Nguyễn Hiển Dĩnh: Từ cụ Tuần An Quán đến ông thầy hát Bội

.

ĐNO - Ông làm rạng danh cho quê hương An Quán của mình không hẳn với chức quan Tuần vũ mà trên cương vị một soạn giả đồng thời là thầy dạy nghệ thuật hát Bội (nay gọi là hát Tuồng) của Việt Nam.

 

Ông là Nguyễn Hiển Dĩnh, được người đời ghi nhận là người có công làm phong phú sắc màu nghệ thuật hát Bội với thiên tài châm biếm không ai sánh được.

Đó là cách ông thể hiện bằng nghệ thuật sự “chán ghét những bộ mặt quan liêu thực trong cuộc đời” và “thích những quan liêu trên sân khấu” như cách nói của GS Hoàng Châu Ký.

Từ An Quán đến Vĩnh Điện

Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926) người làng An Quán, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng làm quan đến chức Tuần vũ nên người đương thời gọi ông là cụ Tuần An Quán.

Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, cha là Nguyễn Hiển Doãn, đỗ cử nhân khoa Nhâm Dần năm Thiệu Trị thứ hai (1842), được bổ làm tri huyện rồi bị bãi chức vì có xích mích với quan trên, về nhà dạy học.

Đỗ tú tài năm 18 tuổi, ông được bổ quyền Tri phủ Điện Bàn, sau đó đổi sang Tri huyện Hà Đông (nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm sau lại được đổi ra Huế, giữ chức Phủ thừa. Sau đó, ông được bổ Bố chính Thanh Hóa, rồi Tuần phủ Quảng Trị, Án sát Bình Định, Bố chính Khánh Hòa.

Từ ngày còn đi học, ông đã say mê xem các buổi hát Bội, dần dà hiểu biết ít nhiều về nghệ thuật dân gian xuất phát từ miền Trung này, từ cách hát, múa cho đến các bài bản, làn điệu, cách đánh trống chầu, trống chiến,...

Một gánh hát Bội biểu diễn ở làng quê xưa. Ảnh tư liệu
Một gánh hát Bội biểu diễn ở làng quê xưa. Ảnh tư liệu

Thời gian ở kinh đô Phú Xuân, ông được gặp các nghệ nhân hát Bội có tiếng trong đội hát Thanh Bình. Ngoài giờ làm việc, ông dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tuồng tích, vũ đạo về hát Bội.

Thời gian làm Án sát Quảng Trị, ông lập một gánh hát Bội, qua đó đào tạo lớp diễn viên có tài năng, ngày đêm luyện tập. Tại đây, ông cho dựng một rạp hát rất lớn, giảm bớt số lính của tỉnh, để thay vào một số diên viên, mỗi đêm dành chầu hát cho nhân dân xem, họ rất hoan nghênh và ủng hộ ông.

Theo GS Hoàng Châu Ký, do lấy gỗ công xây dựng rạp hát, lấy số biên chế lính tuyển để tuyển và nuôi diễn viên tuồng nên ông bị kỷ luật giáng hai cấp và bị điều về Huế làm Thị lang bộ Lễ. Về Huế, có thời gian rỗi rãi, ông có cơ hội tiếp xúc, trao đổi nghệ thuật hát Bội với các nghệ sĩ nổi tiếng ở đất Thần kinh và các nơi khác đến đây trong các dịp hát chầu, hát ngự. Từ đó tri thức nghệ thuật của ông ngày một nâng cao.

Ông viết trước sau hơn 20 vở tuồng, nội dung phản ánh chân thực xã hội nông thôn Việt Nam thời thực dân phong kiến với lời văn bình dị, ít từ Hán Việt, sử dụng thuần thục tục ngữ, ca dao. Các tác phẩm tiêu biểu có thể kể ra: “Lý Mã Hiền”, “Phong Ba Đình”, “Võ Hùng Vương”, “Lục Vân Tiên”, “Trương Đồ Nhục”, “Giáp Kén - Xã Nhộng”...

Về hưu năm 1907, ông đem cả gánh hát Bội về làng An Quán quê mình. Tại đây, ông dựng một rạp hát, làm nơi biểu diễn và đào tạo các thế hệ hát Bội. Đến năm 1913, ông dời rạp hát ra Vĩnh Điện, mở rộng thành trường hát. Đây là nơi ông tập hợp nhiều diễn viên có tài năng trong tỉnh và thu hút nhiều diễn viên ở các tỉnh khác về.

