Xã hội

Nhớ một đại biểu hội đồng

06:22, 22/08/2023 (GMT+7)

Tin anh Nguyễn Quang Nga qua đời đến với tôi thật đột ngột, mới cách đây không lâu anh em còn gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện trò sôi nổi vậy mà hôm nay bệnh anh trở nặng và ra đi mãi mãi.

Anh tham gia cách mạng từ sớm, trải qua nhiều công việc và cương vị khác nhau, có thể ở miền núi hoặc thành phố, có thể quan chức Đảng hoặc đoàn thể, nhưng có lẽ để lại dấu ấn rõ nét và được nhiều người nhớ là thời gian anh làm đại biểu HĐND thành phố khóa VII (2004-2011). Một nhiệm kỳ “kéo” dài tới 7 năm để cho khóa sau tròn 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ đại hội Đảng. Thời điểm đó Đà Nẵng thuộc Trung ương được 5 năm, tất cả hối hả và tràn đầy nhiệt huyết. Rất nhiều nhiệm vụ được triển khai mà nổi bật là công tác chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế. HĐND cũng thế, đổi mới và có tiếng nói thật sự trong công tác giám sát, phản biện góp phần vào xây dựng thành phố.

Rất nhiều chương trình, đề án được triển khai trong nhiệm kỳ đáng nhớ đó, từ thành phố “5 không” đến “3 có”, từ việc to như chỉnh trang đô thị, giải tỏa đền bù đến việc “nhỏ” như không thu tiền giữ xe tại các bệnh viện. Khi bắt đầu nhiệm kỳ, thành phố mới chỉ có khoảng 600 con đường có tên, đến cuối nhiệm kỳ VII tăng lên hơn 1.400, việc mỗi kỳ họp thông qua nghị quyết đặt tên cho hàng trăm con đường là chuyện bình thường.

Từ chỗ chỉ có 1 cây cầu bắc qua sông Hàn tăng lên 5, di dời hơn 160.000 hộ trên tổng số hơn 325.000 hộ, bộ máy hành chính từng bước hoàn chỉnh và tất cả cán bộ từ phường đến sở lao vào công việc với sự hăm hở nhiệt thành. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thành phố đáng sống không còn là khẩu hiệu, pháo hoa trên trời, rừng biển dưới đất từng ngày thôi thúc.

Trong bối cảnh sôi động đó không chỉ có thuận lợi, ngược lại vô số khó khăn, phức tạp của quá trình “ra riêng” xuất hiện, quan trọng nhất là làm sao bảo đảm được quyền lợi chính đáng của cử tri, nhân dân? làm sao thành phố phát triển nhưng giữ được sự đồng thuận của nhân dân?. Hoạt động của HĐND cũng phải thay đổi để theo kịp yêu cầu thực tế. Anh Nga trúng cử đại biểu HĐND với tư cách là Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, tiếng nói của anh trước hết đại diện cho cử tri nơi anh ứng cử, của cử tri nông dân nhưng không chỉ vậy, anh là tiếng nói của nhân dân thành phố, được lắng nghe, được ghi nhận.

Mỗi kỳ họp của HĐND thu hút sự quan tâm rộng rãi của cử tri, nhân dân thành phố, họ quan tâm bởi lẽ đơn giản là đại biểu bàn và ra nghị quyết về những việc thiết thực và cụ thể của chính họ. Từ báo cáo của UBND đến thảo luận, nhất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phát biểu kết luận kỳ họp… thật sự là những sinh hoạt nghị trường sôi nổi và không ít trường hợp toát mồ hôi. Vì đại biểu chất vấn, lãnh đạo các ngành trả lời được truyền hình trực tiếp, nhân dân, cử tri đang chăm chú lắng nghe và bày tỏ thái độ ngay qua đường dây nóng của kỳ họp. Góp phần tạo ra không khí tranh luận sôi nổi ấy người ta thường chú ý ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Nga.

