Nếp xưa lặng lẽ ở phố cổ Bao Vinh

.

Ở Huế, có một phố cổ Bao Vinh bình dị và trầm lắng. Du khách hãy một lần bước chân vào những ngôi nhà cổ, nghe người dân bản xứ chuyện trò hay ngồi trên chuyến đò sang bên kia sông để cảm nhận nét đẹp mộc mạc nhưng đầy quyến rũ của mảnh đất này.

Phố cổ Bao Vinh nhìn từ trên sông. Ảnh: P.V
Phố cổ Bao Vinh nhìn từ trên sông. Ảnh: P.V

Phố cổ Bao Vinh nằm ở bờ bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 4km. Trải qua mấy trăm năm lịch sử, phố cổ này vẫn giữ được vẻ đẹp vừa bình dị, gần gũi vừa cổ kính, hấp dẫn theo hình thái  “phố trong làng”, “làng trong phố”.

Một không gian hoài niệm

Đến thăm phố cổ Bao Vinh, những cụ già hồn hậu nơi đây sẽ say sưa kể về lịch sử huy hoàng của con phố này. Bao Vinh là địa điểm thứ 2 của chuỗi cảng thị sầm uất Thanh Hà - Bao Vinh ở xứ Đàng Trong. Từ năm 1663, cảng Thanh Hà được chúa Nguyễn Phúc Lan thành lập, vào những thập niên cuối của thế kỷ 17, nhiều thương nhân người Hoa đã đến đây cư trú và buôn bán. Từ cuối thế kỷ 18, với sự xuất hiện và lớn dần của cồn Triều Sơn, thương cảng Thanh Hà mất dần lợi thế, thương nhân các nước tập trung lên Bao Vinh ở phía thượng nguồn để lập phố buôn bán mới.

Từ xưa đến nay, người dân ở con phố này luôn tự hào vì mảnh đất mà họ đang sống được “cận thị, cận giang, cận lộ và cận kinh thành”. Thuở trước, thương nhân người Hoa mua đất mặt tiền, lập phố với hai dãy đối diện qua trục đường chính, một bên là sông Hương và bến cảng, một bên là khu dân cư và đồng ruộng. Ngày nay, phố vẫn có những dãy nhà san sát bờ sông. Vào mỗi buổi chiều muộn, ánh hoàng hôn vẫn nhẹ nhàng ôm lấy con phố cổ an yên bên dòng Hương thơ mộng.

Nếu như những ngôi nhà tựa lưng vào phố và hướng ra Tỉnh lộ 4 có vẻ “hội nhập” cùng sự xô bồ của thời đại thì những ngôi nhà phía đối diện, tựa sát bờ sông lại được thiên nhiên ban tặng cho những góc nhìn thơ mộng và một không gian tĩnh lặng hơn. Để tạo điểm nhấn cho phố cổ, nhóm Huế - Du lịch kết nối (HTC) đã đưa ra ý tưởng phủ màu sơn mới cho những ngôi nhà dọc bờ sông, tạo nên một dãy nhà đa sắc in bóng xuống sông Hương. Ý tưởng này được nhóm HTC bắt đầu từ năm 2016, khi phong trào vẽ tranh bích họa bắt đầu nổi lên ở Huế và các tỉnh ven biển.

Nhóm HTC cho biết, giai đoạn bấy giờ có nhiều tour bằng thuyền đi về hướng hạ lưu sông Hương, tuy nhiên khi ngang qua khu vực phố cổ Bao Vinh lại không có điểm nhấn. Với mong muốn đem đến cho du khách hình ảnh đẹp hơn về Bao Vinh, nhóm đã tích cực đề xuất ý tưởng của mình lên các cơ quan ban ngành và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ sự kết nối và kêu gọi của ban lãnh đạo và sự đóng góp của các mạnh thường quân, đến năm 2020, ý tưởng của nhóm HTC đã được hiện thực hóa, những ngôi nhà dọc bờ sông của Bao Vinh được thay áo mới, đẹp đẽ và lung linh, nhất là khi ngắm nhìn phố cổ này từ phía làng nghề bên kia sông.

