Phóng sự - ký sự
Mùa quả ngọt
Đường về Trường Mầm non Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang, đầy nắng. Những đóa hoa nắng đong đưa trên hàng cây, dệt nên một tấm thảm óng ánh sắc vàng những ngày đầu hạ. Bước chân vào chiếc cổng trường thân quen, cô giáo Nguyễn Thị Thôi nghe lòng rưng rưng xúc động. Hôm nay, ngôi trường đã gắn bó cùng cô gần hết một đời được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý do Chủ tịch nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cô Nguyễn Thị Thực (thứ hai, bên trái sang), Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Tiến 1 (huyện Hòa Vang) giai đoạn 1990-2006, nhận hoa chúc mừng trong ngày vui của trường. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mái trường là “ngôi nhà thứ hai” của mỗi con người, nhất là ở bậc mẫu giáo. Bởi ở đó không chỉ là nơi cho nhận tri thức, mài giũa nhân cách, mà còn là nơi gieo mầm ước mơ cho cả thầy và trò. Ở đó còn là nơi chia sẻ, thấu cảm với đồng nghiệp thân quen, và các bậc cha mẹ học sinh quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng vườn.
“Dưới mái trường này, tôi đã nhận được rất nhiều niềm vui, kỷ niệm đẹp và đặc biệt, tôi còn tìm thấy “tuổi thơ” của mình ở các học trò yêu dấu!”, cô giáo Thôi rưng rưng bộc bạch. Ngày về lại trường dự lễ, các giáo viên hưu trí như cô đều không vội vào những hàng ghế trang trọng do ban tổ chức bố trí sẵn mà cùng nhau đi quanh khuôn viên nhà trường và lớp học. Dường như họ muốn tìm lại thanh xuân của mình trong từng cái cây, chiếc lá, trong từng chiếc đu quay còn văng vẳng tiếng cười…
Những chặng đường đã đi qua của một ngôi trường đôi khi cũng nhiều bước ngoặt như một đời người. Gặp cô Nguyễn Thị Thực, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, người gắn bó từ những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước khi trường nuôi dạy những nhóm trẻ do Liên Xô viện trợ, sau đó được sự bảo trợ của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Hòa Tiến, mới biết rằng trường đã nhiều lần đổi tên, đổi địa điểm qua các thôn trong xã. Đến năm 1997, trường được chính thức thành lập với tên gọi Trường Mầm non Bán công số 1 Hòa Tiến, đến năm 2013 được đổi tên Trường Mầm non Hòa Tiến 1 đến bây giờ.
Hồi ấy nơi đây là vùng đất trũng, mùa mưa ngập nước, cỏ mọc um tùm. Những ngày gió bão, các cô giáo lấy gạch đá lát đường, tát nước úng ngập cho các cháu vào lớp. Khổ nhưng mà vui. Ngày khởi công xây trường mới, giáo viên còng lưng đẩy xe đất, giá hạ để giúp nâng cao mặt bằng. “Bây giờ trở lại trường, thấy lớp khang trang, đầy đủ các phương tiện dạy học, chúng tôi vui lắm”, cô Thôi bộc bạch.
2. Về hưu năm 2019, nhưng trong ký ức của cô Thôi vẫn tươi mới những ngày đầu theo nghề gõ đầu trẻ. Hợp tác xã nông nghiệp bao cấp. Hồi đó lương giáo viên được tính bằng lúa. Mỗi tháng được 60kg lúa, tương đương với mức một người nông dân quần quật cày cấy. Cô giáo chỉ hơn họ là không phải dầm sương dãi nắng ngoài đồng. Riêng cô Thực hiệu trưởng, dù đã vào biên chế Nhà nước và được nhận lương công chức nhưng bèo bọt lắm, Chủ nhiệm hợp tác xã bấy giờ là ông Phan Văn Nhiên đã thấu cảm nên “ưu ái” bồi dưỡng thêm cho cô 20kg lúa để có thêm sức mà bám trường, bám lớp. Phụ huynh thương các cô vất vả, thỉnh thoảng biếu thêm quả bí, bó rau…
Một trong những giáo viên vào trường những năm đầu vẫn còn tại chức là cô Ngô Thị Ngọc Thu. Cô vào trường năm 1987, khi mới xong lớp 9, được phân công làm cô nuôi dạy trẻ phụ trách nhóm lớp ở thôn Dương Sơn với 10-12 cháu. Cả xã có 10 đội sản xuất, mỗi đội có 1 nhóm lớp. Lớp học bằng vách tre, bàn ghế tre do phụ huynh đóng góp. Những năm 80-90, cuộc sống vô cùng khó khăn. Tiền ăn cho trẻ hằng tháng, phụ huynh cứ khất lần cho đến khi bán được lứa heo, đàn gà mới đem nộp.
Cô Hồ Thị Oanh về trường trễ hơn, năm 1999, khi đó trường lớp đã tạm ổn với 8 nhóm lớp, kể cả nhóm ở trường chính. Cô phụ trách lớp mẫu giáo lớn, cùng đồng nghiệp sáng tác thơ ca hò vè, tổ chức các hoạt động văn nghệ, để trẻ có thể vừa học tập vừa trải nghiệm vui chơi. Ngoài ra, các cô còn làm đồ dùng dạy học bằng những nguyên liệu thô sơ như ống tre, chai lọ, thùng cạc-tông,... Những tác phẩm cây nhà lá vườn này được các cô mang đi dự thi nhiều lần ở huyện, thành phố và luôn đạt giải cao!...
