Xã hội

Chủ động ứng phó El Nino kéo dài

Bài cuối: Phối hợp vận hành các công trình, hệ thống cấp thoát nước và phòng, chống thiên tai

06:54, 20/09/2023 (GMT+7)

Trước những diễn biến phức tạp của El Nino, công tác vận hành liên hồ, đơn hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có ý nghĩa rất quan trọng để điều tiết, cắt, giảm lũ cho hạ du; tích được nước đầy hồ trong mùa lũ để bảo đảm cấp nước cho hạ du trong mùa cạn; vận hành hợp lý, hiệu quả để bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt là đối với Đà Nẵng và Quảng Nam. Đồng thời, phối hợp vận hành các công trình, hệ thống thủy lợi, thoát nước, chống ngập, phòng chống thiên tai... ở hạ du để ứng phó và làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi cần thiết có thể huy động được tối đa 40 triệu m3 nước từ cống xả sâu trên thân đập thủy điện Đak Mi 4A khi mực nước hồ thấp hơn mực nước chết. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khi cần thiết có thể huy động được tối đa 40 triệu m3 nước từ cống xả sâu trên thân đập thủy điện Đak Mi 4A khi mực nước hồ thấp hơn mực nước chết. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bảo đảm vận hành các trạm bơm cấp nước

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Đình Hải cho rằng, khi mực nước sông Vu Gia hạ thấp, các trạm bơm ở phía trên như: Đại Hưng, Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sẽ thiếu hụt nước trước. Do đó, cơ quan chức năng của hai địa phương cần yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện xả nước bảo đảm mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa từ 2,2m trở lên để vận hành bình thường các trạm bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như các trạm bơm cấp nước sinh hoạt.

Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Hồ Minh Nam đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố và tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ thủy điện vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ, bảo đảm mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch từ 1,8m trở lên để công ty vận hành bình thường Trạm bơm phòng mặn An Trạch mới và một số máy bơm của Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũ, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Để hài hòa và tăng cường hiệu quả sử dụng nước ở hạ du, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế đề nghị, Đà Nẵng và Quảng Nam cần phối hợp nâng cao cao trình mực nước lưu giữ tại thượng lưu của hệ thống đập dâng An Trạch nhằm có thể điều tiết lưu lượng xả tràn qua các hướng về hạ du hệ thống đập dâng này để vừa bảo đảm mực nước, điều kiện kỹ thuật cho các trạm bơm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, vừa tăng cường lưu lượng nước xả về giảm mặn cho hạ lưu.

Khi đã nâng cao khả năng trữ nước tại thượng lưu hệ thống đập dâng An Trạch thì lượng nước được trữ này có khả năng điều tiết theo ngày. Từ đó, các nhà máy thủy điện ở thượng lưu vận hành bảo đảm lưu lượng nước xả về trung bình ngày, khai thác hiệu quả nguồn nước để phát điện, cấp điện trong điều kiện El Nino cũng như biến đổi khí hậu.

Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra sau đợt thiếu điện ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong tháng 5 và 6-2023, nhưng Đà Nẵng và Quảng Nam không xảy ra thiếu điện, chính là nhờ hai địa phương đã quyết liệt giữ được mực nước trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ. Đồng thời, thông qua đợt thiếu điện này cho thấy, việc bảo đảm sản xuất điện tại chỗ là yếu tố quan trọng nhất để cấp điện đủ cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Do đó, việc tích đủ nước các hồ thủy điện trong mùa lũ năm nay là rất quan trọng. Ông Ngô Xuân Thế chia sẻ thêm: “Nếu các hồ thủy điện tích được đủ nước thì các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam cung cấp đủ điện cho Đà Nẵng, Quảng Nam trong 1 năm. Mặt khác, năm 2017, một tổ máy của thủy điện A Vương được đưa vào diện dự phòng cấp điện cho một số phụ tải quan trọng ở Đà Nẵng. Khi có tình huống khẩn cấp về nguồn điện, nếu Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cần huy động điện khẩn cấp thì chỉ sau khi nhận lệnh từ 2-2,5 phút, thủy điện A Vương sẽ phát điện lên lưới với công suất theo yêu cầu”.

Phát huy kinh nghiệm, bảo đảm đa mục tiêu

Sau nhiều năm vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các đơn vị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chủ động nắm bắt một số xu thế diễn biến của mưa, lũ để ứng phó hiệu quả với thiên tai, vận hành an toàn hồ, đập và hạ du... Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO 2) Trần Văn Dư đánh giá, cùng với nhiệm vụ phát điện những năm qua, các đơn vị quản lý, vận hành 4 hồ thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2, A Vương và Đak Mi 4 chú trọng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phát huy hiệu quả vận hành bảo đảm an toàn hồ, đập và hạ du sông Vu Gia trong mùa lũ cũng như bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hạ du trong mùa cạn.

Tuy nhiên, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ gây nắng nóng khốc liệt; lượng mưa trong mùa lũ ít nhưng cũng có khả năng xảy ra những đợt mưa lũ cực đoan, đòi hỏi các đơn vị phải chuẩn bị tốt nhất cho công tác ứng phó; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và có sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản, các đơn vị quản lý, vận hành các hồ thủy điện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và đã có nhiều kiến nghị của các đơn vị, địa phương về sửa đổi, bổ sung quy trình. Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là hiện tượng El Nino được dự báo có khả năng kéo dài đến năm 2024, các cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo vận hành các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn một cách linh hoạt.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần giao cho UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng linh hoạt chỉ đạo vận hành các hồ thủy điện một cách kịp thời theo tình huống và diễn biến của thời tiết, chế độ thủy văn... nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập và hạ du cũng như bảo đảm an ninh năng lượng và cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hai địa phương.

Triều cường cao, sóng lớn ở lưu sông Vu Gia - Thu Bồn kết hợp với mưa lớn, mưa cực đoan và nguồn nước từ các hồ thủy điện xả về khó thoát ra biển gây ngập lụt phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng là một tình huống mới xuất hiện những năm gần đây. Đáng chú ý, vào ngày 14-10-2022, dù các hồ thủy điện đã chấm dứt điều tiết hạ thấp mực nước hồ từ 10 giờ trưa, trước 12 giờ so với thời điểm dự báo xuất hiện đỉnh triều cường (22 giờ đêm cùng ngày), nhưng do hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa cực đoan từ chiều nên các loại hình thiên tai kết hợp gây tác động đa thiên tai, làm ngập lụt lịch sử tại thành phố Đà Nẵng.

Để giảm ngập lụt cho hạ du, nhất là giảm ngập lụt đô thị Đà Nẵng, việc vận hành hạ thấp các hồ thủy điện cần được tính toán, thực hiện sớm hơn, ít nhất là hoàn thành trước 20-24 giờ so với thời điểm hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn hoặc xuất hiện đỉnh triều cường để phối hợp vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm chống ngập...

​​​​​​​Trước những thách thức từ diễn biến cực đoan, dị thường và tình huống mới của thiên tai và khí hậu, đặc biệt là tình trạng triều cường cao, mưa với tần suất từ 500-1.000 năm, nắng nóng gay gắt kéo dài..., cần thiết phải có những cập nhật, bổ sung phương án ứng phó; sửa đổi những điểm còn bất cập của quy trình vận hành các hồ, đập, công trình; tăng cường ứng dụng các công cụ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn... để ứng phó hiệu quả với thiên tai theo thời gian thực, trong đó có những biểu hiện bất lợi của El Nino để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

HOÀNG HIỆP

.