Người chiến sĩ tuyến đầu

.

“Qua 3 năm dịch mới thấy sự gắn bó, yêu quý và dấn thân với nghề mà mình đã chọn”, bác sĩ CKI Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, nói ngắn gọn về công việc của mình. Suốt cuộc trò chuyện, anh chỉ nói về đồng nghiệp, về những chuyến xe đi nhanh nhất, bảo đảm an toàn để đến với bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Công Thông (thứ 6, bên phải sang) cùng các y, bác sĩ trước khi lên đường chống Covid-19. Ảnh: H.N
Bác sĩ Trần Công Thông (thứ 6, bên phải sang) cùng các y, bác sĩ trước khi lên đường chống Covid-19. Ảnh: H.N

Bác sĩ Trần Công Thông là 1 trong 5 cá nhân của thành phố Đà Nẵng được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023).

115 là tuyến đầu của tuyến đầu

Trò chuyện với bác sĩ Thông về công việc của những người làm nghề vận chuyển cấp cứu, khi dịch bệnh đã qua, tôi hiểu hơn tính chất hối hả của công việc, tinh thần trách nhiệm trước thời gian vàng cứu chữa bệnh nhân mà những kíp trực đảm nhận.

Cuối tháng 4-2020, Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng. Thật khó để nói hết khối lượng công việc đồ sộ của các nhân viên Trung tâm 115. Cùng với vận chuyển ca bệnh cấp cứu như thông thường, Trung tâm được Sở Y tế giao là đơn vị chuyên trách vận chuyển bệnh nhân Covid-19 để tránh lây lan dịch bệnh, vận chuyển các ca bệnh nặng ra Huế điều trị, đưa bệnh nhân được xuất viện về nhà và bàn giao cho cơ sở y tế địa phương tiếp tục theo dõi; đưa trường hợp nghi nhiễm đến bệnh viện và các khu cách ly, đưa bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng sang các cơ sở y tế khác để “làm sạch” bệnh viện. Trung tâm còn phối hợp vận chuyển các bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng đến và về, vận chuyển máu từ Bệnh viện Đà Nẵng cho Bệnh viện Bắc Quảng Nam do bệnh nhân gửi vào; vận chuyển các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C tăng cường cho Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Phổi...

“Tuần đầu tiên của đợt dịch rất căng thẳng. Tháng 5, trời bắt đầu nắng nóng, anh em vận chuyển các ca bệnh phải mang trang phục bảo hộ kín mít, rất dễ bị sốc nhiệt, mất nước. Ngày cao điểm nhất chúng tôi vận chuyển gần 150 ca liên quan đến Covid-19, không kể các ca cấp cứu ngoài cộng đồng. Chỉ cần một nhân viên 115 dương tính là coi như hệ thống vận chuyển cấp cứu của thành phố tê liệt vì không có lực lượng thay thế”, bác sĩ Thông nhớ lại.

Nhân viên cấp cứu 115 bảo đảm tính chuyên nghiệp trong phòng, chống lây nhiễm chéo khi vận chuyển bệnh nhân F0 nặng ra Bệnh viện Trung ương Huế trong khi các bệnh viện ở Đà Nẵng chưa đủ phác đồ điều trị, kiểm soát lây nhiễm. Trung tâm đã vận chuyển khoảng 400 ca bệnh nặng và hàng trăm ca đưa đi cách ly, cả ca tử vong. Ban Giám đốc trung tâm trực tiếp đi làm những ca đầu để nhân viên yên tâm thực hiện nhiệm vụ, tạo niềm tin cho anh em.

“Năm 2020 dịch bệnh mới quá, còn sợ. Khi được giao nhiệm vụ chúng tôi lo lắm vì chưa hiểu hết về Covid-19, chưa có phác đồ điều trị, chưa có vắc-xin”, bác sĩ Thông chia sẻ tâm trạng của những ngày đầu chống dịch.

Nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo trung tâm là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên, không để bất cứ ai bị lây nhiễm. Ngoài trang phục bảo hộ đạt chuẩn, công tác khử khuẩn người và xe sau mỗi ca vận chuyển được thực hiện ở mức cao nhất. “Khi khởi động lại quy trình chống dịch, tôi bảo đảm sẽ làm tất cả những gì tốt nhất, tiêu chuẩn cao nhất cho anh em. Tôi chỉ yêu cầu anh em tuân thủ, chấp hành thực hiện để giữ an toàn cho bản thân mình. Nếu anh em bị nhiễm vì lý do chủ quan, không những ảnh hưởng sức khỏe của bản thân mà còn bị kỷ luật nữa. Nhờ vậy mà chúng tôi bảo toàn được lực lượng để làm việc”. Khi người lãnh đạo Trung tâm chấp nhận ra tuyến đầu với quyết tâm cao đã động viên được những người cùng chiến hào. Trước một vấn đề khó, lạ lẫm, ông định hướng cụ thể và nhận được sự đồng lòng của Ban Giám đốc trung tâm và lãnh đạo ngành, có hướng dẫn cụ thể để anh em yên tâm làm việc, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Xác định dịch bệnh có thể lâu dài, trung tâm phối hợp Sở Giao thông vận tải mở một khóa đào tạo lái xe cấp cứu cho hơn 90 tài xế, dự định dùng xe và người của Sở Giao thông vận tải phân bổ về tuyến quận, huyện để vận chuyển cấp cứu. Sau 3 lớp tập huấn, đến ngày điều động, tất cả lái xe đều “núp” hết. Ông kể một câu chuyện vui mà ẩn chứa tính chất công việc của những người vận chuyển cấp cứu. Mỗi xe có 3 người, gồm lái xe, một bác sĩ và một điều dưỡng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm rất cao khi khoang bệnh của xe cứu thương chỉ vỏn vẹn 3m2. Khi vận chuyển bệnh nhân nặng, nhiều người trong trạng thái không tỉnh táo, họ vùng vẫy, chống cự. Hoặc có những ca chấn thương bình thường nhưng bệnh nhân mất kiểm soát nên có hành vi tấn công nhân viên y tế; còn Covid-19 quá mới mẻ, không nhìn thấy virus bằng mắt thường nên ai cũng sợ.

“Năm 2021, chúng tôi rất tự tin khi thực hiện nhiệm vụ”. Lời khẳng định của bác sĩ Thông cho thấy các anh đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tinh thần cho những nhiệm vụ khó khăn. Qua đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện thành công việc khống chế, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, khi Thành phố Hồ Chí Minh bùng dịch, đoàn 5 xe cấp cứu với 15 nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng lên đường hỗ trợ đơn vị bạn trong một tháng. Bác sĩ Thông chỉ huy từ xa. Đoàn công tác phải tự trang bị phương tiện phòng hộ, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, bảo đảm tính chủ động. Ở quê nhà, anh chị em tiếp tế thêm đồ bảo hộ, khẩu trang, nhu yếu phẩm.

Thực hiện nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu, nhiều người cả tháng không về nhà vì sợ lây cho người thân. Những ngày “3 tại chỗ”, nhiều người không đến phiên trực vẫn sẵn sàng thay cho đồng nghiệp. Khi cả thành phố phong tỏa, tập trung chống dịch, do được quyền ưu tiên đi trên đường, lực lượng cấp cứu 115 đảm nhiệm thêm việc hỗ trợ lương thực cho một số bệnh viện, gia đình nhân viên. Cả trung tâm 9-10 đầu việc. Thời gian đó các anh chị không có khái niệm mấy giờ làm việc, chỉ tính thời gian theo ngày, bất cứ tình huống nào, nghe điện thoại đổ chuông là lên đường. Đến mức sau dịch, nhiều người chưa lấy lại được cân bằng, bị rối loạn làm mất ngủ cả tháng sau mới hồi phục.

