Xã hội

'Nóng' trong tuần: Đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Bình Thuận thông tin chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước

07:16, 10/09/2023 (GMT+7)

Tuần từ 4 đến 10-9, các sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; Bình Thuận thông tin làm rõ việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước Ka Pét; Khởi tố 2 lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil; dừng phát hành SIM qua đại lý từ ngày 10-9 để chống SIM rác...

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ

Ngày 8-9-2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Phạm Gia Luật, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.

Ông Phạm Gia Luật trong thời gian giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện dự án đầu tư, quản lý, sử dụng tài chính, khai thác, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản. Vi phạm của ông Phạm Gia Luật đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Gia Luật. Đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.

Bình Thuận: Thông tin làm rõ việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước Ka Pét

Chiều 7-9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tầm quan trọng của dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam; đồng thời, cung cấp thông tin làm rõ việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước này.

Theo đó, dự án Hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26-11-2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Dự án hồ chứa nước Ka Pét có tổng mức đầu tư dự án là 874,089 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 519,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Hồ có tổng dung tích hơn 51 triệu m3 và thời gian thực hiện dự án là tới năm 2025.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đầu tư dự án đã được xác định rất rõ là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; đồng thời, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh...

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là hơn 697 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679ha (đất có rừng là 619ha, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và đất không có rừng); còn lại là diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800 - 1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3. Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh.

Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Vị trí 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3.

Trước đó, dư luận xã hội phản ánh việc xây dựng hồ làm mất hơn 600 ha rừng là rất lớn, cần có nghiên cứu cụ thể, kỹ hơn.

Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng

Chiều tối 9-9, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết: Công ty Việt Á lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn”, nhưng trong kết luận điều tra lại xác định số tiền Công ty này hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can có liên quan khai là Công ty có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng; Phan Quốc Việt sử dụng khoảng 20 - 25% số tiền này (tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng) để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, đối tác mua kít xét nghiệm và các vật tư thiết bị, vật phẩm y tế khác.

Đây là lời khai ban đầu của các bị can. Tuy nhiên, khi có kết luận điều tra thì con số có chênh lệch. Giải thích điều này, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh: “Không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra”, phải “trọng chứng hơn trọng lời khai”.

Khởi tố 2 lãnh đạo của Công ty Xuyên Việt Oil

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 2 bị can trong vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại các Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 8-9-2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với: Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nêu trên đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Vụ án đang được điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Tuần qua, thông tin từ Kiểm toán nhà nước cho biết, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương trên cả nước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng; đồng thời, yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, hàng năm của Chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, số xã khu vực III làm ảnh hưởng tới số vốn ngân sách Trung ương giao cho một số địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỉ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỉ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan lập Kế hoạch Chương trình giai đoạn 5 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí sự nghiệp giai đoạn 5 năm trong cơ cấu vốn ngân sách cho các cơ quan chủ quản Chương trình.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được dự toán chi cũng như số liệu quyết toán dự toán ngân sách được giao cho chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp số liệu dự toán giao cho các cấp ngân sách và công tác quyết toán phần dự toán ngân sách nhà nước giao cho các chủ Chương trình. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cơ quan chủ trì Chương trình là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có đủ cơ sở thực hiện lập báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí, quyết toán kinh phí của Chương trình để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những chậm trễ, bất cập trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan.

Tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28-5-2022. Cụ thể, 6/13 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu số huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; 1/1 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao; 3/6 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu.

Kiểm toán nhà nước yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Dừng phát hành SIM qua đại lý từ ngày 10-9 để chống SIM rác

Từ ngày 10-9, các đại lý ủy quyền của nhà mạng trên toàn quốc sẽ dừng bán SIM, để giảm SIM không chính chủ.

Về số lượng SIM phát hành hàng tháng và kiểm soát SIM không chính chủ, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu SIM phát hành ra thị trường. Trong số SIM được bán ra thị trường, có tới 80% SIM phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng; 10% SIM được bán trực tiếp từ nhà mạng (các cửa hàng giao dịch của nhà mạng…) và 10% qua kênh chuỗi (là các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn).

Trong số này, kênh đại lý là nguồn phát hành nhiều SIM không chính chủ nhất. Hiện nay, để kích hoạt SIM, thông tin khi đăng ký từ các nhà mạng lớn đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. SIM chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng SIM thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Điều này đến từ việc các đại lý "lách luật", lấy thông tin của người dân (thuê, mượn căn cước công dân) đăng ký thông tin tin rồi đem bán cho người dùng khác, dẫn đến tình trạng thuê bao chính chủ nhưng người sử dụng thì không phải chính chủ.

Trong các đợt rà soát vừa qua, Bộ TTTT đã loại bỏ hơn 12,5 triệu SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống. Để ngăn chặn cuộc gọi rác, lừa đảo từ các SIM không chính chủ, các nhà mạng cam kết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng SIM không chính chủ.

Một trong các giải pháp là ngừng phân phối SIM qua các đại lý và các nhà mạng chỉ phân phối SIM qua kênh trực tiếp của nhà mạng và các hệ thống kênh chuỗi lớn, uy tín.

Theo Báo Tin tức

.