Trinh Đường, người khắc tia chớp lên bia mộ mình

.

Dường như mỗi văn nghệ sĩ hiện ra dưới bầu trời nghệ thuật với một dáng vẻ rất riêng gọi là phong cách. Với Trinh Đường, nhà thơ không chỉ kết hợp phong cách thơ Đường với thơ hiện đại mà còn gởi “tuyên ngôn” đến với những người cầm bút: Không làm một tia chớp/ Sống làm gì cho lâu.

1. Nhiều lần về xem lễ rước nước thiêng trên sông Thu Bồn chuẩn bị cho Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra vào 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, đứng ở hữu ngạn con sông lớn nhất xứ Quảng tôi biết bờ bên kia là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc.

Những chiếc thuyền con treo đèn kết hoa ngược lên thượng nguồn trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang sông nước; phía bên kia ghe thuyền cắm sào nơi bến đò Phú Thuận để khách nán lại nhìn ngắm cảnh sắc tâm linh diễn ra trên dòng sông thiêng như một đoạn phim quay chậm.

Chạnh nghĩ, phải chăng mang theo dòng chảy của mình những tinh ba tú khí của đất trời nên con sông được liệt vào danh sách những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam này đã bồi đắp hai bên bờ những vỉa phù sa làm nên những trầm tích văn hóa? 

Chỉ tính nơi bên ni Duy Tân bên tê Đại Thắng đây thôi, bên ni có dinh Bà Thu Bồn, còn gọi là Bô Bô phu nhân, nổi tiếng gần xa với Lễ hội Bà Thu Bồn; bên tê có chợ Phú Thuận, cách không xa bến đò cùng tên thuộc xã Đại Thắng, là một trong những chợ sầm uất nhất ở Đại Lộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Vùng đất Đại Thắng xưa có một làng cổ tên là La Vân. Trước năm 1899, thời điểm thành lập huyện Đại Lộc, làng La Vân thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. La Vân là nơi có mỏ đá la vân, được Đại Nam nhất thống chí liệt vào phần Thổ sản Quảng Nam “có đá sắc xanh và đá sắc tía, dùng làm bia đá, cối xay bột và cối giã”.

Theo ông Phan Vân Trình, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đại Lộc, làng La Vân về sau cải danh thành làng Phú Xuân do có mộ một khai quốc công thần được Nguyễn Ánh (về sau là vua Gia Long) yêu mến và trọng vọng.

Đó là Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, mất năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Vua cấp cho chiếc thuyền lớn để đưa thi hài ông theo đường thủy ngược sông Thu Bồn về an táng tại làng La Vân.

Theo các vị cao niên trong làng, do kỵ húy – tên làng trùng với tên của vị đại thần quá cố – nên La Vân được triều đình ân đổi thành Phú Xuân. Gần 2 thế kỷ đi qua, chuyện xưa vẫn còn lưu truyền qua câu đối: Nhân kiệt khai cơ, La Vân xã/ Địa linh ân tứ, Phú Xuân hương. Tạm dịch nghĩa: Bởi lòng hào kiệt của con người đã khai khẩn đất đai lập nên xã La Vân; Nhờ cuộc đất linh hiển mà được vua ban ơn đổi tên thành làng Phú Xuân.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt” đó đã sản sinh những con người góp phần làm rạng danh cho quê hương mình, trong đó có nhà thơ Trinh Đường, tên khai sinh là Trương Đình. Bút danh của ông là cách nói lái từ tên thật theo dân gian miền Trung. Ngoài ra, ông còn một số bút danh khác: Phú Xuân, La Vân, Duy Mỹ.

2. Trinh Đường sinh ngày 1-1-1917, trong một gia đình thuộc loại khá giả ở nông thôn thời xưa nên ông được học hành chu đáo, thông thạo chữ Hán, giỏi tiếng Pháp.

Nhóm Khuê Văn - Hà Nội: Hàng đầu từ trái qua là các nhà thơ: Trần Lê Văn, Trinh Đường và Huy Cận
Nhóm Khuê Văn - Hà Nội. Hàng đầu từ trái qua là các nhà thơ: Trần Lê Văn, Trinh Đường và Huy Cận

Khi nổ ra Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia Ban chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền của tổng Quảng Hòa. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tổng Quảng Hòa, Thư ký Ủy ban lâm thời phía tây huyện Duy Xuyên (nay là các xã Đại Cường, Đại Thắng, Đại Thạnh, Đại Chánh của huyện Đại Lộc), rồi làm ủy viên Trinh sát huyện.

Trinh Đường yêu thơ và bắt đầu làm thơ từ tuổi thiếu niên nhưng trước năm 1945, chưa công bố. Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1946 ông tham gia cách mạng, làm thư ký Đoàn văn hóa kháng chiến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn 1947 – 1954, ông là ủy viên Ban chấp hành Chi hội văn nghệ Liên khu 5, phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ Quảng Nam, tiền thân của Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng sau này.