Đó cũng là cảm xúc của nhiều “cô nuôi dạy trẻ” đã đi qua những ngày gian khó cùng với mái trường Mầm non Hòa Tiến 1 khi về trường dự lễ. Cô hiệu trưởng đương nhiệm Đỗ Nữ Lâm Thanh, nhiều khi nghĩ lại cũng không lý giải nổi, vì sao khó khăn là vậy, nhưng đội ngũ giáo viên nhà trường lại làm hăng say, không một tiếng kêu ca, không mấy ai đành lòng bỏ trẻ, bỏ nghề để kiếm tìm con đường sống thong dong hơn.
Cô vẫn nhớ như in, lúc đó cô chỉ mới đám cưới xong được 2 ngày thì cô hiệu trưởng - lúc đó là cô Nguyễn Thị Thực - đã gọi cô lên cùng phụ huynh chuyển các lớp học cả bàn ghế lẫn đồ chơi từ các điểm trường cách đó 1km về trường chính. Chính những công việc ngoài chuyên môn như thế đã tạo nên sự gắn kết đặc biệt giữa giáo viên với phụ huynh. Giáo viên khi đó rất ít, không dám hợp đồng thêm vì nhận vô thì lấy chi trả. Mỗi cô giáo ngoài việc chính là lên lớp dạy trẻ, thì còn “kiêm nhiệm” nhiều việc ở trường. Thậm chí, đồng nghiệp đám cưới mà giáo viên không đến dự được vì đi thì ai giữ trẻ, rời lớp lỡ xảy ra chuyện gì thì mất việc như chơi.
47 năm qua, một quãng thời gian đủ dài để một ngôi trường nhỏ ở miền quê Hòa Tiến vươn mình phát triển trở thành trường trọng điểm của bậc học mầm non trên địa bàn huyện, địa chỉ tin cậy hàng đầu của các bậc cha mẹ học sinh trong và ngoài xã.
Các em Trường Mầm non Hòa Tiến 1 tham gia hoạt động “Bé làm bánh” trong chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Ảnh: THÀNH LÊ |
3. Dạo quanh khuôn viên trường, đâu đâu cũng ngập tràn một sắc màu tươi vui, đơn giản, mộc mạc nhưng đầy tính giáo dục. Góc nào cũng đều có thể là nơi để học tập, vui chơi, rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Ngắm góc quê nhà qua ụ rơm vàng, cùng những chiếc rổ, nơm bắt cá đan bằng mây tre treo trên vách hay lắng lòng ngắm mái nhà Gươl cao vút mà thêm yêu đại ngàn... Từ đó, trẻ được dạy về quê hương qua những điều đơn giản nhất... Và đôi khi chỉ cần một đôi lần trẻ để chân trần đi trên khuôn viên chơi cát, dùng tay vốc cát xây lâu đài cũng dạy trẻ cách biết xây những ước mơ. Vì cát để xây nhà, xây các tòa tháp và chính những góc nhỏ ở ngôi trường đầu đời, sẽ là nơi xây dựng bao ước mơ tươi đẹp của tâm hồn trẻ thơ.
Cô Hiệu trưởng Đỗ Nữ Lâm Thanh cho biết, từ trong lớp đến ngoài sân chơi, các mảng trang trí, đồ dùng, đồ chơi được các cô giáo xếp đặt khá khoa học, phong phú từng chi tiết để trẻ thỏa sức học tập và khám phá. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng trẻ phát triển tốt về thể chất không chỉ được phụ huynh quan tâm mà còn cả tập thể nhà trường. Ngay từ lúc bước chân chập chững vào trường, trẻ đã được đội ngũ y tế khám sàng lọc để lập kế hoạch phối hợp, trao đổi với phụ huynh đề ra các biện pháp phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý từng trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất tốt nhất. Những “mẹ hiền” ở trường luôn chăm bẵm từng miếng ăn cho trẻ thiếu cân, giúp trẻ ăn hết suất, ngủ đủ giấc. Riêng các trẻ thừa cân, các cô còn phối hợp với tổ nuôi dưỡng lên thực đơn riêng và giúp trẻ vận động hằng ngày.
Chính những lẽ đó mà từ năm học 2007-2008, Trường Mầm non Hòa Tiến 1 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 2 trường ở Đà Nẵng thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non. Được bộ đầu tư nhiều thiết bị dạy và học, trường nhanh chóng phấn đấu thực hiện và trở thành “điểm sáng” để các trường trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn đến tham quan, học tập.
Thế mới biết, để có một vụ mùa bội thu thì người nông dân phải cuốc bẫm cày sâu. Thành quả hôm nay là mùa quả ngọt mà tập thể nhà trường gặt hái được sau những tháng ngày miệt mài phấn đấu vì tương lai con trẻ. Ra về, vẫn còn vọng lại tiếng hát của cô và trò nhà trường ca khúc “Miền quê yêu dấu”, thơ Trần Nhật Bằng, Tuấn Ngọc phổ nhạc từ 18 năm trước: Chim hót say đắm ven đường làng. Em hát, em hát vang sân trường. Trường Hòa Tiến - đây mầm non tương lai...
Trường Mầm non Hòa Tiến 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường mầm non đạt Chuẩn quốc gia nông thôn đầu tiên ở Đà Nẵng năm học 2003-2004, Chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2009, mức độ 2 năm 2012. Với những thành tích trên nhiều lĩnh vực, trường vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2009), Cờ Thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ (2014), Huân chương Lao động hạng Nhì (2015). Tại Quyết định số 2126/QĐ-CTN ngày 25-11-2021, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể nhà trường. |
THÀNH LÊ - NHƯ HẠNH