Xã hội

Nhà báo làm nhà văn

08:50, 21/06/2024 (GMT+7)

Từ trước đến nay, báo chí và văn chương vẫn thường được ví như hai anh em, có nhiều nét tương đồng, đôi khi gắn bó khăng khít đến mức “văn, báo bất phân”. Nhiều nhà báo không chỉ nổi tiếng trên mặt trận báo chí, mà còn gây được tiếng vang với những áng văn, vần thơ đi vào lòng người.

1. Đà Nẵng có nhiều nhà báo viết văn hay, cũng có nhiều nhà văn có tác phẩm đăng báo. Tuy nhiên, đa phần họ chỉ có một nghề nghiệp chính, là nhà báo hoặc nhà văn, nhà thơ, không nhiều người vừa được gọi với danh xưng nhà báo, vừa là nhà văn.

Nhà báo Đoàn Hạo Lương (giữa) chia sẻ về cuốn sách “Đi cùng Long” trong một buổi talkshow do Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: X.D
Nhà báo Đoàn Hạo Lương (giữa) chia sẻ về cuốn sách “Đi cùng Long” trong một buổi talkshow do Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: X.D

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào (phóng viên Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) là một người trong số ít đó. Hơn 20 năm gắn bó với nghề báo lẫn văn chương, tên tuổi của chị đã trở nên quen thuộc với độc giả Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn chương, chị có nhiều tác phẩm in riêng như: Ngày không trở lại (thơ, NXB Đà Nẵng, 2007), Dệt (thơ, NXB Văn học, 2012), Nàng ở cổng trời (truyện ngắn, NXB Đà Nẵng, 2014), Mùa đi trên những mái rêu (tản văn, NXB Kim Đồng, 2019).

Đồng thời, đoạt nhiều giải thưởng về văn học - nghệ thuật như: giải A Hội Nhà văn thành phố năm 2012 (tập thơ Dệt); giải C của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2014 (tập truyện ngắn Nàng ở cổng trời); tặng thưởng tác phẩm hay của tạp chí Văn - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012… Gần đây, tác phẩm “Mùa hoa phố Hội”, chị viết để khắc họa những sắc màu, đường nét và cả phần hồn của Hội An (tỉnh Quảng Nam) còn được chọn đưa vào sách giáo khoa (sách Tiếng Việt 4, tập 1, bộ sách Chân trời sáng tạo).

Với Nguyễn Thị Anh Đào, báo chí và văn chương không chỉ là đam mê, mà còn là công việc, phải làm bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm. Khi viết báo hay viết văn, tác giả đều phải trả lời những câu hỏi viết cho ai, viết thế nào, viết ra làm sao… Điều quan trọng là người viết vận dụng tiếng Việt ra sao để làm cho tác phẩm đi theo đúng thể loại, lĩnh vực mà mình đang hướng đến. Trong báo chí, người viết cần bảo đảm tính chính xác, thời sự, nhưng trong văn chương, người viết có thể hư cấu sự việc, con người để lôi cuốn bạn đọc.

Theo nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào, những người vừa là nhà báo, vừa là nhà văn có lợi thế rất lớn trong sáng tạo tác phẩm. Những nhà báo có năng khiếu văn chương sẽ dễ dàng tiếp cận, có khả năng thực hiện tốt những thể loại báo chí chính luận nghệ thuật, ký, phóng sự. Còn những nhà văn, đồng thời là nhà báo có cơ hội tiếp xúc nhiều với các vấn đề xã hội, từ đó nhiều chất liệu để sáng tác văn học nghệ thuật. “Nhà báo sống bằng lý trí, còn nhà văn sống bằng trái tim.

Nhà văn cần sự tĩnh lặng, đưa trái tim chạm đến cảm xúc sau đó diễn ra bằng ngôn ngữ văn học. Vì vậy, khi vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, người viết phải vạch rõ ranh giới giữa hai lĩnh vực. Có như vậy, tác phẩm mới bảo đảm chất lượng và được bạn đọc đón nhận”, nhà báo Anh Đào bộc bạch.

2. Với bạn đọc Đà Nẵng, bút danh Đoàn Hạo Lương (phóng viên Báo Đà Nẵng) không phải cái tên xa lạ khi anh có nhiều tác phẩm báo chí và văn chương. Trong báo chí, anh là một cây bút với hơn 20 năm làm nghề và từng phụ trách viết tin, bài ở nhiều lĩnh vực.

Còn với văn chương, có thể gọi anh là cây viết trẻ bởi đến năm 2015, anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay mang tên “Vệt nắng” (NXB Hội Nhà văn). Từ đây, văn chương không còn đơn thuần là đam mê, mà có thể xem đây là một “nghề phụ” của anh với nhiều sáng tác được in chung trong những tập sách của các nhà xuất bản khác nhau.

Đến năm 2023, ký sự Tây Bắc “Đi cùng Long” (NXB Đà Nẵng) - đứa con tinh thần thứ hai của anh ra đời, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc và được giới chuyên môn đánh giá cao. Đây là cuốn sách được viết trên thể loại ký sự báo chí - một thể loại chính luận nghệ thuật, đòi hỏi vừa có chất báo lẫn chất văn.

Với “nghề phụ” của mình, nhà báo Đoàn Hạo Lương đặt mục tiêu mỗi năm xuất bản từ 1-2 cuốn sách. Trước tiên, ưu tiên thể loại tản văn, bút ký, thơ và sau đó là tiểu thuyết. Hiện nay, anh đang chuẩn bị cho ra mắt thêm tập sách “Vết mưa ngày cũ” với thể loại tản văn, kể về những thay đổi sự phát triển của Đà Nẵng qua sự soi chiếu của một trí thức trẻ (tác giả).

Ngót nghét gần chục năm bén duyên với văn chương, nhà báo Đoàn Hạo Lương cho rằng, nghề báo và nghề văn có điểm chung là dùng ngôn ngữ/con chữ để sáng tạo nên tác phẩm và lấy chất liệu, cảm hứng sáng tác từ cuộc sống.

Những trải nghiệm từ nghề báo, kỹ năng tác nghiệp và viết báo hỗ trợ rất nhiều cho công việc viết văn. Tuy nhiên, dù là nghề báo hay văn đều cần phải có đam mê, tình yêu với nghề thì mới có thể đi đường dài và sáng tác những tác phẩm chất lượng, được công chúng ghi nhận. Vì vậy, dù báo chí và văn chương có thể ví như hai anh em, song, không phải nhà báo nào cũng có thể làm văn, thơ và ngược lại, không phải nhà văn nào cũng có thể viết báo.

“Thế mạnh của tôi là lối văn phong giàu cảm xúc và giàu tính tự sự nên sự trải nghiệm trong công việc làm báo, cụ thể là tác nghiệp đã giúp tôi có nhiều vốn sống và cảm xúc để tạo nên cảm hứng trong sáng tác. Người ta nói “Viết báo là có mục đích, còn viết văn là cảm xúc”. Với tôi, viết văn là nhu cầu tự thân, bởi muốn sáng tác được một tác phẩm văn học, tập sách, đòi hỏi người viết phải mất rất nhiều thời gian, công sức nếu không có niềm đam mê, sự chịu khó và kiên trì thì khó có thể làm được”, nhà báo Đoàn Hạo Lương chia sẻ.

XUÂN DŨNG

.