Sau Hiệp định Genève 1954, Trinh Đường tập kết ra Bắc. Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957) và liên tục công tác ở Tạp chí Văn nghệ rồi Báo Văn học của Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và sau đó là Tuần báo Văn nghệ.

Viết về tiểu sử Trinh Đường, có lẽ không ai qua được nhà báo, nhà thơ Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn), bởi tác giả từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam này là một thành viên của nhóm Khuê Văn do nhà thơ Trinh Đường lúc sinh thời lập ra ở Hà Nội.

Nhà thơ Trần Phương Trà cho biết, nhà thơ Trinh Đường đã đi vùng mỏ Quảng Ninh, lên Tây Bắc, đi các công trường, nông trường. Những năm đó ông viết sung sức và lần lượt cho xuất bản nhiều tập thơ như: Hoa gạo, Hạt giống, Thủy triều, Bạch Đằng tráng khúc, Về Thanh.

Ngoài thơ, ông còn sáng tác văn xuôi, viết tiểu luận, bình thơ. Ông sáng tác cho cả người lớn và trẻ em. Từ năm 1981, ông về hưu. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn đi khắp Nam Bắc, lên miền ngược xuống miền xuôi để sáng tác, để giới thiệu lực lượng qua các tập Những gương mặt thơ mới. Ngoài ra, ông còn tham gia vào việc biên soạn nhiều tập tuyển thơ lớn như Một thế kỷ thơ Việt, Ngày hội thơ (Làm thế nào để có thơ hay), Thơ Việt thế kỷ 20 chọn lọc và bình.

Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Trinh Đường tạ thế tại Hà Nội lúc 15 giờ 10 phút ngày 28 tháng 9 năm 2001 (tức ngày 12 tháng 8 năm Tân Tỵ), hưởng thọ 85 tuổi. Tang lễ nhà thơ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà La Vân (Phú Xuân) ngày 4-10-2001.

Một trong công trình lý luận phê bình để lại dấu ấn của nhà thơ Trinh Đường
Một trong công trình lý luận phê bình để lại dấu ấn của nhà thơ Trinh Đường

3. 11 năm sau khi qua đời, năm 2012, Trinh Đường được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. “Đó là một phần thưởng xứng đáng giành cho một tài năng, một nhân cách lớn, một con người yêu thơ nhất nước, một người trọn đời vì thơ”, nhà thơ Trần Phương Trà nhận định.

Không yêu thơ nhất nước sao được, khi ông dốc hết sức trong mười hai năm cuối đời để sáng tác và lo tìm những bài hay cho tập sách Thơ Việt thế kỷ 20. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 năm 1989, ông đề nghị mỗi nhà thơ gửi cho một bài thơ hay tự chọn, kèm câu trả lời ngắn gọn “Làm thế nào để có thơ hay”?

Nhà thơ Vân Long nhớ lại trong bài đã dẫn: “Chẳng ai tin là sách in được, vì đúng lúc vừa xóa bao cấp, không nhà xuất bản nào dám in thơ khi mạng lưới phát hành, thư viện vẫn mua sách đã bị tê liệt trên toàn quốc, thậm chí đến tập thơ Chim làm ra gió của Huy Cận để nhà in suốt hai năm, cuối cùng nhà thơ cấp quốc gia này cũng phải nộp tiền, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới mới dám cho in. Thế mà Ngày hội thơ đã ra đời gồm gần đủ các nhà thơ hội viên với những suy nghĩ trải nghiệm phong phú về thơ kèm theo bài thơ tác giả tự cho là đạt nhất của mình. Một tài liệu hết sức bổ ích cho các nhà nghiên cứu văn học”.

Không yêu thơ nhất nước sao được, khi bước qua tuổi “cổ lai hi” ông còn một mình đứng ra làm tất tần tật mọi việc để cho ra đời Tuyển tập thơ thế kỷ gồm ba tập. Một thế kỷ thơ Việt - Tập I được NXB Văn hóa - Thông tin in năm 1995. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, một cá nhân nhà thơ đứng ra làm tuyển tập thơ thế kỷ!