Các thế hệ diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kế thừa nghệ thuật từ người thầy làng An Quán. Trong ảnh: Trích đoạn Tuồng “Mạnh Lương ra hàng”. Ảnh: V.T.L
Các thế hệ diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kế thừa nghệ thuật từ người thầy làng An Quán. Trong ảnh: Trích đoạn Tuồng “Mạnh Lương ra hàng”. Ảnh: V.T.L

Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Tuồng cho rằng Trường hát Vĩnh Điện mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh, tiếng thơm vang khắp tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ đến những nơi khác. Trường hát Vĩnh Điện lúc bấy giờ, theo nhận định của GS Hoàng Châu Ký trong bài “Nguyễn Hiển Dĩnh tư tưởng và nghệ thuật” (Nguyễn Hiển Dĩnh nhà hoạt động sân khấu Tuồng lỗi lạc, Sở Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng, 1987), “thực chất là làm chức năng một Viện Nghệ thuật Tuồng có quy củ, có lề lối làm việc, có những chính sách chế độ, hợp lý, hợp tình”.

“Viện Nghệ thuật Tuồng” đó đã đào tạo được nhiều diễn viên hát Bội xuất sắc, trong đó có 5 học trò của ông thầy Nguyễn Hiển Dĩnh được triều đình Nguyễn phong là Ngũ Mỹ (5 nghệ sĩ hát Bội đóng vai đẹp nhất, giỏi nhất xứ Quảng): Nguyễn Nho Tuý (Đội Tảo) vai kép, Nguyễn Lai vai nịnh, Chính Đệ vai tướng, Chính Phẩm vai lão, Văn Phước Khôi vai hề.

Châm biếm bằng nghệ thuật hát Bội

GS Hoàng Châu Ký, trong bài đã dẫn, nhận định một cách sát thực về nhà soạn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Tư tưởng của ông Dĩnh vận động theo chiều hướng càng chán quan trường thì càng say mê hí trường. Chán ghét những bộ mặt quan liêu thực trong cuộc đời thì ông càng thích những quan liêu trên sân khấu với niềm xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc. Những lời, những ý không nói được trong cuộc sống xã hội ông cho phát ngôn trên sân khấu thông qua nghệ thuật”.

Qua các vở diễn mà Nguyễn Hiển Dĩnh để lại, ông được người đời ghi nhận là người có công làm phong phú sắc màu nghệ thuật hát Bội với thiên tài châm biếm không ai sánh được.

Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, từ xưa, tuồng hát Bội cổ chỉ có bi hùng, không có hài. Nhưng đến đời Nguyễn Hiển Dĩnh, ông thường xen những lớp hài vào giữa các vở diễn. Những lớp hài này thường không liên quan gì đến vở diễn, được ông đưa vào để gây cười cho khán giả bớt căng thẳng, đồng thời dùng nó để đả kích những thói hư tật xấu của bọn quan lại, cường hào trọc phú, dốt nát nhưng hợm hĩnh... Một cách thể hiện bằng nghệ thuật sự “chán ghét những bộ mặt quan liêu thực trong cuộc đời” và “thích những quan liêu trên sân khấu” như cách nói của GS Hoàng Châu Ký.

Những lớp hài này hầu hết là những ứng tác tại chỗ của tác giả, đòi hỏi diễn viên phải tự tìm cách ứng diễn thật linh hoạt sao cho “ăn nhập” với ý tưởng nghệ thuật. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Bấy giờ ở Quảng Nam có một tay tổng đốc tài đức chẳng xứng nhưng đắc thế nên vênh vang tự đắc. Nguyễn Hiển Dĩnh rắp tâm “trị” tay này một phen. Lần nọ, ông cho diễn tuồng “Tam nữ đồ vương”, mời các quan lớn nhỏ trong tỉnh đến dự. Đến lớp triều đình, ông chưa vội diễn theo tích, mà cho hai hề đóng vai quan Sòi ra trước, hát “cương” một đoạn đối đáp.

Sòi 1: Nè ông, mình cũng mũ cao áo dài, đường đường một bậc trọng thần, mà sao chúng nó cứ chửi?

Sòi 2: Đứa nào chửi? Nó chửi làm sao?

Sòi 1: Dân nó chửi chứ đứa nào. Lại chửi bằng thơ cho muôn miệng thuộc lòng mới ức cha chả là ức.

Sòi 2: Thơ à? Thơ thế nào? Ông đọc đi.

Sòi 1: Thơ thế này, ông vành lỗ tai ra mà nghe cho rõ:

Trống đánh quan quyền đã điếc tai/ Ra tuồng văn võ chẳng nên vai/ Đã toan vẽ mặt lòe thiên hạ/ Còn với dài tay đến chế đài/ Sân khấu chẳng qua trò múa rối/ Miệng đời thôi mặc kẻ chê bai/ Dẫu mang áo mão làm ra bộ/ Nào có ra chi kẻ bất tài...

Cả rạp vỗ tay cười ran. Riêng quan Tổng đốc và một số quan làng nhàng nữa biết là Nguyễn Hiển Dĩnh “chơi” mình một cách… nghệ thuật, thảy đều tím mặt, không dám nói năng, ngó nghiêng ai cả.

Đâu phải khi về hưu ông mới mượn cái Hài trong nghệ thuật để châm biếm, đả kích cái sự hợm hĩnh của tầng lớp quan lại lúc bấy giờ mà ngay khi mới chân ướt chân ráo bước vào quan trường ông đã có một buổi “trình làng” khác với lẽ thường trong thiên hạ.

