Thương tiếc Vũ Đức Sao Biển

.

Vũ Đức Sao Biển, người con tài hoa, nặng tình nặng nghĩa với quê hương xứ Quảng, nay, cánh hoàng hạc ấy đã bay, bay mãi bỏ trời mơ, bỏ lại những đêm nguyệt cầm, những sáng linh lan, những thu vàng, bên đồi sim trái chín, vĩnh biệt cõi đời vào lúc 23 giờ 25 phút ngày 6-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 74 tuổi.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1947 (có nơi ghi 1948), là người Duy Xuyên nhưng sinh ra tại Tam Kỳ, một làng quê ven biển tỉnh Quảng Nam. Ông vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà văn và nhà báo. Ngoài bút danh Vũ Đức Sao Biển, ông còn dùng nhiều bút danh khác như Đồ Bì, Đinh Ba, Thầy Cãi, Đinh Mười Hai...  khi viết phiếm luận. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ông đến Bạc Liêu dạy môn Triết bậc trung học mãi cho đến năm 1975.

Mười năm sau, ông trở lại nơi này và cho ra đời các ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam. Sau 1975, ông về Thành phố Hồ Chí Minh dạy học, làm báo, cộng tác với các báo: Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Niên,  Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ Cười...

Ngoài tài năng viết báo, tiểu thuyết, nghiên cứu về tác phẩm tiểu thuyết Kim Dung, ông còn là dịch giả mảng Trung văn và sáng tác nhạc. Thời đôi mươi, ông đã có hai danh tác âm nhạc Thu, hát cho người và Chiều mơ. Mặc dù là người con xứ Quảng nhưng ông lại cho ra đời nhiều bài hát về Nam Bộ nổi tiếng như Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam, Tình ca phương Nam, Về bên cha, Gởi về nơi cuối đất...

Vũ Đức Sao Biển đã được tặng danh hiệu Nhạc sĩ có tác phẩm để đời thế kỷ 20 năm 2007 (cùng với Phạm Duy, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Ánh Chín, Châu Kỳ) và Nhạc sĩ Sol Vàng Việt Nam vào tháng 8 năm 2018. Vũ Đức Sao Biển đã được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản 48 đầu sách; có thể kể đến những đầu sách tiêu biểu như: Quảng Nam hay cãi (2010), Hai tuồng hát bội (2010), Kim Dung giữa đời tôi (2010), Dài và to (2011), Án lạ phương Nam (2011), Phía sau mặt báo (2011), Thâm sơn kỳ cục án (2011), Sông lạc đường về (2012), Sim và Âm vang cố quận (2016)...

Căn bệnh hiểm nghèo, chống chọi đã nhiều năm, nay, ông thanh thản về trời. Cõi trần, với ông, là “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người”. Những ngày nằm bệnh, ít giao tiếp, ông hiểu về “phận người”, hiểu giới hạn của cuộc đời.

Tôi chỉ gặp và trò chuyện với ông vài lần. Lần đầu tại một quán cà-phê cóc trước cơ quan Sở Giáo dục - Đào tạo vào sáng Chủ nhật. Lần ấy, sau tháng 5-2005, Phạm Duy mới về nước, định cư lâu dài tại Việt Nam. Với tư cách nhạc sĩ, thế hệ đi sau, ông nói về sáng tác Phạm Duy với lòng ngưỡng mộ, nhất là âm nhạc kháng chiến. Rồi nhiều chuyện vui của đất Quảng mà ông đã viết. Các lần khác, khi ông về Duy Xuyên tổ chức các đêm nhạc hoặc thăm quê hương.

Ông gửi tặng tôi vài tập sách, thích nhất Phía sau mặt báo, NXB Trẻ 2011, gồm 19 bài viết ngắn về nghề báo. Đó là những bài học về kinh nhiệm làm báo, sự sai lầm, sự trung thực và thói kiêu binh của nhà báo và nghề báo. Nơi trang kết của tập sách, ông chân thành viết: “Tôi thật sự yêu cuộc đời làm báo. Lời sám nguyện của tôi là khi tôi còn được làm một nhà báo, tôi sẽ mãi mãi là nhà báo ngay thẳng, trung thực và nhân hậu. Nếu tôi có sai lầm trong cách viết, cách nghĩ, xin đời hãy tha thứ cho tôi”. (sdd, trang 136)

Lần khác, qua Phan Đình Kỳ, anh gửi tặng tập Truyện ký và tạp văn, NXB Trẻ, 2016. Tôi nhắn tin cảm ơn. Tập này, phần Tạp văn, Vũ Đức Sao Biển có 8 bài nói về Quảng Nam hay cãi, lý thú vô cùng.  Cãi Quảng Nam là cãi từ sinh hoạt làng xã (Quảng Nam đám giỗ), đến giao tiếp xã hội (Nói dốc kiểu Quảng Nam), ẩm thực (Đạo ăn mì Quảng), qua sinh hoạt văn hóa (Hát bội Quảng Nam), rồi ngôn ngữ xứ Quảng (Phương ngữ Quảng Nam, Thành ngữ Quảng Nam, Âm vị Quảng Nam...). Nói chung, đặc điểm Quảng Nam là nói gay, hay cãi và nếu không thế thì không phải Quảng Nam.

