Xã hội
Tổ dân phố điển hình về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Với mô hình “Tổ dân phố (TDP) điển hình về phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện”, các địa phương của quận Thanh Khê tích cực triển khai có hiệu quả, duy trì bền vững số người tham BHXH tự nguyện, qua đó góp phần hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Mới đây nhất, TDP số 9 khu vực Thanh Xuân (phường Thanh Khê Đông) được lựa chọn là TDP đầu tiên trong năm 2024 của phường ra mắt và triển khai thực hiện điểm mô hình này. Ông Đỗ Đăng Khoa, Tổ trưởng TDP cho biết, qua thống kê, toàn TDP có 136 người trong độ tuổi lao động. Tại buổi ra mắt mô hình, sau khi nghe tuyên truyền và đối thoại về chính sách và sự ưu việt của BHXH tự nguyện, đã có 8 người dân đăng ký tham gia ngay, đạt tỷ lệ 5,88%.
Vừa qua, TDP 9 khu vực Thanh Xuân tiếp tục vận động thêm 4 người, nâng tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện đạt 8,8%, bảo đảm đáp ứng và vượt tiêu chí “TDP điển hình về phát triển BHXH tự nguyện” (TDP có người tham gia BHXH tự nguyện chiếm hơn 5,75% lực lượng trong độ tuổi lao động - Theo quy định tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-2-2021, Công văn số 3012-CV/TU ngày 30-3-2023 của Thành ủy Đà Nẵng). “Kinh nghiệm là mình gần dân, kiên trì, tích cực vận động để người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực cho bản thân về lâu dài, khi đã hiểu, họ sẽ tự nguyện tham gia”, ông Khoa bộc bạch.
Theo ông Dương Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, toàn phường có 49 TDP. Năm 2024, toàn phường được giao chỉ tiêu vận động 273 người tham gia BHXH tự nguyện. “Nhờ làm tốt công tác rà soát, tuyên truyền, hết quý 1-2024 các đơn vị đã vận động được 96/273 người tham gia, đạt tỷ lệ 35,2%. Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo sát sao các cấp ủy chi bộ để nhắc nhở các TDP tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, các lợi ích thiết thực của người dân sau khi đến tuổi được hưởng lương hưu cũng như các quyền lợi khác, qua đó góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn phường. Chúng tôi tin tưởng, tới cuối năm phường sẽ đạt 100% chỉ tiêu”, ông Dương Thanh Phong chia sẻ.
Ông Lê Lành, Phó Giám đốc BHXH quận Thanh Khê cho biết, chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những lao động tự do, người có thu nhập không ổn định để sau này có lương hưu, làm điểm tựa khi về già, giảm bớt gánh nặng cho con cháu. Đồng thời cũng thể hiện rõ tính nhân văn, tính chia sẻ cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo ông Lê Lành, quận Thanh Khê được coi là một trong những điểm sáng của thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai hiệu quả mô hình “TDP điển hình về phát triển BHXH tự nguyện”. Địa phương được chọn đăng ký là mô hình điểm trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của quận năm 2024. Năm 2023, quận Thanh Khê có 3.955 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 101% kế hoạch giao. Năm 2024, chỉ tiêu này của quận Thanh Khê là 3.767 người. Theo chỉ tiêu kế hoạch giao trong quý 1-2024 vận động 1.162 người, tới nay đã vận động được 1.069 người (đạt tỷ lệ 92%) và đạt 20,6% so với kế hoạch cả năm. Toàn quận cũng đã đề ra kế hoạch, mục tiêu từ nay tới cuối năm sẽ nhân rộng thêm ít nhất 70 TDP điển hình về phát triển BHXH tự nguyện.
“Để đạt được mục tiêu này, ngoài lực lượng nòng cốt của BHXH quận thì UBND các phường cần phải chủ động phát huy trách nhiệm của ban chỉ đạo phường, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu, phân công tổ dân phố, thành viên ban chỉ đạo rà soát, lập danh sách người dân có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện để phối hợp BHXH quận tổ chức hội nghị khách hàng, hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, nhất là phải thường xuyên “gần dân, sát dân” thì việc triển khai thực hiện mô hình sẽ đạt hiệu quả”, ông Lê Lành đúc kết.
ĐẮC MẠNH