.

"Tuyên ngôn văn nghệ" của nhà văn Vũ Hạnh

.

ĐNĐT - Qua Bút máu, một truyện ngắn mang màu sắc liêu trai nửa hư nửa thực, ông nhắn gửi đến những người cầm bút một điều rằng, viết điều gì cũng phải lấy cái tâm trong sáng làm nền, bởi viết sai lệch sự thật thì sẽ gây ra tác hại đến không cùng, vô hình trung biến mình thành một kẻ tán tận lương tâm.

Bút máu và Người Việt cao quý là hai tác phẩm tiêu biểu của nhà van Vũ Hạnh. Nguồn: Công an nhân dân điện tử.
"Bút máu" và "Người Việt cao quý" là hai tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh. Nguồn: Công an nhân dân điện tử.

Nghe tin có đồng hương Quảng Nam vào thăm, nhà văn Vũ Hạnh hẹn chúng tôi ở trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, số 81 đường Trần Quốc Thảo, Quận 3. Đó là địa chỉ quá đỗi thân quen, đã “chết tên” là Quán 81, nơi hò hẹn của dân văn nghệ sĩ khắp mọi miền đất nước mỗi khi có dịp về Sài Gòn và rảnh rỗi thời gian ngồi lại “tám” với nhau dăm ba chuyện “văn nghệ văn gừng”.

Rời Quảng Nam vào Sài Gòn

Gác lại thanh âm sôi động phố phường dưới những tán lá cổ thụ, nhà văn Vũ Hạnh gọi hai chén trà, thong thả hỏi tôi chuyện quê nhà xứ Quảng. Ông gia nhập Mặt trận Việt Minh ở quê nhà từ tháng 3-1945, thời chống Pháp, ông phụ trách Ban kịch tuyên truyền kháng chiến, sáng tác kịch ngắn, rồi dạy môn Việt văn ở các trường trung học Thăng Bình, Quế Châu, Phan Châu Trinh. Học trò năm xưa chỉ biết thầy Dũng - Nguyễn Đức Dũng, nên khi nghe nói ông là nhà văn Vũ Hạnh, ai cũng không khỏi ngạc nhiên.

Ông bảo, bút danh Vũ Hạnh có nguồn gốc từ tên một người bạn cùng trường, cùng làng với ông. Lúc đầu cả hai quen chứ không thân, đến sau Hiệp định Genève, do hoạt động cách mạng, hai người bị địch bắt giam chung một phòng và từ đó trở thành bạn chí thân.

Lúc sắp ra tù, ông cho bạn biết là mình sẽ chọn đường văn học, báo chí để tiếp tục đấu tranh. Khi ông xin phép mượn tên người bạn tù để làm bút danh thì bạn ôm ông và khóc. Người đó tên là Võ Hạnh. “Do lúc đó có một số cây bút họ Vũ trong số người những di cư nên tôi đổi Võ ra Vũ để cùng với họ cho vui” – ông cười chân chất.

Đó là năm 1955, ông bị bắt giam sau khi rời Đoàn văn nghệ thanh niên xung phong Liên khu V phục vụ chiến trường Tây Nguyên và trở về quê nhà cầm đầu cuộc biểu tình đòi hiệp thương thống nhất Nam – Bắc. Một năm sau, được trả tự do, ông vào Sài Gòn, chọn báo chí làm phương tiện tiếp tục đấu tranh dưới bút danh Vũ Hạnh.

Năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Hoàng Thanh Kỳ, đấu tranh công khai trên mặt trận văn hóa. Sau đó, ông gia nhập Trung tâm Văn bút (PEN Club), một tổ chức của những người cầm bút được thành lập ở Sài Gòn vào khoảng năm 1957 và được gia nhập Hội Văn bút Quốc tế (PEN Club International).

Tháng 8-1966, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập, ông được bầu làm Tổng thư ký. Thời gian này, ông là một trong những trong cây bút nòng cốt của báo Tin Văn, cơ quan ngôn luận công khai của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định.

