Thương con cá đồng

.

Con đường bê-tông dẫn về Xóm Ghe quanh co, mờ sương dưới cơn mưa dầm cuối thu se lạnh. Nhà ông Bốn Hòa ở cuối xóm, nay là tổ 5, thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, mặt ngó ra sông Cái mênh mang lục bình trôi. Ông vừa đi thu lưới về, mấy con cá trảnh lấp lánh vảy bạc đang phập phồng thở trong lu để trước thềm.

Thu hoạch của ông Bốn Hòa sau một hồi thả lưới trên sông Cái.	Ảnh: NHƯ HẠNH
Thu hoạch của ông Bốn Hòa sau một hồi thả lưới trên sông Cái. Ảnh: NHƯ HẠNH

1. Thấy khách bước vô hiên, áo xống ướt lem nhem, ông Hòa bước ra chào bằng câu đượm mùi sông nước: “Về xóm Ghe mà không ướt mới lạ đó nghe! Ghe mà khô ráo, nằm bờ là cả xóm đói nhăn răng”.

Theo lời ông Bốn Hòa thì khúc sông Cái chảy qua Xóm Ghe ngày trước hẹp lắm. Đứng bên ni bờ, cầm hòn đá liệng qua bên tê bờ còn nghe kêu cái “chạch”. Đó là lý do mà cụ tổ nhà ông chọn nơi này để cắm ghe dài lâu sau những ngày lênh đênh trên sông Cái. Về sau, thấy sống trên ghe chật chội, sóng gió bất kỳ nên các cụ đã biện trầu cau xin làng cho miếng đất cắm dùi. Nhiều chủ ghe khác thấy đất lành nên cũng lên bờ dựng nhà ở kế bên, lâu ngày thành xóm. Cái tên Xóm Ghe ra đời đơn giản chỉ để phân biệt với người dân trong làng sống bằng nghề nông mà thôi. Thời gian gần trăm năm đã miệt mài bồi lở, đẩy hai bờ sông dần xa nhau biến khúc sông xưa giờ đã thành mênh mang sóng nước.

Ông Bốn Hòa tên họ đầy đủ là Đặng Văn Hòa. Cả đời ông gắn liền với khúc sông Cái chảy từ Vĩnh Điện ngang qua Xóm Ghe, nơi người tộc Đặng mấy đời mưu sinh bằng nghề sông nước. “Nói không phải khoe chớ tui thuộc nằm lòng khúc sông từ Quá Giáng tới Vĩnh Điện. Chỗ mô cạn, chỗ mô sâu. Bên mô lở, bên mô bồi. Rồi mùa mô có con cá, con tôm chi… tui nắm trong lòng bàn tay. Bữa ni bắt đầu mùa mưa, nước trên nguồn về, các đập xả tràn, cá trắm cỏ, cá gáy (chép), cá mè… theo con nước về sông. Mùa mưa làm nghề tuy vất vả nhưng dễ trúng cá to hơn kỳ nắng hạn!”.

Nghe kể hồi những năm 90 thế kỷ trước, Xóm Ghe có người bắt được con trắm cỏ nặng gần 30 kg. Đận mấy năm sau đó, có lần đập Phú Ninh sổng trôi con cá trắm cỏ giống. Đài phát thanh thông báo ai bắt được thì xin chuộc lại. “Con trắm cỏ nớ  dài gần  3 mét,  đen thui như con trâu. Hôm nọ tui đi lưới cá, nghe tiếng bặp nước ùm ùm sát lùm cỏ lác ven bờ như tiếng trâu ăn cỏ. Tui thấy lạ nên gõ gõ lên mạn ghe thì hắn quay người lặn mất tiêu”.

2. Xưa nay, cá đồng vẫn được biết là cá tự nhiên ở sông, kênh rạch, ao hồ, ruộng lúa… Nhưng thật sự làm nghề bắt cá đồng thì chỉ tập trung ở những xóm chài ven sông. Còn dân làm ruộng chỉ là những tay nghiệp dư dù trong nhà lúc nào cũng có dăm cái lờ, vài chục ống trúm, ít tay lưới  hay chí ít cũng có cái cần câu để lúc nông nhàn kiếm thêm con lươn, con cá. Cứ mỗi lần nước nguồn tràn về, cánh đồng lênh láng nước trở thành ngày hội của các loài cá.

Cá ức nước theo nước trôi xuống sông rồi theo nước lên đồng đẻ trứng. Cá náu mình quanh gốc rạ, dọc bờ mương, bờ rộc, trên những đám ruộng đầy bùn non nước lúp xúp cổ chân. Kỳ thú nhất là đám rô đồng. Hễ mưa to là rủ nhau vượt qua đám ruộng lầy ra ao hồ đẻ trứng. Nghe nói mang phụ của chúng có thể hấp thụ ô-xy trong điều kiện ở trên cạn nên có thể di chuyển trên cạn vài ngày mà vẫn sống.

Khi ngọn gió bấc tháng 10 heo may thổi qua mặt ruộng, sóng gợn nhè nhẹ là lúc bầy cá cấn cỡ hột bí bơi lóc chóc lọt xuống các ục nhỏ quanh ruộng rồi đọng lại ở đó. Việc cần làm lúc này của bầy trẻ nít là vợt cá lên bỏ vào giỏ. Cánh đồng làng vào mùa mưa thấp thoáng bóng ngư ông ẩn mình kéo rớ. Chỉ cần một chỗ đứng gần kề các miệng cống nước thủy lợi, thả rớ xuống và rắc mồi dụ cá là có thể yên tâm chờ “đắc lợi”. Mỗi lần rớ kéo lên khỏi mặt nước là lũ cá mại, cá diếc, cá thia, cá ngạnh quẫy tưng tưng… khiến những người chầu rìa đứng xem đã con mắt!

