Sử gia Phan Khoang

.

ĐNO - Để lại cho đời nhiều bộ sách lịch sử được giới nghiên cứu đánh giá cao trong sự nghiệp trước tác của mình, Phan Khoang là một trong những sử gia miền Nam nổi tiếng trước năm 1975.

Hai tác phẩm của sử gia Phan Khoang vừa được NXB Khoa học Xã hội và Sách Khai tâm tái bản. Nguồn: Internet
Hai tác phẩm của sử gia Phan Khoang vừa được NXB Khoa học Xã hội và Sách Khai tâm tái bản. Nguồn: Internet

1. Phan Khoang sinh năm 1906 tại xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong gia đình nhà nho. Cha ông là Tiến sĩ Phan Quang, người đứng thứ hai trong nhóm Ngũ phụng Tề phi - danh xưng dùng chỉ 5 người đồng hương Quảng Nam cùng đỗ đại khoa trong khoa thi Mậu Tuất 1898. Ba người anh em trai ông là nhà văn Phan Du (tác giả cuốn Quảng Nam qua các thời đại - Quyển Thượng), Phan Mật và Phan Quế.

Thuở nhỏ, ông học ở Huế và làm công chức ngành Bưu điện, sau chuyển sang ngành Công chánh rồi làm Quan thuế (Hải quan). Ông từng làm việc ở Huế, Quy Nhơn nhưng vì tính cương trực, phóng khoáng không chịu gò bó của chế độ công chức thuộc địa nên xin từ chức về quê sống ẩn dật.

Vào những năm 1930, ông và thân phụ ở Quế Sơn. Trong thời gian này, ông được cha dạy chữ Hán nên vốn kiến thức khá vững, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu của ông sau này. Từ năm 1940, ông dạy học tại Trường trung học Chấn Thanh (Đà Nẵng), Trường Phan Châu Trinh (Hội An).

Trường (tư thục) Chấn Thanh do nhà giáo Phan Bá Lân (con của chí sĩ yêu nước Phan Thành Tài) lập ban đầu ở Sài Gòn, khi chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, chuyển về Đà Nẵng. Nhà giáo Phan Khoang là một trong các giáo viên giỏi của trường cùng với các nhà giáo - nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên...

Cách mạng tháng Tám thành công, Phan Khoang tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Sau đó, ông trở về thành tiếp tục dạy học và làm báo, từng làm chủ bút các báo: Bình Minh, Trách Nhiệm, Vì Dân (từ 1949-1955) ở Huế.

Từ năm 1955, ông làm việc ở bộ Văn hóa Sài Gòn một thời gian. Năm 1961, ông tham gia ủng hộ nhóm Caravelle chống chế độ Ngô Đình Diệm, bị bắt giam và đến ngày 1-11-1963 mới được trả tự do. Từ năm 1963, ông được mời giảng dạy ở các Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Huế về văn chương Việt Hán và Việt sử.

Năm 1966, ông tham gia viết bài và là biên tập viên Tập san Sử Địa (1966 - 1975), một tạp chí có uy tín về sử học thời kỳ đó, phát hành 3 tháng một kỳ, ra được tổng cộng 29 số báo cho đến năm 1975. Tập san Sử Địa cung cấp nguồn tài liệu phong phú trong việc khảo cứu, sưu tầm về sử ký và địa lý Việt Nam, Phan Khoang tham gia viết bài cùng với những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực sử học của miền Nam bấy giờ như: Hoàng Xuân Hãn, Phạm Văn Sơn, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í…

Năm 1970, Phan Khoang bị bệnh phải ra nước ngoài điều trị, nhưng không khỏi. Ông về nước, và mất ngày 22-10-1971 tại Sài Gòn, hưởng thọ 65 tuổi.

