Xã hội

Bảo vệ rừng mùa nắng nóng

07:58, 07/05/2024 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng kéo dài dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao, lực lượng kiểm lâm cùng với các địa phương đã chủ động phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC) với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống để bảo đảm an toàn cho những cánh rừng.

Năm qua, toàn thành phố không xảy ra vụ cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.  Trong ảnh: Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thực hiện kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG
Năm qua, toàn thành phố không xảy ra vụ cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. TRONG ẢNH: Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thực hiện kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nâng cao kỹ năng, trách nhiệm phòng cháy rừng

Huyện Hòa Vang có hơn 53.455ha diện tích được quy hoạch sử dụng cho lâm nghiệp, chiếm 72,91% tổng diện tích tự nhiên, được phân bổ trên 61 tiểu khu và khu vực ngoài tiểu khu tại địa bàn 8 xã. Diện tích rừng trên địa bàn huyện với đặc trưng địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông, suối và tiếp giáp với một số địa phương của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… khiến công tác bảo vệ và phát triển rừng của các lực lượng gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, với quyết tâm “bảo vệ rừng tận gốc” của lực lượng kiểm lâm và địa phương, trong năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, độ che phủ rừng lên đến 69,46% (độ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%). Các địa phương đã thành lập 8 tổ xung kích, 42 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với tổng số lực lượng hơn 500 người. Công tác tuyên truyền được tăng cường, thể hiện bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Là một trong những hộ nhiều năm trồng keo lá tràm tại xã Hòa Ninh, ông Nguyễn Cảnh cho biết, hiện gia đình ông có gần 10ha keo lá tràm nên luôn nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng. Ông cùng các thành viên trong gia đình thường xuyên túc trực, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy và sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Ông cho biết, lực lượng kiểm lâm huyện thường xuyên nhắc nhở ông cùng các hộ dân có rừng cần chú ý tuân thủ nghiêm các quy định khi đốt thực bì. Trước khi đốt, cần dọn khoảng cách 6-8m, vận động lực lượng khác như tổ tự quản, tổ PCCC rừng để tham gia, phòng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và phối hợp giữa các lực lượng tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên được các hạt kiểm lâm triển khai. Tại bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà), tháng 4-2024, các kiểm lâm viên, Đội tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng phản ứng nhanh phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tham gia thực tập phương án phòng chống cháy rừng.

Đây là hoạt động do Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tổ chức nhằm tuyên truyền về ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC; đồng thời, đánh giá, kiểm tra khả năng hoạt động của phương tiện, dụng cụ chữa cháy được trang bị; công tác phối hợp giữa các lực lượng tại chỗ trong chữa cháy rừng để kịp thời xử lý sự cố khi mới phát hiện đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn Ngô Trường Chinh cho biết, từ đầu mùa khô đến nay hạt kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở những người đi dã ngoại cẩn trọng trong việc sử dụng lửa chế biến thức ăn, hút thuốc lá ở bán đảo Sơn Trà và những khu vực ven rừng. Đặc biệt, vào mùa du lịch, lượng du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà tham quan rất đông, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã triển khai các giải pháp, trong đó, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trên các điểm có nguy cơ cháy cao. Đội liên ngành cũng luân phiên tuần tra trong ngày, nhất là những giờ cao điểm; tuyên truyền, yêu cầu du khách không sử dụng lửa để nấu thức ăn, hút thuốc trong rừng và khu vực gần rừng khi tham quan du lịch.

Ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cũng cho hay, công tác phối hợp, giám sát, bảo đảm an toàn PCCC rừng tại các khu vực trọng điểm được phối hợp rất chặt chẽ; lực lượng, phương tiện, thiết bị tại chỗ luôn sẵn sàng. Hạt Kiểm lâm thường xuyên triển khai cho chủ rừng, tổ chức cá nhân hoạt động trong rừng, ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định.

Đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh với lực lượng là những người phát triển kinh tế rừng, rành rỏi địa hình rừng Hải Vân để kịp thời xử lý tình huống; huy động trên 120 người tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở; hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án PCCC rừng theo quy định. Hạt Kiểm lâm cũng kiểm tra, duy tu, sửa chữa các phương tiện, dụng cụ PCCC các công trình, chẳng hạn như: đường vận động, đường băng trắng, bể chứa nước, máy móc, dụng cụ… không để bị động và sẵn sàng xử lý khi có cháy xảy ra.

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, công tác PCCC rừng luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là vào mùa khô. Từ đầu năm, chi cục đã triển khai chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm, đặc biệt các chủ rừng rà soát lại các phương án và bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở; củng cố các lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, tổ, đội xung kích. Chi cục Kiểm lâm đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống cháy rừng, chia làm 3 tổ công tác, hoạt động tại các địa bàn trọng điểm, gồm: khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang.

“Việc hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng và cảnh báo PCCC rừng là nhiệm vụ then chốt trong mùa khô này. Nhờ làm tốt công tác này nên trong vài năm gần đây, thành phố không có vụ cháy lớn, chỉ phát lửa nhỏ và được xử lý kịp thời. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, chung tay của chính quyền và nhân dân toàn thành phố”, ông Dũng nhấn mạnh.

VĂN HOÀNG

.