Xã hội
Bước tiến mới trong điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
ĐNO - Cách đây 9 năm, bà L.T.N, sinh năm 1946, trú tại quận Hải Châu được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Sau khi biết mình bị ung thư, sức khoẻ và tinh thần của bà N. suy sụp rất nhanh. Tưởng chừng thời gian còn lại của bà N. chỉ tính bằng tháng, nhưng đến nay bà vẫn sống khoẻ cùng gia đình.
Bệnh nhân L.T.N được bác sĩ CKI Hồ Việt Dũng tư vấn trong ngày tái khám 10-4. |
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Kim Thông, Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu trong tất cả các loại ung thư. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng. Thời điểm xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thì bệnh đã ở giai đoạn tiến xa, quá muộn để có thể điều trị khỏi. Vì vậy, khi được chẩn đoán ung thư phổi, bệnh nhân thường mất bình tĩnh, bi quan rất nhiều, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ CKI Hồ Việt Dũng, là bác sĩ đầu tiên tiếp nhận, theo sát sao hành trình điều trị của bệnh nhân N. chia sẻ: “Sức khoẻ của bệnh nhân được cải thiện, chất lượng cuộc sống tốt lên không chỉ là đích đến của cá nhân cô nữa mà sẽ là cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác”.
Trước khi quyết định điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bà N. được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở giai đoạn 4 di căn xương và phổi, đã phẫu thuật và hoá trị đợt 1 tại cơ sở y tế phía Nam. Tháng 9 - 2015, sau khi cân nhắc và tìm hiểu, bà cùng gia đình quyết định chuyển về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để tiếp tục hành trình điều trị.
Tại Bệnh viện Ung bướu, sau 6 đợt hoá trị, tình trạng bệnh của bà dần đi vào ổn định. Trong thời gian này bệnh nhân cũng được xét nghiệm tìm đột biến EGFR nhưng không phát hiện. Tháng 9-2016, bệnh có dấu hiệu tiến triển nên điều trị tiếp tục hóa chất dạng viên uống.
Cuối tháng 3-2019, bệnh lại tiếp tục tiến triển, lúc này bà được sinh thiết khối u và xét nghiệm lại, kết quả phát hiện có đột biến gen ALK. Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm cao nhất của bệnh viện hội chẩn và quyết định tư vấn cho bệnh nhân sử dụng thuốc Ceritinib - tương ứng với đột biến gen ALK.
Thuốc nhắm trúng đích ALK thế hệ mới như Ceritinib đã được chứng minh tính hiệu quả không chỉ trong các trường hợp ung thư phổi ALK - dương tính đơn độc mà còn trong các trường hợp bệnh nhân có biến thể kép (bệnh nhân mang đồng thời hai hoặc nhiều đột biến gen khác nhau liên quan đến sự phát triển của ung thư phổi).
Là người lựa chọn Ceritinib cho bệnh nhân N., bác sĩ CKI Nguyễn Tuấn Anh cho biết, bệnh nhân N. là người đầu tiên sử dụng Ceritinib tại Đà Nẵng và việc sử dụng Ceritinib cho bệnh nhân N. là một bước tiến mới trong điều trị ung thư phổi ở Đà Nẵng.
Tình trạng ho của bệnh nhân được cải thiện sau 2 tháng dùng thuốc và qua các lần tái khám về sau đã tốt dần lên, bệnh thoái lui và đạt mức ổn định.
Hiện tại, sau hơn 5 năm sử dụng thuốc Ceritinibsức khỏe của bà đã được cải thiện rõ rệt, dịch màng phổi còn ít, không còn tình trạng khó thở, cho phép bà N thực hiện các hoạt động hằng ngày một cách thoải mái hơn, tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như dễ dàng thực hiện các sở thích cá nhân.
“Trong thời gian tới, bệnh nhân vẫn được tái khám định kỳ để đánh giá và phát hiện những bất thường, từ đó có kế hoạch điều trị sớm. Hy vọng bệnh nhân có thể giữ được tình trạng ổn định này trong thời gian dài hơn nữa. Ngoài việc sử dụng phác đồ phù hợp với bệnh nhân, trong quá trình điều trị, ý chí và tinh thần của bệnh nhân cực kỳ quan trọng, tinh thần lạc quan của người bệnh không chỉ là một nguồn động viên mạnh mẽ mà còn là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong quá trình điều trị ung thư”, bác sĩ Hồ Việt Dũng cho biết thêm.
H. VÂN - B. LÂM