Xã hội
Cần thiết đầu tư cụm nút giao thông đầu cầu Hòa Xuân
Ngay sau khi thành phố hủy bỏ dự án mở rộng cầu Hòa Xuân và đề xuất chủ trương đầu tư dự án cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị, Cách mạng Tháng Tám, Thăng Long và đường dẫn lên cầu Hòa Xuân (quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ), nhiều người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương này và đề nghị cấp thiết triển khai để sớm mang lại hiệu quả như nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu).
Tình hình giao thông ở ngã tư đầu cầu Hòa Xuân và đường Thăng Long thường xuyên phức tạp, đòi hỏi có giải pháp công trình để giải quyết căn cơ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Chỉ mở rộng cầu Hòa Xuân là không phù hợp
Tháng 5-2017, UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu với bề rộng được nới thêm 12,75m về phía hạ lưu. Tháng 8-2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất phương án mở rộng cầu Hòa Xuân kết hợp làm hầm chui trên đường Thăng Long và cầu vượt bằng thép trên đường Cách mạng Tháng Tám. Trong quá trình lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhà quản lý cùng chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất đầu tư cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị, Cách mạng Tháng Tám, Thăng Long, đường dẫn lên cầu Hòa Xuân và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/ QĐ-TTg vào ngày 2-11-2023.
Do đó, dự án mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5-2017 đã không còn phù hợp với tình trạng giao thông thực tế cũng như Luật Kiến trúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, theo lãnh đạo Sở GTVT, để triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần thiết phải hủy bỏ chủ trương đầu tư dự án mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu để không trùng dự án. Mặt khác, việc đầu tư mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn đầu cầu mà không đầu tư các công trình khác sẽ không giải quyết được tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông tại 2 nút giao thông đầu cầu...
Vì thế, Sở GTVT thành phố có tờ trình số 1020/TTr-SGTVT ngày 4-3-2024 báo cáo UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố phê duyệt hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị, Cách mạng Tháng Tám, Thăng Long và đường dẫn lên cầu Hòa Xuân (quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ) với tổng mức đầu tư khoảng 1.939 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp. Theo đó, cầu Hòa Xuân mới được xây dựng có tối thiểu 6 làn xe. Ở cụm nút giao thông phía tây bắc cầu Hòa Xuân, nút giao thông đường Cách mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị được tổ chức khác mức, đường Cách mạng Tháng Tám được định hướng trục chính đô thị; mở rộng quy mô nút giao thông đường Thăng Long và cầu Hòa Xuân.
Tại cụm nút giao thông phía đông nam cầu Hòa Xuân, đường dẫn đầu cầu Hòa Xuân được xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng để kết nối với hệ thống đường đô thị hiện có, bảo đảm kết nối êm thuận, thông suốt tránh ùn tắc; nút giao thông đường Nguyễn Phước Lan - Nguyễn Văn Thông được điều chỉnh phương án tổ chức giao thông nhằm giảm xung đột vị trí nút giao thông gần đầu cầu. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ năm 2024-2028.
Các lực lượng chức năng phải lập hàng rào di động và túc trực phân luồng giao thông ở khu vực ngã tư đầu cầu Hòa Xuân và đường Thăng Long. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cầu Hòa Xuân hiện trạng sẽ ra sao?
Sau khi Sở GTVT đề xuất chủ trương đầu tư nói trên, nhiều người dân đồng tình việc đầu tư một cụm nút giao thông để giải quyết bài toán giao thông tại khu vực, nhưng cũng bày tỏ sự quan tâm về vai trò của cầu Hòa Xuân hiện trạng đối với cụm nút giao thông nói trên.
Ông Nguyễn Hoài Nam (trú đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) nói: “Vấn đề cốt yếu cần giải quyết là tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông trên đường Cách mạng Tháng Tám đoạn giao với đường Lê Thanh Nghị và xung đột giao thông giữa đường dẫn lên cầu Hòa Xuân với đường Thăng Long. Rõ ràng, việc mở rộng cầu Hòa Xuân và đường dẫn lên cầu là không giải quyết được vấn đề nói trên. Có hôm, vào giờ cao điểm, hai hàng ô-tô ùn tắc kéo dài trên đường Cách mạng Tháng Tám, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa gây chậm trễ thời gian, tốn thêm chi phí của xã hội. Rồi sáng nào các lực lượng chức năng cũng phải túc trực phân luồng giao thông, không cho phương tiện lưu thông trên đường Thăng Long rẽ trái lên cầu Hòa Xuân hoặc qua đường Lê Thanh Nghị. Theo tôi nghĩ, trong phương án đầu tư cụm nút giao thông mới, cần giữ lại cầu Hòa Xuân hiện trạng để phục vụ lưu thông đồng mức hoặc khác mức phù hợp vì cầu này còn phục vụ tốt”.
Còn ông Trương Ngọc Ánh (trú đường Ngô Huy Diễn, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho rằng, bề rộng mặt đường của cầu Hòa Xuân chỉ 10m, còn bề rộng mặt đường Lê Thanh Nghị và Nguyễn Phước Lan ở hai đầu cầu là hơn 20m nên vô hình trung cầu Hòa Xuân là “nút thắt cổ chai”. Tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu này không phải là không có. Nhưng việc mở rộng cầu không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc và mất an toàn giao thông. Thành phố cần đầu tư các công trình để tổ chức giao thông khác mức bảo đảm an toàn cho các phương tiện, người tham giao giao thông và chống ùn tắc, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho phương tiện rẽ trái từ cầu Hòa Xuân qua đường Nguyễn Văn Thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho hay, dự án sẽ được tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc theo chủ trương của UBND thành phố, qua đó sẽ xem xét các phương án, ý tưởng của các đơn vị dự thi về việc giữ nguyên cầu hiện trạng hay phá dỡ, xây mới thêm cầu bên phải hay bên trái, xây cầu cao lên hay hạ thấp. Sau đó, đơn vị tư vấn còn nghiên cứu kỹ rồi đề xuất thành phố lựa chọn phương án tối ưu, nhưng tổng bề rộng cầu qua sông tại khu vực có tối thiểu 6 làn xe để đồng bộ với trục đường ở 2 đầu cầu (đường Lê Thanh Nghị và đường Nguyễn Phước Lan).
HOÀNG HIỆP