Giữ gìn điệu lý quê hương

.

Không vần, không điệu, không có âm nhạc hỗ trợ, bằng một sự ngẫu hứng tuyệt vời, buổi hát lý, nói lý của các già làng người Cơ tu diễn ra đầy hứng khởi, mê say, làm người nghe như lạc vào một không gian bãng lãng, đầy chi tiết ẩn dụ.

Già làng Bùi Văn Siêng (hàng đầu, bên trái) sẽ đảm nhiệm phần truyền dạy hát lý cho chính đồng bào mình để giữ gìn điệu lý quê hương.
Già làng Bùi Văn Siêng (hàng đầu, bên trái) sẽ đảm nhiệm phần truyền dạy hát lý cho chính đồng bào mình để giữ gìn điệu lý quê hương. Ảnh: PV

Ví cái này để hiểu nghĩa cái kia

Cũng giống như nhiều cuộc nói chuyện khác, bao giờ cũng có sự khởi đầu. Người mở đầu buổi hát lý đưa ra sự gợi mở cho hai bên cùng nhập cuộc với nhau. Người hát đầu tiên luôn nói về đạo lý, về tinh thần đoàn kết của đồng bào mình, sau đó hát về vấn đề đặt ra để bàn bạc, thống nhất. Người Cơ tu không dùng triết lý để phân tích sự việc mà dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa để nói về vấn đề đó, nên người hát đối, người nghe cũng phải nắm bắt mới hiểu người hát đang nói về cái gì.

Đám cưới là dịp quan trọng để người Cơ tu hát lý, nói lý. Sau khi đón khách xong, chủ nhà (thường nhà trai) chuẩn bị mâm tiệc đón khách hoặc đón chào các bậc cao niên. Chủ nhà khởi xướng bằng vài câu nói lý về nội dung của buổi gặp mặt. Mở đầu buổi nói lý, hát lý, người đại diện, thường là các cụ già có uy tín, kinh nghiệm sẽ ứng khẩu với những lời lẽ rất khiêm tốn, rằng khách quý đến nhà chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong rằng khách đừng chê tấm lòng của chúng tôi. Khách đáp lời cảm ơn chủ nhà đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, mồi ngon, rượu quý, khách không biết lấy gì đền đáp tấm thịnh tình của chủ. Rượu rót mời nhau theo thứ bậc, vừa uống vừa nói chuyện.

Nếu nhà gái yêu cầu lễ vật là bò, heo, vàng bạc, thì nhà trai hoặc thuận theo, hoặc nói chuyện để “thương lượng” giảm bớt sinh lễ. Cứ thế, từng vấn đề được đặt ra, hai bên bàn thảo và đi đến thống nhất, đồng thuận. Hết câu chuyện hôn lễ có thể nói về mùa màng, chuyện rừng chuyện rẫy, lối sống của gia đình hai bên. Chị Bích Thu, Hiệu phó trường Mầm non Hòa Bắc là người hát được nhiều bài hát, bài dân ca của đồng bào mình, vậy mà chị khẳng định là hát lý, nói lý rất khó, nhiều hình ảnh ví von của người hát khiến chị cũng không hiểu hết, nhất là những người hát sử dụng ngôn từ khôn khéo, đầy chi tiết ẩn dụ.

Nhiều lần tiếp xúc với đồng bào, tôi những tưởng người Cơ tu chỉ nói lý, hát lý để khóc người chết. Nhưng không. Già làng Bùi Văn Siêng của thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cho biết ông đã soạn được hơn 50 bài hát lý để lưu giữ. Đúng ra đó là 50 nội dung bài hát lý với đủ mọi đề tài. Ví dụ hát về đám cưới thì mỗi cái lễ, giống như lễ cưới của người Kinh, từ khi dạm ngõ đến khi đưa dâu là những câu chuyện khác nhau, mà những người già thì có bao nhiêu chuyện để nói lý, hát lý với nhau bên bát rượu sóng sánh.

Hôm tôi lên Tà Lang, một gia đình có người chết, người già trong thôn đến chia buồn. Và họ hát cho nhau nghe, hát để chia sẻ với gia đình mà có thể không cần người hát đáp lại. Họ hát kể về người đã khuất đã sống một cuộc đời như thế nào, gắn bó với làng, với núi rừng từ lúc lọt lòng đến lúc nằm xuống, lấy chồng rồi sinh con ra sao… Những bài hát lý đó nói về một cuộc đời yêu thương và hy sinh cho người khác, giống như điếu văn của người Kinh. Những người hát lý vừa là bà con, vừa là hàng xóm thân thiết với người đã khuất. Người hát lý từng chứng kiến, hiểu về cuộc sống của người chết, bài hát được cất lên với đủ sự thấu cảm trong chia sẻ, ghi nhớ về người đã khuất.

