Công đoàn thành phố Đà Nẵng: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần xây dựng, phát triển thành phố

.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra trong thời điểm đất nước, thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến hoạt động công đoàn. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Thành ủy Đà Nẵng, Công đoàn thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và công đoàn cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao hoạt động của các cấp công đoàn thành phố thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: PV
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: PV

* Nhiệm kỳ qua, Công đoàn thành phố đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra. Có được kết quả như vậy, hẳn nhiên, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã có những chỉ đạo sâu sát, toàn diện. Đồng chí có thể nhấn mạnh hơn nữa về vấn đề này?

- Trong những năm qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó có tổ chức Công đoàn. Điều đó thể hiện ở việc Thành ủy ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác công đoàn. Trong đó, nổi bật là Chương trình số 10-CTr/TU ngày 15-11-2021 “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” với nhiều chính sách, cơ chế để tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn hoạt động.

Bên cạnh đó, định kỳ, Thường trực Thành ủy làm việc với Đảng đoàn LĐLĐ thành phố, qua đó để lắng nghe kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động và các cấp công đoàn thành phố, kịp thời chỉ đạo giải quyết và định hướng để LĐLĐ thành phố thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. Cùng với đó, định kỳ hằng quý Thành ủy tổ chức giao ban khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo kịp thời, tạo cơ chế hằng quý Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố phải tập hợp tình hình công nhân lao động trên địa bàn, các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động gửi tới Thành ủy để nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Song song với đó, Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức đối thoại chuyên đề với đoàn viên, CNVCLĐ, tổ chức tiếp xúc chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố với cử tri là công nhân lao động. Qua đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, kịp thời chỉ đạo, định hướng cấp ủy các cấp cũng như công đoàn giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nảy sinh trong công nhân, người lao động và doanh nghiệp. Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy thời gian qua, các cấp công đoàn thành phố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, xây dựng được quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các đơn vị, doanh nghiệp.

* Đồng chí đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh và vai trò đóng góp của công đoàn đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian qua?

- Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế của thành phố tiếp tục đà tăng trưởng; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại được phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên... Trong thành tựu chung đó, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn thành phố.

Phong trào CNVCLĐ và hoạt động các cấp công đoàn thành phố đã có chuyển biến tích cực, có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo, hiệu quả được đoàn viên, người lao động và xã hội ghi nhận, đánh giá cao; các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động được công đoàn thành phố triển khai kịp thời, linh hoạt theo tình hình, điều kiện thực tiễn. Các chương trình “Cảm ơn người lao động”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Chợ Tết công đoàn”, “Gian hàng không đồng”, “Điểm bán hàng ưu đãi”, “Chuyến xe Công đoàn” đưa gần 13.000 CNVCLĐ về quê đón Tết; hơn 229.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ được hỗ trợ lúc khó khăn, hoạn nạn.

LĐLĐ thành phố triển khai thực hiện quà tặng mà Ban Thường vụ Thành ủy trao công nhân lao động tại Đại hội XVI Công đoàn thành phố, đó là công trình Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm, đến nay, hơn 100 người lao động đã được vào ở, góp phần giúp công nhân lao động tại khu công nghiệp “an cư”. Tổ chức Công đoàn đã đồng hành cùng thành phố trong công tác an sinh xã hội vào thời điểm cả thành phố “gồng mình” chống chọi với Covid-19, bằng nguồn lực của mình tích cực hỗ trợ công nhân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra với số tiền hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng, góp một phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân nói chung, công nhân lao động trên địa bàn thành phố nói riêng. 

Các cấp công đoàn thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động thông qua đề xuất thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động với 86,9% doanh nghiệp có công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể cao hơn mức bình quân cả nước; thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành du lịch - dịch vụ mang lại phúc lợi ổn định cho hơn 2.300 người lao động.

