ĐNO - Võ Quảng là một trong số ít những cây bút mở đường, đặt những viên gạch khai phá đầu tiên vào buổi bình minh của nền văn học thiếu nhi cách mạng Việt Nam. Suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút và thủy chung với văn học thiếu nhi, Võ Quảng đã chứng minh điều mà ông hằng tâm nguyện: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”.
Hết mình cho tuổi thơ
Võ Quảng (1920 - 2007) là một nhà văn tên tuổi trên văn đàn Việt Nam với sự nghiệp văn chương chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi. Ông là người đầu tiên dịch tác phẩm Đôn Kihôtê (nguyên tác Don Quixote, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra) sang tiếng Việt dưới bút danh Hoàng Huy từ năm 1959.
Nhà văn Võ Quảng: "Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi" (ảnh tư liệu). |
Võ Quảng sinh ngày 1-3-1920, quê ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 1935, gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế trong khi đang theo học Tú tài ở Trường Quốc học.
Năm 1939, ông làm Tổ trưởng Tổ Thanh niên Phản đế ở Huế. Tháng 9 năm 1941, ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa đi quản thúc vô thời hạn ở quê nhà.
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông được cử giữ chức vụ ủy viên Tư pháp rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, ông làm Hội thẩm chính trị (Phó Chánh án) Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam.
Sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, ông được điều về giữ chức vụ Ủy viên Ban Nhi đồng Trung ương, phụ trách văn học thiếu nhi. Ông là một trong những sáng lập viên và từng giữ chức Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Một thời gian sau, ông được cử làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Năm 1968, ông về công tác tại Bộ Văn hóa; năm 1971, về Hội Nhà văn Việt Nam, được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi và giữ chức vụ này đến khi về hưu.
Ông đóng góp nhiều công sức cho phong trào sáng tác thơ văn cho trẻ em, cũng như phong trào trẻ em sáng tác thơ văn, góp phần đào tạo nhiều cây bút thơ trẻ như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh, Cẩm Thơ, Chu Hồng Quý...
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.
Ông qua đời lúc 11 giờ 20 phút ngày 15 tháng 6 năm 2007 tại Hà Nội. Mộ phần của ông hiện ở tại nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau 2 tháng ông từ trần, sáng 18-8-2007, Tạp chí Văn hóa quân sự tại Đà Nẵng đã tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo về nhà văn, nhà thơ Võ Quảng tại Đà Nẵng. Nhiều tham luận của các lãnh đạo huyện Đại Lộc (quê hương nhà văn), các nhà thơ, nhà văn công tác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều dành cho nhà văn Võ Quảng những tình cảm kính trọng, trìu mến.
Ngày 13-6-2017, nhà phê bình Võ Gia Trị, thứ nam của Võ Quảng, đăng bài “Tản mạn những chuyện vui về Võ Quảng nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông” trên vanvn.net (Cơ quan ngôn luận Hội Nhà văn Việt Nam), có đoạn như sau:
“Võ Quảng là người khởi sự cho nhiều cái đầu tiên trong văn học Việt Nam ví dụ như ông là một trong những người đầu tiên nêu ý tưởng và góp công xây dựng nền văn học thiếu nhi Việt Nam, một trong những lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam…
Ngay cả trong dịch thuật văn học ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam dịch tác phẩm Đôn Kihôtê của Xecvantet sang tiếng Việt cho thiếu nhi đọc. Bản dịch của ông là một bản dịch phóng tác, một sáng tạo tuyệt vời rất phù hợp với thiếu nhi và được các em thích thú.
Nhưng có lẽ cái đầu tiên quan trọng nhất với Võ Quảng chính là tác phẩm thiếu nhi đầu tay “Gà mái hoa”. Bản thảo viết tay tác phẩm này ông đưa nhà thơ Khương Hữu Dụng lúc đó đang làm biên tập viên thơ ở Nhà xuất bản Văn học đọc và tác giả “Từ đêm mười chín...” lập tức nhận ra một tài năng văn học thiếu nhi đang chín trong con người Võ Quảng.
Khương Hữu Dụng đã cho in ở Nhà xuất bản Văn học và động viên Võ Quảng đi theo con đường sáng tác văn học thiếu nhi. Tác phẩm “Gà mái hoa” được các em thiếu nhi đón nhận nhiệt liệt. Lúc đó vào khoảng năm 1956, Nhà xuất bản Kim Đồng chưa ra đời, và tác phẩm này có thể được coi là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên cho một giai đoạn hình thành mới và quan trọng của văn học thiếu nhi Việt Nam”.
Nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Đất rừng phương Nam (1957), viết về Võ Quảng: “Đọc truyện anh Võ Quảng viết cho các em, tôi có cảm tưởng như mình trẻ lại - lùi về từ những ngày thơ với tất cả rung động, bồn chồn... ở mọi niềm vui cũng như nỗi buồn của số phận từng nhân vật từ người lớn cho đến trẻ thơ... Sức mạnh nào của ngòi bút Võ Quảng đã tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc như thế? Cũng có thể còn nhiều yếu tố khác, nhưng tôi nghĩ cái chính là tâm hồn và con người tác giả”.
Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, đánh giá về ông: “Con người ấy quả đã sống hết mình, thật hết mình cho tuổi thơ”.
Một trong những nhà văn viết tự truyện hàng đầu Việt Nam
Võ Quảng là một trong số ít những cây bút mở đường, đặt những viên gạch khai phá đầu tiên vào buổi bình minh của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút và thủy chung với văn học thiếu nhi, Võ Quảng đã chứng minh điều mà ông hằng tâm nguyện: “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”.
Ông đã tạo dựng được cho mình một sự nghiệp văn chương phong phú bằng nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện đồng thoại, tiểu thuyết, kịch bản phim hoạt hình.
Bìa một tập thơ của Võ Quảng. Nguồn: Internet. |
- Gà mái hoa (thơ, 1957);
- Cái Thăng (truyện, 1961);
- Thấy cái hoa nở (thơ, 1962);
- Chỗ cây đa làng (1964);
- Nắng sớm (thơ, 1965);
- Cái Mai (1967);
- Những chiếc áo ấm (truyện, 1970);
- Anh Đom đóm (thơ, 1970);
- Măng tre (thơ, 1972);
- Quê nội (truyện, 1973);
- Tảng sáng (truyện, 1978);
- Bài học tốt (truyện, 1975);
- Quả đỏ (thơ, 1980);
- Ánh nắng sớm (thơ, 1993);
- Vượn hú (truyện, 1993);
- Kinh tuyến, vĩ tuyến (truyện, 1995);
- Sơn tinh Thủy tinh, Con 2 (kịch bản phim hoạt hình).
Bìa truyện Quê nội bản gộp hai truyện |
Tác phẩm được xem là thành công nhất của Võ Quảng là tiểu thuyết Quê nội (1973), nơi ông trải lòng sâu nặng tình quê giữa những năm tháng mà những người đồng cảnh ngộ như ông luôn thắc thỏm tâm trạng “ngày Bắc, đêm Nam”.
Trong bài viết Tác phẩm “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng: “Cận cảnh” sinh động về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam đăng trên Báo Quảng Nam ngày 24-8-2013, tác giả Duy Hiển dành tình cảm cho tác phẩm nổi tiếng này:
“Tôi đọc Quê nội lúc còn nhỏ, khi chưa bước ra khỏi lũy tre làng. Thế nhưng các trang văn kỳ diệu của Võ Quảng đã nhấc bổng tuổi thơ tôi, mang tâm hồn tôi vượt qua đồng rộng sông dài đến bao miền quê xứ Quảng kỳ thú. (…) Quê nội là tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nó không hướng đến kết cấu phức tạp của một tiểu thuyết trường thiên. Chung quy nó chỉ là câu chuyện về cậu bé Cục và Cù Lao đang “lớn lên trong mùa cách mạng”, đang hăm hở và đang sốt ruột muốn trở thành người lớn, muốn được giao những việc quan trọng, trong khi chưa kịp từ giã hết tuổi thơ tinh nghịch và trong trẻo”.
Quê nội và Tảng sáng (1978) được cho là hai cuốn tự truyện của Võ Quảng. Quê nội kết thúc khi chú Hai Quân ra công tác ngoài Đà Nẵng, Cù Lao đi theo cha và chia tay Cục, tạm biệt Hòa Phước. Tảng sáng bắt đầu khi Cù Lao từ Đà Nẵng trở về khi quân Pháp trở lại chiếm Đà Nẵng.
Ngày 22-6-2008, một năm sau ngày mất của nhà văn, tác giả Nguyễn Huy Thắng có bài Một ngày lắng trong không gian Võ Quảng đăng trên daibieunhandan.vn (Báo điện từ Đại biểu Nhân dân):
“Với hai cuốn sách này, Võ Quảng không chỉ đóng góp thêm vào danh mục sách viết cho thiếu nhi của ta hai tác phẩm về đề tài truyền thống, mà như nhà nghiên cứu văn học Phong Lê đã chỉ ra, ông xứng đáng đứng vào hàng ngũ ít ỏi những nhà văn viết tự truyện hàng đầu của Việt Nam, bên cạnh những Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu, Tô Hoài với Cỏ dại, Mạnh Phú Tư với Sống nhờ...”.
Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm biên soạn viết bằng tiếng Pháp.
Một số tác phẩm tiêu biểu
Trong sáng tác của Võ Quảng, nếu Quê nội là tiểu thuyết thành công nhất thì Mời vào (lúc đầu có tựa là Gõ cửa) là bài thơ đã đi vào tâm hồn nhiều thế hệ tuổi thơ bằng vẻ tươi vui, ngộ nghĩnh với tiết tấu dung dị gần với âm nhạc. Bài thơ càng trở nên nổi tiếng hơn, khi được các nhạc sĩ phổ nhạc, các đạo diễn dựng thành hoạt cảnh, thành trò chơi cho trẻ em.
Mời vào: "Cốc, cốc, cốc!/ Ai gọi đó?/ Tôi là Thỏ/ Nếu là Thỏ/ Cho xem tai/ Cốc, cốc, cốc!/ Ai gọi đó?/ Tôi là Nai/ Nếu là Nai/ Cho xem gạc./ Cốc, cốc, cốc!/ Ai gọi đó?/ Tôi là Gió/ Nếu là Gió/ Xin mời vào!/ Kiễng chân cao/ Trèo qua cửa/ Cùng soạn sửa/ Đón trăng lên/ Quạt mát thêm/ Hơi biển cả/ Reo hoa lá/ Đẩy buồm thuyền.../ Đi khắp miền/ Làm việc tốt!
Với Quê nội, nhà văn Alice Kahn khi dịch sang tiếng Pháp, đã viết trong Lời nói đầu của tác phẩm chuyển ngữ này: “Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội người ta bảo tôi: Đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích quyển sách Tom Sawyer với nhân vật Huckleberry Finn. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn”.
Tom Sawyer là nhân vật chính trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của nhà văn Mỹ Mark Twain, tác phẩm được viết với bút pháp độc đáo, miêu tả tâm lý, cử chỉ, hành động của một chú bé sống tại một làng nghèo bên sông Mississippi. Huckleberry Finn, bạn của Tom Sawyer, là nhân vật chính trong tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, tác phẩm được xem là cuốn tiếp theo của quyển Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer.
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn được đánh giá là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong nền văn học Hoa Kỳ. Khi “cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn” so với các nhân vật của Mark Twain, nhà văn Alice Kahn đã tỏ ý đặt Quê nội lên tầm kiệt tác.
VĂN THÀNH LÊ
Dưới đây là trích đoạn cuối Chương 1 tiểu thuyết Quê nội của nhà văn Võ Quảng.
Quê nội
Trưa hôm đó, đưa trâu về nhà, tôi thuật lại với chị Ba tôi vừa gặp một thằng mọi biển. Tên nó là Cù Lao, ở ngoài cù lao Chàm mới về. Thấy chị Ba nghe có vẻ chăm chú, tôi càng nhấn thêm một vài chi tiết có vẻ giật gân. Nào là thằng Cù Lao đó trông rất gớm ghiếc. Nó biết uống nước bằng lỗ mũi. Cặp mắt nó con nhỏ con to cứ lấm lét. Chị Ba nghe xong xì một tiếng:
- Làm gì có mọi biển mọi núi! Họ cũng là người như ta cả. Thằng Cù Lao đó là con của chú Hai Quân. Chú Hai Quân ở ngoài cù lao Chàm về đây hôm qua. Trước kia bị lý trưởng đánh, chú bỏ làng đi mất. Chú cùng họ với nhà mình, chú của anh Bốn Linh đó. Chú có đứa con trai, chắc là thằng mày gặp. Chúng mày ma cũ ăn hiếp ma mới. Chớ bịa đặt những chuyện bậy bạ!
Cách nói của chị Ba có một cái gì quả quyết làm tất cả những điều tôi tưởng về thằng Cù Lao bỗng tan ra mây khói. Chị Ba bảo tôi đi xúc ngô ra giã. Tôi xách mủng leo vào cót xúc một mủng bắp đổ vào cối. Chị Ba hứa sẽ làm món lớ bắp. Nghe vậy tôi giã càng nhanh. Chợt chị Ba ra hiệu bảo tôi dừng chày:
- Im để nghe thử!
Hình như có tiếng ai khóc. Tôi dừng chày lắng nghe. Rõ ràng có tiếng kể lể từ phía nhà anh Bốn Linh đưa lại. Chị Ba gác chày lên cối, bỏ chạy. Tôi vứt chày chạy theo.
