Xã hội
60 năm thành lập Bảo Việt: Chuyện về những con đường cứu nạn
Xuyên suốt chiều dài của đất nước, đường bộ Việt Nam có rất nhiều cung đường đèo dốc quanh co, khúc khủy, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tại “những điểm đen” này thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Đường cứu nạn trên quốc lộ 1A qua địa bàn miền Trung. Ảnh: P.V |
Chúng ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế, giảm thiểu tai nạn như lắp gương cầu lồi ở những khúc cua, gờ giảm tốc, hệ lan cứng… Trong đó có một giải pháp có thể bảo đảm an toàn đến rất nhiều cho lái xe và hành khách đi trên xe đó là đường lánh nạn hay còn gọi tên khác “đường cứu nạn”. “Cha đẻ” công trình đường cứu nạn là ông Võ Khắc Mai, nguyên Phó Tổng Giám đốc Khu đường bộ 5. Năm 1992, công trình sáng kiến kỹ thuật của ông Mai được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đưa vào vận hành xây dựng, trở thành quy trình tiêu chuẩn, kỹ thuật đường cứu nạn trên cả nước. Trước đây trên những “cung đường đen” đèo dốc thường xảy ra tai nạn giao thông rất thảm khốc như đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả, đèo Lò Xo, Phụng Lê, quốc lộ số 6 đoạn Hòa Bình - Mộc Châu…
Việc đầu tư xây dựng đường cứu nạn là điều cần thiết và cấp bách, song kinh phí cũng tốn kém khá nhiều. Do vậy Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã trích từ nguồn Quỹ đề phòng hạn chế tổn thất để tài trợ một số con đường cứu nạn, còn gọi là “Đường cứu nạn - Bảo Việt”. Một số đèo như đèo Hải Vân, Cù Mông, đèo Cả,… và một số tuyến đường đèo dốc khác trên cả nước được triển khai đường cứu nạn. Đường cứu nạn đã phát huy tác dụng ngay sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, cứu được hàng loạt xe khách, xe tải bị mất phanh. Qua đó đã cứu được nhiều sinh mạng và tài sản của người dân, giảm thiệt hại cho người dân và xã hội.
Trước đây tôi được giao nhiệm vụ công việc giám định xe cơ giới của Công ty Bảo Việt Đà Nẵng. Đoạn đường đèo Hải Vân thường xảy ra tai nạn nên chúng tôi phải thường xuyên giám định xử lý tai nạn. Thường là xe mất thắng lao xuống vực sâu làm chết và bị thương nhiều người, tài sản thiệt hại nghiêm trọng. Sau khi có đường cứu nạn đã xử lý được những điểm đen tai nạn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Qua phân tích nguyên nhân, ô-tô mất phanh khi đổ đèo, thường quán tính lao rất nhanh, các lái xe thường chọn cách cho xe va vào vách núi, nên hậu quả xảy ra thường rất nghiêm trọng. Khi có đường cứu nạn lái xe có chỗ để vào, khi xe chạy hết đà sẽ dừng lại, vì đường cứu nạn thiết kế có độ dốc ngược so với đường di chuyển của xe. Thực tế trong những vụ ô-tô xảy ra sự cố mất phanh, xe lao vào đường cứu nạn an toàn, thiệt hại về người và tài sản không đáng kể.
Việc đầu tư, xây dựng các con đường cứu nạn là điều rất cần thiết và cấp bách. Bảo Việt đã đi tiên phong phối hợp, hỗ trợ kinh phí để Tổng Cục đường bộ xây dựng các đường cứu nạn các tuyến đường dốc, khúc cua nguy hiểm tại các tỉnh vùng núi phía bắc và miền Trung - Tây Nguyên.
Trong suốt quá trình chiều dài 60 năm hình thành và phát triển của Bảo Việt, bên cạnh những đóng góp to lớn của Bảo Việt cho việc bồi thường các rủi ro tai nạn, thiên tai, bão lụt, nộp ngân sách Nhà nước, Bảo Việt luôn tự hào đi đầu trong các doanh nghiệp về công tác đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất. Bảo Việt tài trợ các dự án lớn làm nhiều đường cứu nạn, lắp đặt gương phản chiếu, bảng báo hiệu giao thông đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu số vụ tai nạn và số người chết, thương vong và thiệt hại tài sản đóng góp rất lớn ổn định đời sống của người dân và xã hội.
VÕ DUY DƯƠNG