Xã hội
Phấn đấu thành lập thị xã Hòa Vang trong thời gian sớm nhất
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời kỳ 2021-2030, phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4 với 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất; trung tâm hành chính của thị xã dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.
Thị xã Hòa Vang được xác định là vùng cửa ngõ của thành phố. TRONG ẢNH: Khu vực xã Hòa Phước, cửa ngõ phía nam của thành phố. Ảnh: H.H |
Trung tâm kinh tế đa ngành, một cửa ngõ của Đà Nẵng
Theo quy hoạch, thị xã Hòa Vang được xác định có chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện phía tây bắc của tỉnh Quảng Nam cùng các tỉnh Tây Nguyên và có hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ. Việc thành lập thị xã Hòa Vang và các phường trên địa bàn thị xã được xác định trên cơ sở các khu đô thị hình thành mới và các điểm dân cư hiện hữu có mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đáp ứng các quy định của pháp luật.
Trong đó, hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang và từ 2-3 khu đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi; đầu tư 2 khu công nghiệp mới, từ 2-3 cụm công nghiệp, 2-3 trung tâm logistics; từ 3-5 vùng nông nghiệp chất lượng cao (2-3 vùng được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công); phát triển thêm từ 2-3 khu dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa và trải nghiệm nông nghiệp quy mô lớn.
Hòa Vang cũng được định hướng mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố; phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa có bản sắc riêng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân năm sau cao hơn năm trước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đồng thời, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới địa bàn cấp huyện; tạo điều kiện để các điểm dân cư nông thôn tham gia vào quá trình đô thị hóa và người dân ứng dụng, được chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm đẹp cảnh quan môi trường.
Cùng với đó, tái cấu trúc các khu tái định cư nông thôn, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gìn giữ vùng sinh thái nông nghiệp và bản sắc văn hóa nông thôn Đà Nẵng ở một số địa phương; là vành đai ngoài thành phố, hình thành không gian xanh tự nhiên (cây xanh công viên, rừng tự nhiên, nông nghiệp) làm khoảng đệm giữa các khu chức năng và khu vực dân cư; phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Các điểm dân cư nằm ở trung tâm cấp xã được xây dựng, cải tạo bảo đảm yêu cầu tập trung dân cư cao, với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, liên kết giữa nông thôn tiếp cận tốt với các khu đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...
Tập trung nguồn lực hoàn thành bộ tiêu chí đô thị loại 4
Theo quy hoạch, toàn bộ ranh giới hành chính có tổng diện tích tự nhiên 73.317ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, trung tâm hành chính của thị xã dự kiến đặt tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang hiện hữu). Khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã hiện nay của huyện Hoà Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Quy hoạch đặt ra yêu cầu tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống. Đồng thời, tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045.
Quy hoạch cũng xác định xã Hòa Bắc là khu vực khó khăn của thành phố và định hướng phấn đấu hằng năm giảm 30-40%/tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều từng giai đoạn; tập trung quản lý, bảo vệ rừng và nguồn nước; phát triển kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp. Đến năm 2025, xã Hòa Bắc trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch. Đến năm 2030, phát triển Hòa Bắc trở thành xã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn đô thị loại 5; là điểm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng chất lượng cao của huyện và thành phố.
Theo Huyện ủy Hòa Vang, năm 2023, huyện chọn chủ đề công tác là “Năm tập trung xây dựng huyện đạt đô thị loại 4”. Qua rà soát và đánh giá 63 tiêu chuẩn thuộc bộ tiêu chí đô thị loại 4, huyện đã đạt 34 tiêu chuẩn; 11 tiêu chuẩn đạt thấp và 18 tiêu chuẩn chưa đạt. Trong 29 tiêu chuẩn đạt thấp và chưa đạt, chủ yếu nằm ở nhóm tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng cấp đô thị, còn thiếu khá nhiều. Trên cơ sở đó, HĐND huyện đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các công trình bảo đảm các tiêu chí đô thị loại 4.
UBND huyện đã đề xuất UBND thành phố danh mục 19 công trình cấp thiết cần đầu tư để bảo đảm các tiêu chí đô thị loại 4 như: hệ thống thoát nước, công viên, cảnh quan khu vực Bàu Thị; nhà văn hóa thiếu nhi huyện; trạm trung chuyển rác; công viên cây xanh tại xã Hòa Phong, Hòa Sơn; nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới 10 tuyến đường theo hướng đô thị...
Đặc biệt, hầu hết các địa phương, nhân dân đều ủng hộ và đã chọn 10 tuyến đường để đầu tư thành đường đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho hay: “Huyện đang tập trung mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng huyện đạt các tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2025 và được công nhận thị xã trong thời gian sớm nhất”.
HOÀNG HIỆP