Chuyện kể, ngày đầu đến nhậm chức Quyền Tri huyện Hà Đông (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hiện nay), ông bước ra công trường, vung tay làm bộ, hát xưng xanh: “Như ta đây/ Tri khu bách lý phi tiên lộ/ Quyền Tri huyện Hà Đông!? Ngã xưng danh Nguyễn Dĩnh!”.

Quan trên biết chuyện, tỏ ý khiển tránh thì ông khảng khái trả lời: “Nước đã mất chủ quyền, thanh danh anh quan lại Nam triều có gì hơn kép hát?!”.

Người thầy của những bậc thầy trong ngành tuồng

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong một lần biểu diễn ở Hội làng Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong một lần biểu diễn ở Hội làng Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

Cuốn “Hoàng Châu Ký - Tuyển tập” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002) có ghi lại câu chuyện bà Trần Thị Tư kể về ông ngoại mình, nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Bà Tư phác họa cảnh hát tuồng ngày trước. Bạn hát lấy chiếu trải thành hai hàng, ngồi sẵn. Ông Nguyễn Hiển Dĩnh ngồi trên ván, gọi là giáp tuồng. Ông bày cho hát, trước hết là hát với nhau chứ không múa. Nếu hát hay thì ông gật đầu khen hay, còn nếu hát dở thì ông “hự” lên một tiếng rồi bày lại. Ông phân tích câu hát và điệu bộ phải ra sao. Hàng ngày từ mười ba đến mười lăm giờ chiều, ông làm việc giáp tuồng, bày dạy cho diễn viên, xong, bạn hát về lo nấu ăn, ông vào nằm đọc sách.

Ông không bao giờ quan tâm đến chuyện thị phi. Giàu sang, tiền bạc đối với ông hình như chẳng nghĩa lý gì. Ông chỉ làm thơ, đặt tuồng, giáp tuồng, tối thì ra coi hát. Đến trường hát, ông có một cái trống riêng. Hễ nghe hát hay, ông đánh “bùm” thế là trên sân khấu coi bộ (diễn viên) mừng lắm. Còn hát dở thì ông kéo cái dùi trống trên mặt trống nghe sột soạt và xoay cái ghế ngồi qua một bên (không nhìn lên sân khấu nữa), dở hơn thì ông lấy tay bịt mũi. Những lúc đó thì bạn hát lo sợ lắm, không đời nào ông nạt nộ ai hết nhưng mà ai cũng sợ.

Đó là cách dạy học trò của người thầy dạy hát Tuồng làng An Quán. Tác giả Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong bài viết “Nhân tài tuồng Quảng Nam – giá trị vĩnh cửu” đăng trên Trang tin Điện tử Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (http://vicas.org.vn) đã ví nhà hoạt động sân khấu tuồng lỗi lạc xứ Quảng này là “Người thầy của những bậc thầy trong ngành tuồng”.

Còn nhớ, vào trung tuần tháng 9-1995 tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) tổ chức các hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh. Bấy giờ, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhận định về “Người thầy của những bậc thầy trong ngành tuồng” trong tham luận của mình như sau:

“Nguyễn Hiển Dĩnh là một danh nhân, một nhà đạo diễn tài năng và cũng là một nhà soạn tuồng lỗi lạc. Hiện nay, nhiều sách hay các văn bản, bài báo ca tụng ông và cả các nhân vật được ông đào tạo (Nguyễn Phẩm, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Lai…), ảnh hưởng của ông trong ngành tuồng ngày càng sáng giá. Việc nghiên cứu về Nguyễn Hiển Dĩnh để xác định thêm sự nghiệp của ông là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu về nghệ thuật trình diễn cũng như văn học trình diễn trong nền văn học quốc gia”.

Theo tác giả Trần Thị Minh Thu trong bài đã dẫn, “Nguyễn Hiển Dĩnh được suy tôn là Hậu tổ của ngành tuồng cả nước, là danh nhân văn hóa của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung”. Với Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng mang tên ông, sau khi bước qua những trải nghiệm về cách thể hiện nghệ thuật trong hoàn cảnh mới, vừa qua đã phối hợp với Việt Nam TravelMart giới thiệu chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam “Hồn Việt”.

“Hồn Việt” trình làng với khán giả những nét tinh túy của nghệ thuật Tuồng truyền thống thông qua các trích đoạn kinh điển và nghệ thuật hóa trang đặc trưng của Tuồng xứ Quảng. Bàng bạc đâu đó trong không khí rộn ràng của những ngày hội tại các làng quê xưa là hồn cốt của nghệ thuật hát Bội – Tuồng, những tinh ba tú khí đất trời được un đúc, kế thừa từ thời gánh hát An Quán, Trường hát Vĩnh Điện đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh hiện nay.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.