Trước nhà anh Bốn Linh, bọn trẻ con đang nhốn nháo. Trong nhà có tiếng khóc ồ ồ và tiếng kể lể.
- Ối trời ơi! Chị chết đi bỏ một mình anh ở lại... sống một ngày dương gian bằng nghìn ngày âm phủ...
Quái! Chị Bốn Linh hôm qua bị cảm đã nhờ chị Năm Như cào xông. Sau đó lại làm thêm mấy bát cháo hành. Không nhẽ chị Bốn lại bỏ anh Bốn về với ông bà đột ngột như vậy? Tôi nhìn quanh trong nhà cũng chẳng có ai nằm im đắp chiếu, cũng chẳng thấy có cỗ áo quan nào cả. Bác Úc ngồi xếp hàng trên phản cười tủm tỉm.
Thầy Lê Hảo cười hà hà. Chú Năm Mùi cười hì hì. Ông Bảy Hóa cười như người ta ho khẹc, khẹc! Ông vừa cười vừa vuốt râu ra bộ khoan khoái lắm. Bộ râu của ông Bảy vừa rậm vừa dài tỏa xuống đến rốn. Xem điệu bộ ông vuốt râu, người ta tưởng ông còn muốn kéo râu ông dài đến đất. Một người lạ mặt, tóc hoa râm ngồi cạnh bác Úc. Tiếng khóc và tiếng kể lể nổi lên:
- Ối chị Hai ôi! Anh Hai đã về đó mà chị đi đâu?...
Thì ra bà Hiến đang ngồi khóc. Bà là người khóc to nhất. Chị Bảy Có, chị Năm Như ngồi chung quanh cũng thút thít. Tôi rất lạ là trong lúc các bà đang khóc lóc thì bên nam giới lại cười nói ồn ào. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề thấy một cảnh vừa cười vừa khóc như vậy. Trong những hội hè đình đám tất cả đều uống rượu, ăn thịt, đều cười hể hả, không ai khóc. Tôi cũng có đi xem những đám ma, nhiều đám to lắm, cũng chỉ thấy người ta khóc. Nếu không khóc cũng làm ra vẻ buồn, chẳng có người cười người khóc bao giờ cả. Bà Hiến nấc lên:
- Khi anh Hai bỏ làng đi thì chị Hai cũng đi biệt tích. Chị em thương nhau từ thuở để chỏm. Con rận, con chí cũng cắn làm đôi, không nhớ không thương sao được!
Ông Bảy Hóa lại vuốt râu dài cười khẹc khẹc:
- Ôi cái bà này! Trước đây anh Hai bị đế quốc phong kiến áp bức, cực chẳng đã phải bỏ làng ra đi. Nay Cách mạng lên rồi. Đất đã lành thì chim phải bay về đậu. Anh Hai về tìm lại quê cha đất tổ, bà con ta phải mừng chớ làm răng bà lại khóc? – Ông bắt chước cách nói lối của hát tuồng – Anh Hai giận làng ra đi, bỏ chị Hai ở lại. Ra ngoài cù lao Chàm lại lấy được một bà khác. Bà sau sinh được một cậu quý tử. Thật là hạnh ngộ!
Ông Bảy Hóa đưa mắt nhìn quanh. Chợt ông chỉ tay vào chỗ góc cột:
- Có phải chỗ nó kia không?
Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của ông Bảy Hóa. Thì ra là thằng Cù Lao đang đứng nép sau gốc cột.
Ông Bảy Hóa đưa tay vẫy vẫy:
- Ra đây. Mày ra đây để bác xem cái tướng mày ra sao? Ái chà! Trán cao, mắt xếch, tai sừng, đường đường như Lục Vân Tiên. Lại đen thui đen thủi! Úy, có cái mũ khéo đã hung! Cho bác mượn bác đội một chút cho sướng. – Ông quay về phía người lạ mặt: – Nè anh Hai, đã về đến đây, anh để cho em nó ăn mặc chi lạ vậy? Quần dài không ra quần dài, quần xà lỏn không ra quần xà lỏn. Phải sắm cho em nó một bộ đồ tây, có cái ca-vát hẳn hoi, đội cho nó cái mũ phớt, ngó mới được!
Thằng Cù Lao mắc cỡ lại thụt vào sau gốc cột.
Ông Bảy Hóa cười to:
- Con trai sao lại thậm thà thậm thụt làm vậy! Phải can trường lên chớ! Lục Vân Tiên tuổi vừa đôi tám đã đánh được bọn lâu la. Về đây, nên dùi mài kinh sử. Cách mạng đã thành công, phong vân ta đà gặp hội!
