ĐNO - Do không có điều kiện về quê đón Tết, những công nhân xa quê làm việc tại các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ở lại đón năm mới. Để mọi người lao động đều được đón Tết đầm ấm, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo những công nhân, người lao động không về quê đón tết.
Ông Nguyễn Thanh Dũng (bên phải), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) tổ chức gói bánh chưng, bánh tét cho công nhân, lao động ở lại đón Tết. Ảnh: X.H |
Nỗi lòng những người con xa quê
Những ngày này, không khí tại xóm trọ đường Lê Đức Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có phần trầm lắng hơn khi công nhân đã trả phòng về quê đón Tết. Tuy nhiên, vì kinh tế khó khăn, nhiều gia đình chọn ở lại Đà Nẵng, trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (quê Nghệ An, công nhân Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng).
Nhắc đến việc về quê, chị Thắm nghẹn ngào vì nỗi nhớ ba mẹ già ở quê. Chị nhẩm tính nếu về chi phí cho vé xe, mua sắm quà biếu, chi tiêu ngày Tết phải hơn 10 triệu đồng, không thể xoay xở được.
“Từ trước mấy tháng, hai vợ chồng bàn nhau là sẽ cố gắng tăng ca dịp cuối năm để dành khoản tiền về quê vì ông bà đã lớn tuổi, rất mong con, mong cháu. Nhưng năm nay khó khăn, đơn hàng giảm nên cả hai vợ chồng đều không được tăng ca, thu nhập thấp. Những ngày này nhìn mọi người về quê, tôi cũng buồn lắm, nhưng khó quá đành chịu", chị Thắm nghẹn ngào.
Tương tự, chị Trần Thị Mỹ Lệ (quê Quảng Trị, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ nên năm nay chị chọn đón Tết tại khu trọ, tiết kiệm số tiền tàu, xe để lo sinh hoạt phí, nộp tiền học cho con.
“Khi biết tin tôi và 2 con không về, ông bà ở quê buồn lắm, vẫn gọi điện nói không cần gì cả chỉ mong con, cháu về ăn Tết. Nhưng điều kiện không có nên để khi nào thuận tiện tôi sẽ cho các cháu về. Tết năm nay cả nhà gặp gỡ, chúc nhau qua chiếc điện thoại có hình”, chị Lệ tâm sự.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thống kê, năm nay, số lượng lao động ở lại nhiều hơn mọi năm, tổ dân phố có hơn 20 lao động, trong đó Tổ công nhân tự quản số 1 có 6 lao động. Hầu hết lao động ở lại đều có gia đình và con cái, chi phí về quê lớn buộc họ phải đón Tết xa người thân. Việc hạn chế di chuyển giúp người lao động tiết kiệm chi phí để sang năm sau đỡ khó khăn hơn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, bên phải sang), Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đinh Thị Thanh Hà (bên phải) trao quà cho công nhân ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn không về quê đón Tết. Ảnh: X.H |
Tết xa cũng như Tết nhà
Để người lao động vơi bớt nỗi nhớ nhà, những ngày nay, các chủ trọ và những người thuê tại Tổ công nhân tự quản số 1, quận Liên Chiểu cùng nhau quét dọn sân nhà, tranh thủ mua thịt heo, đậu xanh, lá dong để cùng nhau gói bánh chưng.
Tất bật với công tác chuẩn bị, ông Nguyễn Thanh Dũng không quên có phần quà động viên những gia đình lao động ở lại thành phố.
Ông Dũng tâm sự:“Người lao động ở đây đã gắn bó với chúng tôi nhiều năm như người thân trong gia đình. Biết cũng vì hoàn cảnh lựa chọn không về quê nên chúng tôi dành sự quan tâm nhiều hơn, mong muốn sẽ mang lại không khí ấm áp nhất, Tết xa cũng như Tết nhà.
Số người người lao động ở lại đón Tết năm nay cũng đủ mọi thành phần từ trẻ con, thanh niên đến các bậc phụ huynh và cả ông bà. Bởi vậy, Tổ đã lập danh sách công nhân ở lại Đà Nẵng trong Tết này để chuẩn bị quà Tết.
Từ 20 tháng Chạp, các dãy trọ đều lần lượt có mâm cơm tất niên để mọi người được quây quầng với nhau bữa cơm cuối năm. Năm nay, tổ vẫn tổ chức nấu bánh chưng để mọi người cảm nhận được sự ấm áp của Đà Nẵng, chuẩn bị những bao lì xì đỏ cho các cháu cảm nhận Tết dù ở đâu cũng thì tình người vẫn đong đầy”.
Người lao động ở lại ăn Tết tại Tổ công nhân tự quản số 1, quây quầng bên nồi bánh chưng. Ảnh: X.H |
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đinh Thị Thanh Hà, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo với ban điều hành các Tổ công nhân tự quản ở các khu nhà trọ tăng cường nắm tình hình những hoàn cảnh nào có ý định ở lại Đà Nẵng đón Tết thì sẽ cùng Tổ dân phố, chính quyền địa phương cố gắng tổ chức các hoạt động cho người lao động đón giao thừa ấm cúng sum vầy, để họ cảm nhận Đà Nẵng không chỉ là nơi sinh sống làm việc mà còn là ngôi nhà, quê hương thứ hai.
Bên cạnh đó, Công đoàn đến thăm, động viên trao gần 1.000 suất quà cho đối tượng là phụ nữ đơn thân, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, trong đó ưu tiên các phần quà cho đối tượng là người lao động ở lại đón Tết tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi phân công các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình tại địa phương, đơn vị của mình rồi khảo sát nhu cầu từ đó chọn hình thức chăm lo phù hợp với từng đối tượng. Nhiều Tổ công nhân tổ chức các hoạt động như nấu bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị các phần quà bánh mứt, hạt dưa,… để không khí Tết đầm ấm được san sẻ với những người con xa quê”, bà bà Đinh Thị Thanh Hà chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chia sẻ, các cấp chính quyền thành phố đã có sự chỉ đạo, triển khai đến Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế, vui xuân đón Tết, đặc biệt là những lao động xa quê, không có điều kiện để về quê ở lại Đà Nẵng ăn Tết.
Lãnh đạo thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức những đoàn đi thăm, tặng quà động viên, lắng nghe người lao động xa quê chia sẻ. Thành phố rất trân trọng những đóng góp của người lao động chọn Đà Nẵng để lập nghiệp.
Với họ, Đà Nẵng cũng như quê hương thứ hai và cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố đã mang đến không khí Tết gần gũi, ấm áp và tràn đầy hy vọng cho năm mới hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, đời sống của người lao động sẽ được cải thiện.
XUÂN HẬU