Xã hội
Bài học đắt giá
Nghề báo là một trong những nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Vì thế, nhiều người đến với nghề báo bằng tình yêu, xem nghề như lẽ sống của mình, không ngại dấn thân vào nguy hiểm bằng cả niềm đam mê, thậm chí chấp nhận nguy hiểm để chuyển tải những thông tin nóng hổi, có giá trị phục vụ bạn đọc. Nhưng đáng tiếc vẫn còn một số ít phóng viên xem nghề báo là phương tiện, cơ hội để thực hiện các mục đích cá nhân, không đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo.
Lợi dụng cưỡng đoạt tài sản
Những năm gần đây, tình trạng phóng viên, cộng tác viên một số báo, tạp chí có hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên phạm vi cả nước. Đơn cử, cuối tháng 11-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam một nhóm đối tượng về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đây là vụ án được dư luận xã hội nói chung, làng báo nói riêng rất quan tâm, bởi một đối tượng trong nhóm này từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí. Quá trình hoạt động, đối tượng này quen biết với nhiều cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trên các tỉnh, thành cả nước, đồng thời cũng quen biết với một số nhà xe vận tải hàng hóa đường dài. Khi phát hiện nhiều lái xe mắc các lỗi trong quá trình tham gia giao thông, đối tượng yêu cầu các lái xe này chung chi 6 đến 8 triệu đồng/tháng/1 xe để nhận được “bảo kê”, thu lợi bất chính số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 11-2023, Công an huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) bắt quả tang phóng viên của một tạp chí điện tử về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, biết được một công ty có nhiều sai phạm trong việc khai thác, vận chuyển khoáng sản tại mỏ cát nhưng chưa được khắc phục triệt để, đối tượng này cùng một số người đến điểm khai thác khoáng sản của công ty này để thu thập thông tin, hình ảnh và yêu cầu lãnh đạo công ty phải “chung chi” 9,8 triệu đồng và bị Công an huyện Đại Lộc bắt quả tang. Cuối tháng 4-2024, Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện Hòa Vang) bắt quả tang 2 phóng viên và 1 cộng tác viên của một số cơ quan báo, tạp chí thường trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Trong quá trình tác nghiệp, nhóm đối tượng này phát hiện một doanh nghiệp có sai phạm trong việc vận chuyển đất, cát tại các dự án đang thi công trên địa bàn huyện Hòa Vang và đe dọa, tống tiền…
Trên đây là những vụ việc điển hình trong số nhiều vụ việc mà các đối tượng lợi dụng danh nghĩa phóng viên, nhà báo để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản người dân trong thời gian qua, làm vấy bẩn hình ảnh, sứ mệnh thiêng liêng của nhà báo chân chính. Và những người làm báo chân chính, có lòng tự trọng rất bức xúc trước những vụ việc này, bởi họ đã làm ô danh nghề báo, làm mất đi hình ảnh và sự tin cậy của báo giới trong cộng đồng.
Đạo đức nghề báo là vấn đề cốt lõi
Theo thống kê của Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nhà báo. Trong đó, có 75 trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Các cơ quan ở trung ương, địa phương đơn vị đã xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước hiện có hơn 800 cơ quan báo chí hoạt động ở các loại hình. Đa số cơ quan báo, tạp chí đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện nhiệm vụ tuyên tuyền quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng. Nhưng bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử diễn ra khá nhiều. Hầu hết các vụ phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, tống tiền rơi vào nhóm này. Thay vì hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích là làm công tác nghiên cứu, đưa tin hoạt động chuyên môn ở các lĩnh vực theo giấy phép được cấp, các tạp chí, trang thông tin điện tử sản xuất tin, bài thời sự các vấn đề xã hội theo kiểu “vạch lá tìm sâu” sai phạm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để gây áp lực kiếm hợp đồng quảng cáo hoặc vòi vĩnh…
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc xử lý quyết liệt tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử. Trong đó, có việc công bố giấy phép hoạt động, tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo, đài, tạp chí, trang thông tin điện tử để người dân nhận biết. Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng trên, các sở thông tin và truyền thông cần phối hợp các cơ quan chức năng chủ động vào cuộc quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, đồng thời có những quy định cụ thể để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận biết. Với những phóng viên, cộng tác viên tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử yêu cầu làm việc hoặc cung cấp thông tin, tài liệu làm tin bài thời sự thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có quyền từ chối với lý do hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Luật Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã có quy định khá rõ về đạo đức người làm báo. Trong đó, “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” của Hội Nhà báo Việt Nam nêu ra các chuẩn mực cụ thể nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Quy định này không chỉ tạo hành lang pháp lý đối với người làm báo, mà còn khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí. Vì thế, để thanh lọc “con sâu” trong làng báo, cùng với việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân trực tiếp vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp chấn chỉnh mạnh tay đối với các cơ quan báo chí để xảy ra tình trạng phóng viên làm sai, khiến dư luận bức xúc.
BÌNH MINH