Xã hội
Nhiều chính sách giữ chân người lao động
Thỏa ước lao động tập thể được các Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết với người sử dụng lao động ngày càng có nhiều quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có những chính sách nhân văn với lao động nữ, lao động đang nuôi con nhỏ, góp phần chăm lo, bảo đảm đời sống, giữ chân người lao động.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách chăm lo, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: L.P |
Chăm lo tốt hơn cho người lao động
Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An hiện có hơn 600 lao động, 100% người lao động được ký hợp đồng lao động và tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Theo đại diện công ty, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa Công đoàn cơ sở và đại diện doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhiều điều khoản có lợi hơn được thực thi như: mức lương thử việc bằng 90% mức lương cơ bản, tăng số ngày nghỉ hằng năm dành cho cán bộ quản lý lên 16 - 20 ngày/năm, người lao động được ăn 2 bữa trong 1 ca làm việc,…
Bên cạnh đó, hằng tuần, công ty tổ chức kiểm tra các khu vực công cộng dành cho nhân viên nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục, sửa chữa các sự cố, hư hỏng; cải tạo văn phòng làm việc, nâng cấp, sửa chữa nhà xe nhân viên… mang lại môi trường làm việc bảo đảm, thoải mái cho người lao động.
Tại Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam chi nhánh tại Đà Nẵng, hằng tháng, công ty tổ chức họp giữa các bộ phận nhằm trao đổi, đối thoại và đưa ra các giải pháp chăm lo phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được thực hiện hằng năm, có thêm những điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
Cụ thể, ngoài các khoản phúc lợi theo quy định, công ty đang thay người lao động đóng 10,5% bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân, 1% đoàn phí Công đoàn; đồng thời mua bảo hiểm tai nạn cho tất cả người lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại, công tác thương lượng, đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông người lao động, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được các cấp Công đoàn quan tâm. Qua ký kết thỏa ước lao động tập thể, Công đoàn cơ sở đã thương lượng, đưa vào nhiều điều khoản cao hơn luật định, mang lại lợi ích cao hơn cho người lao động về chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, bữa ăn ca, chính sách cho lao động nữ,… Qua đó, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần giữ chân người lao động.
Chính sách nhân văn cho lao động nữ
Tháng 6-2008, Công ty TNHH Foster Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm) được thành lập. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Bùi Minh Vũ, song song với hệ thống nhà xưởng, công ty bố trí thêm phòng vắt và trữ sữa mẹ phục vụ nữ công nhân đang nuôi con nhỏ. Phòng vắt và trữ sữa mẹ có diện tích khoảng 15m2 với đầy đủ vật dụng cơ bản, gồm: bàn, ghế, tủ lạnh trữ sữa, điều hòa. Trong quá trình làm việc, nữ công nhân có 30 phút để sử dụng phòng vắt và trữ sữa khi có nhu cầu. “Nhu cầu vắt và trữ sữa mẹ là nhu cầu chính đáng và rất thiết thực khi đa phần nữ công nhân đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Đây là một chính sách rất nhân văn của doanh nghiệp trong chăm lo đời sống cho người lao động”, anh Vũ nhấn mạnh.
Tương tự, Công đoàn Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) khánh thành và đưa vào sử dụng phòng vắt và trữ sữa mẹ dành cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, từ tháng 9-2023. Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Thị Cẩm Thơ cho biết, doanh nghiệp hiện có gần 900 lao động với 87% là lao động nữ. Ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, Công đoàn tích cực tham mưu Ban giám đốc thiết kế phòng vắt, trữ sữa ngay tại công ty. Theo đó, phòng vắt trữ sữa có diện tích gần 20m2 với đầy đủ dụng cụ, thiết bị hỗ trợ vắt và trữ sữa mẹ, tổng kinh phí đầu tư 42 triệu đồng.
Chị Trần Thị Mai (SN 1992, công nhân Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng) chia sẻ: “Từ khi có phòng vắt trữ sữa, những người mẹ đang nuôi con nhỏ như tôi rất mừng. Hằng ngày tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa để vắt và trữ sữa, hết ca làm mang về, vừa duy trì được sữa mẹ cho con, vừa tránh được tình trạng căng sữa, tắc tia ảnh hưởng đến sức khỏe và bất tiện trong quá trình làm việc”.
Bên cạnh bố trí phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ, Công đoàn Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể những điều khoản có lợi cho lao động nữ như: lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng được làm việc 6 giờ/ngày nhưng hưởng lương 8 giờ; lao động nữ từ khi có thai được làm việc 7 giờ/ngày nhưng hưởng lương 8 giờ; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho người lao động…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đinh Thị Thanh Hà cho biết, toàn thành phố hiện có 4 doanh nghiệp có bố trí khu vực vắt và trữ sữa mẹ phục vụ cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Đây là chính sách nhân văn, thiết thực, nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, nhất là lao động nữ, góp phần giữ chân người lao động ở lại thị trường, ổn định quan hệ lao động.
Năm 2023, các Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết mới 48 thỏa ước lao động tập thể, nâng tỷ lệ đơn vị, doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể lên 87%. Có 795/760 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất, đạt 104,6% chỉ tiêu. 73/60 đơn vị đề xuất, thương lượng bữa ăn ca bằng và cao hơn 20.000 đồng/bữa, đạt 121,7% chỉ tiêu. |
LAM PHƯƠNG