Phóng sự - ký sự

Những mùa hoàng mai rực rỡ…

13:30, 12/02/2022 (GMT+7)

Trong khi một số lão mai có tiếng ở vùng nông thôn Hòa Vang đã rời xa mảnh vườn xưa vì nhiều lý do khác nhau thì việc trồng lại những cây mai vàng trước ngõ lại trở thành niềm cảm hứng cho nhiều gia đình với hy vọng trong tương lai sẽ có những mùa hoàng mai rực rỡ điểm tô màu Tết truyền thống...

Ông Đỗ Hữu Minh bên cây lão mai trước sân nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: N.H
Ông Đỗ Hữu Minh bên cây lão mai trước sân nhà cổ Tích Thiện Đường. Ảnh: N.H

Bức tranh xuân miên viễn

Những ngày đầu năm, một chuyến du xuân quanh vùng quê yên tĩnh ở Hòa Vang là trải nghiệm khá thú vị. Dường như chỉ ở quê, Tết mới thực sự còn giữ hồn cốt của nếp sống truyền thống từ xa xưa ông bà để lại. Ẩn hiện trong những khu vườn xanh mướt là sắc mai vàng kiêu hãnh bên những nếp nhà ngói xanh rêu màu thời gian. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa bay lên không trung rồi khẽ khàng rơi xuống mặt đất tạo thành một thảm vàng nên thơ, bình dị và thấm đẫm hương sắc mùa xuân.

Ở Hòa Vang, gần như nhà nào cũng trồng một vài cây mai vàng trước ngõ và để cho cây phát triển tự nhiên chứ không uốn nắn tạo thế làm gì. Giữa tháng 11, người dân quê chỉ mỗi việc ngắt lá mai để hoa nở đón Tết. Những cội mai già theo năm tháng có khi gấp đôi tuổi chủ nhà, theo đánh giá của giới buôn mai là “bạc tỷ”, vẫn đứng an nhiên trước ngõ nở hoa báo tin xuân về.

Tết đến, nếp nhà cổ hơn 100 năm của ông Đặng Thoàn, 82 tuổi, thuộc chi Nhì, tộc Đặng ở thôn Túy Loan Đông (xã Hòa Phong) phảng phất trầm hương và lung linh ánh nến. Thời kháng Pháp, gia đình ông theo dân làng tản cư vô chợ Cẩm Khê, nay thuộc xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đến khi quay về làng cũ thì hàng loạt cây trong vườn tuổi đời cả trăm năm như xoài, mít, nhất là những cây mai cổ thụ đều bị bom đạn phá hủy. Tiếp đến chiến tranh chống Mỹ, không một cây nào được sống cho ra hồn. Mãi sau năm 1975 ông mới trồng lại mấy cây mai xuân (thanh mai) trước ngôi nhà thờ gia tộc. Nhờ thế mà những cái Tết gần đây, ngôi nhà ba gian hai chái với những hàng cột uy nghi, chạm hoa văn cổ kính gợi lên sự kính ngưỡng thiêng liêng ấy đã dần lấy lại ý vị ngày xuân bằng sắc hoàng mai thanh khiết.

Dường như cây hoàng mai và những mái nhà cổ luôn là bộ đôi song hành làm nên bức tranh mùa xuân miên viễn. Nhà cổ Tích Thiện đường ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, tọa lạc trên một gò đất cao, nhìn xuống một nhánh sông Túy Loan lấp lánh nắng. Trước sân, cây mai cổ nghiêng mình xòe ra năm nhánh như bàn tay năm ngón vươn cao, tỏa rộng rợp sắc vàng mênh mông đến nao lòng. Ông Đỗ Hữu Minh (67 tuổi) cháu bốn đời của vị chủ nhân ngôi nhà cổ kể rằng, cây mai này được cha ông trồng từ hồi còn lội bộ đi học tiểu học ở quê ngoại Đà Sơn, nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. “Nghe nói hồi nớ cây mai đem về ốm tong teo chỉ bằng cái roi cày. Giờ đây đã thành cụ mai với tuổi xấp xỉ gần 100 rồi, mỗi mùa hoa đi qua đều nở rực cả khoảng sân nhà…”, ông Minh nhớ lại.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Dự giữ lại 3 cây mai do cha mình trồng để tiếp tục có những mùa hoàng mai trong dịp Tết. Ảnh: N.H
Gia đình ông Nguyễn Đăng Dự giữ lại 3 cây mai do cha mình trồng để tiếp tục có những mùa hoàng mai trong dịp Tết. Ảnh: N.H

“Nhất kiến chung tình”

Trong chơi cây kiểng, bất cứ sự ra đi nào cũng để lại nhiều nhớ nhung, nhất là những lão mai đã từng “nhất kiến chung tình” với người trồng và mảnh vườn xưa nhiều kỷ niệm. Đó là trường hợp cây mai hơn 100 năm tuổi trước nhà bà Bốn Cương ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu. Một trong những cây mai nổi tiếng khắp Hòa Vang này đã từng lọt vào mắt xanh của nhiều dân chơi mai ở địa phương lẫn ngoại tỉnh. Ông Trần Thanh Thuận (52 tuổi), cháu gọi bà Bốn Cương bằng cô ruột, cho biết: “Cụ mai này có thế rất đặc biệt. Các nhánh tỏa đều, xòe ra ôm quanh thân với dáng chẳng khác gì cây đào miền Bắc. Mùa xuân cây trổ bông nhìn xa như một bó đuốc khổng lồ vàng rực”. Anh chia sẻ thêm, khi mai còn nhỏ tuổi, các bác, các chú thường lấy gạch cột dây chằng các nhánh nên cây mới có thế lạ, độc đáo như vậy.

