Từ làng "lên" phố

.

Từ làng “lên” phố đâu phải chuyện một sớm một chiều, đó là một cuộc “đại phẫu” làm đẹp chính mình để tương lai thay đổi theo hướng đô thị hóa, cuộc sống nhân dân tốt đẹp hơn.

Một góc giao lộ đường vành đai phía Nam và ĐT 605  đi qua địa bàn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) về đêm cho thấy sự đổi thay đô thị nhanh chóng. Ảnh: TL-NH
Một góc giao lộ đường vành đai phía Nam và ĐT 605 đi qua địa bàn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) về đêm cho thấy sự đổi thay đô thị nhanh chóng. Ảnh: TL-NH

“Hòa Tiến phố”

Hoàng hôn chưa kịp tắt sau dãy núi phía tây, những hàng quán chạy dài theo đường ĐT 605 đi qua địa phận xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đã rực sáng ánh điện. Chỉ phút chốc mà cả vùng quê yên ả hóa phố đêm rực rỡ sắc màu.

Đứng trước căn nhà mới hoàn thiện vào cuối năm ngoái nằm ngay mặt tiền gần giao lộ đường vành đai phía nam và đường ĐT 605, ông Nguyễn Ngọc Châu (68 tuổi) kể chuyện: “Trước đây, vào nhà tôi là con đường đất rộng chỉ 2 mét. Đường ĐT 605 khi đó toàn đá dăm rộng không quá 5 mét. Cả thôn Lệ Sơn ni 80% là dân làm ruộng. Còn số ít thì bám vào chợ Lệ Trạch mà buôn bán. Từ khi mở đường, mọi chuyện đã đổi khác…”.

Có thể nói rằng, nếu ai đến Hòa Tiến dăm năm trước thì nay quay trở lại không khéo sẽ nhầm đường bởi tốc độ “phố hóa” đến chóng mặt. Tất cả các hộ có nhà mặt tiền chạy dài theo các con đường mới mở đều chuyển sang kinh doanh hoặc cho thuê đã hình thành nên “phố trong làng”.

Người dân Hòa Tiến rất tự hào, nếu trước đây nhà có giỗ, chạp, cưới xin…, bà con phải lặn lội xuống Cẩm Lệ hoặc những vùng sầm uất nhất của huyện như Miếu Bông, Túy Loan để mua sắm thì nay chỉ cần ra “phố” của xã nhà là có tất! Thậm chí, bây giờ các vùng lân cận như xã: Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương và xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) lại ngược về Hòa Tiến để mua sắm, vui chơi…

Trong câu chuyện phiếm hôm đó, ông Châu kể vui rằng, những năm 80 thế kỷ trước, thôn Lệ Sơn quê ông được coi là trung tâm văn hóa, kinh tế của xã Hòa Tiến mà chỉ có 2 quán sửa xe ọp ẹp của ông Ba Xuân (xe máy) và ông Ba Xu (xe đạp). Xe bị hỏng hay thủng lốp giữa đường là dắt bộ hộc hơi. Bởi thế ngày trước, người dân đi mô cũng kè kè bộ độ vá xe và thu theo chai xăng bên mình… Chừ đi một bước là có các dịch vụ mua bán, sửa chữa bảo trì, còn cây xăng thì không thiếu.

Thế mới biết, những con đường mới mở như chiếc đũa thần góp phần đưa một xã nghèo như Hòa Tiến trở mình với những khát khao về một phố thị đông vui đủ đầy.

Sắp “trình làng” một phố đêm

Ông Ngô Ngọc Trúc, hơn 4 năm làm Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến trước khi giữ chức Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hòa Vang nửa năm nay, nhìn nhận rằng việc nâng cấp, mở rộng đường ĐT 605 và đặc biệt, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương (đường vành đai phía nam) đã kết nối giao thương thuận tiện với các xã của thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), góp phần đưa các xã: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương của huyện Hòa Vang phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ.

Nếu chạy xe trên đường ĐT 605 đoạn qua xã Hòa Tiến sẽ nhận ra rằng trên tuyến đường dài khoảng hơn 2km này có gần 300 hộ kinh doanh với nhiều loại hình, mặt hàng, từ ẩm thực, hàng tiêu dùng, thời trang, hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng... cho đến vật liệu xây dựng, bất động sản, dịch vụ giải trí… Dọc tuyến đường có khu vui chơi trẻ em và dự kiến đầu tư thành khu công viên mở của xã, các trường học và trụ sở làm việc xã.