Vũ Đức Sao Biển vận dụng kiếm hiệp Kim Dung để viết về sự cãi: “Cái cãi của người Quảng Nam cũng là một thứ võ công bởi nó cũng có nội hàm và ngoại quan hẳn hoi. Về cơ bản, người Quảng Nam nào cũng đắc thủ được công phu cãi, chỉ khác nhau ở chỗ thâm hậu hay hời hợt, nhiều hay ít, cãi lớn hay ... cãi nho nhỏ. Công phu cãi trở thành quán tính của người Quảng Nam đến nỗi trước một đám đông, nghe một ai đó nói một chuyện sai sự thật hoặc lớn tiếng hà hiếp một người khác mà không có ai lên tiếng cãi lại thì ta có thể kết luận trong đám đông ấy không có người Quảng Nam nào!” (Truyện ký và tạp văn, NXB Trẻ, 2016, trang 15).

Năm 2018, qua email, khi tôi trao đổi với ông về công việc đã làm lâu nay, đó là sưu tầm, tuyển chọn các khuôn mặt thơ ca xứ Quảng có tác phẩm in trên các báo, tạp chí tại các đô thị miền Nam, giai đoạn 1954-1975, trong đó có thơ Vũ Đức Sao Biển. Ông rất hoan nghênh và sau đó, ông gửi thêm những bài tôi chưa sưu tầm được. Ông còn gửi tặng tôi hai bài thơ chữ Hán, bài Tặng nội và Nam ai, kèm bản dịch nghĩa, dịch thơ, rất cảm động.

Có thể nói, trước 1975, bên cạnh âm nhạc, Vũ Đức Sao Biển còn sáng tác thơ ca. Thơ đăng trên số báo và tạp chí. Tuy rằng, âm nhạc vượt trội hơn. Người thưởng thức biết nhiều đến Thu, hát cho người và Chiều mơ hơn là những bài thơ đã công bố. Dầu vậy, đọc kỹ những bài thơ của ông trong thời kỳ này, người ta vẫn nhận ra một tiếng nói riêng, nhiều âm sắc, dẫu tiếng nói đó chưa thành một giọng điệu nghệ thuật, gây chú ý như bao cây bút khác của xứ Quảng, song, vẫn để lại dư vang không lẫn với ai. Thơ Vũ Đức Sao Biển ra đời trong những năm tháng đầy bão lửa của bom đạn.

Quảng Đà là chiến trường dữ dội, tác động không ngừng đối với thế hệ trẻ. Người ta gọi thế hệ này là thế hệ mất mát. Chín năm (1945-1954), họ theo gia đình tản cư qua các vùng quê,  chứng kiến bao tang thương, dâu bể, đó là một tuổi thơ dữ dội, nói như Phùng Quán. Thế rồi, hòa bình chưa được bao ngày. Chiến tranh tiếp nối chiến tranh.

Hình ảnh thân thuộc, trở thành nhân vật luôn ẩn hiện trong thơ và đời của Vũ Đức Sao Biển đó là người mẹ. Người mẹ miền Trung, ở đây là người mẹ Quảng Nam, lam lũ làm ăn, chịu thương chịu khó, hy sinh tất cả cho con cái. Trên các làng quê xứ Quảng, đâu đâu ta cũng gặp hình ảnh: Con từ Hội An về / Nhìn dòng sông quê mẹ / Chiều nắng loang trên đồi / Tiếng người trong bóng xế… Mẹ già ngồi trước cửa / Tóc bạc vì thương con… (Mẹ và con).

Hai mươi tuổi, Vũ Đức Sao Biển đã thấy:  Tháng hai chim ca hót / Lời chim thì vẫn buồn / Anh nợ nần số phận / Phân vân tóc mưa nguồn / Xin làm loài sao biển / Nghìn năm nhìn về non… (Thơ tháng hai). Thích nhất là bài Chiếc xe đạp cũ qua Sài Gòn, viết theo thể lục bát, chỉ 12 câu, giọng tếu táo, che cái nghèo của anh học trò xứ Quảng, một Từ Hải đưa nàng Kiều rong chơi bằng chiếc xe đạp cũ, “yên mòn, dây thắng tả tơi /  xin qua cho hết luân hồi nghe em / từ đây cát bụi ưu phiền/ nhịp đinh sút, những cung huyền thoại vang / Sài Gòn chín phố là bao / Ta hiên ngang hát ca dao giữa đời …

Vũ Đức Sao Biển trôi dạt về phương Nam, lòng vẫn nhớ về quê cũ:

Tặng nội

Ấu thời phụ một, biệt gia hương.
Hội thị Thu giang cảm đoạn trường.
Khứ sự tư duy đầu sơ bạch.
Mộng kiến mai hoa hạng tịch lương.

Bản dịch thơ của tác giả:

Gửi nội

Tuổi thơ cha mất, bỏ quê hương.
Phố Hội, sông Thu cũng đoạn trường.
Việc cũ suy tư đầu chớm bạc.
Mơ thấy mai vàng ngõ tịch lương.


Nay thì Vũ Đức Sao Biển đã bỏ quê hương, bỏ phố Hội, bỏ sông Thu, theo nỗi đoạn trường, kỷ độ bất quy lai - biền biệt không trở về - (Nam ai - Điệu buồn phương Nam), chỉ còn tiếng tơ đàn rung lên trong Thu, hát cho người, người…ơi

Đà Nẵng, ngày 7-5-2020

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.