Xã hội

Trao 'cần câu' cho người khuyết tật

13:31, 21/11/2023 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, các đơn vị, địa phương chú trọng công tác dạy nghề, kết nối giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật (NKT)… giúp họ tự tin vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.

Người khuyết tật học nghề may tại cơ sở may công nghiệp người khuyết tật thành phố.  Ảnh: Quốc Cường
Người khuyết tật học nghề may tại cơ sở may công nghiệp người khuyết tật thành phố. Ảnh: QUỐC CƯỜNG

Xác định có việc làm, có thu nhập là yếu tố then chốt giúp NKT tự tin vươn lên, các ngành, địa phương triển khai linh hoạt nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, tạo điều kiện để NKT khẳng định bản thân. Anh Nguyễn Văn Thái (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bị khuyết tật về giọng nói nhưng bù lại có đôi chân khỏe. Không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình, đầu năm 2023, anh vay vốn 5 triệu đồng để làm nghề bán vé số. Sau khi trừ chi phí nhập vé số, mỗi ngày anh Thái thu nhập khoảng 100.000 đồng để chăm lo bản thân.

Trong khi đó, anh Trần Đình Thiên (trú phường Hòa Xuân) bị khuyết tật vận động, đôi chân co rút gây khó khăn trong đi lại. Không đầu hàng số phận, đầu năm 2023, anh Thiên mạnh dạn vay vốn để kinh doanh quán cà phê, nước giải khát tại nhà. Với số vốn 5 triệu đồng, anh Thiên mua sắm bàn ghế và các vật dụng cần thiết, nhập nguyên liệu và mở quán. Sau một thời gian kinh doanh, anh Thiên dần thu hồi vốn, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. “Chính sách hỗ trợ NKT vay vốn không lãi suất chính là “cần câu” quý giá để tôi vươn lên phát triển kinh tế, có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình”, anh Thiên chia sẻ.

Đại diện phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Cẩm Lệ cho biết, thực hiện Chương trình có việc làm giai đoạn 2021-2025 và các chính sách trợ giúp NKT, hằng năm, phòng triển khai cho các đơn vị, địa phương rà soát, thống kê nhu cầu của NKT để kịp thời hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, Hội NKT quận Cẩm Lệ đề xuất với Hội NKT thành phố cho 8 NKT vay không lãi suất với mức 5 triệu đồng/người để kinh doanh cà phê, bán tạp hóa, bán hàng qua mạng, bán vé số… tạo điều kiện để NKT phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Hội NKT thành phố, tính đến tháng 10-2023, Quỹ quay vòng của hội đã giải quyết cho 44 NKT vay vốn không lãi suất để kinh doanh nhỏ với mức tối đa 5 triệu đồng/người trong vòng 12 tháng. Bên cạnh đó, Hội NKT thành phố vận động Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ sinh kế cho 9 NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 50 triệu đồng.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, sinh kế, các địa phương tăng cường công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho NKT. Từ sự giới thiệu của Hội NKT quận Cẩm Lệ, tháng 3-2023, em Nguyễn Đăng Viết Tài (SN 2004, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vào làm việc tại Nhà máy sợi, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ.

Được ban giám đốc công ty tạo điều kiện, Tài dần làm quen với công việc, khắc phục khó khăn, hoàn thành công việc được giao và có thu nhập ổn định. Em Nguyễn Thị Ngọc (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng được giới thiệu đến làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tương tự, từ đầu năm đến nay, Hội NKT huyện Hòa Vang kết nối, giới thiệu 2 NKT làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh và giúp việc nhà với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Hội NKT thành phố giới thiệu việc làm cho 24 NKT và kết nối học nghề cho 6 NKT có nhu cầu. Là doanh nghiệp tiêu biểu trong tiếp nhận lao động là NKT, Công ty TNHH Rubbersoul Vietnam (đường số 4, KCN Hòa Khánh) hiện có 27 NKT đang làm việc. Để tạo điều kiện cho NKT, cuối tháng 5-2023, công ty khánh thành văn phòng mới với hơn 30 vị trí làm việc cho NKT, đặt tại tầng trệt giúp NKT thuận lợi trong di chuyển.

Ông Phan Minh Ca, Chủ tịch Công đoàn Công ty Rubbersoul Vietnam cho biết, công ty luôn tạo điều kiện hỗ trợ NKT có việc làm phù hợp với năng lực, tình trạng sức khỏe để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Song song đó, công tác dạy nghề cho NKT trẻ được chú trọng. Năm 2020, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành thành lập Cơ sở may công nghiệp người khuyết tật thành phố (số 47 Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu). Ông Hồ Thu, quản lý cơ sở cho biết, tại đây nhận dạy nghề miễn phí, hỗ trợ nơi ở cho NKT đến học nghề.

Trong quá trình học nghề, NKT học may từ các sản phẩm đơn giản như miếng lau ô-tô, tàu xe đến những sản phẩm cao cấp như áo khoác, áo phông, áo vest nữ… Sau khi tốt nghiệp ra nghề, NKT được giới thiệu đến làm việc tại các công ty may mặc trên địa bàn thành phố với mức lương ổn định. Từ khi thành lập đến nay, cơ sở đã đào tạo, dạy nghề cho hơn 20 NKT, giúp NKT có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.

LAM PHƯƠNG

.