Ông Bảy Hóa quay sang phía thầy Lê Hảo:
- Sẵn đây có thầy Lê Hảo, anh Hai nên nhờ thầy lo bề đèn sách cho em nó. “Danh con đặng rạng thì tiếng thầy đồn xa” đó thầy!
Anh Bốn Linh ở dưới nhà bếp bước lên nói liền theo:
- Tôi phải lo cho nó học tập cái đã. Chú tôi về được đây, ông chẳng phải lo cái chi cho mệt. Mất cha còn chú. Chú cũng như cha. Vợ chồng tôi sẽ lo hết cho chú. Chữ hiếu trung bọn này giữ trọn.
Ông Bảy Hóa khẹc khẹc to hơn:
- Vậy mới phải đạo chớ! Tôi còn muốn hỏi, vậy cái khoản mừng anh Hai về làng, anh chị Bốn định sao?
- Trưa nay tôi có con gà, làm bữa qua loa. Mời ông Bảy ở lại với chú tôi cho vui, không mấy khi hai ông gặp lại. Ngoài chuồng, tôi còn con heo. Tôi bảo mụ Bốn thúc cho nó béo ú ù, rồi mời bà con đến cầm... chén rượu!
Dưới nhà có tiếng gà bị bắt kêu oang oác.
Chợt con Vện nhà anh Bốn Linh sủa ran. Con Vàng nhà tôi cũng sủa. Chó nhà bà Hiến sủa rộn lên. Ông Kiểm Lài bên hàng xóm chạy qua, chú Năm Mùi, dượng Hương Thư, ông Bốn Rị ở xóm dưới chạy đến. Ông Kiểm Lài vừa bước vào cửa đã oang oang:
- À anh Hai! Anh về đó hả? Anh giận có người, chớ sao lại giận cả bà con, bỏ đi biệt tích. Sáng nay anh về... Hèn gì con chim khách cứ bay qua bay lại kêu choẹt choẹt. Tưởng có khách lạ. Té ra anh Hai về.
Ông Bảy Hóa vê râu:
- Sáng nay tôi cứ hắt xì, hắt xì, đoán có điềm lành. Hóa ra thật!
Bác Úc cười:
- Bữa nay mà ông Bảy còn nói chuyện mê tín. Sách của ông Bảy cũng phải đốt đi.
Ông Bảy nửa đùa nửa thật:
- Thế tôi xem tướng có sai không nào? Khi anh Sáu còn bị đế quốc làm tù, tôi xem tướng biết cái hậu vận của anh sẽ làm ông lớn. Nay nghe nói anh làm đến chức gì rồi đó! Có đúng không nào? – Ông quay sang phía chú Hai Quân chỉ vào cái cằm của chú: - Theo sách tướng, người có cái cằm dài và nhọn như thế này thì cả đời lao khổ. Nhưng được một cái thượng đình (1) bằng bằng như anh Hai thì hậu vận về sau phú quý.
Bác Úc cười to hơn:
- Nước nhà độc lập, rồi đây ai chẳng phú quý. Đoán như vậy cũng chẳng khác chi thầy bói “đoán cho một quẻ trong nhà, vợ chú đàn bà chẳng phải đàn ông”.
Mọi người cùng cười. Bà Hiến nín khóc cười theo:
- Còn cái hậu vận của tôi nè?
- Bà hử? Bà có hai tai to, hai má bầu bầu. Như vậy tướng bà đúng là tướng phật. Tiên phật ra đời phải nếm đủ mùi cay đắng. Đức Quan Âm cũng vậy, phải chịu hết oan khiên. Lửa thử vàng gian nan thử sức, sau đó mới được ngồi trên tòa sen. Bà từ nhỏ đến già, không nơi chui rúc. Nhưng nhờ cái hiếu trung giữ trọn nên đã đến lúc... thái lai. Vài ngày nữa bà có một gian nhà mới, có hai trái tám cột đàng hoàng!
- Phải chịu thầy coi tướng giỏi! Uỷ ban đã cấp đủ tranh tre kèo cột. Đợi vài bữa sẽ có nhà mới!
Tiếng cười như pháo nổ. Ai cũng muốn hỏi chú Hai rất nhiều chuyện, mời chú Hai về nhà mình chơi. Cho đến lúc chị Bốn Linh nhắc chồng quét bàn để dọn cơm, mọi người mới lần lượt giải tán.
(1) Thượng đình: phần trên của mặt (chú thích của tác giả)
VÕ QUẢNG