Đồ họa: QUANG THẢO
Đồ họa: QUANG THẢO

39 năm dấn thân với nghề

Bác sĩ Trần Công Thông tốt nghiệp đại học Y với chuyên ngành Tai Mũi Họng, Nội khoa. Sau nhiều năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, anh được điều về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Cấp cứu 115 từ năm 2013. Bác sĩ Thông cho biết, ở tuyến viện bác sĩ vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa làm dự phòng; còn ở đây là tuyến chuyên sâu, đòi hỏi năng lực chuyên môn thực tế và năng lực xử lý công việc. Ở bệnh viện có đầy đủ máy móc thiết bị và đồng nghiệp hỗ trợ; còn cấp cứu là môi trường động, dù ở bất cứ đâu mỗi kíp làm việc chỉ có 3 người, cần tỉnh táo và khôn khéo, không có sự hỗ trợ cận lâm sàng để chẩn đoán như ở bệnh viện mà cần kiến thức vững, thao tác kỹ thuật cấp cứu vững, khám lâm sàng để phát hiện bệnh. Ở hiện trường, kíp trực cũng dễ có nguy cơ bị tấn công, bị xâm hại. Thu nhập của nhân viên cấp cứu cũng chỉ có lương cơ bản vì vậy việc thu hút bác sĩ rất khó. Nhiều y, bác sĩ lớn tuổi khó trụ nổi với áp lực môi trường động nên khoảng 50 tuổi là xin quay lại bệnh viện...

Thời điểm phòng, chống Covid-19, đồng nghiệp đánh giá xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng như “chuyên cơ trên mặt đất”, khi hội đủ các tiêu chuẩn như va ly thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Thậm chí va ly thuốc này hiện cao hơn tiêu chuẩn theo yêu cầu phục vụ các sự kiện quốc tế, thể thao (danh mục thuốc, số lượng và nhóm tác dụng thuốc tăng lên).

Khi bác sĩ Thông tiếp quản trung tâm, chỉ có 10 đầu xe mà hư mất 4 chiếc, nhân sự và năng lực chuyên môn chưa đủ như yêu cầu. Ông đề xuất để bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn sâu một số lĩnh vực. Giờ trung tâm có 6 bác sĩ CKI, 1 điều dưỡng CKI; trình độ của điều dưỡng đã nâng lên cao đẳng, đại học. Trên các xe lúc trước chỉ có bình ô xy và va ly cấp cứu thông thường, thì nay trên các xe có máy trợ thở, máy ép tim tự động ngoài lồng ngực, bơm tim điện, hệ thống ô xy liên hoàn bảo đảm phục vụ đường dài… 20 đầu xe hiện nay là 20 phòng hồi sức cấp cứu di động, với 12 bác sĩ, 28 điều dưỡng, 30 lái xe, bảo đảm cho 10 kíp trực mỗi ngày.

Lợi thế của trung tâm là tổ chức hệ thống 7 trạm cấp cứu làm việc tại địa bàn 7 quận, huyện, tạo sự chủ động cao hơn, điều phối lực lượng kịp thời. Bên cạnh đó, những năm qua Trung tâm sẵn sàng phục vụ các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa mang tầm khu vực và quốc tế; các nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp khác như thiên tai, thảm họa, ngộ độc thực phẩm... Hơn 10 năm qua, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là đơn vị cấp cứu duy nhất trong cả nước trực tiếp cấp cứu cho ngư dân trên biển. Bình quân mỗi năm đơn vị có trên 20 chuyến biển cấp cứu, đi cùng lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, tàu SAR 412. Những chuyến xe còn mang giá trị nhân văn của thành phố là miễn phí hoàn toàn,  không thu bất kỳ chi phí nào từ xe, thuốc, vật tư của bệnh nhân.

"Covid-19 là thử thách rất lớn về ý chí, tinh thần, bản lĩnh, năng lực của anh em trong nghề y. Nếu gặp một dịch bệnh mới, tôi nghĩ mình đã có kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành và phòng chống”. (Bác sĩ CKI Trần Công Thông)

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.