Người 'say' Tuồng

.

Trải qua 90 tuổi lẻ đời mình, ông hẳn đã mấy phen chếnh choáng cơn say. Thế nhưng, có một cơn say dài đã để lại trong ông những dấu tích đam mê bất tận, khi trái tim ông trót dành riêng một ngăn cho một tình yêu đến độ cuồng si khiến ông phải thốt lên những lời thệ nguyện: Cho dù vật đổi sao dời/ Dốc lòng gìn giữ chiếc nôi của Tuồng...

Ngót nghét tuổi 90, ông Nguyễn Quỳnh từng từ quê nhà Duy Xuyên vào tận Tam Kỳ chỉ để... cầm chầu.
Ngót nghét tuổi 90, ông Nguyễn Quỳnh từng từ quê nhà Duy Xuyên vào tận Tam Kỳ chỉ để... cầm chầu.

Một tuần sau khi Hội Bảo trợ Tuồng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, tổ chức lễ chúc mừng ông Nguyễn Quỳnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, chúng tôi đến thăm ông tại tư gia. Các lẵng hoa vẫn tươi sắc trong căn phòng nhỏ, chừng như vẫn lặng thầm gởi những lời chúc mừng của mọi người đến bậc trưởng thượng đam mê Tuồng.

“Dốc lòng gìn giữ chiếc nôi của Tuồng”

Ông ngồi xuống bên ly trà, khẽ hắng giọng rồi chậm rãi kể lại câu chuyện mình đến với nghệ thuật hát Bội, nay gọi là hát Tuồng. Mái tóc hoa râm lưu vết tích thời gian, đôi mắt vẫn lóe lên những tia sáng mỗi khi ông tâm đắc một điều gì đó trong quá khứ.

Gần 80 năm trước, ở làng quê Duy Trung, huyện Duy Xuyên, từ khi còn là một cậu bé vừa hoàn thành sơ học yếu lược bậc tiểu học, những đêm làng có gánh hát Bội về diễn, cậu lon ton theo chân cha mẹ đi xem. Trong cái nhìn của cậu bé thơ dại ngày đó, tuy hát Bội là một cái gì còn cao xa lắm nhưng chính những trang phục, điệu đi, hơi hát, làn trống... đã in sâu vào trong tâm khảm để dần hình thành trong ông một “người say tuồng” sau này.

Đó là những gánh hát Bội nổi tiếng một thời như Bàu Toa, Bàn Thạch Thượng,... sau này còn có gánh hát Phó Phẩm với nhiều nghệ nhân tài ba như: Nguyễn Nho Túy (tức Đội Tảo), Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Tống Phước Phổ, Phó Phẩm…

Những năm đầu thế kỷ XX, Quảng Nam có ba trường hát ra đời ở Trà Kiệu, Vĩnh Điện, Tam Kỳ. Với đất Duy Xuyên, dù nơi đây không có một gánh hát bội nào nhưng nhờ có trường hát Trà Kiệu mà ở các làng, xã trong huyện xuất hiện nhiều nghệ sĩ hát Bội. Nói như ngôn ngữ hiện đại, những nghệ-sĩ-của-nhân-dân ấy “ăn hát Bội, ngủ hát Bội”, thuộc lòng từng vở diễn, từng tích lớp, từng tính cách nhân vật khi xem các gánh hát nhiều nơi được các làng mời về diễn vào các dịp hội hè, tế lễ, tết nhứt...

17 tuổi, tháng 8-1945, Nguyễn Quỳnh tạm chia tay với những đêm hát Bội để hòa mình trong đoàn người đi cướp chính quyền ở xã. Đến thời chống Pháp, ông phụ trách văn nghệ ở xã, tổ chức cho mọi người hát vở Hai Bà Trưng đánh quân Đông Hán. Khi tập kết ra Bắc, ông có dịp cùng các nghệ sĩ Đội Tảo, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu học Tuồng 3 tháng ở Nhà hát Tuồng Trung ương tại Hà Nội.

