiếp: “Chú xem, đến nay, 100% tuyến đường liên thôn đều được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, 100% tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đều được bê-tông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều được công nhận là trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% học sinh ra lớp; trạm y tế, trạm quân dân y bảo đảm tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hòa Bắc không còn hộ nghèo ở nhà tạm, gia đình văn hóa đạt trên 93%. Xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2016 và nông thôn mới nâng cao năm 2019, có 2 thôn đạt tiêu chuẩn thôn kiểu mẫu nông thôn mới... Tất cả cứ như một giấc mơ vậy”, ông cảm thán.

3. Tôi ghé xã khi số đại biểu chưa đến 30 người dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã Hòa Bắc đang làm xét nghiệm Covid-19 trước ngày tham dự. Đây là điều hiếm, rất hiếm địa phương nào làm được trong thời điểm Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dĩ nhiên, chủ trương đã được Thường trực Huyện ủy Hòa Vang thông qua. Hòa Bắc cho đến giờ là xã duy nhất trong 56 phường, xã trên toàn thành phố không có Covid-19 từ khi dịch bắt đầu bùng phát cho đến nay.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã kể, kế hoạch cho lễ kỷ niệm nhân sự kiện này đã được lãnh đạo xã ấp ủ từ nhiều tháng nay. Và cứ chờ đợi, mong cho dịch yên ổn để xã có dịp tổ chức lễ, nhắc nhớ thế hệ trẻ về những ngày đầu thành lập xã nhà, cũng là dịp để tri ân những người đã hết lòng, tận tâm cống hiến cho sự ra đời, trưởng thành, phát triển trong lịch sử xã.

Cầm trên tay bài phát biểu cảm nghĩ viết bút mực, nhân sự kiện thành lập xã, ông Tạo cứ vân vê không biết đã đủ ý, đủ tứ chưa, rồi cứ hỏi đi hỏi lại thành phần tham dự để phần kính thưa, kính gửi cho trang trọng, nghiêm túc. “Chỉ rất giới hạn số người gồm các nguyên ủy viên ủy ban và ủy viên ủy ban bây giờ thôi chú ạ”, ông Nam đáp lại những lo lắng của ông Tạo.

Cùng có mặt trong buổi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã Hòa Bắc, già làng Bùi Văn Siêng, hơn 40 năm tuổi Đảng, hiện sống trong căn nhà cấp 4 khang trang tại thôn Giàn Bí kể, nếu không có Đảng, không có Nhà nước, đời sống người dân Cơ tu ở Tà Lang, Giàn Bí không được như hôm nay. Từ thói quen du canh, du cư, nhà ở tạm bợ như những cái lán, thì nay đời sống bà con đã ổn định.

“Bây giờ bà con, nhất là bọn trẻ có máy điện thoại xem được bên nước ngoài làm gì, chứ không còn bắt cán bộ chiếu phim suốt đêm đến sáng như trước đây nữa. Người Cơ tu có người học đại học, làm cán bộ trên xã nữa đấy”, ông Siêng tự hào khoe.

Đứng trên đường cao tốc, nhìn về Hòa Bắc nằm vắt vẻo mép núi, bên bờ Cu Đê thành một vệt nhỏ lấp lãnh đủ sắc màu vàng xanh của những vạt lúa chưa kịp gặt, của những ruộng mía còn chưa kịp thu về. Xa xa bên kia sông là khu dã ngoại sinh thái ở cuối thôn Nam Yên, nơi người ở phố hay tụ về mỗi cuối tuần để vui nghỉ qua đêm. Thấp thoáng giữa những cánh đồng là các nhà chòi quán cà phê hòa mình với thiên nhiên thoáng đãng. Hòa Bắc đẹp như một bức tranh thủy mặc với lòng sông trong xanh uốn quanh núi.

Niềm tin, hy vọng về nơi non xanh nước biếc Hòa Bắc tiếp tục được gieo trong chia sẻ có phần nắn nót, nhưng thực lòng của Bí thư Đảng ủy xã trẻ tuổi Lê Thị Thu Hà: “Vì lợi ích của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền xã luôn chủ trương hướng về cơ sở, phát huy ba mặt: dân sinh, dân chủ, dân trí. Đó là mục tiêu và cũng là động lực để xây dựng và phát triển quê hương, là cơ sở vững bền của mối quan hệ “Đảng với dân - dân với Đảng”, là kế sách lâu dài của “ý Đảng lòng dân”.

Hành trình “6 điều ước”

Trên hành trình đổi thay của xã Hòa Bắc, ông Phạm Tạo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc nắm nằm lòng các sự kiện của địa phương này. Đó là quá trình hiện thực hóa “6 điều ước” do cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh trao tặng cho xã. Theo đó, ngày 2-9-2000, điện về 5 thôn, đến 15-12-2003, điện về đủ 7 thôn của xã. Năm 2001, Hòa Bắc khánh thành Trường THCS Nguyễn Tri Phương với diện tích 11.250m2, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh toàn xã và cả ăn ở của học sinh đồng bào Cơ tu. Ngày 30-8-2002, cầu treo dây văng bắc qua sông Cu Đê được khánh thành.

Năm 2005, đường ĐT601 được thảm nhựa từ Hòa Liên lên Hòa Bắc. Cũng trong năm này, Trạm y tế xã được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Đến năm 2010, cầu Tà Lang hoàn thành nối liền 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang.

TRỌNG HUY

.