Xã hội
Tăng cường hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy
ĐNO - Người cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố sau khi tập trung hoàn thành thời gian cai nghiện đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về tái hòa nhập cộng đồng; được chính quyền, hội, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Công tác dự phòng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của tệ nạn ma tuý được thành phố quan tâm. |
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, các địa phương của quận Thanh Khê đã hỗ trợ sinh kế, học nghề và tạo việc làm cho gần 150 người có nguy cơ cao nghiện ma túy, người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và người tham gia quản lý sau cai nghiện ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Em N.Đ.A. (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), sau khi hoàn thành cai nghiện ma túy tập trung được gia đình, địa phương quan tâm, hỗ trợ sinh kế để chạy grab (xe máy), ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, chú thú làm ăn.
Hay trường hợp của em T.P. (trú huyện Hoà Vang) cũng được địa phương hỗ trợ cho vay vốn để chăn nuôi sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Hiện, công việc chăn nuôi của gia đình P. rất thuận lợi, cho thu nhập ổn định.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp sau cai nghiện được chính quyền, các hội, đoàn thể ở địa phương quan tâm, giúp đỡ. Có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, tránh xa những tệ nạn xã hội, tập trung vào cuộc sống gia đình.
Thông qua các buổi tổ chức đối thoại, tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm, học nghề, hỗ trợ phương tiện sinh kế làm ăn... đã giúp người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tránh xa tệ nạn xã hội.
Còn tại quận Hải Châu, UBND các phường duy trì hoạt động của câu lạc bộ sau cai, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Qua các buổi sinh hoạt, lãnh đạo UBND các phường đối thoại với các nhóm đối tượng để nắm bắt tình hình kinh tế gia đình, việc làm và nhu cầu hỗ trợ phương tiện sinh kế làm ăn…
Ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, để chủ động ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật cũng như tái sử dụng ma túy, quận đã thành lập câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật trong thanh thiếu niên trên địa bàn, do lãnh đạo quận làm chủ nhiệm.
Ngày 11-1 vừa qua, UBND phường Nam Dương tổ chức buổi trao sinh kế cho 4 người thuộc diện dự phòng nghiện có nhu cầu được hỗ trợ năm 2023; phương tiện sinh kế như máy bơm, máy khoan, máy cắt và đồ nghề sửa xe máy... cho 4 người với tổng số tiền gần 40 triệu đồng.
Theo phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), toàn thành phố hiện có 460 người đang quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, trong đó có khoảng 66% có việc làm.
Cùng với những cách làm hay, mô hình phù hợp hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý ở các địa phương, để động viên, khuyến khích người sau cai nghiện ma tuý tránh xa tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống, những năm qua thành phố đã thực hiện hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người.
Hằng tháng, các địa phương đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Cuối quý, Ban chỉ đạo xã, phường cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tiến hành họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.
Năm 2023, thành phố đã hỗ trợ cho 25 người, thuộc các quận Hải Châu: 12 người; Thanh Khê: 5 người; Cẩm Lệ: 3 người; Liên Chiểu: 2 người và huyện Hoà Vang: 3 người.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trước đó năm 2022, thành phố cũng đã phê duyệt hỗ trợ 18 người đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy. Qua kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, kết quả có 17/18 người có trong danh sách được nhận hỗ trợ, 1 người không được hỗ trợ do sử dụng lại chất ma túy, đã trả lại kinh phí cho ngân sách. Trong đó, có 16/17 người được nhận hỗ trợ không sử dụng lại ma túy.
Đến nay, hầu hết các đối tượng đều sử dụng đúng mục đích kinh phí hỗ trợ để học nghề, làm nghề, ổn định việc làm, chăm lo gia đình, vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của mình, có ý thức chấp hành các quy định của địa phương.
Cũng theo phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, năm 2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận đưa vào cắt cơn nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy cho 454 người nghiện, trong đó có 92 thực hiện cai nghiện tự nguyện. Giải quyết cho về 367 học viên, trong đó có 274 trường hợp có tiến bộ rõ rệt.
Cũng trong năm 2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tổ chức 5 lớp sơ cấp nghề (kỹ thuật buồng phòng; điện lạnh; điện ô-tô) cho 150 học viên đủ điều kiện theo học. 100% học viên được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành chương trình; tổ chức 31 lớp chuyên đề về kỹ năng phòng, chống tái nghiện; giáo dục pháp luật… cho 529 học viên.
Hiện, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 421 học viên.
Công tác quản lý, giáo dục, cai nghiện được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, phân loại đến quản lý, tuyên truyền phổ biến các quy định về cai nghiện ma túy; tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; tổ chức lao động trị liệu; bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất ma túy; các hoạt động văn hóa, học nghề, thể dục, thể thao; tổ chức thăm gặp thân nhân gia đình vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết...
Các địa phương thực hiện tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Công tác dự phòng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý cũng được đặc biệt quan tâm.
H. MINH - B. LÂM