Bao Vinh hôm nay vẫn xôn xao những chuyến đò ngang đưa đón khách từ phố cổ đến các làng nghề, như làng Tiên Nộn làm nghề sơn, làng Thanh Tiên làm hoa giấy, làng Sình làm tranh dân gian. Dịp giáp Tết, hàng hóa trên đò là những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu hay những gánh hoa tươi từ làng Phú Mậu bên kia sông đưa sang phố để chuẩn bị cho một ngày dài nhộn nhịp bán buôn. Đến mồng 10 Tết, cũng có người từ phố cổ ngồi lên chuyến đò ngang ấy sang làng Sình xem hội vật.

Đến con phố này, xe cộ đi chậm lại, thi thoảng mới nghe tiếng còi xe dè dặt. Chỉ là dãy phố nhỏ nhưng người ta bán đủ thứ, từ mớ rau con cá đến bánh nậm bánh lọc, từ nong tre cái chổi cho đến xi-măng sắt thép, nhưng người bán kẻ mua lại từ tốn lạ thường. Buổi sáng, chỉ cần cầm giỏ bước ra trước nhà là có đủ thức ăn cho cả ngày. Người dân ở đây nói rằng, có lẽ họ không cần phải mua tủ lạnh vì chẳng mấy khi dùng đến. Buổi chiều, khi nắng vừa tắt, mọi người thong dong dọn dẹp, khép mình lại dưới từng mái nhà ấm cúng.

Bà và cháu - những thế hệ tiếp nối đang truyền dạy cho nhau cách làm bánh pháp lam tại Mạ’s House.Ảnh: Phước Hồng
Bà và cháu - những thế hệ tiếp nối đang truyền dạy cho nhau cách làm bánh pháp lam tại Mạ’s House. Ảnh: Phước Hồng

Thầm lặng giữ nếp xưa

Nếu chỉ dừng lại ngoài bậc cửa, du khách sẽ không nhận ra điểm khác biệt trong cốt cách của người dân bản địa nơi đây. Họ sống khiêm nhường, vừa đủ. Đặc biệt, trong lòng phố hôm nay, vẫn có những con người miệt mài với ước mơ gìn giữ nét xưa, họ nâng niu từng bậc cửa, từng viên ngói, họ dạy nhau cách làm hoa, làm bánh truyền thống, truyền cho nhau tình yêu phố kín đáo mà nồng nàn.

Nuôi ước vọng làm đẹp con phố này cùng những giá trị văn hóa truyền thống, chủ nhân của quán cà phê Mắt Biếc ở số 66 Bao Vinh, phòng trà Mạ’s House số 136 Bao Vinh là những ví dụ điển hình cho lớp người trẻ yêu phố cổ bằng tình yêu được nối dài từ thế hệ trước.

Sau thành công của bộ phim “Mắt biếc” (đạo diễn Victor Vũ, 2019),  ngày càng nhiều người biết đến Bao Vinh hơn bởi đây là một trong những bối cảnh chính của phim. Có điều, ít ai biết, quán cà phê Mắt Biếc ở 66 Bao Vinh đã ra đời cách đây khoảng 40 năm, được âm thầm gìn giữ những nét riêng của văn hóa phố cổ qua bao thế hệ. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuệ - chủ nhân của quán cà phê này cho biết, đây vốn là nơi ở của bố mẹ anh, tên gọi ban đầu rất giản dị là cà phê Mai Rê. Sau khi bộ phim của đạo diễn Victor Vũ công chiếu và được mọi người chú ý, anh chị đã quyết định đổi tên quán thành cà phê “Mắt Biếc”.
Không gian bên trong quán cà phê này giữ nguyên bản như bối cảnh “nhà của Hà Lan” - gần gũi, hoài cổ và thoáng buồn, đây cũng chính là điểm làm mê hoặc du khách.