Dù bị đàn áp, tù tội nhưng nhà văn Vũ Hạnh vẫn không rời bỏ vị trí chiến đấu. Tháng 1-1971, khi Tạp chí Văn Bút của Trung tâm Văn bút ở miền Nam ra đời, ông nhận nhiệm vụ chủ biên cũng không ngoài mục đích sử dụng làm diễn đàn đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc. Sau năm 1975, ông giữ cương vị Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM.

Từ năm 1975 đến 1985, ông giữ cương vị Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố…

“Tuyên ngôn văn nghệ”

Một số bài báo viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: V.T.L
Một số bài báo viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: V.T.L

Vũ Hạnh viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học. Trong gần hai thập niên, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm.

Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995),...

Tiểu thuyết: Lửa rừng (đăng trên tuần báo Mai lấy tên là “Truyện nàng Y Kla”, 1960)

Hồi ký: Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000)

Tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970),...

Tác phẩm Người Việt cao quý khi ấn hành tại miền Nam trước năm 1975, ngoài bìa ghi tác giả A. Pazzi, nghe như tên một người Ý, nhưng thật ra đó là một bút danh khác của nhà văn Vũ Hạnh. Theo Từ điển Văn học (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.2024), Pazzi đọc lên nghe như “Bất Di”, nghĩa là không thay đổi, không di dịch.

Tiểu luận này nhà văn đã mượn tên Cô Hồng Ngọc làm “dịch giả”, được tái bản trên 10 lần. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào năm 1973, ông đổi tên sách thành Người Việt kỳ diệu, tác giả vẫn là A. Pazzi nhưng “dịch giả” lúc này là Vũ Hạnh. Trước sau, tác phẩm “mượn tên người Ý” này đã tái bản trên 50 lần, chưa kể in lậu.

Người Việt cao quý nổi tiếng đến mức, theo báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 8-3-1992, sau ngày đất nước thống nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn vào TP.HCM đã hỏi ông Trần Trọng Tân rằng “Tác giả người Ý nào viết Người Việt cao quý khá quá”. Ông Tân trả lời: “Ông người Ý ấy tên là... Vũ Hạnh, một cơ sở nội thành của ta”.

Chiều mồng một Tết Nhâm Thân (1992), Tổng bí thư Đỗ Mười nhân chuyến công tác tại TP.HCM đã đến thăm, chúc Tết gia đình nhà văn Vũ Hạnh và vui vẻ cho biết đã rất thích thú khi đọc Người Việt cao quý.

Nếu Người Việt cao quý và Đọc lại Truyện Kiều là hai công trình nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa đạt đỉnh cao thì truyện ngắn Bút máu ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỷ, được xem là “Tuyên ngôn văn nghệ” cho nghiệp cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh. Giáo sư Trần Hữu Tá đã nhận xét trong “Nhìn lại một chặng đường văn học (NXB TP.HCM, 2000, tr. 99): “Có thể nói, qua Bút máu lần đầu tiên trên văn đàn Sài Gòn, người đọc được nghe một tuyên ngôn văn nghệ nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của người cầm bút, đồng thời thấy đó như là một lời cảnh báo gián tiếp gửi đến những cây bút tưởng có thể nấp trong cõi từ chương để có thể tiếp tay cho kẻ ác”.

Qua truyện ngắn mang màu sắc liêu trai nửa hư nửa thực này, ông nhắn gửi đến những người cầm bút một điều rằng, viết điều gì cũng phải lấy cái tâm trong sáng làm nền, bởi viết sai lệch sự thật thì sẽ gây ra tác hại không cùng, vô hình trung biến mình thành một kẻ tán tận lương tâm.

