Xã hội

Tích lũy kinh nghiệm trong ứng phó ngập úng đô thị

08:23, 23/10/2023 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống bão, lũ..., nhưng thiếu kinh nghiệm ứng phó với ngập lụt đô thị trên diện rộng xảy ra vào ngày 14-10-2022. Tuy nhiên, những bài học từ trận ngập lụt đô thị năm ngoái đã được thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, triển khai ứng phó hiệu quả góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Các lực lượng chức năng có mặt tại các khu vực ngập sâu ở khu vực đường Mẹ Suốt từ sớm để dễ dàng hỗ trợ nhân dân sơ tán. Ảnh: PV
Các lực lượng chức năng có mặt tại các khu vực ngập sâu ở khu vực đường Mẹ Suốt từ sớm để dễ dàng hỗ trợ nhân dân sơ tán. Ảnh: PV

Ứng dụng công nghệ mới, hành động sớm

Rút kinh nghiệm sau đợt ngập lụt sâu ngày 14-10-2022, có 3 tháp cảnh báo ngập lụt được lắp đặt trên nền đường có cao trình thấp nhất ở khu vực dân cư dọc tuyến cống Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê); kiệt 161 đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và bờ hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) và được Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) đưa dữ liệu vào hệ thống giám sát ngập lụt Đà Nẵng (http://danang.vfass.vn) để giúp các địa phương, đơn vị, nhân dân dễ dàng theo dõi, kịp thời ứng phó.

Lúc 14 giờ ngày 13-10, tháp cảnh báo ngập tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt hiển thị mức ngập 0,25m, trời vẫn mưa to liên tục, các tổ dân phố ở khu vực đường Mẹ Suốt thông báo người dân kê cao đồ đạc và chuẩn bị ứng phó ngập lụt, những hộ dân không có gác lửng thì đi sơ tán.

Ông Phan Hòa (ở khu vực đường Mẹ Suốt) cho biết: “Trong trận lụt năm ngoái, nhà tôi ngập sâu hơn 1,2m khiến các tủ, bàn... đều bị lật nên rớt hết các đồ dùng xuống nước gây hư hỏng. Rút kinh nghiệm, năm nay, gia đình tôi không để đồ đạc lên bàn, tủ... nữa, mà để lên cao và chắc chắn hơn”.

Người dân ở hẻm 74, kiệt 138 đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam đã để xe máy tại điểm cao ráo ngay đầu kiệt để tránh bị ngập nước. Người dân cũng buộc chắc một dây thừng dọc theo đường để dễ dàng nắm dây, men theo đường để rời nơi ngập khi đi sơ tán nhất là trong đêm.

Tại khu vực Khe Cạn, từ chiều 13-10, khi thấy trời mưa to như trút nước, nhiều người dân đã thu dọn, kê cao đồ đạc lên gác lửng, trần nhà... Các lực lượng công an, quân sự, dân quân... của phường Thanh Khê Tây nhanh chóng xuống các kiệt, hẻm đang ngập nước ngang đầu gối hỗ trợ nhân dân đưa các vật dụng, thiết bị như tủ lạnh, tivi, máy lọc nước, máy giặt, xe máy... lên cao hoặc đặt trên xe cải tiến rồi chở đến nơi cao ráo, an toàn.

Người già, trẻ em, người sức khỏe yếu... được hỗ trợ sơ tán đến nhà cao ráo hoặc đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thanh Khê Tây. Ông Trần Xuân Tới (ở khu vực Khe Cạn) kể: “Từ 9 giờ đến 15 giờ ngày 13-10-2023, tôi thấy trời mưa liên tục nên đã dọn dẹp và kê cao đồ đạc, chuẩn bị sẵn sàng đối phó tình huống nước tràn vào nhà. Đúng 15 giờ 35, nước bắt đầu dâng cao. Lúc này, các lực lượng của phường cũng xuống hỗ trợ gia đình tôi đưa thêm một số đồ đạc lên cao và sơ tán lên Trường Tiểu học Lê Văn Tám để tránh nước lụt”.