2. Trong sự nghiệp trước tác của Phan Khoang, giới nghiên cứu đánh giá cao nhất ở ba tác phẩm: Việt sử Xứ Đàng Trong (1558 - 1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Việt Nam Pháp thuộc sử và Việt - Pháp bang giao sử lược: Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

Biên soạn sách, nhất là sách lịch sử, chủ trương của ông là sao cho khách quan và tránh được sự thiên vị, như giãi bày của ông trong Tiểu dẫn cuốn sách Việt sử xứ Đàng Trong (còn gọi là Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam) - một công trình tầm cỡ nói về cuộc Nam tiến của tiền nhân bắt đầu từ khi các chúa Nguyễn trong công cuộc mở nước, khai hoang lập ấp ở miền Nam. Ở đó (Tiểu dẫn), ông viết như sau:

“Các sử liệu về xứ Thuận Hóa, xứ Quảng Nam, phủ Gia Định trong thời kỳ các chúa Nguyễn làm chủ và mở mang đất ấy, từ nửa sau thế kỷ XVI đến hết thế kỷ XVIII chưa được khai thác và chép thành sách. (…) Và các sử liệu ấy, so sánh với các sử liệu thuộc các thời kỳ trước đó của nước ta, không đến nỗi quá nghèo nàn. Vì chúng ta có chánh sử, có tư sử, lại có các thiên ký sự của các giáo sĩ, thương nhân Âu Châu đã bắt đầu đến Đàng Trong trong thời gian này". 

Về chánh sử cũng như tư sử, chúng ta có hai nguồn sử liệu đối lập nhau, là Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, Vũ biên tạp lục (tác phẩm của Lê Quý Đôn, còn gọi là Phủ biên tạp lục, Vũ hay Phủ đều cùng có nghĩa là yên dân - NV) của Bắc Hà, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Gia Định thông chí, Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí của Nam Hà, và như vậy việc biên soạn dễ khách quan và có thể tránh được sự thiên vị”.

Việt sử Xứ Đàng Trong của ông là một trong những công trình tiêu biểu nhất được nhiều người thường xuyên tham khảo, trích dẫn khi nghiên cứu về Đàng Trong, về Thuận Quảng nói chung. Riêng về lịch sử xứ Quảng nói riêng, người ta tìm đến cuốn Quảng Nam qua các thời đại - Quyển Thượng của người em kế ông, nhà văn Phan Du.

Nếu Việt sử Xứ Đàng Trong (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969) ghi dấu lịch sử hình thành vương triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Đại Việt thời Lê - Trịnh nói chung thì Quảng Nam qua các thời đại - Quyển Thượng (Cổ học Tùng thư xuất bản, Đà Nẵng, 1974) là công trình nghiên cứu về đất Quảng Nam từ khi còn là lãnh thổ của Chiêm Thành đến khi trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt.

Phan Khoang, khi hạ bút biết về những đoạn sử có liên quan đến lịch sử Chiêm Thành (và cả Chân Lạp), đã gặp nhiều khó khăn, như ông viết trong Tiểu dẫn: “Lịch sử Chiêm Thành chỉ được các nhà khảo cổ Pháp xây dựng lại nhờ những ký tái của các tấm bia, tháp nhưng ý kiến của nhà khảo cổ không nhất trí về thế thứ của các vị vua, và nhiều sự kiện khác nữa.

Mỗi vua Chiêm lại có nhiều tên, ngoài tên hiệu, họ còn tước, tên thụy... tên các vua Chiêm chép trong sử Tàu và trong sử Việt nhiều khi khác nhau. Vì vậy chúng tôi e ngại có nơi sự đối chiếu không chắc chắn xác thực được. Về danh xưng và lịch sử giao thiệp giữa Chiêm và Việt, chúng tôi đã dựa phần nhiều trên quyển Le Royaume du Champa (Vương quốc Champa – NV) của Georges Maspéro và sử Việt để làm căn cứ”.

Với sự cẩn trọng, dè dặt cần thiết của một sử gia cùng với sự khiêm cung, cầu thị của riêng mình, ông trịnh trọng thưa gởi ở phần kết của Tiểu dẫn: “Vì các lẽ trên, quyển Lịch sử Xứ Đàng Trong không khỏi có nhiều lầm lẫn và thiếu sót. Mong các bậc cao minh đính chính cho”.

3. Không chỉ tránh “lầm lẫn và thiếu sót” trong biên soạn sách lịch sử mà ngay khi giải thích một địa danh, ông cũng đưa ra một giả thuyết sao cho khả tín nhất.