Già làng Bùi Văn Siêng cho rằng, nói lý, hát lý luôn kích thích người nghe, giúp người nghe hiểu câu chuyện một cách cặn kẽ, chí tình và đồng cảm với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày. Hát lý bao giờ cũng sau nói lý nhằm nâng cao giá trị, bổ sung cho nói lý. Người Cơ tu nói lý, hát lý như hình thức hát đối đáp trong dân ca quan họ trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trở thành nghệ thuật trong đời sống tinh thần của đồng bào từ xưa đến nay.

Không phải dùng triết lý để phân tích sự việc, mà cái “lý” ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa, ví cái này để hiểu nghĩa cái kia. Nó còn được xem là nghệ thuật so tài cao thấp giữa những người cao tuổi trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách. Biểu đạt suy nghĩ, ý định của người hát, đồng thời mở đường cho phía khách đáp lại. Cái khó của hát lý là không theo một tiêu chuẩn, bài bản nào cả mà tùy theo ứng khẩu của người đưa ra, đó là kinh nghiệm được đúc kết, trình độ hiểu biết, kiến thức của người hát. Bởi có một độ khó nhất định nên chỉ có một số người hát được. Nhiều người trẻ ở Tà Lang, Giàn Bí cũng không hiểu hết nội dung bài hát lý. 

Những thế hệ trẻ người Cơ tu sẽ tiếp nối việc học, giữ gìn nói lý, hát lý, như giữ gìn bản sắc văn hóa đã truyền qua hàng trăm năm nay. Ảnh: PV
Những thế hệ trẻ người Cơ tu sẽ tiếp nối việc học, giữ gìn nói lý, hát lý, như giữ gìn bản sắc văn hóa đã truyền qua hàng trăm năm nay. Ảnh: PV

Phục hồi và trao truyền hát lý

Nói lý, hát lý có những cách thể hiện khác nhau, có ý tứ riêng. Hiện nay chỉ còn người già ở các thôn của người Cơ tu có thể nói lý, hát lý hay và giải thích đúng nghĩa để hiểu nhau được. Già làng Siêng đếm những người biết hát lý ở Tà Lang, Giàn Bí còn đâu chưa đến hai chục người. Điều đó cho thấy muốn nói lý, hát lý phải khổ luyện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm của cha ông đi trước để lại. Không chỉ đào tạo người hát, còn cần đào tạo để những người Cơ tu hiểu được nội dung bài nói lý, hát lý, mới có thể trao truyền lòng tự hào về bản sắc văn hóa tộc người, khuyến khích người trẻ học hỏi và lưu giữ truyền thống văn hóa cha ông.

Già làng Bùi Văn Siêng cho biết ông đã ghi lại được trên 50 bài hát lý. Đó có thể chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều người già vẫn chưa có cơ hội tập hợp nhau lại, hát để lưu giữ một cách bài bản các bài hát lý, nói lý. Già Siêng ước gì có thể tổ chức các lớp học để dạy người trẻ hát lý, hay ít nhất dạy họ hiểu nội dung bài hát lý, nếu không một phần nguồn gốc văn hóa có nguy cơ bị mai một. Một tin vui cho già Siêng, không phải ở khía cạnh bảo tồn văn hóa đơn thuần, mà phát triển văn hóa để nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, là sắp tới đây huyện Hòa Vang sẽ mở lớp tập huấn, đào tạo hát dân ca và đào tạo hát lý phục vụ khách du lịch tham gia chương trình giao lưu sinh hoạt cộng đồng. Lớp học sẽ mời các nghệ nhân, các già làng có kinh nghiệm truyền dạy. Dù ở khía cạnh nào thì hát lý, nói lý sẽ có “hướng ra” để có thể bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ sau, để người biết hát lý ở Tà Lang, Giàn Bí và các nơi khác có thể nhiều hơn, để lưu giữ văn hóa truyền thống của người Cơ tu.

Bởi năm 2022, Đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030” ra đời, những điệu múa truyền thống như tung tung za zá, nghề dệt thổ cẩm truyền thống về cơ bản đã được bảo tồn. Nay đến lượt hát lý, nói lý. Có thể xem đề án là động lực hỗ trợ đồng bào Cơ tu trên địa bàn thành phố từ trong nhận thức và thực tiễn cuộc sống từng bước giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc. Đề án được thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh của huyện Hòa Vang với mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu; xây dựng nội dung, xuất bản sách, phim tư liệu, ấn phẩm về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu. Xây dựng dữ liệu hóa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Cơ tu, như lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian, trang phục, nghệ thuật, ẩm thực, chữa bệnh...

Theo Đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030”, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận; 100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.