Xã hội

Hà Tĩnh: Tập trung ứng phó khắc phục mưa lũ trên diện rộng

14:20, 31/10/2023 (GMT+7)

Trong các ngày từ 29 - 31-10, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, cùng với đó các hồ, đập thủy điện tiến hành xã điều tiết lũ nên đã xảy ra ngập lụt ở nhiều địa phương và gây thiệt hại cho nhân dân. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương tập trung lực lượng khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Lực lượng chức năng khẩn trương gia cố vị trí đường sắt Bắc Nam đoạn qua Hà Tĩnh bị sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Lực lượng chức năng khẩn trương gia cố vị trí đường sắt Bắc Nam đoạn qua Hà Tĩnh bị sạt lở. Ảnh: TTXVN phát

Mưa lớn xảy trên diện rộng khiến nước lũ trên sông lên nhanh. Mực nước trên sông lúc 7 giờ ngày 31-10-2023 tại các trạm thủy văn: Chu Lễ 14,07m, trên mức báo động ba 0,07m; Hòa Duyệt 9,44m, trên mức báo động ba 9,44m. Mực nước một số hồ chứa lớn như: Ngàn Trươi 44,0/52m, Kẽ Gỗ 27,62/32,5m; Sông Rác 23,0m; Thượng Sông Trí 28,85/32m; Kim Sơn 95,47/97m.

Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về hồ đập thủy điện rất nhanh, để tránh thiệt hại, Thủy điện Hố Hô xả điều tiết vào 114m3/s, có thời điểm tăng lưu lượng xả cao nhất lên 1.789m3/s. Một số hồ chứa (Sông Rác, Kim Sơn,Thượng Sông Trí, Đá Hán) xả tràn điều tiết lũ từ 10-50m3/s.

Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp kèm theo các hồ, đập, thủy điện xã lũ, nhiều địa phương đã ngập lụt nặng. Huyện Hương Khê là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất, đã có hai người chết đuối, 01 người mất tích ở xã Hà Linh.

Mưa lũ đã làm ngập gần 5.500 vườn, 860 ngôi nhà của người dân; hàng chục trường học, hội quán thôn, bưu điện xã nước ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ngành Giáo dục huyện Hương Khê đã cho 23.000 học sinh của 54 trường các cấp nghỉ học để tránh rủi ro.

Nhiều công trình hồ đập, công trình phúc lợi trên địa bàn huyện bị sạt lở, hư hỏng như: đập Tắt xã Hòa Hải bị vỡ thân đập; Quốc lộ 15A, đoạn qua thôn 9 xã Phúc Trạch; Huyện lộ 6, Huyện lộ 2, đoạn qua xã Hương Thủy. Bên cạnh đó, cầu sang bản dân tộc Chứt, xã Hương Liên; cầu chợ Gia đi xã Hương Vịnh; cầu Thọ Phượng, Chợ Vạn xã Gia Phố… bị ngập, hư hại.

Tại huyện Vũ Quang, mưa lũ đã làm sạt lở 100m đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, làm ách tắc giao thông đường sắt. Đến nay,các cơ quan chức năng đang tiến hành khắc phục. Các tuyến đường giao thông ở xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang, Hương Minh, Đức Liên, thị Trấn Vũ Quang bị ngập cục bộ và chia cắt khiến hơn 505 hộ dân bị cô lập. 47 hộ dân bị sạt lở đất vườn ảnh hưởng và gây thiệt hại đến diện tích cây ăn quả, công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi.

Ở huyện Cẩm Xuyên, nước sông Ngàn Mọ dâng cao làm sạt lở với chiều dài 150m, tại các thôn Phương Tứ, Trung Thành, Quốc Tiến xã Cẩm Duệ...

Riêng thị xã Hồng Lĩnh, mưa lớn làm sạt lở bờ sông chiều dài 60m uy hiếp công trình cống Trung Lương, sát bờ Di tích văn hóa Đền Cả (phường Trung Lương); sạt lở đã làm trôi nhiều cây lớn và khoảng 2.000 m3 đất, đá.

Trước diễn biến mưa lớn kéo dài và có nguy cơ ngập lụt thêm diện rộng, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn công tác, chỉ đạo các đơn vị địa phương huy động lực lượng giúp nhân dân di chuyển đồ đạc, tìm người mất tích và khắc phục sửa chữa đường tàu để giải tỏa ách tắc giao thông.

Theo Baotintuc.vn

.