Thấp thỏm lo... ngập

.

“Chạy ngập” giờ trở thành hai từ quen thuộc và cửa miệng của người dân sinh sống tại các kiệt, hẻm liên thông giữa đường Mẹ Suốt và đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - nơi được xem là “rốn lũ” của thành phố. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, họ đã phải 3 lần “tay xách, nách mang” rời nhà, vượt dòng nước sâu, chảy xiết để di tản trong nỗi lo lắng…

Các kiệt, hẻm trên đường Mẹ Suốt cứ mưa lớn kéo dài là ngập, người dân phải di chuyển đến nơi tập trung để trú tránh. Ảnh: V.N
Các kiệt, hẻm trên đường Mẹ Suốt cứ mưa lớn kéo dài là ngập, người dân phải di chuyển đến nơi tập trung để trú tránh. Ảnh: V.N

Nơm nớp lo khi trời mưa

Bơ phờ, mệt mỏi sau một đêm thức trắng do nước lên nhanh, ngập vào nhà nhưng chị Văn Thị Mỹ Hạnh (trú kiệt 127 Mẹ Suốt) vẫn cố gắng cùng chồng sắp xếp lại bàn ghế, lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo… Vừa xong công việc nhà, chị Hạnh vội ngồi vào chiếc ghế nhỏ để gia công, may giày dép kiếm thu nhập. Theo chị Hạnh, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 50.000- 60.000 đồng từ công việc này. Trong khi đó công việc lăn sơn của chồng lại 3 ngày làm, 7 ngày nghỉ nên cuộc sống gia đình vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn. Trước đây, gia đình chị thuê trọ tại đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Năm 2020, cha mẹ bán đất ở quê và cho tiền, vợ chồng chị tìm đến kiệt 127 Mẹ Suốt mua căn nhà cấp 4 làm nơi trú ngụ. “Niềm vui khi thoát cảnh thuê trọ, có ngôi nhà riêng chưa được bao lâu thì lại phải sống trong nỗi phập phồng, lo âu. Giờ đây mỗi khi thấy trời kéo mây, nổi dông gió lại chuẩn bị tư thế chạy ngập. Chưa đầy 1 năm qua, gia đình tôi phải di dời đồ, trong đó 3 lần đến nơi tập trung để trú tránh”, chị Hạnh nghẹn ngào.

Trận mưa đêm 7-11, dù không ngập nặng như những đợt trước và không phải di chuyển đến nơi tập trung nhưng cũng làm cho gia đình chị Hạnh một phen mệt mỏi. Chị cho biết, khi cơn mưa lớn kéo đến, biết nước sẽ tràn vào nhà, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ tất bật kê cao bàn ghế, vật dụng. Khoảng 21 giờ, nước ngoài kiệt lên nhanh, chảy xiết, tràn vào nhà. Cả gia đình chị vội trèo lên gác...

“Lúc đó, nước từ đường lớn và con kênh chảy mạnh vào kiệt như thác đổ. Sợ trở tay không kịp, vợ chồng và hai con trèo lên gác trú tránh. Nói gác cho to tát chứ thực tế chỉ là cái giá đỡ được chồng đục tường và để những thanh gỗ, vạt giường ngang qua trong mấy ngày nắng ráo trước đó…”, chị Hạnh nói.

Sau 4 lần bị ngập nặng, những chiếc máy giặt, tủ lạnh, quạt hơi nước… của vợ chồng chị Hạnh được đặt ở phòng khách trở thành vật “trang trí” cho đẹp. Bởi theo chị Hạnh, bỏ thì tiếc mà mang ra tiệm sửa thì không có tiền… “Chiều 14-10-2022, sau khi kê cao đồ đạc, chồng đi đón đứa lớn học lớp 7 bên đường Tô Hiệu và bị mắc kẹt. Ở nhà chỉ còn tôi và đứa con 6 tuổi. Nước lên nhanh, ngập qua đầu, hoảng sợ tôi và con vội leo lên thùng gạo trên bếp trú tránh, chờ cứu hộ đến hỗ trợ. Lúc đó, tôi đã rơi nước mắt khi nhìn thấy từng vật dụng, tài sản, đồ đạc trong nhà bị nước xô ngã, chìm sâu... 