Trong khi đó, gia đình chị Phan Nữ Phước Hồng - chủ nhân của phòng trà Mạ’s House thường tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng làm bánh in, bánh pháp lam, cắt dán hoa giấy, thêu thùa cho các em nhỏ. Chứng kiến sự tỉ mẩn của chị trong từng khâu chuẩn bị mới cảm nhận được hết đam mê và tâm huyết của người “truyền lửa”.

“Để làm được mẻ bánh bình tinh trắng thơm, giữ nguyên hương vị thì ngay từ khâu chọn nguyên liệu, làm bột phải đầu tư công phu. Bình tinh chọn củ già rồi xay thành bột, sau khi lọc xong thì ngâm qua đêm cho tinh bột kết tinh lại dưới đáy rồi đem phơi sương, sau đó cho bột vào bao cột kín. Sau khoảng 3 lần phơi sương bột mới trắng mịn, sờ vào mềm mát cả da tay”, chị Phước Hồng vừa lấy tay xới lại mẻ bột bình tinh làm bánh vừa vui vẻ chia sẻ.

Mặc dù bận rộn với công việc chính là giảng viên, nhưng để được tận hưởng niềm hạnh phúc khi chứng kiến các em nhỏ háo hức với những nong bánh thơm ngon đầy màu sắc, đại gia đình chị đã luôn cố gắng và bền bỉ cống hiến mỗi ngày cho phố cổ. Chị tâm niệm rằng, muốn mọi người nhớ lâu về Bao Vinh, về Huế, cách tốt nhất là để họ trải nghiệm văn hóa, từ đó hiểu hơn về mảnh đất và cốt cách con người nơi đây.

Những bạn trẻ ở Huế cũng tìm đến Mạ’s House để được chị hướng dẫn cách móc len làm túi đựng bình nước, cách “mặc áo len” cho những chậu hoa mini hoặc nghệ thuật Macrame (kỹ thuật thắt dây) để trang trí tường nhà, cửa sổ... Phố cổ nhờ có những buổi học hữu ích của chị mà thêm rộn ràng, tươi mới. Đặc biệt, du khách nước ngoài cũng hào hứng khi được chị hướng dẫn làm bánh, dán hoa, thắt dây. Điều họ nhớ về Huế khi đã rời mảnh đất này, chắc chắn sẽ có hình bóng của những con người yêu Huế, yêu phố cổ thiết tha như chị.

Khi được hỏi về dự định tương lai, hòa trong tiếng đệm đàn guitar nồng nàn của chồng là anh Nguyễn Thanh Cường, chị Phước Hồng chia sẻ: “Mình mong muốn thiết kế được những chuyến đò nối hai bờ phố cổ và làng nghề bên kia sông theo hình thức du lịch sinh thái cho du khách. Du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên của phố cổ khi ngồi thưởng ngoạn trên chuyến đò ngang, được đạp xe tham quan làng hoa Phú Mậu, được đến trải nghiệm nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên, được dắt trâu ra đồng, được tự tay trồng rau, trồng hoa... Những trải nghiệm đó sẽ mãi lưu lại trong ký ức của du khách, bởi họ không chỉ được tham quan mà còn được trải nghiệm”.

Phố cổ Bao Vinh cần những con người thầm lặng mà tràn đầy mơ ước, bình dị mà có cốt cách riêng, như gia đình chị Phước Hồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuệ, cần hành động nhiệt huyết của những người trẻ như nhóm HTC...

Người ta nói phố cổ Bao Vinh nhỏ bé và nay đã tàn phai đi nhiều. Nhưng một khi đã thực lòng muốn đến đây, hãy đi thật chậm, cảm nhận thật rõ, bạn sẽ ít nhiều nhìn thấy một Bao Vinh thời vàng son vẫn còn lưu lại trong nếp sống, trong phong thái của người dân phố cổ. Ở đó, vẫn còn nhiều người không thôi khát vọng xây dựng một con phố xinh đẹp và nên thơ, nối liền văn hóa giữa Bao Vinh với những làng nghề bên kia sông...

VŨ HOÀI

;
;
.
.
.
.
.