Đóng quân tại đường Huỳnh Ngọc Huệ (phường An Khê, quận Thanh Khê), khi thấy mưa như trút nước, lúc 17 giờ ngày 13-10, nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 906 (Binh chủng Hóa học) đã di chuyển đến khu vực ven kênh Phần Lăng để giúp dân kê cao đồ đạc, hỗ trợ người dân đi sơ tán. “Các cán bộ, chiến sĩ cũng đã đưa một số gia đình về đơn vị ăn, ở cho đến khi nước rút rồi đưa người dân trở lại nhà và hỗ trợ dọn vệ sinh, kê lại đồ đạc...”, Đại úy Nguyễn Trung Quân, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 906 cho biết.

Các địa phương, đơn vị đã triển khai lực lượng về các khu vực ngập từ sớm, lúc còn ngập thấp và dễ lội vào nơi ngập sâu với nhiều phao bè, xuồng cao su, phao tròn, dây... để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, sơ tán... nhân dân nhanh chóng, an toàn. Các lực lượng đã kịp thời tổ chức rào chắn, chốt chặn, ngăn không cho người dân và các phương tiện giao thông di chuyển vào khu vực, đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, người dân từ nơi sơ tán về lại nhà lúc nước chưa rút... Cảnh sát giao thông bố trí cán bộ, chiến sĩ túc trực ở các đoạn đường bị ngập để hướng dẫn, phân luồng giao thông và kịp thời hỗ trợ người, phương tiện di chuyển qua các đoạn đường ngập thấp an toàn, không để xảy ra tình trạng nhiều xe máy, ô-tô bị chết máy giữa đường như năm ngoái, hạn chế tai nạn và thiệt hại về tài sản cho nhân dân.

Hiệu quả từ tính chủ động phòng, chống

Trước và trong các đợt mưa lớn gây ngập lụt, lãnh đạo thành phố liên tục đến các điểm ngập để động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó. Đặc biệt, trưa 14-10, UBND thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Du lịch điều động thêm lực lượng về túc trực tại các điểm ngập sâu. Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện huy động lực lượng tranh thủ ra quân khơi thông lại hệ thống thoát nước (dù đã liên tục ra quân nạo vét, khơi thông thoát nước trong 1 tháng), thu gom rác... để bảo đảm thoát nước.

Đến chiều 17-10, khi trời đang mưa rất to mà xuất hiện 3 hình thái thời tiết được dự báo diễn biến gần tương đồng với ngày 14-10-2022 gồm: mưa lớn, thời gian xuất hiện đỉnh triều cường, hoạt động của áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố đã tham mưu lãnh đạo thành phố triển khai 3 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với đa thiên tai do mưa lớn gồm: ngập lụt đô thị, lũ, lũ quét, sạt lở đất... tại các địa bàn trọng điểm.

Sự chủ động, hành động sớm trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai đã mang đến hiệu quả là thành phố không xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản dù có đến 48 phường, xã bị ngập. Từ thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với ngập lụt đô thị trên diện rộng, thông qua 2 đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp, kéo dài từ ngày 12 đến 18-10, thành phố đã tích lũy kinh nghiệp chống ngập trong đô thị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đánh giá khi kiểm tra tình hình vào ngày 17-10: “Đà Nẵng đã quá kinh nghiệm trong xử lý vấn đề ngập lụt đô thị. Đợt mưa lũ này không lớn như đợt mưa lũ xảy ra ở Đà Nẵng vào năm ngoái, nhưng cũng là một cảnh báo cho không chỉ Đà Nẵng mà còn các đô thị ven biển của Việt Nam. Đà Nẵng đã có kinh nghiệm quá rồi, nhưng cũng cần có một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn về phòng, chống ngập lụt đô thị”.

NAM TRÂN

.