Khi đương chức, ông tuy có ít thời gian nhưng lại thừa sức khỏe và niềm đam mê để có thể cùng với các nghệ sĩ Tuồng xứ Quảng lặn lội khắp các vùng miền, từ đồi núi, trung du đến đồng bằng. Nhìn bước đi trĩu nặng tuổi tác của ông trong buổi sáng cuối thu hôm đó, tôi hình dung đến một người vì trót nặng nợ với di sản văn hóa của cha ông mà giong ruổi rày đây mai đó như một nhà truyền giáo đi rao giảng đức tin cho một tôn giáo có tên là Nghệ thuật Tuồng.

Ngày đó, sau một ngày lam lũ trên đồng dưới ruộng, khi chiều xuống đêm về, thật là thiếu thốn nếu không có những làn điệu Tuồng vang lên ở sân đình, sân chùa hay một ngôi nhà đủ rộng của ai đó trong làng. Đi các nơi nói chuyện Tuồng, với ông, chỉ là để “phác thảo” đôi nét về nghệ thuật cổ truyền dân tộc này; chính cái việc diễn Tuồng mới thực sự mang lại cho khán giả làng quê thấy được giá trị của Tuồng, nhóm lên trong lòng họ ban đầu chỉ là chút ít “cảm tình” về nghệ thuật để rồi theo ngày tháng dần trôi - qua nhiều lần được nghe, được xem Tuồng - sẽ bùng lên thành ngọn lửa đam mê trong lòng
mọi người.

Giọng ông chùng xuống. Sau một hớp trà, ông đưa tay lấy tập thơ “Bến đợi” in năm 2018 nhân ông tròn 90 tuổi. Lật đến trang 16, ông lấy giọng đọc bài “Nhớ tiếng trống Tuồng”, đôi mắt hấp háy như chừng từng con chữ gợi lên trong ông điều gì đó trong miền ký ức. Cho dù vật đổi sao dời. Dốc lòng gìn giữ chiếc nôi của Tuồng. Đọc đến hai câu cuối, ông như có làn sương trong đáy mắt...

“Tôi muốn đem hết tâm huyết một đời để “gìn giữ chiếc nôi của Tuồng”, nhưng xem ra những gì mình làm được vẫn chưa được như kỳ vọng - ông nói như với chính mình. 10 năm lăn lộn chiến trường, tôi không hát hò chi. Tới khi về làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, rồi nghỉ hưu, đến năm 1992, được GS Hoàng Châu Ký mời tham gia Hội Bảo trợ tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng là tôi nhận lời ngay, được giao phụ trách trực tiếp huyện Duy Xuyên”, ông trải lòng.

“Nghiệp” cầm chầu

Ông tuy không phải là một nghệ sĩ Tuồng, nhưng cũng “ăn Tuồng, ngủ Tuồng”. Không hát, không diễn, nhưng ai diễn dở hay hay ông đều biết tất. Ông rất “có duyên” trong việc biên tập, sửa lỗi,... nhất là gợi ý sắm vai cho các diễn viên.

Ông ấp ủ dự định xây dựng một đoàn tuồng nghiệp dư, có ý định kiếm một ai đó về lập đoàn tuồng lấy tên Sông Thu, con sông quê ông, nhưng ngặt nỗi nghèo quá, không đủ lực để mời những người có tên tuổi. Rồi cơ duyên đưa đẩy, ông gặp được nghệ sĩ Diệu Thông, một diễn viên tâm huyết với Tuồng. Bà có 7 người con, 3 trai, 4 gái, đều mê Tuồng; trong đó có cô Thu Trang sẵn biết nghề, ông chỉ cần nói vài ý là cô hiểu ngay. Nhìn qua phong cách biểu diễn của cô, ông gợi ý cho cô sắm các vai thích hợp với mình. Ví như vai Đào Tam Xuân trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào” - một nữ tướng cùng chồng và con trai chiến đấu bảo vệ đất nước. Đó là một trong những vai mang lại thành công cho nghệ sĩ Thu Trang, tuy nhiên để lại dấu ấn vang dội phải kể đến một vai cô đóng giả trai.

