Nhiều giải pháp xử lý bất cập thoát nước, phòng chống ngập đô thị

.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt xử lý thoát nước và phòng, chống ngập úng trên địa bàn nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Những nguyên nhân, bất cập cũng đã được nhận diện và đang giao các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất để thành phố đang tiếp tục có chủ trương bố trí vốn đầu tư xử lý, khắc phục trung hạn và dài hạn.

Ban Đô thị và tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Hải Châu giám sát công tác khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước tại khu vực trung tâm  thành phố. Ảnh: H.HIỆP
Ban Đô thị và tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Hải Châu giám sát công tác khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước tại khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: H.HIỆP

Bản chất ngập nước tại đô thị đã thay đổi

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt đôn đốc thi công, đưa vào vận hành các công trình chống ngập; phát động và chỉ đạo toàn thành phố duy trì ra quân khơi thông cửa thu nước mưa trên mặt đường; các quận tập trung chỉ đạo các nhà thầu nạo vét các cống, mương thoát nước... Những việc này mang lại hiệu quả nhất định, được các địa phương và nhân dân đánh giá là nước thoát nhanh hơn, chiều sâu ngập giảm...

Đặc biệt, qua ý kiến của các chuyên gia và thực tế cho thấy, bản chất ngập nước tại đô thị Đà Nẵng không phải là ngập úng vì thời gian ngập ngắn, nước thoát rất nhanh sau khi ngớt mưa. Tuy nhiên, thời gian qua, do mưa tập trung trong thời gian ngắn, mưa cực đoan làm nhiều đoạn đường, khu vực dân cư trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng ngập nước và trở thành vấn đề làm người dân, cử tri phản ánh, kiến nghị.

Trước tình hình đó, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo, giao Ban Đô thị giám sát, đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước đô thị; nhận diện các nguyên nhân gây ngập, cũng như đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn. Ban Đô thị đã tổ chức buổi làm việc với Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, UBND các quận, huyện vào ngày 18-10-2023 và tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về thoát nước đô thị vào ngày 2-11-2023 đối với vấn đề này. Trên cơ sở đó, Ban Đô thị đã tổng hợp và xây dựng nội dung báo cáo Thường trực HĐND thành phố về tình trạng ngập nước, nguyên nhân ngập, một số bất cập đã được nhận diện đầy đủ và đề xuất các giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài mang tính căn cơ.

Theo đó, qua các đợt ngập trong thời gian gần đây cho thấy, nguyên nhân ngập khu vực trung tâm thành phố không còn do nước từ các sông tràn bờ như trước đây, mà chủ yếu là ngập cục bộ do các trận mưa lớn, lượng mưa tăng cực đoan và kéo dài thời gian mưa hơn. Đồng thời, công tác quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước đô thị trong thời gian qua còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Bên cạnh đó, có một số bất cập khác của hệ thống thoát nước như tình trạng người dân che đậy, lấp các cửa thu nước mưa; tình trạng xả rác thải xuống cống, kênh làm giảm khả năng thoát nước, tắc nghẽn dòng chảy; công tác quản lý, vận hành, phân cấp quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập; các mương nối từ cửa thu nước trên mặt đường xuống cống chưa được đưa vào kế hoạch phải thực hiện nạo vét định kỳ...

Nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tiến, trước mắt trong 2 năm 2023 và 2024, Ban Đô thị đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng các quận, huyện tập trung hoàn thành nạo vét, khơi thông hệ thống cống đã được bố trí vốn trong năm 2023 theo phạm vi phân cấp quản lý; tiếp tục tổ chức các đợt vận động toàn dân ra quân khơi thông cửa thu nước mưa và nạo vét cống rãnh như thời gian qua.

Một kiệt ở đường Thái Thị Bôi bị ngập sâu vào ngày 14-10-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một kiệt ở đường Thái Thị Bôi bị ngập sâu vào ngày 14-10-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cùng với đó, nghiên cứu thí điểm lắp đặt bổ sung các van ngăn mùi, cho các cửa thu nước để hạn chế người dân lấp đậy, bịt kín; đồng thời rà soát bổ sung thêm cửa thu nước tại một số vị trí tích nước, các tuyến đường xảy ra tình trạng nước mặt thoát không kịp xuống cống (như dọc đường Yên Thế - Bắc Sơn; Tân Trào - Hồng Thái; Nam Trân (đoạn từ Bến xe Đà Nẵng đến Nguyễn Tường Phổ; Yên Khê 2; Lê Duẩn (đoạn từ Hoàng Hoa Thám đến Ông Ích Khiêm); Ông Ích Khiêm (đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh)…

​​​​​​​ Các ban quản lý dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án thoát nước đang thi công trong năm 2023. Đặc biệt là các tuyến cống liên phường Xuân Hà, Tam Thuận; đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến thoát nước đã có chủ trương đầu tư (Hùng Vương, Lý Thái Tổ...); rà soát, khớp nối đồng bộ các hệ thống thoát nước, bảo đảm thoát nước hiệu quả. Bên cạnh đó, kiểm tra, hoàn thiện, khắc phục các bất cập tồn tại, vận hành ổn định, hiệu quả các trạm bơm, đầu tư bổ sung đầy đủ số lượng các máy bơm còn thiếu theo thiết kế tại trạm bơm Ông Ích Khiêm, Đảo Xanh; có phương án dự phòng trong tình huống sự cố điện, máy bơm…

Đơn vị quản lý Sân bay Đà Nẵng có kế hoạch nạo vét các hồ trong sân bay; tính toán tăng thêm số lượng và diện tích hồ điều tiết trong sân bay; tăng cường các mảng thẩm thấu để giảm lượng nước bề mặt, tăng khả năng điều tiết, tích nước phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó, thống nhất phương án cải tạo lắp đặt các cửa phai điều tiết lượng nước thoát từ sân bay ra khu vực kênh Phần Lăng, đường Hà Huy Tập, kiệt 96 Điện Biên Phủ, hồ Ba Sen Vàng…, nhằm hạn chế tình trạng ngập nước các khu vực dân cư.

Về lâu dài, thành phố nghiên cứu đầu tư một số tuyến cống chính có hướng thoát nước mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển của thành phố Đà Nẵng, như mở mới tuyến cống dọc theo đường Phùng Hưng ra vịnh Đà Nẵng để giải quyết thoát nước cho lưu vực kênh Đa Cô và giảm lượng nước tập trung về sông Phú Lộc; bố trí thêm các cửa xả ra sông Hàn tại khu vực gần Quảng trường 29 Tháng 3...

Cùng với đó, rà soát, mở rộng khẩu độ các cầu, cống qua đường không còn phù hợp như cầu Đa Cô, cầu đường sắt nối thông giữa 2 hồ Trung Nghĩa (Hồ Tây) và các cống qua đường sắt khu vực quận Thanh Khê; tuyến cống thoát nước qua đường Điện Biên Phủ, đường Trường Sơn... Bên cạnh đó, từng bước trang bị các phương tiện hiện đại và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc quản lý, duy tu và xử lý thoát nước...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.