Xã hội
Chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... diễn ra khá nhiều từ đầu năm học đến nay. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc tăng cường hoạt động quản lý, tuyên truyền của lực lượng chức năng, nhà trường, rất cần sự phối hợp của gia đình trong việc giáo dục con em mình.
Học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50cm3 tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Cao Vân trước Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê). Ảnh: N.Q |
Vào giờ tan học, không khó bắt gặp học sinh các trường THCS, THPT vi phạm các quy định pháp luật về giao thông như: đi xe gắn máy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, tụ tập thành từng nhóm đi hàng ngang đùa giỡn dưới lòng đường, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu...
Qua ghi nhận của phóng viên vào giờ tan học ngày 3-10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Đà Nẵng (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) có khá nhiều học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe vượt quá phân khối cho phép, đi ngược chiều. Trong khi đó, phụ huynh đến đón con đứng chật dưới lòng đường, nhiều trường hợp chở con em mình nhưng không mang mũ bảo hiểm.
Cách đó khoảng 300m, trước Trường THPT Thái Phiên cũng diễn ra tình trạng như trên. Đặc biệt, nhiều học sinh đi bộ từng nhóm sang các điểm giữ xe trước trường để lấy xe gắn máy và rồ ga phóng đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Trước Trường THPT Thanh Khê (đường Kinh Dương Vương, quận Thanh Khê) cũng có nhiều điểm giữ xe gắn máy cho học sinh. Khi di chuyển ra khỏi bãi giữ xe, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở ba người phóng xe trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, từ đầu năm học đến nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra các vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Tuy nhiên, việc học sinh vi phạm luật giao thông, điều khiển xe phân khối lớn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu... vẫn tiếp tục tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Để chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm giao thông, đầu tháng 9-2023, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố phối hợp các trường học trên địa bàn tuyên truyền cho học sinh tuân thủ các quy định về luật giao thông trong các buổi chào cờ đầu tuần.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý những trường hợp học sinh vi phạm; xử phạt cả những phụ huynh cố tình đưa xe máy có phân khối lớn cho học sinh tham gia giao thông. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo công an các phường, xã có quyền được xử lý vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi xe gắn máy vượt quá phân khối quy định; đồng thời tuyên truyền các hộ xung quanh trường không được giữ xe gắn máy cho học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đầu năm 2023, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên; thường xuyên nhắc nhở học sinh, học viên, sinh viên không điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sở phối hợp tổ chức phát động học sinh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái mô-tô, xe gắn máy an toàn vào đầu năm học 2023-2024; phối hợp với Ban An toàn giao thông các quận, huyện triển khai thực hiện kế hoạch chống ùn tắc giao thông trước cổng trường,... Mặc dù vậy, tất cả các giải pháp nêu trên vẫn chưa đủ bởi nhiều phụ huynh vẫn chưa chú trọng nhắc nhở con em tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông; nhiều trường hợp vẫn giao xe gắn máy vượt quá phân khối quy định cho học sinh đến trường.
Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Nguyễn Thị Anh Thảo cho biết, từ đầu năm học đến nay, Thành Đoàn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, học sinh trong việc chấp hành các quy định về luật giao thông. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất là sự kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông.
NGỌC QUỐC