Khi nước rút, tất cả đều bị hư hỏng nặng. Mùng mền, quần áo ngấm bùn đen nhưng đành phải giặt lại để dùng, vì không có tiền mua mới. Hai đợt ngập lụt giữa tháng 10 năm nay, tiếp tục tái diễn cảnh tượng đó. Thật sự khổ sở trăm bề, đã khó khăn nay càng khó khăn hơn”, chị Hạnh âu sầu.

Không riêng gì chị Hạnh, nhiều gia đình tại các kiệt, hẻm sâu trên đường Mẹ Suốt cũng đã “trắng tay” sau những đợt mưa ngập trong gần 1 năm qua. Giờ đây cứ thấy mưa to, người dân lại mất ăn, mất ngủ. Bởi chỉ cần trận mưa lớn kéo dài vài giờ đồng hồ cũng khiến khu vực này ngập sâu, giao thông “tê liệt”…

Vừa đẩy lớp bùn đất ra khỏi hiên nhà, chị Trần Thị Cúc (trú kiệt 161 Mẹ Suốt) than thở: “Cứ mưa lớn là ngập, lại phải chạy tránh và quay về dọn dẹp..., quá mệt mỏi vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Có thời điểm, khu vực này nước ngập sâu hơn 2m. Vì vậy, cứ mưa lớn kéo đến, người dân lại phải “bỏ của chạy lấy người”. Đợt ngập giữa tháng 10 năm ngoái, cuốn trôi hết tài sản. Năm nay, vừa mua sắm được một ít đồ đạc, vật dụng lại tiếp tục bị hư hỏng hoặc trôi theo dòng nước chảy xiết”, chị Cúc trầm ngâm.

Giống như chị Hạnh, chị Cúc, trong ký ức những người dân sống tại đường Mẹ Suốt, ngày 14-10-2022, là một ngày không thể quên. “Đợt đó do bất ngờ, không kịp trở tay, nhiều người đành bỏ lại tài sản vội trèo lên nóc nhà và vượt nước sâu, chảy xiết tìm đến nơi cao ráo trú tránh. Thời điểm đó, chồng đi làm chưa về, ở nhà chỉ có tôi và đứa con 2 tuổi. Nước vào nhanh, chảy xiết, không kịp đóng cổng nên hàng tạp hóa bị trôi đi hết, mất trắng. Năm 2023, mưa không gây thiệt hại nhiều do người dân chủ động và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, mỗi lần trời mưa, người dân phải khổ sở và mệt mỏi, vì cứ phải chạy theo điệp khúc bưng, bê, kê dọn, giặt gũi, sắp xếp…”, chị Trần Thị Tâm (trú kiệt 112 Mẹ Suốt) nhớ lại.

Bên cạnh kiệt 127 và gần khu vực kiệt 161 đường Mẹ Suốt là kênh thoát nước.  Ảnh: LÊ HÙNG
Bên cạnh kiệt 127 và gần khu vực kiệt 161 đường Mẹ Suốt là kênh thoát nước. Ảnh: LÊ HÙNG

Cần quy hoạch, tái thiết khu vực

Tranh thủ trời hửng nắng, người dân tại đường Mẹ Suốt dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo; tất bật sắp xếp, kê lại đồ đạc để ổn định cuộc sống... Trong các kiệt hẻm, bùn non và rác thải vẫn còn ngổn ngang. Quần áo, chăn màn được treo lủng lẳng khắp các lối; bàn ghế, nệm dính đầy bùn được vứt bên lề kiệt, trong những khu đất trống. Tại dãy nhà trọ cuối kiệt 127 Mẹ Suốt, những người lao động nghèo và sinh viên tranh thủ quét dọn phòng, cọ bàn ghế, giường chiếu...

