Xã hội
Bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên
Ngày 5-12, Học viện Chính trị khu vực 3 tổ chức hội thảo khoa học “Bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở miền Trung - Tây Nguyên” nhằm trao đổi, thảo luận để làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm về quyền, quyền thụ hưởng an sinh xã hội.
Ban tổ chức hội thảo nhận 37 tham luận của các nhà khoa học, tập trung vào các vấn đề chủ yếu: quan điểm, chính sách pháp luật về bảo đảm quyền thụ hưởng an sinh xã hội; các mô hình an sinh xã hội; thực tiễn bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân với các trụ cột chính: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội; khả năng tiếp cận, thụ hưởng quyền an sinh xã hội của các nhóm yếu thế: người nghèo, khuyết tật, lao động di cư, người dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên…
Các tham luận tại hội thảo đánh giá thực trạng bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân trong khu vực trong bối cảnh mới.
Những năm qua, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế, được đánh giá là bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm hơn phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội.
Tuy vậy, hạn chế trong bảo đảm quyền thụ hưởng được chỉ ra là giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập; chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội chưa thật sự hiệu quả, thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa…
H.NHUNG