Hồi bà Bốn Cương còn tại thế, mỗi dịp Tết đến, dân buôn mai thường đến năn nỉ mua mai nhánh để bán lại cho người ta chưng Tết. Những năm 80, người ta ít chơi mai thế mà chuộng chưng mai cành trong những độc bình bằng gốm hay bằng đồng. Lúc đó kinh tế còn khó, nhiều nhà trong làng vẫn cưa bớt nhánh mai để bán. Vừa giữ được cây mai vừa có thêm vài đồng sắm Tết. Tuy nhiên, bà Bốn Cương vẫn nhất quyết không cho đụng vào cây mai dù là nhánh nhỏ nhất. 

Những năm 2000, các chủ mai ở Sài Gòn nghe tiếng cây mai cổ nhà bà Bốn Cương có thế độc lạ bèn đánh tiếng mua. Giá hồi ấy lên đến gần 20 cây vàng. Thậm chí họ còn hứa đền bù cả mảng tường rào bị đập phá để cẩu cây đi. Nhưng anh Thuận cương quyết không bán. Lý do rất chân tình là cả tuổi thơ của anh đã gắn liền với những mùa mai nở. Và cây mai là kỷ vật duy nhất để gợi nhớ về người cô đã khuất mà anh xem như mẹ đẻ. Về sau, cơn bão số 9 năm 2009 đã quật ngã cây mai trăm tuổi. Gia đình đã cố cứu vãn bằng cách chằng, chống nhưng cây thối rễ khô cành rồi chết. Tiếc xót xa cả ruột gan!

Nhiều gia đình ở Hòa Vang vì giải tỏa, cắt đất làm nhà cho con cái… mà vướng phải gốc mai già thì lòng buồn như thất tình. Bằng mọi cách họ bứng gốc mai trồng lại vị trí khác hay cùng lắm thì vô chậu kiểng. Số tiền kêu thợ bứng mai có thể lên tiền triệu nhưng chưa chắc cây mai chịu sống ở nơi đất mới. Nhiều khi, tiền mất mà mai chết và để lại cho chủ nhân một sự hụt hẫng, chênh chao suốt thời gian dài. Những lão mai còn lại trên đất Hòa Vang bây giờ đã là một mối tình chung giữa người và loài hoa quân tử.

Khôi phục màu Tết truyền thống

Trong các loài hoa, có lẽ hoàng mai là loài cây có tuổi thọ cao nhất. Đôi khi một đời hoa lại gắn bó đến mấy thế hệ trong gia đình. Cây cỏ có thể vô tri nhưng tình người bao giờ cũng ở lại cùng hoa lá. Một sáng mùa xuân, bước ra ngõ đứng dưới gốc mai già. Hương hoa thanh khiết quyện với hương trầm đâu đó khiến lòng người nhẹ tênh, rũ bỏ mọi ưu phiền. Đó cũng là lý do mà ông Nguyễn Đăng Sử ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, nhất quyết giữ lại gốc mai già dù người ta có “trả tiền tỷ cũng không bán”. Ông cho biết mấy năm nay ông đã trồng thêm được gần 20 cây mai con quanh vườn. Hy vọng sẽ góp phần điểm tô cho làng sinh thái Thái Lai mỗi độ xuân về.

Về Thái Lai trong ngày đầu xuân, nghe người dân nơi đây nói chuyện trồng mai như một sự khôi phục màu Tết truyền thống. Ông Nguyễn Đăng Dự, nhà sát bên cạnh nhà cổ Tích Thiện Đường, ngoài 3 cây mai tuổi ngoài 50 trước hiên nhà thì ông còn gầy ra được gần hai chục cây mai lớn nhỏ, biến khu vườn nhà thành một vườn mai rực sắc vàng mỗi khi xuân về. Khi được hỏi, mấy cây mai giá trị như vậy gia đình có ý bán hay không? Ông cười mà rằng: “Nhiều dân chơi mai tới gạ tới gạ lui hoài nhưng tôi không bán. Bởi đây là những cây mai do tự tay cha tôi ươm hạt trồng. Bây giờ tuy cha không còn nữa nhưng nhìn hoa mà nhớ người”.

Trong khi các lão mai nức tiếng ở vùng nông thôn Hòa Vang đã rời xa mảnh vườn xưa vì nhiều lý do khác nhau thì việc trồng lại những cây mai vàng trước ngõ đã trở thành niềm hứng khởi cho nhiều gia đình. Nhiều nhà vườn rộng thì trồng ngay lối đi vào nhà hay trước sân. Nhà đất chật thì trồng vào chậu kiểng. Anh Trần Ngô Gia Thức ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, ngoài vườn thanh mai hơn 50 cây kế thừa của ông nội, đầu xuân năm nay, anh đã mua thêm cả trăm cây mai con ươm trong vườn nhà với hy vọng trong tương lai sẽ có những mùa hoàng mai rực rỡ…

NHƯ HẠNH

.