Đại diện khởi kiện 196 vụ án tại tòa án để đòi quyền lợi cho người lao động thể hiện được cán bộ công đoàn thành phố đủ năng lực để bảo vệ cho người lao động; tham gia giải quyết kịp thời các vụ ngừng việc, tập trung đông người, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố. Các phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn, không để xảy ra điểm nóng về quan hệ lao động, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của người lao động được công nhận, giá trị làm lợi 185,17 tỷ đồng; 1.941 công nhân trực tiếp sản xuất được khen thưởng trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Công đoàn cũng đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, tích cực thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên là cơ sở để phát triển tổ chức Đảng, đảng viên. Với cách làm chủ động, sáng tạo, đổi mới, các cấp công đoàn nỗ lực vận động thành lập công đoàn cơ sở đạt 108,5% chỉ tiêu, phát triển đoàn viên đạt 158,4% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Cùng với đó, giới thiệu 7.527 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, có 5.901 đoàn viên được kết nạp vào Đảng với 1.725  công nhân lao động trực tiếp sản xuất. Qua đó, bổ sung cho Đảng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng và xây dựng lực lượng chính trị cơ sở…

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

* Thành phố đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng và phát triển, trở thành đô thị lớn của cả nước theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy có định hướng gì để Công đoàn thành phố có thể đồng hành cùng sự phát triển của thành phố?

- Thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tập trung khơi thông nguồn lực phát triển thành phố. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có Công đoàn thành phố.

Vì vậy, trước tiên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp công đoàn thành phố tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị phù hợp với đặc thù của thành phố. Cùng với đó, bám sát chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam để chủ động đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên; đổi mới, điều chỉnh hoạt động công đoàn tại cơ sở cho thu hút, thực chất, sát với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn phải thực sự đổi mới toàn diện thì mới có thể phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, CNVCLĐ. Trong đó, các cấp công đoàn cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, CNVCLĐ nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, sự quan tâm mới của đoàn viên, người lao động, nhất là nâng cao nhận thức, bản lĩnh công nhân, người lao động trước những tác động tiêu cực và âm mưu lôi kéo, chia rẽ, chống phá đất nước của các thế lực thù địch.

Thứ ba, công đoàn phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Các mô hình hiệu quả, các chương trình đem lại dấu ấn công đoàn những năm qua như Chuyến xe công đoàn, Tết sum vầy, Tháng công nhân, Phúc lợi đoàn viên, Chương trình nghệ thuật phục vụ công nhân lao động… cần duy trì và phát huy. Cùng với đó, Công đoàn tích cực tham mưu cho thành phố các chính sách hỗ trợ CNVCLĐ kịp thời, nhân văn.

Thứ tư, nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động cần thực hiện rõ nét hơn, phù hợp với khả năng và điều kiện của thành phố. Công đoàn tăng cường phối hợp thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tốt các tranh chấp lao động, không để xảy ra các vụ ngừng việc tập thể trái pháp luật.

Các cấp công đoàn thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người lao động, kiến nghị với Đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân lao động; định kỳ tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với người lao động để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Cùng với đó, tham gia hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động.

Thứ năm, các cấp công đoàn cần bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua với nội dung, hình thức phù hợp, khơi dậy sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong lao động sản xuất, công tác; phát hiện, nhân rộng, tôn vinh các mô hình, sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; gắn các phong trào thi đua của công đoàn với thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân văn đặc trưng của thành phố.

Thứ sáu, công đoàn phải chủ động chuẩn bị và luôn sẵn sàng trong tư thế cạnh tranh. Trong tình hình mới, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gia nhập nhiều tổ chức quốc tế đa phương và song phương, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp… sẽ là thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, cần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh từ cơ sở; phải tăng cường thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên, đổi mới phương pháp tập hợp đoàn viên, hướng tập trung vào người lao động trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Trong quá trình xây dựng các chương trình, nội dung hoạt động, công đoàn phải bảo đảm nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Mọi hoạt động công đoàn phải hướng mạnh về cơ sở, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm. Cùng với đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, tinh nhuệ, có uy tín cao trong công nhân lao động và toàn xã hội, đủ khả năng đại diện, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, cán bộ công đoàn cần dành nhiều thời gian đi cơ sở, đến với công nhân lao động, “lăn xả” vào nơi có nhiều khó khăn theo phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.

Trên con đường hội nhập và phát triển, công đoàn thành phố phải thực sự đổi mới, trưởng thành, nâng cao chất lượng hoạt động, không ngừng nỗ lực xây dựng tổ chức vững mạnh, xứng đáng là tổ chức để công nhân chọn lựa gắn bó và xứng đáng với vai trò đồng hành Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

* Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi

PHAN HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.