Xã hội
Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Cách đây chưa lâu, có một học sinh khuyết tật đang học lớp 9 tại một trường THCS của quận Sơn Trà . Em bị bại não, chân tay yếu và hay bị co cứng, nhưng bù lại em rất thông minh, chỉ gặp khó khăn khi viết, nói. Em được chọn đi thi học sinh giỏi môn văn thành phố, gia đình có nguyện vọng xin cho em được làm bài thi bằng máy vi tính khi tham gia các kỳ thi và có giám thị giám sát bên cạnh.
Nhận thấy nguyện vọng của gia đình là chính đáng và cũng là để tạo điều kiện cho tấm gương vượt khó này tham gia kỳ thi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận đã chỉ đạo Hội đồng thi học sinh giỏi thành phố bố trí đặc cách cho em làm bài thi trên máy tính. Và em đã hoàn thành trọn vẹn bài thi của mình. Càng vui hơn khi em đoạt giải Khuyến khích môn văn lớp 9 cấp thành phố.
Câu chuyện trên cho thấy, những chủ trương, quy định, đặc biệt liên quan đến người khuyết tật (NKT) đều cần có sự điều chỉnh, bổ sung để tạo điều kiện cho NKT, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật có cơ hội, điều kiện hòa nhập cộng đồng và phát huy năng khiếu, năng lực của các em, không để các em bị thiệt thòi so với các bạn lành lặn cùng trang lứa. Trường hợp đặc cách nêu trên là một ví dụ cho thấy có thể linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tham gia các kỳ thi. Đồng ý kiến, chị Đặng Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố cho rằng, Nhà nước và ngành giáo dục cần có những cơ chế riêng cho học sinh khuyết tật để các em được hỗ trợ khi tham gia các kỳ thi chung.
Hiện nay, mức trợ cấp xã hội cơ bản của Đà Nẵng dành cho NKT là 400.000 đồng/người, cao hơn mức tối thiểu theo quy định của Trung ương (lớn hơn hoặc bằng 360.000đồng/người); NKT luôn được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đà Nẵng giải quyết kịp thời trong vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội (chỉ sau thành phố Hà Nội), trong khi còn nhiều tỉnh, thành khác cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Về hạ tầng đô thị, ở Đà Nẵng hiện nay, hầu như các vỉa hè có hạ bó vỉa cho xe lăn đi lên; NKT được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí...
Thế nhưng, nguồn hỗ trợ sinh kế (dụng cụ, trang thiết bị sản xuất, hàng hóa…) cho NKT để họ tự sản xuất kinh doanh tại nhà vẫn chưa có. Những năm trước, khi có các dự án của các tổ chức phi chính phủ thì NKT được hỗ trợ trong phạm vi dự án, khi dự án chấm dứt thì lại “về lại số 0”. Các hội cấp quận, huyện hiện nay vẫn làm việc không có phụ cấp chức vụ; ngân sách hoạt động một năm được cấp 10-20 triệu cho hoạt động hành chính văn phòng, không chi cho con người. Chưa có ưu tiên tuyển dụng NKT vào làm công chức, viên chức tại các cơ quan Nhà nước. Các trung tâm đào tạo nghề của Nhà nước còn hạn chế về nghề đào tạo, chỉ có một số nghề nhất định và khi đăng ký thì phải đợi đủ số lượng học viên thì các trung tâm mới mở lớp...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận NKT khó tiếp cận được chính sách ưu đãi về thuế, địa điểm. Theo Luật NKT thì doanh nghiệp phải bảo đảm trên 30% người lao động là NKT mới được công nhận là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của NKT, được miễn thuế thu nhập và được giảm giá thuê mặt bằng, được vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, nếu là doanh nghiệp lớn thuộc khu công nghiệp thì khó mà đạt 30% lao động là NKT. Đơn cử như một công ty của Nhật làm về chế bản in ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh, có thời điểm công ty này nhận tới 25 NKT, nhưng vì tổng số lao động của họ gần 200 nhân viên nên công ty không đạt tiêu chí được ưu đãi theo quy định, không được hưởng chính sách gì. Trong khi ngay đợt đầu để nhận NKT vào, công ty đã tốn nhiều kinh phí để thuê phòng tầng 1 và cải tạo nơi làm việc sao cho phù hợp với NKT.
Để người khuyết tập hòa nhập cộng đồng, cải thiện đời sống bằng chính sức lao động của họ, thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tuyển dụng NKT như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cải tạo địa điểm làm việc. Hiện tại, Đà Nẵng có nhiều resort, nhà hàng, khách sạn lớn, nếu chỉ cần mỗi nơi tuyển vài NKT thì cũng có rất nhiều NKT có việc làm. Nhiều công ty tại các khu công nghiệp, vẫn có thể có nhiều vị trí để NKT vào làm việc… Trường hợp doanh nghiệp, vì một số lý do không tuyển dụng được NKT thì có nguồn quỹ để hỗ trợ sinh kế cho NKT để họ tự làm tại nhà. Đây cũng là một cách tạo việc làm cho NKT cần được quan tâm. Một tín hiệu vui là hiện đã có một số khách sạn lớn Pullman, Grand Mercury, Four Point by Sheraton… tuyển dụng NKT vào làm ở các vị trí như nhân viên buồng phòng, tạp vụ, nhân viên hỗ trợ bộ phận lễ tân…
NKT, đặc biệt là trẻ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nên rất cần đến sự quan tâm và chăm sóc của Nhà nước và xã hội về mặt tinh thần và vật chất để họ có điều kiện phát triển thể chất và học tập cũng như công ăn việc làm sau này. NKT cần được đối xử bình đẳng như những người bình thường khác, tránh sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, xã hội, điều đó giúp họ xóa đi rào cản về mặc cảm bản thân, mạnh dạn, tự tin hòa nhập với mọi người xung quanh. Giành cho NKT, đặc biệt là trẻ em những sự quan tâm thiết thực, cũng là thể hiện tính nhân văn của chế độ.
DÂN HÙNG