Thực tế thuận lợi này là cơ sở để ngày 1-3-2022, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện có công văn về việc xây dựng Phương án hình thành tuyến phố đêm ĐT 605 đoạn qua xã Hòa Tiến. Được lời như mở tấm lòng, sau khi khảo sát, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Đối với xã Hòa Tiến, việc xây dựng tuyến phố chuyên doanh, phố đêm sẽ tạo ra không gian cảnh quan đa dạng, mang tính lan tỏa toàn khu vực, làm điểm nhấn về kinh doanh dịch vụ, thương mại, ẩm thực, vui chơi giải trí văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường, trở thành điểm đến hấp dẫn về nhiều mặt trong sinh hoạt và hưởng thụ của nhân dân”.

Còn nhớ, đêm cuối năm 2011, UBND huyện Hòa Vang tổ chức khai trương phố đêm Túy Loan với kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần đổi mới và phát triển đi lên của khu vực trung tâm huyện trong thời gian đến. Cùng với đó, Hòa Vang sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại dịch vụ, xây dựng chợ Túy Loan thành trung tâm thương mại văn minh, hiện đại, gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước hình thành và khai thác hiệu quả các tour, các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

Với phố đêm dọc tuyến ĐT 605, dù tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng với kinh nghiệm từ phố đêm Túy Loan cùng với cảnh quan tự nhiên và kiến trúc đô thị của “Hòa Tiến phố” phù hợp với tuyến đường, tin rằng việc hình thành phố chuyên doanh, phố đêm trên tuyến đường huyết mạch đi qua xã sẽ diễn ra thuận lợi khi mà Hòa Vang nỗ lực phấn đấu “cán đích” thị xã vào năm 2025.

Khát vọng phố

Từ hồi nghe tin huyện nhà phấn đấu đến năm 2025 lên thị xã, ông Nguyễn Ngọc Châu rất vui. Điều đó có nghĩa là các vùng quê như Hòa Tiến quê ông có cơ hội lên phường, lên phố. Trong câu chuyện bên lề tại các quán cà phê, người ta bàn tán xôm tụ.

Bên niềm vui sắp trở thành dân thành phố còn lắm nỗi lo vụn vặt. Rằng lên phường thì thuế má các loại sẽ tăng. Đất đai rồi sẽ lên giá kiểu phi mã. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, kiếm miếng đất làm nhà không dễ như hồi còn là làng xã.

Nhiều bậc cao niên trong làng còn có những nỗi ưu tư mơ hồ. Từ hồi đường mở ra, làng quê hóa phố. Người tứ xứ về làm ăn buôn bán đã phần nào xáo trộn nếp sống của một vùng thuần nông. Hồi trước, cổng nhà chẳng bao giờ đóng mà chẳng bao giờ mất mát cái gì. Bây giờ mà chểnh mảng quên khóa là trộm vào viếng như chơi. Rồi nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bán nhà, bán đất vì con cái đua đòi ăn chơi… Việc “phố hóa” nhanh cũng kéo theo một số mặt tối của đô thị khiến những vùng thuần nông như Hòa Tiến đứng trước nhiều thử thách.

Được biết Hòa Tiến là một trong 8 xã đang được đầu tư để làm “hạt nhân” cho thị xã Hòa Vang (mục tiêu hướng đến vào năm 2025) trong 3 năm tới. Trong lộ trình phấn đấu lên phường, 8 xã này đều phải chuẩn bị tâm thế để bắt kịp với tiêu chí của “đẳng cấp” phường. Không chỉ về cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là nhận thức của người dân về một nếp sống văn minh đô thị.

Chỉ riêng về văn hóa giao thông cũng là một vấn đề. Người nông thôn lâu nay vốn xuề xòa với ứng xử trong giao thông. Đường làng ngõ xóm xưa đi như thế nào cũng được đã đành, nay phải học cách “đi đứng” trước những nút giao thông với ngã ba, ngã tư tấp nập người qua kẻ lại, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy. Đường hai làn, ba làn mở ra dài tít tắp thì người dân nông thôn cần phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nhanh chóng thích nghi với những đổi thay của xã nhà.

THÀNH LÊ - NHƯ HẠNH

“Ngày 9-2-2021, Huyện ủy Hòa Vang tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định số 111/QĐ-BNV ngày 8-2-2021 của Bộ Nội vụ về điều chỉnh phân loại hành chính huyện Hòa Vang từ loại II lên loại I. Đây là “cú hích” để Hòa Vang tiếp tục hành trình phía trước: phấn đấu thành lập thị xã Hòa Vang vào năm 2025. Hiện 11/11 xã toàn huyện bước vào thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn nâng cao, trong đó có 8 xã đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V (Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên) và đang rà soát các tiêu chí xây dựng xã đô thị loại IV để nâng cấp tiêu chí “lên” phường khi Hòa Vang trở thành thị xã”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Lê Trung Thắng

;
;
.
.
.
.
.