Trước hết anh Nga là người nắm chắc vấn đề cần phát biểu. Chất vấn về một sự việc cụ thể nào đó anh Nga trực tiếp tiếp cận tìm hiểu cặn kẽ. Có thể đó là vấn đề xây dựng ở Đồng Nò, làm nhà trái phép trên đỉnh Hải Vân, bố trí tái định cư, giá đền bù cho nông dân… anh đều lên tiếng với số liệu và phân tích tình huống chặt chẽ, thuyết phục. Anh nói về việc tác động của thuốc trừ sâu trong việc xây dựng quá nhiều sân golf một cách tâm huyết, anh lên tiếng gay gắt về sự lạm dụng quyền lực trong việc xây dựng trái phép… tất cả được anh trình bày rõ ràng.

Có lẽ anh Nga là một trong ít người có cách diễn đạt trôi chảy và…góc cạnh. Lập luận chặt chẽ với những luận cứ thuyết phục, không màu mè chữ nghĩa, không rào trước đón sau. Nói đúng bản chất, đi thẳng vào vấn đề cần nói, nhiều khi hơi quá góc cạnh nên thường tạo cảm giác khó chịu, nhưng hoạt động nghị trường có lẽ cần những phong cách làm việc như vậy. Có lần khi bàn về giá đền bù, anh Nga nói “Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân…” để giải quyết. “Phải thay đổi việc 1m2 đất mà đền bù cho người dân mua không được 2kg thịt bò”. Khó nghe nhưng đúng với nguyện vọng và tâm trạng nhân dân.

Anh Nga là thành viên Ban Pháp chế, cho nên anh ấy rất trăn trở về sự nhiêu khê của thủ tục hành chính, về sự phiền phức của những “đơn xin”. Dân trả lương cho cán bộ nhưng mỗi lần có việc thì dân phải đơn trương tới lui vất vả. Còn nhớ những lần anh “truy” tới cùng về việc giải quyết một yêu cầu sổ đỏ nhà đất của cử tri. Không ít những phát biểu của anh được chủ tọa kỳ họp lưu ý và giải quyết.

Sau khi nghỉ công tác, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc ý kiến của anh trong những lần tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Vẫn đầy tâm huyết anh nói về tình trạng xuống cấp của giáo dục và đạo đức xã hội. Anh đau đáu về tình trạng tham nhũng không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Anh đồng tình và hoan nghênh công cuộc đốt lò, và phương châm không có vùng cấm. Đại biểu Quốc hội nhiều lần ghi nhận và tiếp thu, trả lời.

Chẳng có trường lớp nào đào tạo làm đại biểu HĐND, anh Nga là sản phẩm của ý thức và sự nhiệt thành trách nhiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế phong phú. Chỉ một nhiệm kỳ nhưng anh đã góp phần tạo ra dấn ấn cho hoạt động nghị trường. Cử tri và đại biểu đồng khóa quý và trọng anh. 

Những năm gần đây vào dịp cuối năm tôi vẫn thường thăm không gian trưng bày của Hội Sinh vật cảnh thành phố mà anh là người chăm lo, tổ chức. Có lần anh nói chữ “hưu” trong chữ nho gồm hai bộ nhân và mộc. Không chi vui hơn lớn tuổi mà gần được cỏ cây. Chăm một bonsai không hẳn là một cái cây, đó là nuôi dưỡng tâm hồn. Tưởng đâu anh được thong dong dài lâu với cây và hoa. Anh Hội đồng Nga ơi, xin anh nhận nơi người ở lại nỗi nhớ về anh.

“Anh Nga là người thẳng thắn và tâm huyết. Là đại biểu năng nổ, tiếng nói của anh được cử tri hoan nghênh và lãnh đạo thành phố chú ý. Anh xông xáo và theo tận cùng một sự việc, anh đã làm đúng trách nhiệm và yêu cầu của việc giám sát của HĐND”. Huỳnh Nghĩa, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố

MAI ĐỨC LỘC

.