Việc chọn thuê trọ tại đường Mẹ Suốt là hợp lý, thuận lợi cho việc đi lại. Hai em Ngô Thị Nhã Viên và chị Nguyễn Thúy An (sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) không ngờ rằng, từ ngày chuyển về khu nhà trọ cuối kiệt 127 Mẹ Suốt, phải trải qua nhiều đợt “dở khóc, dở mếu”. “Đợt ngập giữa tháng 10-2022, tất cả tài sản trong phòng đều bị hư hỏng. Ở nơi đây chưa đầy 2 năm thì đã phải 4 lần chạy ngập. Quá khổ sở và mệt mỏi...”, An bỏ lửng câu nói để tiếp tục công việc dọn dẹp sau lụt.

“Đi không nỡ, ở không xong”, người dân sống tại khu vực đường Mẹ Suốt chỉ biết cầu trời đừng mưa… Chỉ vào số bàn ghế, sofa, nệm dính đầy bùn đất vứt bỏ trong một khu đất trống trong kiệt 127 đường Mẹ Suốt, ông Lê Văn Tuấn nói: “Mưa lớn, nước thoát không kịp nên chảy mạnh vào nhà dân khiến cả khu vực ngập sâu, đồ đạc hư hỏng. Không sử dụng được, người dân đành đưa xác tủ lạnh, máy giặt, tivi… đi bán phế liệu.

Những vật dụng khác như bàn ghế, nệm, sofa thì vứt ngổn ngang ở những khu đất trống. Người không có tiền chịu cảnh nhà thiếu thốn trong sinh hoạt, người có tiền thì e dè trong việc mua sắm, vì sợ lại bị hư hỏng do mưa ngập hoặc vất vả di chuyển, dọn dẹp. Người dân nơi đây chỉ cầu mong trời đừng mưa lớn để không phải chịu cảnh khổ sở, vất vả và mất mát”.

Bên cạnh kiệt 127 và gần khu vực kiệt 161 đường Mẹ Suốt là kênh thoát nước, con kênh này rộng khoảng 10m, chảy qua các khu dân cư, trước khi đổ ra sông Phú Lộc thoát ra biển. Theo người dân, nguyên nhân gây nên ngập nước ở khu vực Mẹ Suốt là do nước ở thượng ngồn đổ về lượng lớn, trong khi đó phía hạ lưu bị nghẽn nên tràn lên trên đường, chảy mạnh vào các kiệt hẻm.

Cụ thể, phần kênh ở bên kia cầu Đa Cô bị hẹp lại tạo thế “thắt nút cổ chai” gây tình trang tràn ở phía thượng lưu tại đường Mẹ Suốt. Bên cạnh đó, dự án quy hoạch ga đường sắt “treo” lâu năm, tình trạng xây dựng nhà trái phép khá nhiều cũng khiến thành phố chưa đầu tư hạ tầng thoát nước… “Phần lớn những căn nhà nằm trong các kiệt hẻm đường Mẹ Suốt đều là nhà cấp 4 đã xuống cấp. Tuy nhiên, việc nâng cấp, sửa chữa, cơi nới gặp nhiều trở ngại vì đa số là nhà “giấy tờ ba lá” xây trên đất nông nghiệp và đời sống người dân còn nhiều khó khăn...”, ông Nguyễn Văn Thái (trú đường Mẹ Suốt) cho biết.

Khu vực ngập lụt sâu tại tuyến đường Mẹ Suốt đã ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân. Thành phố dự kiến sẽ bổ sung tuyến thoát nước chính cho “rốn lũ” đường Mẹ Suốt, còn về lâu dài sẽ tiến hành quy hoạch phân khu, tái thiết đô thị khu vực này. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ đạo tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà cửa nhằm bảo đảm cuộc sống vào những ngày mưa lớn, ngập lụt. Tuy nhiên, tình trạng này dự báo còn kéo dài trong khi các giải pháp đưa ra chưa kịp triển khai trong thời gian ngắn. Người dân sẽ còn tiếp tục phải vất vả chạy ngập khi mưa lớn kéo đến...

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.