“Cây cổ thụ” tuổi 90

Hội Nhà văn TP.HCM tặng thơ mừng thọ nhà văn Vũ Hạnh (thứ hai, trái qua). Nguồn: TTO
Hội Nhà văn TP.HCM tặng thơ mừng thọ nhà văn Vũ Hạnh (thứ hai, trái qua). Nguồn: TTO

Tháng 7 năm rồi, 2015, ông tròn tuổi 90. Tác giả Long Vân gọi ông là“Chàng trai” tuổi 90 trong một bài viết đăng trên báo Công An TP.HCM và chia sẻ cảm xúc: “Lần đầu gặp ông, tôi tìm đọc Bút máu. Đọc xong bàng hoàng như ngộ ra chân lý. Sau 23 năm viết báo, đọc lại lần nữa càng thấy Bút máu thâm thúy đến rợn người”.

Rợn người, bởi lẽ Bút máu mang màu sắc của một liêu trai thời hiện đại với những câu văn lạnh lùng như xoáy vào tim óc: “...Lưỡi gươm tuy ác nhưng trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây ra điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể xiết là bao, nhưng chẳng qua là mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi... Xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết dâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn...”.

Mừng sinh nhật ông, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành Tuyển tập Vũ Hạnh gồm 2 tập dày gần 1.400 trang. Nhân dịp này, Hội Nhà văn TP.HCM tặng nhà văn 4 câu thơ lấy tên từ những tác phẩm nổi tiếng của ông: “Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác/ Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng/ Chín mươi mùa xuân, Một chặng đường bút mực/ Chất ngọc dâng đời, giá trị sống của cha ông”.

Mấy năm trước, khi tôi tập hợp tư liệu để viết về nhà văn Vũ Hạnh, ông tỉ mẩn chọn lọc và photocopy gửi ra cho tôi qua đường bưu điện. Giờ thì Trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, nguyên là biệt thự của bà mẹ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, đã được xây mới với một tầng hầm, một tòa nhà 3 tầng dành cho trưng bày, biểu diễn và một tòa nhà hành chính 7 tầng nguy nga, đồ sộ. Những cây cổ thụ vẫn còn được giữ lại trong khuôn viên “quán 81”, nhưng tôi vẫn chưa được gặp lại “cây cổ thụ” đồng hương đã bước qua tuổi 90 mà vẫn đau đáu nghiệp văn chương…

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926, quê ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ngoài văn, ông còn là nhà phê bình, nhà báo với nhiều bút danh khác: Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu, Hoàng Thanh Kỳ…

Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học (ông là cháu ngoại của Tiến sĩ Phan Quang - một trong “Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng), có tinh thần yêu nước, ông đam mê văn chương, đã có thơ đăng trên báo Sông Hương (Huế) từ năm 1944 khi theo học ban Tú tài ở Huế.

Trong 20 năm sống ở Sài Gòn, ông 5 lần bị bắt, nhưng vẫn viết đều đặn trên các tập san, tạp chí văn nghệ xuất bản ở Sài Gòn, vừa phổ biến quan điểm văn nghệ cách mạng, vừa phê phán những hiện tượng văn nghệ tiêu cực của chế độ Sài Gòn. Năm nay bước qua tuổi 91, ông đã có trên dưới 60 tác phẩm lớn.

“Khi viết Bút máu theo lối cổ kính, vào năm 1958, như một tuyên ngôn đối với chính mình, đồng thời để phản ứng lại đội ngũ bồi bút đông đảo thời ấy, tôi mượn tên anh Vũ Hạnh để làm bút hiệu - đó là người bạn đồng hương, vừa là bạn tù, đồng thời là một chiến sĩ tuyệt vời - để tăng thêm phần trách nhiệm của mình đối với ngòi bút.

Sau ngày Giải phóng, một cô bạn văn ở ban đối ngoại của Hội Nhà văn Liên Xô cho biết Bút máu từng được dịch ra tiếng Nga, song vì tôi không biết ngoại ngữ này nên không tìm giữ bản dịch, chỉ giữ mỗi truyện Chất ngọc được một tạp chí ở Mỹ Southeast Chronicle - dịch và đăng tải ở số 70-71”.

Trích “Tâm sự của người cầm bút” – lời giới thiệu truyện ngắn Chất ngọc (NXB Trẻ, TP.HCM, 2011) của Vũ Hạnh.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.