Lễ tưởng niệm 100 ngày sinh (1917 – 2017) và 16 năm ngày mất (2001 – 2017) của nhà thơ được tổ chức tại huyện Đại Lộc
Lễ tưởng niệm 100 ngày sinh (1917 – 2017) và 16 năm ngày mất (2001 – 2017) của nhà thơ được tổ chức tại huyện Đại Lộc

4 năm sau, ông tiếp tục cho in cuốn Thơ Việt thế kỷ XX chọn lọc và bình - Tập 1 (NXB Thanh Niên, 1999). Ở đầu sách, trong lời tựa “Vàng mười thế kỷ Hai mươi” (ông viết ở Am Thu Không năm 1998) có đoạn như sau:

“Rừng vàng vì danh mộc cũng là vàng. Khó nhận ra gỗ tốt xấu, cũng không thể phân biệt vàng chín vàng mười, nên tôi mạo muội làm một người truyền dẫn, mong đem lại một chân giá trị cho mỗi loại vàng, mỗi loại danh mộc”.

Một đời cặm cụi vì thơ, lúc sinh thời, khi cảm thấy thơ mình chưa đủ độ vàng, ông đã từng đốt hơn mười tập thơ của mình rồi đóng cửa khép mình 3 năm để chuyên chuyện viết lách, đọc sách và tự học.
Chuyện kể rằng, khi ông đã ngoài một hoa giáp, Nhà xuất bản Đà Nẵng định in cho ông một tuyển tập thơ. Bản thảo đã xong, nhà thơ Tế Hanh đã viết xong lời giới thiệu. Chuẩn bị đưa đi in thì Trinh Đường quyết định ngừng in tuyển tập với lý do: “In tuyển tập tức là đã bắt đầu khép lại. Tôi chưa khép”.

Thật vậy, từ lúc ngoài 60 đến khi qua đời, nghiệp thơ của ông còn mở ra với cả nghìn bài thơ mới sáng tác nữa! Con người trọn đời vì thơ ấy quan niệm “Thi bất kinh nhân, tử bất hưu” - chưa viết được câu thơ làm động lòng người thì chết chưa nghỉ.

Dường như mỗi văn nghệ sĩ hiện ra dưới bầu trời nghệ thuật với một dáng vẻ rất riêng gọi là phong cách. Với Trinh Đường, nhà thơ không chỉ kết hợp phong cách thơ Đường với thơ hiện đại mà còn gởi “tuyên ngôn” đến những người cầm bút: Không làm một tia chớp/ Sống làm gì cho lâu.

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đại Lộc Phan Vân Trình nhớ về nhà thơ đồng hương của mình: “Nhà thơ Trinh Đường đã trở về yên giấc nghìn thu tại chính mảnh đất quê sau hơn nửa thế kỷ xa vắng. Khép lại cuộc đời ở tuổi 85, ông còn dang dở nhiều dự định tốt đẹp sẽ làm cho nền thi ca nước nhà. Tưởng nhớ đến ông, chúng ta càng thêm kính phục và tự hào về một gương mặt văn hóa tiêu biểu mà tài năng và đức độ có sức tỏa sáng lâu bền với hậu thế, một con người được ngợi ca là suốt đời  "đi tìm lửa cho thơ"!”.

Ánh lửa trong thơ đã bùng lên thành tia chớp trên bầu trời thơ Việt. Người ra đi, câu thơ còn được khắc lên bia mộ, như một tuyên ngôn gởi đến những người cầm bút: Không làm một tia chớp/ Sống làm gì cho lâu…

TÁC PHẨM CỦA NHÀ THƠ TRINH ĐƯỜNG

-Hoa gạo (Thơ - NXB Văn học, 1960),

-Hạt giống (Thơ - NXB Văn học, 1966),

-Thủy triều (Thơ - NXB Văn học, 1973),

-Bạch Đằng tráng khúc (Trường ca Sở Văn hóa Hồng Quảng, 1963),

-Về Thanh (Thơ - Sở Văn hóa Thanh Hóa, 1974),

-Giao mùa (Thơ - NXB Hội Nhà văn, 1982),

-Quán trọ (Thơ - NXB Lao động, 1991),

-Hội hóa trang (Thơ - NXB Thanh Niên, 1992),

-Trò chơi phù thế (Thơ - NXB Thanh niên, 1997),

-Cà Mau (Trường ca - NXB Thanh Niên, 1997),

-Điện Biên Phủ trên không (Trường ca - NXB Đà Nẵng, 1997)…

-Làm cầu La Kham (Ký - NXB VH, 1957),

-Ngày và đêm một lứa đôi (Tập truyện ngắn - NXB Đà Nẵng, 1988)…

-Ngày hội thơ (Lý luận phê bình - NXB Văn học, 1994),

-Những gương mặt thơ mới - tập 1, 2 (Lý luận phê bình - NXB Thanh Niên, 1994),

-Thơ và tuổi học trò (Lý luận phê bình - NXB Lao động, 1994),

-Một thế kỷ thơ Việt - tập 1 (Lý luận phê bình - NXB Văn hóa thông tin, 1995),

-Thơ Việt thế kỷ XX chọn lọc và bình - tập 1 (NXB Thanh Niên, 1999)…

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.