Năm 2015, khi chuẩn bị tham gia Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ từ ngày 24-9 đến 4-10-2015 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng, Đoàn tuồng Sông Thu đăng ký vở “Lã Bố hý Điêu Thuyền” ở lĩnh vực đơn vị nghệ thuật không chuyên. Theo gợi ý phân vai của ông, Thu Trang vào vai Lã Bố. Em gái cô vào vai Điêu Thuyền; anh trai vai Đổng Trác; con trai cô, 9 tuổi, vai bắt ngựa cho Lã Bố.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Thủy, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, hát chúc mừng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Quỳnh. Ảnh: MINH TUẤN
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Thủy, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, hát chúc mừng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Quỳnh. Ảnh: MINH TUẤN

Tính đến nay, đó là lần “ra quân” thành công nhất đối với người-say-tuồng Nguyễn Quỳnh và đoàn tuồng Sông Thu. Bế mạc liên hoan, người sắm vai Lã Bố và Đổng Trác đều được tặng Huy chương Vàng, vai Điêu Thuyền được tặng Huy chương Bạc, cậu bé bắt ngựa được trao giải diễn viên tiềm năng xuất sắc. Hôm đó, khán giả ngạc nhiên khi thấy một ông lão gần chín mươi lên sân khấu nhận Bằng khen do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng, trừ các nhà nghiên cứu Tuồng ở Trung ương, bởi các chức sắc của nghệ thuật cổ truyền đến từ Hà Nội này ai cũng gật gù tán dương khi thấy ông trước đó để tâm vào từng tiếng trống cho các nghệ sĩ không chuyên của mình diễn trên sân khấu: “Chú cầm chầu như thế nên diễn viên ai cũng hát hay cả”.

6 năm trước, vào hạ tuần tháng 5-2013, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức cuộc thi “Sân khấu Tuồng và dân ca kịch truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc” tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lần đó NSND Nguyễn Hương Thơm, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ với báo giới: “Mười đêm diễn ở Quảng Nam là cơ hội để nghệ sĩ chúng tôi thể hiện tài năng nghề nghiệp của mình, đồng thời cũng biết được tình yêu Tuồng của người dân đất Quảng”.

Là một người dân đất Quảng, dù sức khỏe tuổi già không phải dễ dàng trong việc đi lại nhưng ông đã lặn lội từ quê nhà Duy Xuyên vào tận Tam Kỳ chỉ để... cầm chầu trong đêm khai mạc. Trong hát Bội hay hát Tuồng, người cầm chầu thường không chỉ là người có uy tín mà còn phải là người am hiểu tuồng tích, đánh trống khen hay chê cho đúng lúc, đúng nơi, thay mặt khán giả, biểu lộ trình độ thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc. Những yêu cầu đó, ông gồm đủ cả!

Tấm ảnh ông cầm chầu lần đó còn treo trên tường.

Người bạn đời của ông, bà Trần Thị Tám Liên, tuy chưa đến độ say Tuồng như chồng, nhưng luôn động viên ông trong các hoạt động liên quan đến Tuồng: “Ổng còn khỏe, làm được chi cho xã hội, cho nghệ thuật là ổng vui mà tui cũng vui lây”. Ông quay sang chúng tôi, đôi mắt cười: “Tôi vui lắm. Vui nhất là đã xây được cái kim tĩnh 2 năm nay rồi, cách nhà tôi chừng 2 cây số, tựa lưng vào núi...”. Rồi ông lại ngân nga: “Cho dù vật đổi sao dời. Dốc lòng gìn giữ chiếc nôi của Tuồng...”.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.