Mục từ Faifo ở nội dung “Quảng Nam-Đà Nẵng qua các địa danh” trên danang.gov.vn (Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng) giải thích rằng, Faifo là phố cổ Hội An được gọi bằng Pháp ngữ. Từ Faifo lần đầu xuất hiện trong hồi ký nhà truyền giáo người Ý Christoforo Borri đã từng sống ở Hội An và Đàng Trong từ 1618 đến 1621. Cách giải thích nguồn gốc từ này ít nhất có 5 thuyết khác nhau: (1) Từ Hải Phố mà ra (Chapuis); (2) Từ Hội An Phố mà ra (Trần Kinh Hòa); (3) Từ Hoa Phố mà ra  (Châu Phi Cơ); (4) Từ Hoài Phố mà ra (Phan Khoang); (5) Suy diễn theo lối ngữ nghĩa dân gian từ câu hỏi “có phải phố không?”.

Trang danang.gov.vn cho rằng, trong các cách giải thích trên, Faifo từ Hoài Phố (Phố bên sông Hoài – tên gọi sông Thu Bồn ngày xưa) mà ra, như sử gia người Quảng nhận định, là có sức thuyết phục hơn cả.

Bìa cuốn “Việt Nam Pháp thuộc sử (NXB Đại Nam, Sài Gòn, 1961) - một trong những tác phẩm nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của Phan Khoang. Nguồn: Internet
Bìa cuốn “Việt Nam Pháp thuộc sử" (NXB Đại Nam, Sài Gòn, 1961) - một trong những tác phẩm nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của Phan Khoang. Nguồn: Internet

Qua đó cho thấy, với Phan Khoang, những vấn đề của sử học đặt ra, dù ở tầm rộng lớn (như Việt sử Xứ Đàng Trong) hay ở phạm vi hạn hẹp (như nguồn gốc từ Faifo), ông đều để tâm nghiên cứu một cách cẩn trọng, nghiêm túc. Phải chăng vì thế mà tác giả Phạm Quang Huy trong bài “Phan Khoang và một góc nhìn sử khác” đăng trên zingnews.vn ngày 30-5-2017 đã nhận xét về ông: “Về văn phong, ông có lối viết sử rất lịch lãm mà giản dị, uyên thâm mà rất bình dân. Điều này khiến độc giả có thể đọc một mạch tác phẩm của ông như những ‘tiểu thuyết lịch sử’ đầy cuốn hút”.

Phạm Quang Huy cho rằng, các tác phẩm của Phan Khoang có thể đại diện cho nhận thức của giới sử học miền Nam trước năm 1975 về lịch sử xứ Đàng Trong, vai trò mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, cuộc xâm lược của thực dân Pháp… Một trong những “vũ khí” giúp cho sử gia Phan Khoang trong sự nghiệp trước tác của ông, là “nhờ được thừa hưởng vốn Hán văn của thân phụ” nên ông “đã chú giải các nhân vật, địa danh cẩn trọng, tường minh, bảo đảm khách quan trong tường thuật các chi tiết lịch sử”.

Đường Phan Khoang ở địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình
Tuyến đường Phan Khoang ở địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình

Sử gia Phan Khoang đã đi xa ngót nghét nửa thế kỷ. Những tác phẩm kinh điển của ông đã trở thành “sách gối đầu giường” của các thế hệ nghiên cứu về lịch sử nước nhà. Ghi nhận công lao của ông, thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho một tuyến đường ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.

Các tác phẩm chính của Phan Khoang:

-Trung dung dịch giải (1944, Hà Nội)

-Trung Quốc sử lược (1970)

-Việt - Pháp bang giao sử lược (1950)

-Việt Nam Pháp thuộc sử (1961, Sài Gòn)

-Việt sử Xứ Đàng Trong - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1969)

Cùng với đó là một số bản thảo đã hoàn thành:

-Cửa vào sử học

-Tổ chức chính quyền trung ương dưới thời Nguyễn

-Chính trị Việt Nam qua các thời đại

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.