Có lẽ vì thế mà bữa cơm mùa đông của dân ruộng không bao giờ thiếu món cá đồng kho lấm, kho lá nghệ. Cái mớ cá lộn xộn đủ loại từ cá rô, cá tràu (cá lóc), cá trê, tôm, cua… vừa rớ được ban chiều đều được làm sạch, ướp với hành, tiêu, giã nhỏ, ớt bẻ đôi, nước mắm nhỉ rưới lên xâm xấp bắc lên rim. Nhắm chừng khi nồi cá vừa cạn, khử dầu phụng với nén đổ lên trên mặt cá. Gia vị thấm đều, khô queo trên từng con cá. Có lẽ vì thế mà gọi là cá kho lấm chăng? Riêng món cá cấn kho lá nghệ đã trở thành tuyệt kỹ của các bà mẹ quê. Kho làm sao để những con cá bé xíu bằng đầu ngón tay không nát, mà thịt vẫn ngọt thơm và đượm mùi nén, mùi lá nghệ. Bí quyết là ở chỗ xắt lá nghệ thiệt nhuyễn, đều rí như sợi thuốc rê bỏ vô trộn đều rồi bắc lên kho rim trên lửa liu riu tới cạn nước.

Mùa mưa, những người lên lão ngồi nhớ chuyện xưa, khi còn là những đứa trẻ xứ đồng lớn lên bằng bữa cơm khoai sắn ăn cùng nồi cá đồng kho lấm. Đi chăn trâu, hái rau tranh thủ bắt con rạm (cua đồng) về rang muối hay nấu canh rau tập tàng. Thỉnh thoảng, lúc trái gió trở trời được mẹ nấu cho nồi cháo cá, cháo lươn rắc tiêu hành thơm phức. Riêng cái món lươn đùm lá chuối hấp cách thủy được xếp vào hàng “của ngon vật lạ” chỉ dành riêng cho người già suy nhược và trẻ con ốm yếu dùng như một vị thuốc bổ. Những món ăn quê mùa ấy đã theo suốt cuộc đời mỗi người, để rồi trong giấc chiêm bao nơi phố thị vẫn nghe hanh hao mùi củ nén, lá nghệ quê nhà.

Món cá đồng kho nghệ. Ảnh: NHƯ HẠNH
Món cá đồng kho nghệ. Ảnh: NHƯ HẠNH

3. Dọc theo đôi bờ sông Cái, nhiều làng quê xưa như Hòa Quý, Hòa Xuân đã “lên” phường từ mấy chục năm nay rồi. Nghe nói sắp tới Hòa Phước cũng rục rịch nhập tịch thị dân. Tuy đã là cư dân phố thị nhưng nhiều người dân vẫn không quên cái thú đánh bắt cá đầy tính nghệ thuật của đồng ruộng. Những ngày cuối tuần, các cần thủ lại xách ba lô, mồi câu về các cánh đồng, ao hồ, con sông ở vùng ngoại ô để thi triển công phu câu cá. Một số khác vẫn giữ nghề sông nước như cái cần câu cơm giữa phố phường.

Vợ chồng chị Lê Thị Hoa ở Liêm Lạc, phường Hòa Xuân, vẫn mưu sinh nghề sông nước. Đêm chồng chèo ghe đi thả lưới dọc sông Cái, sáng thu lưới, đem cá ra chợ bán. Chị bảo, đất quê lên phường nhưng người quê cũng vẫn giữ chân quê. Không giữ lấy nghề lấy chi mà sống.

Buổi sáng hôm ngồi ở nhà ông Bốn Hòa ngó ra ngoài sông, thỉnh thoảng vài chiếc ghe máy chạy vụt giữa làn mưa trắng mờ như một ảo ảnh. Vừa định cất giọng khen, trời mưa to mà vẫn có người đi thả lưới. Như đoán được suy nghĩ của khách, ông Hòa nghiêm sắc mặt lại, giọng đầy muộn phiền: “Đó những ghe đánh cá bằng xung điện, ở nơi khác đến. Đánh hồi sáng sớm, chừ xong quay về. Nó ào đến như cơn giông, cá bị chích điện lớn nhỏ chi cũng bị giật điện oằn người. Lúc chết xương sống cong vênh…”. “Sao không báo chính quyền?”. “Ừ thì cũng có báo, nhưng ghe chạy trên sông ào ào, lại hoạt động lúc gần sáng. Mà có bị bắt thì chịu phạt. Mai mốt lại đánh tiếp. Riết rồi sông cũng không còn tôm cá!”. Nghe ra cũng khó thiệt.

Người ta vẫn nói, con cá về đồng rồi con cá ra sông. Đó là chuyện hồi trước. Cái vòng sinh sôi nảy nở của con cá đồng bây giờ bị đứt gãy bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh chứ không phải nội sinh. Những người sống lâu năm với nghề đều biết rõ rằng, cá đồng, cá sông mỗi ngày một khan hiếm vì nhiều lẽ, trong đó việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho “rầm đất” (cá con sinh ra từ ruộng) không sống nổi để về sông trưởng thành. Lòng sông bị nạo vét lấy cát khiến lòng sông không còn chỗ bình yên để dung thân. “Cá không sống nổi thì dân xóm chài biết sống răng đây?”, ông Bốn Hòa buồn bã cất giọng.

Nghĩ mà thương!

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.